Nhận biết triệu chứng suy giáp ở trẻ em

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết rất quan trọng của cơ thể, các bệnh lý tuyến giáp cũng phổ biến hơn là bạn nghĩ: Trên 12% dân số tại Mỹ sẽ bị mắc bệnh tuyến giáp tại một thời điểm nào đó trong đời. Căn bệnh này có thể ảnh hưởng tới bất cứ độ tuổi nào, bao gồm cả trẻ em và trẻ sơ sinh.

Nguyên nhân gây suy giáp ở trẻ em

Nguyên nhân hàng đầu gây suy giáp ở trẻ em đó là tiền sử gia đình. Trẻ có cha mẹ, ông bà hay anh chị em đã mắc bệnh suy giáp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ khác. Nguy cơ này cũng hiện diện nếu tiền sử gia đình gặp một số vấn đề nào đó về miễn dịch có tác động đến tuyến giáp.

Một số bệnh tự miễn như bệnh Graves (bệnh basedow) hay viêm tuyến giáp Hashimoto thường khá phổ biến trong độ tuổi dậy thì. Những căn bệnh này ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới.

Các nguyên nhân khác có thể gây suy giáp ở trẻ em bao gồm:

  • Không cung cấp đủ iode trong chế độ ăn
  • Khi sinh ra tuyến giáp không hoạt động hoặc không có tuyến giáp (suy giáp bẩm sinh)
  • Người mẹ mắc bệnh lý tuyến giáp nhưng không điều trị triệt để trong thai kỳ
  • Bất thường về tuyến yên
Nhận biết triệu chứng suy giáp ở trẻ em

Các triệu chứng suy giáp ở trẻ em

Trẻ sơ sinh

Suy giáp có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng các triệu chứng cũng khá khác nhau giữa từng cá nhân. Đối với trẻ sơ sinh, các triệu chứng biểu hiện trong vài tuần đầu hay vài tháng đầu sau sinh. Các triệu chứng trong giai đoạn này dễ bị cha mẹ hay bác sỹ bỏ qua, bao gồm:

  • Vàng da, vàng mắt
  • Táo bón
  • Không chịu bú mẹ
  • Da lạnh
  • Ít khóc
  • Thở mạnh
  • Ngủ nhiều hơn/giảm hoạt động
  • Thóp mềm có kích thước lớn hơn trên đỉnh đầu
  • Lưỡi to

Trẻ độ tuổi tập đi và trẻ tiểu học

Các bệnh lý tuyến giáp trong giai đoạn này có thể biểu hiện bên ngoài thành các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Thấp hơn chiều cao trung bình
  • Độ dài chi ngắn hơn trung bình
  • Răng vĩnh viễn mọc chậm
  • Dậy thì muộn
  • Chậm phát triển trí tuệ
  • Nhịp tim chậm hơn bình thường
  • Tóc giòn
  • Mặt sưng húp

Một số triệu chứng bệnh lý tuyến giáp ở người lớn có thể biểu hiện ở trẻ em:

  • Mệt mỏi
  • Táo bón
  • Da khô
Nhận biết triệu chứng suy giáp ở trẻ em

Thiếu niên

Ở lứa tuổi này, trẻ em gái có tỷ lệ mắc bệnh suy giáp lớn hơn trẻ em trai và thường là các căn bệnh tự miễn như viêm tuyến giáp Hashimoto. Những trẻ có tiền sử gia đình mắc các bệnh tự miễn như viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Graves hay tiểu đường type 1 có nguy cơ mắc các bệnh lý tuyến giáp cao hơn những trẻ khác. Trẻ với các rối loạn di truyền như mắc hội chứng Down cũng có nguy cơ cao mắc bệnh lý tuyến giáp.

Các triệu chứng ở trẻ độ tuổi vị thành niên có biểu hiện giống như ở người lớn nhưng có thể mơ hồ và khó nhận ra. Một số triệu chứng lâm sàng:

  • Tăng cân
  • Chậm phát triển
  • Chiều cao thấp hơn trung bình
  • Trông trẻ hơn tuổi thật
  • Chậm phát triển tuyến vú
  • Dậy thì chậm
  • Xuất huyết nặng trong chu kỳ
  • Tăng kích thước tinh hoàn ở trẻ em trai
  • Da khô
  • Tóc và móng giòn
  • Táo bón
  • Mặt sưng to, giọng nói khan, tuyến giáp lớn
  • Đau cơ và cứng khớp

Những trẻ vị thành niên mắc bệnh tuyến giáp có thể có sự thay đổi về hành vi như:

  • Mệt mỏi
  • Hay quên
  • Các vấn đề về tâm trạng và hành vi
  • Khó khăn khi học tập tại trường
  • Chán nản, trầm cảm
  • Khó tập trung
Nhận biết triệu chứng suy giáp ở trẻ em

Chẩn đoán và điều trị suy giáp ở trẻ em

Chẩn đoán

Bác sỹ sẽ đưa ra biện pháp tốt nhất để chẩn đoán bệnh ở trẻ phụ thuộc vào độ tuổi và các yếu tố khác. Nói chung, việc kiểm tra về thân thể cũng như xét nghiệm đặc hiệu có thể giúp xác nhận chẩn đoán. Các xét nghiệm có thể bao gồm xét nghiệm máu đo nồng độ hormon TSH hay thyroxine (T4) hay các test hình ảnh. Theo ước tính cứ 4000 trẻ thì có 1 trẻ được chẩn đoán bị suy giáp bẩm sinh.

Sự phì đại của tuyến giáp, tên gọi khác là bướu cổ, có thể gây khó khăn khi hít thở và nuốt. Bác sỹ có thể phát hiện được triệu chứng này bằng cách kiểm tra phần cổ của trẻ.

Điều trị

Có nhiều lựa chọn điều trị đối với bệnh lý suy giáp, điển hình là liệu pháp bổ sung hormon hàng ngày dưới dạng thuốc levothyroxine (Synthroid). Liều lượng do chỉ định của bác sỹ và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi của trẻ.

Điều trị cho trẻ sơ sinh mắc bệnh lý tuyến giáp sẽ dễ thành công hơn nếu được bắt đầu sớm trong vòng 1 tháng đầu đời. Nếu không được điều trị, sự suy giảm nồng độ hormon giáp có thể dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng đối với hệ thần kinh hay trì hoãn sự phát triển. Tuy nhiên, các bác sỹ sẽ thường xuyên kiểm tra và theo dõi trẻ trong vòng 4 tuần đầu đời nên hầu như nguy cơ này sẽ ít khi xảy ra.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan