Làm gì khi sữa xuống quá mạnh?

Cần làm gì khi sữa xuống mạnh? Để bé không bị sặc sữa, sợ tia sữa mạnh cần điều chỉnh khớp ngậm, tư thế bú đúng, sữa mẹ không nên quá nhiều hơn nhu cầu của bé; điều chỉnh giảm bớt lượng sữa... Nếu vẫn không cải thiện, mẹ tham khảo 3 cách dưới đây...

Ghi nhớ

Để bé không bị sặc sữa, sợ tia sữa mạnh:

  • Điều chỉnh khớp ngậm, tư thế bú đúng
  • Sữa mẹ không nên quá nhiều hơn nhu cầu của bé (sữa quá nhiều là sữa bắn ra mạnh)
  • Nếu sữa quá nhiều, cần điều chỉnh giảm bớt lượng sữa
  • Nếu vẫn không cải thiện, mẹ tham khảo 3 cách dưới đây.

Trong hành trình cho con bú, có thể các mẹ sẽ gặp trường hợp sữa xuống mạnh quá làm cho bé sợ và quấy, không dám bú tiếp. Thường thì bé sẽ ngậm ti mẹ và nhả trong vòng 1 - 2 phút đầu. Sau đây là một số cách mẹ có thể áp dụng thử.

Trước khi áp dụng các phương pháp dưới đây, mẹ cần xem bản thân mình có quá nhiều sữa không? Có bị quá tải sữa hay không? Nếu có thì cần giảm sữa đủ với nhu cầu của bé. Sữa quá nhiều cũng khiến cho tia sữa quá mạnh. Mặc khác, sữa nhiều cũng không tốt (dư thừa, nguy cơ tắc tia, nguy cơ bé bú nhiều sữa đầu, ít sữa cuối).

1. Điều chỉnh tư thế bú

Mẹ có thể áp dụng thử các tư thế dưới đây. Các tư thế này đều giúp giảm trọng lực tia sữa bắn vào miệng bé: tư thế mẹ nửa nằm nửa ngồi, đầu bé cao hơn thân người bé.

2 copy 2

6 copy

2. Cho bé bú sau khi phản xạ sữa xảy ra 

Ngay khi mẹ có giảm giác xuống sữa: châm chích/rần rần 2 bên ngực hay sữa chảy ra từ 2 đầu ti, lập tức đưa ngón út vào khóe miệng của bé, rút ti ra, không rút ra một cái “pặc” sẽ dễ làm tổn thương đầu ti.

Sau đó mẹ đợi phản xạ xuống sữa qua đi, khoảng 30 giây đến 1 phút, trong lúc này dùng hai gạc sữa thấm sữa 2 bên ngực, sau đó cho bé ngậm ti trở lại.

3. Hút bớt sữa đầu

Nếu hai cách trên không được, mẹ sẽ dùng cách này.

Hút bớt sữa bên ngực bé bú, có thể bắt đầu mình hút 50ml, sau đó cho bé bú thử.

Nếu bé vẫn sợ hút tiếp nữa cho tới khi bé hợp tác. Ví dụ hút đến 90ml bé mới chịu bú êm, thì mỗi lần trước khi bé bú. mẹ sẽ hút khoảng 90ml rồi mới cho bé ti. Sau vài ngày bé quen, không sợ nữa, mẹ sẽ hút ít lại, giảm thành 70ml. Khi bé quen lại giảm còn 50ml chẳng hạn, rồi 30 ml. Như vậy mình sẽ tập bé quen dần với hiện tượng xuống sữa, bé có thể tự xử lý.

Cuối cùng là không cần hút nữa.

Không nên lạm dụng cách này mà duy trì hút sữa hoài sẽ khiến mẹ sữa đã nhiều lại càng nhiều, bé cần học cách thích nghi, tự xử lý phản xạ xuống sữa.

* Lưu ý

Mẹ nên điều chỉnh giúp bé quen với phản xạ xuống sữa mạnh ngay khi bé có dấu hiệu sợ, không nên để đến khi bé không còn chịu ngậm ti mẹ nữa.

Nếu bé sợ đến mức không chịu ngậm ti mẹ nữa, mẹ cần phản rất kiên nhẫn để tập cho con bú mẹ trở lại. Vừa áp dụng cách thứ 3, vừa áp dụng kết hợp các phương pháp sau:

  • Thử cho bú ở các tư thế khác nhau, tìm tư thế dễ chịu nhất với bé
  • Cho bé bú khi bé đang lim dim muốn ngủ, hay khi bé vừa thức giấc, chưa tỉnh hẳn, còn ngà ngà
  • Môi trường xung quanh bé nên “tối” một tí và yên tĩnh
  • Có thể đứng lên, đu đưa bé trong khi đang tập cho bé chịu ngậm ti, khi bé ngậm ti được thì lại ngồi xuống.

Xem thêm:

>>> Kỹ thuật vắt sữa bằng tay

>>> Kỹ thuật hút sữa bằng máy

BS Lê Ngọc Anh Thy
Chuyên viên tư vấn sữa mẹ quốc tế – IBCBC

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan