Dậy thì sớm ở trẻ em

Bạn cho rằng chẩn đoán hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ khá đơn giản. Nếu cô con gái 6 tuổi của bạn có dấu hiệu phát triển ngực hay cậu con trai 7 tuổi bắt đầu xuất hiện lông vùng dưới cánh tay, liệu những bằng chứng này có là đủ?

Sự thật không phải như vậy. Dậy thì sớm là rất khó chẩn đoán, thậm chí ngay cả với những chuyên gia trong lĩnh vực này. Các bác sỹ sẽ phải làm gì để có thể chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị cho những trường hợp dậy thì sớm? Dưới đây là một danh sách những vấn đề cần phải xem xét. Có phải dậy thì sớm hay không? Trẻ được cho là dậy thì sớm khi nữ dưới 8 tuổi và nam dưới 9 tuổi. Tiến sỹ - bác sỹ Paul Kaplowitz, giám đốc khoa nội tiết, trung tâm  Nhi khoa quốc gia nhi đồng ở Washington (Mỹ) nói: “Trong số tất cả các trẻ em có dấu hiệu dậy thì sớm thì chỉ khoảng 10% là thực sự có tình trạng này. Rất nhiều bậc phụ huynh đưa trẻ đến khám với tâm trạng thực sự lo lắng mà không có lý do chính đáng.” Kaplowitz đã quan sát thấy rất nhiều trẻ xuất hiện các dấu hiệu như có ngực sớm và mọc lông mu. Những trường hợp này có thể không kèm theo các dấu hiệu khác do đó không được coi là dậy thì sớm. Theo bác sỹ Jami Josefson thuộc khoa nội tiết bệnh viện nhi đồng Memorial ở Chicago (Mỹ), nếu bạn cho rằng con mình đang có dấu hiệu của dậy thì sớm thì đừng vội kết luận. Hãy hỏi bác sỹ nội tiết nhi khoa để hiểu rõ hơn. Dậy thì sớm ở trẻ em Ảnh minh họa. Chẩn đoán dậy thì sớm Hiện tượng dậy thì sớm được chia làm 2 loại. Phổ biến nhất là tình trạng dậy thì sớm trung ương, xảy ra khi não bộ khởi động quá trình dậy thì bằng cách kích thích giải phóng sớm nhiều loại hormone khác nhau. Trong hầu hết các trường hợp, dậy thì sớm trung ương là do bệnh lý, ví dụ như do bị nhiễm trùng hay do sự phát triển của não. Dậy thì sớm ngoại biên ít gặp hơn, thường xuất hiện khi buồng trứng hoặc tinh hoàn bị u hay u nang, điều này kích thích giải phóng các hormone như estrogen hay testosterone. Để chẩn đoán dậy thì sớm, bác sỹ sẽ hỏi và đưa ra một số test kiểm tra bao gồm:
  • Kiểm tra: để giúp đánh giá những thay đổi về mặt sinh lý và thể hình cơ thể.
  • Hỏi  tiền sử gia đình: nếu trong gia đình đã từng có trường hợp dậy thì sớm.
  • Xét nghiệm máu: đo mức nồng độ một số hormone và tuyến giáp.
  • Chụp X-quang: thường ở cẳng tay và cổ tay để kiểm tra tuổi xương của trẻ. Đây là cách để kiểm tra xem trẻ phát triển nhanh thế nào.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) não bộ. Cách này đôi khi được sử dụng để kiểm tra các vấn đề bệnh lý gây dậy thì sớm trung ương như là khối u. Tuy nhiên biện pháp này không nên áp dụng rộng rãi cho mọi trẻ em.
  • Siêu âm: siêu âm buồng trứng có thể có ích trong một số trường hợp.
Dậy thì sớm: Lựa chọn điều trị Đối với dậy thì sớm trung ương, dùng hợp chất tương tự hormone GnRH là liệu pháp điều trị chuẩn. Cơ chế hoạt động của chất này là ức chế tiết các hormone thúc đẩy quá trình dậy thì do tuyến yên tiết ra. Chất này chủ yếu được tiêm hay cấy dưới da. Đường tiêm: thuốc được tiêm bắp mỗi tháng một lần hay tiêm dưới da hàng ngày. Cấy dưới da dưới dạng tuyp nhỏ, vị trí thường là ở mặt trên cánh tay. Dạng thuốc cấy này sẽ giải phóng dần dần vào cơ thể. Ngoài ra còn có dạng thuốc xịt mũi dùng hàng ngày. Hợp chất tương tự GnRH có tác dụng khá tốt. Trong tháng đầu điều trị, những dấu hiệu của dậy thì có thể xuất hiện rõ rệt hơn. Tuy nhiên sau đó, chúng sẽ biến mất. Theo Kaplowitz, ở các bạn gái, ngực sẽ bị thu nhỏ lại sau 6 đến 12 tháng điều trị. Một số trường hợp khác, chúng gần như biến mất hoàn toàn.” Các tác dụng phụ của hợp chất tương tự GnRH thường nhẹ, gồm có đau đầu, các triệu chứng của mãn kinh (như nóng bừng mặt), và áp-xe tại vị trí tiêm. Không có bằng chứng cho thấy những chất này sẽ gây ra những vấn đề lâu dài. Các biện pháp điều trị khác bao gồm: Progestin: tiêm progestin cũng được coi là biện pháp điều trị chuẩn cho dậy thì sớm trung ương. Tuy nhiên thuốc này kém tác dụng hơn là các chất tương tự GnRH. Các biện pháp khác: Phẫu thuật và xạ trị có thể cần thiết trong trường hợp dậy thì sớm trung ương được kích hoạt do một khối u ở não. Việc cắt bỏ khối u không phải luôn luôn giải quyết được tất cả các triệu chứng. Vậy các biện pháp này có tác dụng duy trì trong bao lâu? Điều này phụ thuộc vào cá nhân và tốc độ lớn của trẻ. Một vài nghiên cứu cho rằng các biện pháp này sẽ không có tác dụng khi trẻ trên 11 tuổi. Việc điều trị đối với trường hợp dậy thì sớm ngoại biên hoàn toàn khác. Nó phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Trong một số trường hợp, cần thiết phải phẫu thuật để loại bỏ khối u hay u nang khỏi buồng trứng hay tinh hoàn. Đôi khi thuốc điều trị cũng có tác dụng tốt. Dậy thì sớm trung ương: Cân nhắc điều trị Tuy việc điều trị dậy thì sớm trung ương có hiệu quả khá tốt nhưng không phải mọi trẻ em đều cần. Vậy các bác sỹ sẽ quyết định ra sao? Dưới đây là một số điều họ cần phải cân nhắc. Thời điểm kể từ lúc chẩn đoán: Sau khi quan sát thấy những dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ, bác sỹ có thể phải đợi tới 6 tháng trước khi quyết định điều trị cho trẻ. Ở một số trẻ có dấu hiệu rõ ràng của dậy thì sớm, các triệu chứng lại có dấu hiệu chậm lại hay tự chấm dứt. Tuổi của trẻ: Trẻ càng nhỏ thì bác sỹ càng khuyến cáo điều trị. Một cô bé 7 tuổi rưỡi với dấu hiệu dậy thì sớm có thể không cần điều trị bởi đây là độ tuổi khá gần với thời điểm bình thường của dậy thì. Việc điều trị có thể mang lại hiệu quả tốt hơn đối với trẻ khoảng 5 – 6 tuổi. Tốc độ phát triển: Tốc độ dậy thì là mấu chốt của vấn đề. Nếu một cô bé có dấu hiệu của phát triển ngực nhưng quá trình này xảy ra chậm thì bác sỹ có thể khuyến cáo không cần điều trị. Tuy nhiên nếu tốc độ phát triển quá nhanh – thậm chí với cả trẻ lớn thì điều trị có thể là điều cần thiết. Chiều cao hiện tại: Kaplowitz nói rằng nếu không được điều trị, phần lớn trẻ bị dậy thì sớm trung ương sẽ đạt tới chiều cao trung bình như người lớn. Tuy nhiên, một số trẻ sẽ có nguy cơ bị lùn khi trưởng thành, nhất là những trẻ dưới 6 tuổi và những trẻ thấp hơn so với tuổi trung bình khi chúng bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu này. Đối với những trẻ này thì bác sỹ sẽ khuyên nên điều trị. Sự trưởng thành về mặt cảm xúc: Điều này có liên quan tới tuổi, nhưng đó là một vấn đề riêng biệt. Một vài trẻ sẽ có khoảng thời gian khó khăn do những thay đổi về thể chất và cảm xúc ở tuổi dậy thì. Một số bé gái sẽ cảm thấy bối rối hay sợ hãi khi kinh nguyệt xuất hiện. Dậy thì sớm ở trẻ em Ảnh minh họa. Đồng hành cùng bác sỹ Theo Josefson, nếu bạn cho rằng con bạn có những dấu hiệu của dậy thì sớm,cần tìm kiếm sự giúp đỡ ngay. Nếu để quá trễ, mọi chuyện sẽ khó kiểm soát hơn. Không có một công thức chắc chắn để quyết định xem khi nào trẻ nên được điều trị. Điều quan trọng là phải tìm được bác sỹ hay chuyên gia mà bạn cảm thấy tin cậy. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh và giúp trẻ cảm thấy an tâm. Đôi khi bạn quá lo lắng về những hậu quả của hiện tượng dậy thì sớm nhưng con bạn có thể không gặp phải vấn đề gì. Nếu trẻ cảm thấy tự ti về những thay đổi cơ thể hay bị trêu chọc ở trường, hãy nhờ đến sự giúp đỡ tư vấn của bác sỹ điều trị có kinh nghiệm. Hãy trò chuyện với con Đừng phó mặc mọi chuyện cho bác sỹ. Bản thân cha mẹ cũng có vai trò rất quan trọng trong vấn đề này. Kaplowitz nói: “Cha mẹ thực sự cần phải giáo dục trẻ về hiện tượng dậy thì sớm, về những vấn đề gặp phải khi cơ thể thay đổi. Tôi nhận thấy rằng khi cha mẹ dành thời gian giải thích những điều sẽ xảy ra và chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ, họ thường giải quyết việc đó rất tốt.” Một trong số những điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm là hãy cố gắng trấn an trẻ rằng trẻ hoàn toàn bình thường. Theo Josefson , cha mẹ nên giúp trẻ hiểu rằng chứng dậy thì sớm không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Chúng đang trải qua quá trình phát triển bình thường mà ai cũng phải trải qua. Con bạn có thể sẽ bắt đầu giai đoạn đó sớm hơn những trẻ khác nhưng điều đó là hoàn toàn bình thường. Thông tin thêm trong bài viết: Trò chuyện với con khi con bước vào tuổi dậy thì

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan