Thai chết lưu

Thai chết lưu là tất cả các trường hợp trứng đã thụ tinh và làm tổ được trong tử cung, nhưng không phát triển được thành thai nhi trưởng thành, bị chết và lưu lại trong tử cung. Thai chết lưu có thể gặp ở mọi giai đoạn của thời kỳ mang thai, nếu không
Thursday, 19/10/2017

Thai chết lưu là gì?

Thai chết lưu là tất cả các trường hợp trứng đã thụ tinh và làm tổ được trong tử cung, nhưng không phát triển được thành thai nhi trưởng thành, bị chết và lưu lại trong tử cung.Thai chết lưu có thể gặp ở mọi giai đoạn của thời kỳ mang thai. Nếu không phát hiện sớm, thai chết lưu dễ dẫn đến biến chứng nhiễm trùng và rối loạn đông máu ảnh hưởng tính mạng người mẹ.\

Triệu chứng, biểu hiện thai chết lưu

Triệu chứng của thai lưu khá rõ rệt, người mẹ có thể tự nhận biết được, như tự nhiên hết nghén (nếu thai còn nhỏ đang ở giai đoạn nghén), bụng không to thêm hoặc nếu đã to rồi thì mỗi ngày một nhỏ đi. Nếu thai đã máy hoặc đạp thì thai phụ không thấy máy hoặc đạp nữa. Sau khi thai chết, vú căng to hơn và có sữa non.Khi thăm khám, bác sĩ sẽ thấy tử cung nhỏ hơn tuổi thai; tim thai không nghe được, ra máu đen ở âm đạo. Qua nghe tim thai và siêu âm, bác sĩ có thể chẩn đoán được thai mới chết hay chết đã lâu. Thai chết lưu trong trường hợp quá non (1 - 2 tháng) có thể tự tiêu biến đi mà chính người mẹ cũng không biết mình đã có thai.Nếu thai đã lớn (3- 6 tháng) thì sẽ sảy; hoặc đẻ nếu trên 6 tháng. Tuy vậy, thời hạn từ khi thai chết đến lúc sảy hoặc đẻ ở mỗi người một khác. Thông thường thai chết ở tuổi càng lớn thì thời gian lưu lại trong tử cung càng ngắn. Thai lưu trước hết gây cảm giác sợ hãi cho người mẹ và mọi người trong gia đình vì bị ám ảnh bởi việc đang mang một xác chết trong bụng.Tuy nhiên, nếu thai chết lưu được phát hiện sớm để can thiệp thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tính mạng người mẹ. Quá trình sảy hoặc đẻ của thai chết lưu diễn biến như các ca sảy hoặc đẻ bình thường. Tuy nhiên, nếu để muộn cũng có thể dẫn đến tình trạng bị nhiễm trùng, rối loạn đông máu gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nhận biết thai chết lưu

Khi phát hiện mình có dấu hiệu thai chết lưu, mẹ bầu nên lập tức đến gặp bác sĩ để được xử lý kịp thời và an toàn.Có thể nói rằng, thai chết lưu là nỗi lo, nỗi ám ảnh thường trực của đa số thai phụ. Thai lưu là trường hợp trứng đã thụ tinh và làm tổ được trong tử cung tạo thành bào thai, nhưng bị chết và lưu lại trong tử cung trên 48 giờ. Xử lý càng sớm càng tốt sẽ giúp giảm thiểu rủi ro đối với tính mạng của người mẹ.Siêu âm là một trong những phương pháp có thể giúp thai phụ phát hiện sớm hiện tượng này. Khi thấy các dấu hiệu bất thường, bạn cần đi khám ngay để được các bác sĩ tư vấn, trợ giúp kịp thời.

Nguyên nhân thai chết lưu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai chết lưu và cũng có nhiều trường hợp thai chết lưu không tìm thấy nguyên nhân. Song, các nguyên nhân thường gặp đó là:

1. Nguyên nhân từ phía người mẹ

  • Mẹ mắc các bệnh lý mãn tính: Viêm thận, suy gan, thiếu máu, lao phổi, bệnh tim, huyết áp cao…
  • Mẹ bị các bệnh nội tiết: Basedow, thiểu năng giáp trạng, tiểu đường, thiểu năng hay cường năng thượng thận.
  • Mẹ nhiễm độc thai nghén từ thể nhẹ đến thể nặng đều có thể gây ra thai chết lưu. Tỷ lệ thai chết lưu càng cao khi nhiễm độc thai nghén càng nặng và không được điều trị hoặc được điều trị không đúng. Bệnh kéo dài nhiều ngày làm cho thai bị suy dinh dưỡng và chết.
  • Mẹ nhiễm các bệnh ký sinh trùng như sốt rét (đặc biệt là sốt rét ác tính), nhiễm vi khuẩn (giang mai ..), nhiễm virus (viêm gan, quai bị, cúm…).
  • Mẹ có tử cung dị dạng, tử cung nhi tính hay tử cung kém phát triển làm cho thai bị nuôi dưỡng kém.
  • Ngoài ra, một số yếu tố khác như: tuổi của mẹ cao (tỷ lệ thai chết lưu ở những người mẹ trên 40 tuổi cao gấp 5 lần so với ở những người mẹ dưới 40 tuổi), dinh dưỡng kém, nội tiết kém, lao động vất vả, đời sống khó khăn... cũng là những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên.

2. Những nguyên nhân từ phía thai nhi:

Rối loạn nhiễm sắc thể: Là nguyên nhân chủ yếu của thai dưới 3 tháng bị chết lưu. Rối loạn nhiễm sắc thể có thể là do di truyền từ bố mẹ, có thể là do đột biến trong quá trình tạo noãn, tạo tinh trùng, thụ tinh và phát triển của phôi. Tỷ lệ rối loạn nhiễm sắc thể tăng lên rõ rệt theo tuổi của mẹ, đặc biệt là ở các bà mẹ trên 40 tuổi.

  • Thai dị dạng: Não úng thuỷ, vô sọ, phù rau thai.
  • Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con do yếu tố Rh, thai rất dễ bị chết lưu ở các lần có thai tiếp theo.
  • Thai già tháng: Bánh rau bị lão hoá, không bảo đảm nuôi dưỡng thai, dẫn đến thai chết lưu nếu không được xử trí kịp thời.
  • Đa thai: thai có thể chết trong trường hợp truyền máu cho nhau, thai cho máu dễ bị chết lưu. Hơn nữa trong quá trình phát triển có thể có một thai bị chết khi còn bé, tiêu đi mà không hề có biểu hiện lâm sàng, trong khi đó, thai bên cạnh vẫn tiếp tục phát triển bình thường. Do đó khi thai còn bé làm siêu âm phát hiện ra song thai, đến khi thai lớn, siêu âm chỉ thấy có một thai. Trường hợp như thế này không phải là hiếm gặp.

3. Những nguyên nhân từ phần phụ, tử cung

  • Những bất thường ở dây rốn như dây rốn thắt nút, dây rốn quấn quanh cổ, quanh thân, quanh chi, dây rốn xoắn, dây rốn bị chèn ép…
  • Những bất thường ở bánh rau như bánh rau bị xơ hoá, bánh rau bị bong, u mạch máu màng đệm của bánh rau
  • Bất thường ở nước ối: Đa ối cấp tính hay mạn tính, thiểu ối.
  • Bên cạnh đó có khoảng từ 20-50% số trường hợp thai chết lưu là không tìm thấy nguyên nhân, mặc dù có đầy đủ các phương tiện thăm dò hiện đại.

Điều trị thai chết lưu

Thai phụ cần hiểu rằng mặc dù thai chết lưu nhưng vẫn có màng ối bảo vệ nên thực chất là vô khuẩn, tạm thời chưa ảnh hưởng gì đến sức khoẻ và tính mạng của người mẹ, do đó không nên quá lo lắng, sợ hãi. Trước hết cần điều chỉnh lại tình trạng rối loạn đông máu nếu có. Sau đó, bác sĩ sẽ xem xét và quyết định cách thức đưa thai ra ngoài:

  • Nong cổ tử cung và nạo: Cần lưu ý theo dõi chảy máu sau nạo và kiểm tra xem có sót rau hay không.
  • Gây sảy thai, chuyển dạ: Áp dụng cho tất cả những trường hợp thai chết lưu to không nong hay nạo được. Lưu ý sau khi xổ rau phải tiến hành kiểm soát tử cung một cách chủ động, hệ thống vì bao giờ cũng bị sót rau.

Cần cho sản phụ sử dụng kháng sinh để tránh nhiễm khuẩn.

Phòng ngừa thai chết lưu

Thai lưu có thể dự phòng được trong một số trường hợp:Bác sĩ khuyến cáo: 'Biện pháp hữu hiệu và an toàn nhất là giữ ổn định sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần khi mang thai. Điều này sẽ giúp cả mẹ và con đều khỏe mạnh. Đồng thời, bạn phải điều trị cho thật ổn định các bệnh lý nội khoa, mạn tính của mình như thận, cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch... Nên tầm soát một số bệnh lý nhiễm trùng qua các xét nghiệm huyết thanh học trước khi mang thai. Hãy đến bác sĩ để được khám tổng quát và tư vấn về việc mang thai, sinh con cũng như là việc mang thai nên là sự chủ động, có chuẩn bị trước của hai vợ chồng'.Ngoài ra, đối với thai phụ có tiền sử thai chết lưu, cần phải khám tìm nguyên nhân trước khi mang thai lại. Khi có thai phải đi khám thai sớm, ngay khi trễ kinh hoặc muộn nhất là 3 tháng đầu thai kỳ. Sau đó cần khám thai đều đặn, theo dõi sát để phát hiện kịp thời những trường hợp thai kỳ có nguy cơ cao, bé suy dinh dưỡng trong tử cung…Người mẹ cũng cần có chế độ dinh dưỡng đúng mức và hợp lý trong khi mang thai, giữ vệ sinh thân thể vệ sinh thai nghén tốt. Không nên sử dụng bất kỳ một dược phẩm, các loại thuốc uống nào nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Đồng thời hãy đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu bất thường như đau bụng, nhức đầu, mờ mắt, ra nước, ra huyết…

Wellcare

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

Đăng ký Khám từ xa

LogoWellcare
Đối tác sức khỏe TIN CẬYChúng tôi giúp bạn duy trì một lối sống lành mạnh, và khi bạn cần tham vấn y tế, chúng tôi kết nối bạn với những bác sĩ chuyên khoa hàng đầu qua gọi thoại và gọi video.
Thông tin công ty
(+84) 28 3622 6822[email protected]LA0208 Lexington Office, 67 Mai Chi Tho, An Phu Ward, Ho Chi Minh City, Vietnam
Tải ứng dụng
Theo dõi
© 2015 - 2024 • Wellcare • All Rights Reserved