Sự kỳ thị đối với người nghiện

Sự kỳ thị được hiểu là thái độ không chấp nhận và áp đặt cái nhìn tiêu cực, gắn nhãn cho một người hoặc một nhóm người trên cơ sở sự khác biệt về một phẩm chất hay đặc điểm nào đó.

Sự kỳ thị được hiểu là thái độ không chấp nhận và áp đặt cái nhìn tiêu cực, gắn nhãn cho một người hoặc một nhóm người trên cơ sở sự khác biệt về một phẩm chất hay đặc điểm nào đó.

Trong xã hội ngày nay vẫn còn rất nhiều người có sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nghiện ma túy và điều này rất nguy hiểm bởi nó sẽ làm người nghiện cảm thấy mình bị cô lập, bị xã hội ruồng bỏ và sẽ lấn sâu hơn vào ma túy để tìm “lối thoát”.

Kỳ thị đối với người nghiện ma túy. (Ảnh minh họa)

Nghiện ma túy là bệnh mãn tính, không phải tệ nạn xã hội

Trên thực tế, nghiện ma túy thực trạng là tình trạng của bệnh lý, mọi người trong xã hội luôn lên án họ mà không ý thức được rằng triệu chứng nghiện đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của người sử dụng ma túy.

Do đó, nghiện ma túy thực chất là một căn bệnh mãn tính về não bộ, không phải là tệ nạn xã hội. Căn bệnh này hoàn toàn có thể chữa được nhưng cần nhiều thời gian và sự cố gắng của cả người nghiện lẫn gia đình và cộng đồng xã hội. Những người nghiện ma túy chỉ trở thành tội phạm của xã hội khi phá vỡ quy tắc và chuẩn mực xã hội, nhất là khi họ có các hành vi vi phạm pháp luật và trật tự, an toàn xã hội.

Người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy là khác nhau. Trên thực tế, một số người sử dụng ma túy nhưng không bị nghiện, họ có thể sử dụng ma túy không thường xuyên và có thể ngừng sử dụng bất cứ lúc nào họ muốn. Còn người nghiện ma túy là những người không thể ngừng sử dụng ma túy và họ bị lệ thuộc hoàn toàn vào ma túy.

Mặc dù chúng ta không đồng tình với hành vi của những người sử dụng và những người nghiện ma túy, nhưng chúng ta không có quyền và không nên phán xét hoặc xem thường họ từ góc độ một con người và lòng tự trọng của người đó.

Công bằng mà nói thì ma túy là tệ nạn xã hội, nhưng người nghiện ma túy thì không phải. Người nghiện ma túy có thể được coi là NẠN NHÂN của ma túy bởi rất nhiều người nghiện ma túy do ép buộc, do thiếu hiểu biết hoặc bị dụ dỗ, lôi kéo, hoặc do hoàn cảnh xô đẩy… Trừ khi họ làm việc trái pháp luật, nếu không chúng ta không nên đánh đồng tất cả những người nghiện ma túy là tệ nạn xã hội.

Phần lớn những người nghiện khi tỉnh táo đều muốn cai nghiện để làm lại cuộc đời nhưng điều này là vô cùng khó khăn. Nếu gia đình và xã hội coi họ là người bệnh, cần được chăm sóc, bao dung thì sẽ giúp họ có quyết tâm cai nghiện hơn để sớm trở về cuộc sống bình thường.

Kỳ thị khiến người nghiện ma túy nghiện nặng hơn

Sự kỳ thị của xã hội khiến người nghiện bị cô lập, xa lánh. Điều này khiến họ tự ti và không dám tiếp xúc với các dịch vụ y tế để chăm sóc và điều trị, dẫn tới việc dấu kín tình trạng nghiện của họ và khiến họ ngày càng nghiện nặng hơn.

Một số gia đình khi biết con mình nghiện ma túy, nhưng vì sỉ diện, sợ sự kỳ thị từ hàng xóm, bạn bè và vì nuông chiều con cái nên vẫn đáp ứng, cung cấp tiền bạc cho con mình tiếp tục sử dụng ma túy dù biết ma túy sẽ phá hủy sức khỏe và tương lai con cái mình. Trên thực tế, nhiều trường hợp có người sử dụng ma túy nhưng chưa bị nghiện nhưng vì sự buông lỏng của gia đình, họ càng lấn sâu hơn vào ma túy và nghiện nặng hơn.

Do vậy, khi phát hiện được con em mình nghiện ma túy, việc đầu tiên gia đình cần làm là tìm hiểu, gần gũi, quan tâm, giúp đỡ hoặc tìm đến các chuyên gia tư vấn để giúp con em mình nhận ra rằng ma túy rất nguy hiểm và khuyên can con trẻ đi cai nghiện.

Thực tế đã chỉ ra rằng thái độ của những người xung quanh đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc hành xử của những người nghiện ma túy. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử, chán ghét, xa lánh hoàn toàn không giúp người nghiện từ bỏ được ma túy mà chỉ càng đẩy những người đó về phía tội phạm. Đối với người đã cai nghiện, sự kỳ thị sẽ khiến họ cảm thấy chán nản, buông xuôi và tái nghiện nhanh chóng.

Biểu hiện của sự kỳ thị người nghiện ma túy

Biểu hiện sự kỳ thị bản thân

Người nghiện luôn có tâm lý lo sợ, bất an, tội lỗi, họ cảm thấy mọi người không tin tưởng mình, nên thường tìm mọi cách che dấu hành vi sử dụng ma túy của mình và không dám nói với người khác.

Hậu quả

Khi thiếu thuốc họ sẽ bất chấp tất cả để có tiền mua thuốc dù là cầm cố, bán tài sản của bản thân, hay nói dối để xin tiền từ gia đình. Nếu có những hành vi phạm pháp, họ càng sống thu mình lại.

Biểu hiện sự kỳ thị của gia đình

Nhiều gia đình khi phát hiện con cái/vợ chồng hay người thân của mình sử dụng ma túy thường có thái độ chửi bới, mắng nhiếc hoặc thất vọng đối với người nghiện. Nhất là khi trong nhà có tài sản bị mất hoặc bị cầm cố, đầu tiên họ sẽ nghĩ đến người nghiện đã lấy đi và hắt hủi, ghẻ lạnh, không chấp nhận, ruồng bỏ, đuổi họ ra khỏi nhà.

Hậu quả

Tình trạng này có thể sẽ dẫn tới tình trạng khủng hoảng về kinh tế, thiếu thốn vật chất, gia đình tan nát, tình cảm giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng sứt mẻ, hạnh phúc gia đình đổ vỡ, nhiều đứa trẻ bị đẩy vào con đường lang thang.

Biểu hiện sự kỳ thị của cộng đồng

Đa số người nghiện thường suy sụp sức khoẻ, giảm hoặc mất khả năng lao động, do đó nhiều người có thể bị mất việc làm.

Hậu quả

Khi không có tiền, không có việc làm sẽ khiến người nghiện túng thiếu và rất dễ có những hành vi phạm pháp như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo để có tiền mua ma túy và phải chịu cảnh tù tội.

Đặc biệt những người nghiện bị nhiễm HIV không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân và người thân trong gia đình mà còn có khả năng lây sang người khác, làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội như gia đình bị hàng xóm chê trách, láng giềng bàn tán, lên án, cô lập, xa lánh.

Biểu hiện sự kỳ thị do quy định luật lệ xã hội

Người nghiện ma túy và gia đình của họ hay được chính quyền, đoàn thể ở địa phương mời họp để giáo dục, răn đe, gia đình họ không được công nhận là “Gia đình văn hóa”.

Hậu quả

Vì bị xem là người hư hỏng, là người “vất đi”, là người không có ích cho xã hội, là đối tượng cần phải được quản lý, là đối tượng không chấp hành các quy định, quy ước của địa phương,… khiến người nghiện bị cô lập, không thích về nhà.

Biểu hiện sự kỳ thị nơi làm việc

Do người nghiện hay xao nhãng, bỏ bê, không tập trung vào công việc, nếu đồng nghiệp phát hiện được thì hay bị bàn tán, gây xôn xao dư luận. Hơn nữa sức khỏe bị giảm sút dẫn đến người sử dụng lao động có thể tìm cớ để gây khó khăn trong công việc hay đuổi việc đối với người nghiện ma túy.

Hậu quả

Khi mất việc, người nghiện sẽ bị khủng hoảng về kinh tế và có thể sẽ có những hành vi vi phạm pháp luật để kiếm tiền trái phép.

Biểu hiện kỳ thị trong cơ sở y tế, trong học đường

Một số nhân viên y tế thường cho rằng người nghiện ma túy là thành phần bất cần, bất trị và nguy hiểm, dễ có nguy cơ nhiễm HIV. Nếu biết người nghiện có nhiễm HIV thì họ thường có thái độ lạnh nhạt, gay gắt, hạn chế tiếp xúc, ít quan tâm, thậm chí là tránh né, đùn đẩy.

Tại trường học, có nhiều nơi không nhận học sinh hoặc tìm cớ để đuổi học khi biết người đó nhiễm HIV hoặc nghiện ma túy.

Hậu quả

Nếu các nhân viên y tế kỳ thị với người bệnh thì không bao giờ người nghiện có thể cai nghiện được bởi thái độ này của nhân viên y tế sẽ khiến người nghiện bị tổn thương về tinh thần. Sự thật là chưa từng có người nghiện nào có thể an tâm điều trị ở giai đoạn cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe thế nào nếu như các thầy thuốc tỏ ra lạnh nhạt, coi thường, thờ ơ với nỗi đau do hội chứng cai, sự hoành hành của các bệnh cơ hội, không động viên, quan tâm chăm sóc, lời nói thì hách dịch, đặc sệt mệnh lệnh hành chính, ban phát… Ngược lại, sự yêu thương, tôn trọng, sẻ chia của người thầy thuốc chính là tạo động lực giúp họ vượt qua giai đoạn cai nghiện ban đầu.

Cai nghiện ma túy là một hành trình rất vất vả, rất dằn vặt và nhiều đau đớn. Vì vậy người cai nghiện rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ từ nhiều phía: gia đình, cơ sở điều trị, cộng đồng, các ban ngành đoàn thể tại địa phương và ngay cả hệ thống pháp luật để giúp họ cai nghiện thành công và sớm hòa nhập cộng đồng.

Tuyên truyền để xóa bỏ sự kỳ thị đối với người nghiện ma túy

(Ảnh minh họa)

Để xóa bỏ được sự kỳ thị của xã hội đối với người nghiện ma túy không phải nói là làm được mà là một quá trình từng bước, lâu dài. Sự thật đã chỉ ra rằng nếu chúng ta không xóa bỏ được kỳ thị thì sẽ không giúp được người nghiện hồi phục. Nhưng nếu cộng đồng giúp đỡ mà người nghiện mãi không cai được nghiện thì sẽ làm giảm niềm tin và sự giúp đỡ của cộng đồng với họ. Đây là một mối quan hệ bổ sung cho nhau.

Để cộng đồng không còn kỳ thị với người cai nghiện thì trước hết cần tuyên truyền tạo chuyển biến trước cho đội ngũ cán bộ chính quyền, đoàn thể, nhất là các nhân viên y tế làm công tác cai nghiện. Khi đội ngũ cán bộ đã thông suốt, hỗ trợ người nghiện nhiệt thành, sẽ là đầu tàu kéo giảm sự kỳ thị của xã hội đối với người nghiện. Công tác tuyên truyền này cũng cần đi kèm với vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội đối với người nghiện.

Việc tuyên truyền có thể tập trung vào các nội dung:

  • Bản chất nghiện ma túy là một dạng bệnh lý tâm thần: Nhiều người nghiện rất muốn thoát ra khỏi ma túy nhưng họ không làm được và cần sự trợ giúp của cộng đồng. Nhiều hành vi của người nghiện có ảnh hưởng đến gia đình và xã hội nhưng không phải do họ cố ý thực hiện mà là hậu quả của bệnh tật.
  • Tuyên truyền về mục tiêu của cai nghiện: Khẳng định nghiện ma túy hoàn toàn có thể cai được nếu bệnh nhân quyết tâm cai nghiện và với sự trợ giúp của gia đình, cộng đồng.
  • Tuyên truyền về lòng vị tha, bản chất nhân ái của dân tộc: Người Việt Nam vốn có lòng nhân ái, vị tha và gia đình cũng như xã hội sẵn sàng tha thứ cho những người con tội lỗi nếu họ nhận ra lỗi lầm và có quyết tâm sửa đổi.
  • Tuyên truyền về tác động tiêu cực của sự kỳ thị và những lợi ích của xã hội, của cộng đồng khi không còn kỳ thị: Kỳ thị sẽ khiến người nghiện khó cai ma túy hơn, tỷ lệ phạm tội về ma túy sẽ cao hơn. Nếu không còn kỳ thị thì sẽ ngược lại…

Đối với gia đình, nhà trường và xã hội:

  • Gia đình: Bố mẹ, ông bà cần chú ý đến việc dạy dỗ, chăm sóc con em mình, trang bị cho chúng những kỹ năng sống lành mạnh để không bị dụ dỗ khi bạn bè xấu rủ rê.
  • Nhà trường: Nhà trường cần đưa kiến thức, cơ chế gây nghiện, tác hại của ma túy vào trong học đường, để học sinh có kiến thức về ma túy và biết cách phòng tránh.
  • Xã hội: Xã hội cần phải có sự nhìn nhận mở lòng hơn đối với người nghiện ma túy. Sự kết hợp chặc chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, và nhất là giáo dục sẽ là nền tảng vững chắc để ngăn chặn ma túy và làm giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nghiện ma túy.

Trong trường hợp cụ thể, ở một gia đình khi trong nhà có người nghiện, những thành viên trong gia đình có thể bực tức, nhưng không nên ruồng bỏ, xa lánh, cách ly, không lên án quá đáng, không từ chối giúp đỡ hoặc sử dụng các biện pháp để bắt buộc như nhốt, trói, không nên coi người nghiện là người phạm pháp, là tệ nạn xã hội bởi họ chỉ là bệnh nhân thôi nhưng nếu chúng ta mặc niệm cho họ là tội phạm thì họ sẽ rất dễ trở thành tội phạm đó.

Bên cạnh đó, bạn cần tìm hiểu vì sao họ nghiện, lắng nghe, động viên, hỗ trợ và tôn trọng họ, sắn sàng giúp đỡ khi họ cần. Đừng chỉ nghĩ đến những thứ tiêu cực mà hãy tìm những điểm tốt trong con người họ, hãy tin tưởng, tạo cơ hội, củng cố niềm tin để họ có thêm động lực, sức mạnh, ý chí để họ đấu tranh và chiến thắng với ma túy.

Nếu họ cai nghiện ma túy thất bại, đừng vội nản lòng mà hãy thấu hiểu, kiên trì, giúp họ vượt qua những bất lực, bế tắc trong suy nghĩ. Hãy động viên, an ủi, sẵn sàng giúp đở khi họ thất bại và muốn cai nghiện lại. Bên cạnh đó, bạn hãy tạo điều kiện, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, giúp họ có kế sinh nhai, giúp họ hiểu được giá trị đích thực của lao động chân chính và có việc làm họ sẽ thoát khỏi cảnh nhàn rỗi và chán đời lại tìm đến ma túy.

Ngoài những sự động viên và đồng hành bạn nên tìm cho họ các phương pháp cai nghiện ma túy thích hợp như: đến trung tâm cai nghiện hoặc Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Cai nghiện trên hệ thống khám từ xa Wellcare để được tư vấn cách tự cai nghiện ma túy tại nhà.

Theo Nhà thuốc Bông Sen

- 28-11-2018 -

Bài viết liên quan