Nghiện ăn

Nghiện ăn cũng được cho là một dạng bệnh lý tâm thần. Người mắc chứng bệnh này hầu như không làm chủ được mình khi cơn đói hành hạ. Nhiều trường hợp mắc bệnh nghiện ăn lại do chính chế độ ăn kiêng.

nghiện ăn

(Ảnh minh họa)

Nghiện ăn từ cú sốc tâm lý

Hà Hương đang học lớp 11, là một cô bé xinh xắn, ngoan ngoãn, học lực khá so với các bạn trong lớp. Bi kịch của chứng bệnh nghiện ăn bắt đầu khi Hà Hương phát hiện ra bố - người mà từ trước đến nay cô bé coi như thần tượng, đã cặp bồ với một nữ sinh chỉ hơn Hương vài tuổi. Mẹ Hương đã cùng mấy người dì tổ chức đánh ghen ầm ĩ. Mẹ còn đến cơ quan bố tố cáo mọi chuyện, khiến bố ngượng ê chề, một thời gian không dám ló mặt đến cơ quan! Hương bị khủng hoảng, trầm cảm một thời gian dài! Nhiều khi cô bé vẫn như nửa tỉnh nửa mê... Cứ nghĩ đến cảnh bố cặp kè với người nhỉnh hơn con mình, Hương lại không làm gì được, đầu óc cứ quay cuồng. Tình cờ cô bé vớ được gói lạc rang húng lìu. Cô hăm hở ăn, và thấy... ngon kỳ lạ?! Cô ăn riết rồi gần như nghiện. Mỗi khi có chuyện, Hương lại ăn... Trong cặp xách, lúc nào cô bé cũng thủ sẵn vài gói, đến nỗi cô giáo cấm mang đồ ăn vào lớp. Ngồi khoảng gần một tiếng, Hương không chịu được bèn giấu lạc vào áo xin đi vệ sinh, rồi xơi hết nửa gói lạc mới vào cầm bút nổi! Không có lạc rang Hương tìm đến bất kỳ đồ ăn nào mình tìm được! Từ lúc chỉ gần 40 cân, do ăn uống vô độ, Hương đã nặng 60 kí, trở thành 'chị chã' trong lớp. Với thân hình quá khổ so với các bạn đồng trang lứa, Hương luôn mặc cảm, tự ti. Cô bé không muốn đến chỗ đông người, không hào hứng với bất kỳ một cuộc vui chơi,liên hoan của lớp. Từ chỗ học lực khá, Hương tụt xuống trung bình... Mọi người gần như không còn nhận ra cô nữ sinh mảnh mai, yêu đời ngày nào nữa!

Cuộc chiến tại gia với cơn nghiện

"Em cũng có muốn đến nông nổi này đâu? Nhiều lần, em đã cố gắng không ăn nữa. Nhưng không chịu được. Nếu nhịn một lúc, người cứ như kiến bò râm ran, rất khó chịu! Nhịn lâu, em cứ như người phát cuồng, không làm gì được. Em xấu hổ lắm..." - Hương tức tưởi. Còn mẹ Hương xót xa: "Tôi chỉ có mình nó. Có cấm đoán gì đâu? Nhưng ăn uống thế thì phản khoa học lắm! Con gái mà ăn như 'thuồng luồng', béo như thế, ai dám... lấy?'" Hai mẹ con quyết tâm: Bằng mọi cách, hạn chế khẩu phần ăn của Hương. Sáng đi học, chỉ được ăn một gói xôi. Mẹ kiểm tra để không có một đồng trong túi (phòng khi ra chơi, Hương không chịu được, lại chạy ra cổng mua lạc rang...). Bữa trưa, bữa tối được ăn hai bát, với thịt nạc rim, rau, một ít hoa quả. Được vài bữa, cô bé còn 'hợp tác'. Nhưng, sang đến tuần thứ 2 thì chịu hết nổi. Tủ lạnh, mẹ khóa chặt, chạn bát, mẹ để trống trơn... Hương xoay sang tìm mì tôm sống, mẹ quên không cất! Cô bé lâm vào tình trạng thường xuyên nóng nảy, cáu gắt... Đến lúc, không còn gì cho vô miệng, Hương ăn cả thuốc đánh răng... Bà mẹ chỉ còn biết bó tay kêu trời rồi đưa con đến bệnh viện! Đến đây, hai mẹ con mới biết: Ăn đã trở thành bệnh, thành một dạng 'thuốc phiện' với Hương...

Đến nghiện ăn rồi... móc họng

Trước đây, nhiều quý cô rỉ tai nhau 'phương thuốc' chống béo phì bằng cách... uống dấm! Gầy đi chưa thấy, nhưng không ít người đã phải vô viện vì chứng đau bao tử. Nhịn ăn, uống dấm... dạ dày bị bào mòn từng ngày mà không ai hay. Đến lúc kiệt sức rồi té xỉu. Gần đây, nhiều bạn gái có 'độc chiêu', ăn nhiều rồi móc họng cho thức ăn ra với lý sự: Ăn như thế sẽ không thể béo được mà vẫn... sướng cái miệng! Hoa là trường hợp như thế: Cô có thói quen thích ăn đêm. Không ăn, không chịu được. Mà ăn đêm thì dễ béo. Không hiểu nghe ai bày cho, nhưng vô quán là Hoa kêu rất nhiều đồ ăn (ăn cho sướng cái miệng). Hết một món, lại ra sau móc họng. Uống một chút nước chanh không đường, lại vô ăn tiếp, rồi lại ra móc họng... Thật đáng sợ là 'độc chiêu' như của Hoa hiện đang được nhiều cô gái áp dụng với ý nghĩ: Cái miệng vẫn sướng mà vòng 2 vẫn ổn. Họ không biết rằng, nếu cứ liên tục ăn kiêng kiểu hành xác đó, họ rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn của chứng nghiện ăn vô độ... Ăn kiểu móc họng sẽ dẫn đến đau dạ dày, chảy máu đường ruột, nôn ra máu...

Quan niệm thiếu hiểu biết...

Mẹ con Hương không phải là trường hợp hiếm hoi tìm đến Viện Dinh dưỡng. Khá nhiều người thấy mình tăng cân đã áp dụng chế độ ăn kiêng tại gia mà không cần tham khảo bác sĩ, dẫn đến những cách ăn uống rất phản khoa học. Thậm chí, khi vào viện rồi có người vẫn nghĩ mình bị béo phì, đến đây để điều trị giảm cân chứ không biết đến một căn bệnh mang tên: Nghiện ăn. Với trường hợp béo phì do nghiện ăn của Hương, tất cả các chế độ ăn kiêng đều trở nên vô nghĩa nếu không được điều trị trước về mặt tâm lý. Còn như trường hợp của Hoa, lại rất dễ bị suy dinh dưỡng nặng, chảy máu đường ruột, dị ứng với thức ăn, thậm chí ho ra máu, dễ choáng, ngất... Ăn rồi lại móc họng cho ra rất phản khoa học, trái với quy luật tự nhiên. Chứng nghiện ăn rất dễ đến nếu chế độ ăn uống không điều độ. Những ai áp dụng phương pháp này lâu dễ gặp chứng khủng hoảng tâm lý, bị tổn thương... Theo các bác sĩ tâm thần học: Nghiện ăn là một dạng bệnh lý tâm thần. Nhiều người không hiểu biết, chủ quan không coi mình bị bệnh... nên càng khó phát hiện để điều trị kịp thời. Đứng trên góc độ nào đó: nghiện ăn cũng gần như nghiện ma túy bởi không nạp được thức ăn vào cơ thể, bệnh nhân cũng sẽ vật vã, nhiều khi còn đi ăn trộm thức ăn. Nếu người thân của bạn có dấu hiệu mắc bệnh nghiện ăn, hãy đưa họ đến gặp các chuyên gia tâm lý và chuyên gia dinh dưỡng để có tư vấn cần thiết nhất.

Theo Kim Khanh - (Gia đình & xã hội)

- 07-06-2018 -

Bài viết liên quan