Các loại ma túy phổ biến ở Việt Nam (Phần 1): Ma túy đá

Ma túy 'đá' những điều nên biết!

Các loại ma túy phổ biến ở Việt Nam

(Ảnh minh họa)

Ma túy “đá” hay còn là đập đá, lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam là vào ngày 25/4/2006 trong một nhà nghỉ ở Hà Nội. Khi đó, công an phát hiện loại ma túy này trong người một con nghiện. Từ đó, ma túy đá bắt đầu xuất hiện tràn lan khắp nơi. Giới trẻ đua nhau dùng và thử “hàng mới” này. Nó được liệt kê vào danh sách anh em với ma túy tổng hợp.
Sự có mặt của 'cái chết lạnh' này đã làm thay đổi hoàn toàn sự chế ngự của thuốc lắc - loại ma túy tổng hợp vốn được giới ăn chơi ưa chuộng một thời. Dân chơi đổ xô đi mua 'đá' ngày một nhiều hơn. Có ma lực như vậy là bởi độ phê, độ ảo do nó đem lại gấp nhiều lần so với thuốc lắc, ketamin… trước đây. Ngôn từ được dân chơi ám chỉ mỗi khi sử dụng ma túy 'đá' là 'đập đá'.
Tuy nhiên tại một số địa phương khác, cách gọi trên còn được dân chơi biến thể thành 'phá núi', 'phá đá'… 'Chấm' là đơn vị dùng để định lượng cho ma túy 'đá'. Mỗi 'chấm đá' có hàm lượng tương đương với 1 gam, một 'áo' như cách gọi của ketamin.
'Chấm đá' gồm nhiều cánh nhỏ có kích thước, hình dạng tựa như cánh mỳ chính ta thường ăn hàng ngày. Số 'chấm đá' này được các đối tượng đầu nậu lưu đựng bên trong túi ni lông nhỏ trong suốt. Việc sử dụng nilông trong suốt để đựng 'đá' nhằm giúp dân đi mua 'đá' không phải tốn nhiều thời gian trong quá trình kiểm định hàng.
Mỗi một chấm 'đá' được dân 'đập đá' (khoảng 7 - 8 người) sử dụng hết trong vòng khoảng 6 đến 8 tiếng. Tuy nhiên, thời gian sử dụng 'đá' cũng sẽ thay đổi theo độ phê của dân 'đập đá' trong lúc sử dụng. Giá của 'đá' màu ngà vàng trên thị trường đen hiện dao động trong khoảng từ 1.600.000đ đến 1.800.000đ, còn đối với 'đá' trắng thì đắt hơn 200.000đ.
Dụng cụ chính để 'đập đá' là chiếc bình thủy tinh - loại dụng cụ vốn được sử dụng trong các thử nghiệm hóa học hoặc bình nhựa do chính dân 'đập đá' chế tác ra.
Bình 'đập đá' luôn được đổ lưng mực nước, để cản lại làn khói chết người do ma túy 'đá' tạo ra (theo giải thích của dân 'đập đá'). Trên thân bình có gắn chiếc tẩu dài khoảng 60 - 80 phân. Chóp của bình 'đập đá' được đính thêm một chiếc 'coóng' - cách gọi của dân chơi miền Bắc ('nỏ' - theo ngôn từ của Miền Nam) với chức năng đựng 'đá'. Luồng khí trắng kết quả từ việc đốt các muỗng 'đá' sẽ được tuồn vào bên trong bình 'đập đá' rồi sau đó mới theo tẩu tuồn vào khí quản của người sử dụng.
Điểm đáng chú ý và khác biệt lớn nhất giữa dân 'đập đá' và dân 'bay lắc' là ở chỗ: trong quá trình 'chơi', dân 'đập đá' không bao giờ thích bật nhạc ầm ĩ như dân 'bay lắc' vẫn thường làm. Trong khi phê, dân 'đập đá' thường kể những chuyện tào lao không rõ nội dung, cốt truyện.
Về tác hại của 'đá', theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng khoa H (chuyên điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất), Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, đó là một loại ma túy tổng hợp, tồn tại dưới dạng tinh thể kết tinh từ dẫn chất amphetamine, niketamid, methamphetamine…
Mặc dù dân 'đập đá' giảm độ tác hại từ khí 'đá' gây ra bằng cách hút gián tiếp thông qua bình lọc đựng nước, tuy nhiên nó vẫn có độ tàn phá hệ thống dây thần kinh, huỷ hoại não bộ gấp nhiều lần so với thuốc lắc. Người sử dụng 'đá' thường xuyên sẽ nhanh chóng bị các triệu chứng như: mất ngủ, rối loạn hệ thống thần kinh, loạn thị, suy nhược cơ thể... Hơn hết, nếu người hút 'đá' trong thời gian dài sẽ rất dễ có nguy cơ đột quị do hiện tượng thiếu máu não, tăng nhịp cơ tim gây ra.

Xem thêm:

>>> Tác hại khôn lường của ma túy đá

>>> Các loại ma túy phổ biến ở Việt Nam (Phần 2): Morphin - Hêroin - Amphetamin

Theo Tuyên truyền Đồng tháp

- 22-06-2018 -

Bài viết liên quan