Làm thế nào để khuyên một người đi cai nghiện?

Nếu phát hiện một người thân trong gia đình nghiện ma túy, điều đầu tiên bạn nghĩ đến đó là phải để người đó cai nghiện. Vậy bạn phải làm thế nào để khuyên được người thân của mình đi cai nghiện?

Việc giúp đỡ một người cai nghiện ma túy nói khó không khó, mà dễ cũng không dễ và điều quan trọng nhất là nó phụ thuộc vào mong muốn của người nghiện.

(Ảnh minh họa)

Cai nghiện ma túy sẽ rất khó nếu người nghiện ma túy không muốn giúp đỡ. Họ cảm thấy họ không muốn làm gì cả, mọi người đang làm phiền họ và hãy để cho họ yên. Đối với họ thì:

  • Gia đình họ nhận thấy họ có vấn đề nhưng điều đó không quan trọng.
  • Bạn bè của họ nhận thấy họ có vấn đề nhưng họ chẳng quan tâm.
  • Đồng nghiệp của họ nhận thấy họ có vấn đề nhưng họ mặc kệ.
  • Họ không nhận thấy họ có vấn đề và những người còn lại đều sai.

Thế nên, việc người nghiện nhận thấy được vấn đề của họ là điều rất quan trọng. Nếu họ không nhận ra mình đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cũng như tâm lý khi nghiện ma túy thì bạn sẽ không ép được họ thực hiện bất kỳ biện pháp điều trị nào. Họ sẽ từ chối mọi sự giúp đỡ dù với bất kỳ lý do gì! Đến đây thì bạn cũng hiểu được bước đầu tiên, tức là cách khuyên một người đi cai nghiện quan trọng thế nào rồi? 

Dưới đây là một số bí quyết để khuyên một người đi cai nghiện:

1. Lựa chọn thời điểm nói chuyện

Điều đầu tiên, một cuộc nói chuyện bình tĩnh, không có cãi cọ, tranh chấp sẽ là mở đầu rất tốt để khuyên người thân đi cai nghiện. Để làm được điều này thì việc lựa chọn thời điểm nói chuyện cũng rất quan trọng. Đừng cố gắng nói chuyện nghiêm túc khi đối phương đang say xỉn hay rơi vào trạng thái phê sau khi sử dụng ma túy. Bạn hãy lựa chọn thời điểm thích hợp, tốt nhất khi người nghiện đang trong tình trạng tương đối vui vẻ, tỉnh táo… thì cuộc nói chuyện sẽ tốt hơn.

2. Nội dung cuộc trò chuyện đi đúng trọng tâm vấn đề

Về nội dung cuộc trò chuyện, hãy nói với họ về mối quan tâm của bạn và cho họ biết bạn sẽ giúp đỡ họ cai nghiện. Trong cuộc trò chuyện này, bạn tuyệt đối không nên phán xét họ mà hãy phân tích và tâm sự cho họ thấy những lợi ích và thiệt hại ảnh hưởng đến gia đình, bạn bè và xã hội khi họ cai nghiện và không cai nghiện, để từ đó họ có quyết tâm cai nghiện.

Hãy khuyến khích đối phương nói về vấn đề của họ bằng những câu hỏi mở để đối phương có dịp thổ lộ suy nghĩ, ý kiến của mình. Ví dụ như họ có ý kiến gì về vấn đề này, có muốn cai nghiện hay không… đồng thời cũng hãy tìm hiểu xem họ sử dụng ma túy ở đâu, bao giờ. Sau đó, hãy động viên đối phương và cho họ biết bạn sẽ luôn bên cạnh và hỗ trợ họ cai nghiện.

Nội dung cuộc trò chuyện của bạn với đối phương cần đi đúng vấn đề, tránh càm ràm hoặc can gián nhiều khiến đối phương mất hứng và nhàm chán họ sẽ tự động bỏ ngoài tai những lời của bạn.

3. Để đối phương tự nhận thấy trách nhiệm của mình

Bạn không nên tự nhận tất cả trách nhiệm của mình như việc không quan tâm kịp thời dẫn đến việc người thân bị nghiện mà hãy để người nghiện tự đứng ra chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Bạn có thể hỗi trợ họ cai nghiện và khuyến khích họ cai nghiện nhưng không thể ép buộc một người nghiện thay đổi, cũng không thể kiểm soát và làm ra quyết định thay họ. Dù người đó nhỏ tuổi hay lớn tuổi, hãy để họ tự đứng ra nhận trách nhiệm của mình và đây là một bước quan trọng trên con đường phục hồi cho người nghiện ma túy.

Trong thời gian đối phương quyết định đi cai nghiện, bạn cũng cần giám sát chặt chẽ hoạt động của họ. Việc này là vô cùng cần thiết để tránh trường hợp người thân của bạn tiếp tục dính líu đến ma túy. Khi theo dõi, bạn sẽ biết người đó đi đâu, làm gì, có tiếp xúc với đối tượng xấu hay không.

Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra thường xuyên những nơi có thể cất giấu các loại thuốc như trong ba lô, giữa cuốn sách trên kệ, DVD hoặc hộp trang điểm… và kịp thời phát hiện nếu đối phương còn tàng trữ ma túy.

4.  Khi phát hiện trong nhà có người nghiện

Khi phát hiện trong nhà có người nghiện, cần nghiêm túc thực hiện 4 KHÔNG dưới đây:

  • Không trừng phạt, đe dọa, hối lộ hay rao giảng. Những hành động này không giải quyết được vấn đề gì ngoài thái độ chống đối; cam chịu; thậm chí là thù ghét của đối phương.
  • Không bao che hoặc bào chữa cho người nghiện hoặc che chở họ khỏi những hậu quả tiêu cực của hành vi của họ. Nhiều gia đình vì sợ mất mặt với xóm giềng nên vẫn cho họ tiền mua ma túy để sử dụng và điều này chỉ khiến họ nghiện nặng hơn.
  • Không giúp họ trốn trách nhiệm của mình, khiến họ không có cảm giác quan trọng về nhân phẩm.
  • Không tranh luận với người đó khi họ đang lên cơn.

5. Đưa người thân đi cai nghiện

Sau khi khuyên bảo và được đối phương đồng ý, bạn hãy nhanh chóng đưa họ đến các trung tâm có uy tín để cắt cơn và có các biện pháp cai nghiện phù hợp.

Trong quá trình cai nghiện, gia đình cần tìm hiểu kỹ loại ma túy mà người thân của mình bị nghiện, gặp gỡ cán bộ tư vấn về chuyên môn để được tư vấn cai nghiện. Đồng thời bạn cũng cần trò chuyện, chia sẻ nhiều hơn với người nghiện để họ bộc lộ bản thân, đặt vấn đề để họ nhận ra sai lầm để có kế hoạch hỗ trợ về tâm lý và cùng quyết tâm cai nghiện đến cùng.

Sau khi cai nghiện trở về nhà, bạn cần đặc biệt cách ly người nghiện với môi trường dễ bị cám dỗ và có nguy cơ tái nghiện lại.

Trong thời gian này, bạn hãy đặc biệt dành thời gian cho họ để giúp đỡ chúng vượt qua sự cám dỗ về ma túy. Hãy cho họ thấy tình yêu thương, sự tin tưởng của bạn đối với họ và hứa hẹn sẽ cùng đồng hành với họ trên con đường chống lại ma túy.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động cộng đồng, các sở thích lành mạnh ví dụ như chơi thể thao, hay tham gia vào các câu lạc bộ, tổ chức xã hội, đoàn thể… Khi bản thân họ được sống trong sự đam mê lành mạnh, loại bỏ các ý nghĩ tiêu cực thì họ sẽ dần quên được ma túy.

Ngoài ra nếu trong trường hợp khuyên bảo xong mà người nhà không muốn vào trung tâm và đồng ý cai nghiện tại nhà. Thì gia đình nên cho người bệnh cai tại nhà. Lưu ý sử dụng thuốc cai nghiện tại nhà cho người bệnh để quá trình cai thuận lợi và nhanh chóng, tránh tự cai khan rồi người bệnh lên cơn quá nhiều, lại không kiểm soát được họ. Cho người bệnh uống thuốc đúng giờ, nghỉ làm trong mấy ngày đầu để có thời gian cai và nghỉ ngơi tốt nhất.

Nếu người thân của bạn gặp bất cứ khó khăn nào trong quá trình cai nghiện, hãy Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Cai nghiện trên hệ thống khám từ xa Wellcare để được tư vấn cách cai nghiện ma túy khoa học ngay tại nhà.

Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết một người nghiện ma túy

                  12 phương pháp cai nghiện ma túy hiệu quả bạn nên biết

Theo Nhà thuốc Bông Sen

- 28-11-2018 -

Bài viết liên quan