Bí quyết giúp phụ nữ mang thai có giấc ngủ trọn vẹn
Mang thai là một quá trình đầy gian nan, vất vả. Sau những tháng đầu ốm nghén không ăn uống được gì, mẹ bầu nào may mắn sẽ có được những tháng giữa thai kỳ nhẹ nhàng và thoải mái, nhưng cũng có nhiều mẹ lại phải đối mặt với vấn đề khác. Đó chính là khó ngủ, mất ngủ.
Mang thai là một quá trình đầy gian nan, vất vả. Sau những tháng đầu ốm nghén không ăn uống được gì, mẹ bầu nào may mắn sẽ có được những tháng giữa thai kỳ nhẹ nhàng và thoải mái, nhưng cũng có nhiều mẹ lại phải đối mặt với vấn đề khác. Đó chính là khó ngủ, mất ngủ.
(Nguồn: Eva.vn)
Trục trặc ở hệ tiêu hóa
Khi mang thai, mẹ bầu thường ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau dẫn đến tình trạng cơ thể không tiêu hóa kịp. Bên cạnh đó, tuyến nội tiết thay đổi và thai nhi phát triển sẽ chèn ép các cơ quan tiêu hóa khiến bà bầu bị táo bón, ợ hơi, đầy bụng, khó ngủ, ngủ không sâu giấc và mất ngủ.
* Cách khắc phục
- Khi ngủ, mẹ bầu nên kê cao gối, ngủ trên võng tạo sự thoải mái cũng như giúp lưu thông máu tốt.
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, không nên ăn quá no trước giờ đi ngủ gây khó tiêu.
- Nếu tình trạng tiêu hóa khiến mẹ quá khó chịu thì có thể đề nghị bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp.
Tư thế ngủ
Tư thế ngủ không thoải mái là một trong những nguyên nhân gây mất ngủ thường gặp ở mẹ bầu. Trong giai đoạn 3 tháng đầu, cơ thể của mẹ chưa có sự thay đổi nhiều nên có thể thoải mái xoay trái, phải, co chân, nằm nghiêng ngửa tùy thích. Tuy nhiên khi bụng bầu ngày càng lớn dần, chị em khó tìm được tư thế ngủ thích hợp. Mẹ không thể nằm ngửa, nằm sấp bụng, việc xoay người cũng bất tiện do những cơn đau nhức vùng xương chậu.
* Cách khắc phục
- Tư thế ngủ thích hợp cho phụ nữ mang thai được các chuyên gia sản khoa tư vấn là nằm nghiêng về bên trái để cung cấp lượng máu đến nhau thai tốt nhất. Đặc biệt, mẹ không nên nằm ngửa vì thai nhi sẽ không được cung cấp đủ oxy.
- Sử dụng các loại gối chuyên dụng dành cho bà bầu, chèn gối mềm, mỏng để kê bụng.
Tỉnh dậy đi vệ sinh giữa đêm khuya
Nguyên nhân là áp lực của thai nhi đè lên bàng quang của mẹ bầu khiến việc tiểu tiện diễn ra thường xuyên hơn.
* Cách khắc phục
- Hạn chế uống nước trước khi đi ngủ.
- Nếu nhà vệ sinh cách xa phòng ngủ, bạn có thể đặt bô trong phòng để không mất nhiều thời gian đi tiểu đêm, làm gián đoạn giấc ngủ, khó ngủ lại.
- Sử dụng gối chuyên dụng cho bà bầu là "trợ thủ đắc lực" cải thiện tình trạng mất ngủ.
(Ảnh minh họa)
Thai nhi đạp nhiều về đêm
Nhiều chị em than thở chứng mất ngủ của mình một phần là do thai nhi cử động về đêm rất nhiều, bé liên tục có các chuyển động co đạp thậm chí huých mạnh vào thành bụng làm mẹ đột ngột tỉnh giấc và khó ngủ trở lại.
Các chuyên gia giải thích rằng, thai nhi thường đạp về đêm nhiều vì ban đêm yên tĩnh, mẹ ít hoạt động nên dễ cảm nhận những chuyển động của bé.
* Cách khắc phục
- Mẹ cần dỗ dành và trò chuyện cùng bé để bé hiểu đã đến giờ đi ngủ.
- Bật những bản nhạc êm dịu để "ru" bé ngủ.
Chứng đau đầu thai kì
Lượng máu trong cơ thể mẹ bầu đều tập trung để nuôi thai nhi vì vậy mẹ thường bị thiếu máu não với biểu hiện đau đầu. Việc này dẫn tới nhiều hệ lụy trong đó có mất ngủ ở bà bầu.
* Cách khắc phục
- Mát - xa vùng đầu, vai gáy, chân cũng là biện pháp giúp chị em giảm bớt các cơn đau đầu.
- Tranh thủ ngủ bất cứ khi nào có thể.
Chuột rút
Tình trạng chuột rút có thể xuất hiện bất cứ khi nào trong ngày với mẹ bầu, đặc biệt là ban đêm.
* Cách khắc phục
- Nên chuẩn bị chậu nước ấm để ngâm chân và mát - xa chân trước khi đi ngủ.
- Nếu tình trạng chuột rút nghiêm trọng thì nên trao đổi với bác sĩ điều trị để tìm cách khắc phục.
Một số biện pháp khắc phục tình trạng mất ngủ khác
- Không xem tivi, sử dụng điện thoại, máy vi tính trước khi đi ngủ 2 tiếng.
- Không dùng các loại đồ uống chứa chất kích thích như trà, cà phê, rượu bia dễ gây rối loạn giấc ngủ.
- Duy trì thói quen ngủ đúng giờ, đủ giấc.
- Mẹ bầu cần tham gia các hoạt động thể thao, làm việc nhẹ nhàng, phân bố lịch sinh hoạt khoa học, tránh thức khuya, ngủ dậy muộn.
- Nên kết hợp các liệu pháp trị liệu tâm lý như nghe nhạc thiền, mát - xa cho bà bầu, ổn định tinh thần tránh căng thẳng sẽ giúp cải thiện cho mẹ bầu giấc ngủ ngon.
Nguồn tham khảo: Báo mới
Wellcare tổng hợp