Viêm xoang cấp

Viêm xoang cấp tính (hay viêm mũi xoang cấp) là tình trạng các khoang xung quanh mũi (gọi là xoang) bị viêm và sưng lên. Điều này làm cho xoang tích tụ nhiều dịch nhầy, gây trở ngại cho việc thoát ra ngoài.

Viêm xoang cấp tính là gì?

Viêm xoang cấp

Viêm xoang cấp tính (hay viêm mũi xoang cấp) là tình trạng các khoang xung quanh mũi (gọi là xoang) bị viêm và sưng lên. Điều này làm cho xoang tích tụ nhiều dịch nhầy, gây trở ngại cho việc thoát ra ngoài.
Khi bị viêm xoang cấp tính, bạn có thể cảm thấy mũi bị nghẹt làm khó thở. Những vùng xung quanh mắt và thậm chí là khuôn mặt có thể bị sưng, đau từng cơn quanh ổ mắt hai bên gò mái hoặc vùng trán.
Viêm xoang cấp tính thường được xảy ra sau cảm lạnh thông thường. Các nguyên nhân khác cũng có thể gây viêm xoang bao gồm dị ứng, nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm. Điều trị viêm xoang cấp tính phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, thường chỉ cần điều trị tại nhà. Tuy nhiên, viêm xoang dai dẳng có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng và các biến chứng khác. Viêm xoang kéo dài hơn tám tuần hoặc tái phát trở lại (thường trên 6 lần/năm) được gọi là viêm xoang mãn tính.
TRIỆU CHỨNG

Những triệu chứng thường gặp của viêm xoang cấp tính

Các triệu chứng của viêm xoang cấp tính bao gồm:
Sổ mũi, chảy nước mũi đặc, mủ màu vàng hoặc xanh thường chảy nước mũi xuống dưới họng
Nghẹt mũi gây khó thở
Đau, sưng, nhức xung quanh vùng mắt, má, mũi và trán
Giảm khả năng ngửi, nếm
Ho, đặc biệt nhiều về ban đêm
Các dấu hiệu và triệu chứng khác bao gồm:
Đau tai, ù tai
Đau đầu
Đau xương hàm, răng hàm trên
Hơi thở hôi
Mệt mỏi
Sốt
Khi nào nên đi khám:
Nếu bạn chỉ có các triệu chứng nhẹ, có thể tự chăm sóc và điều trị tại nhà.
Liên hệ đi khám bác sĩ nếu có những dấu hiệu sau:
Các triệu chứng không cải thiện trong vòng vài ngày hoặc các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn
Sốt dai dẳng
Có tiền sử viêm xoang nhiều lần hoặc viêm xoang mạn tính
Hãy gặp bác sĩ ngay lập tức khi có các dấu hiệu gợi ý nhiễm trùng nghiêm trọng sau:
Đau hoặc sưng quanh hốc mắt
Trán sưng lên
Nhức đầu dữ dội
Chóng mặt
Nhìn không rõ (nhìn một thành hai)
Đau, cứng vùng cổ
Khó thở
NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân nào gây viêm xoang cấp tính?

Khi bị viêm xoang, các màng nhầy của mũi, xoang, họng ( đường hô hấp trên ) bị viêm. Các chỗ sưng này cản trở lỗ xoang làm dịch nhầy không thoát được như bình thường, gây đau đớn vùng mặt và các triệu chứng viêm xoang khác.
Xoang bị bít kín tạo nên một môi trường ẩm ướt dễ cho vi trùng phát triển. Khi xoang bị nhiễm trùng, chất nhầy không thể thoátđược tích tụ tạo thành mủ, dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứng như mủ đặc, màu vàng hoặc xanh và các triệu chứng nhiễm trùng khác.
Viêm xoang cấp tính có thể xảy ra bởi:
Nhiễm virút. Hầu hết các trường hợp viêm xoang cấp tính là do cảm lạnh thông thường .
Nhiễm khuẩn. Khi tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên kéo dài hơn 7 đến 10 ngày, nhiều khả năng do nhiễm trùng bởi vi khuẩn hơn do virus.
Nhiễm nấm. Bạn có nguy cơ dễ bị nhiễm nấm nếu có bất thường về hệ cấu trúc xoang hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu.
Một số tình trạng sức khoẻ có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng xoang gây viêm xoang, hoặc có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm xoang không gây ra bởi nhiễm khuẩn tiềm ẩn. Như là:
Dị ứng hay cảm mạo. Tình trạng phản ứng viêm do dị ứng có thể làm các xoang bị tắc
Các polyp hoặc khối u ở mũi. Các mô tăng trưởng này có thể làm tắc khe mũi hoặc xoang.
Vẹo vách ngăn mũi. Vách ngăn mũi bị vẹo – vách ngăn giữa hai bên lỗ mũi – có thể làm tắc nghẽn ống xoang
Sâu răng. Một số ít trường hợp viêm xoang cấp tính gây ra bởi một chiếc răng sâu.
Các tình trạng sức khoẻ khác. Các biến chứng của xơ nang, trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc rối loạn hệ thống miễn dịch cũng có thể dẫn đến chèn kín các xoang tăng nguy cơ nhiễm trùng.
YẾU TỐ NGUY CƠ

Yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị viêm xoang cấp tính?

Bạn có thể có nguy cơ viêm xoang nhiều hơn nếu bị:
Dị ứng phấn hoa, cỏ khô hay các tác nhân dị ứng khác cũng có ảnh hưởng đến xoang
Bất thường cấu trúc giải phẫu của mũi, chẳng hạn như vẹo vách ngăn mũi, polyp mũi hoặc khối u ở mũi
Một số bệnh lý như xơ nang, trào ngược dạ dày thực quản hoặc hệ thống miễn dịch rối loạn như thiếu hụt globulin miễn dịch hoặc kháng thể.
Việc tiếp xúc thường xuyên với các chất ô nhiễm như khói thuốc lá.
BIẾN CHỨNG

Biến chứng của viêm xoang cấp tính

bao gồm:
Cơn hen phế quản. Viêm xoang cấp tính có thể thúc đẩy lên cơn suyễn.
Viêm xoang mạn tính. Viêm xoang cấp tính có thể là khởi đầu của một vấn đề lâu dài là viêm xoang mạn tính. Viêm xoang mạn tính là tình trạng viêm xoang kéo dài hơn tám tuần.
Viêm màng não. Xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng lan đến màng não
Thị lực bị ảnh hưởng. Nếu tình trạng nhiễm trùng lây lan đến hốc mắt có thể gây giảm thị lực hoặc thậm chí là mù lòa. Đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp cần phải điều trị ngay lập tức để ngăn ngừa việc mù vĩnh viễn.
Viêm tai. Viêm xoang cấp tính có thể làm tai bị nhiễm trùng
CHUẨN BỊ KHI ĐI KHÁM
Khi gặp bác sĩ, bạn có thể sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng các xoang. Bác sĩ cũng có thể sẽ kiểm tra mắt, tai, mũi, và họng. Việc chuẩn bị trước câu trả lời về những câu hỏi mà bác sĩ hỏi về triệu chứng của bạn có thể giúp ích rất nhiều. Có thể bác sĩ sẽ muốn biết:
Chính xác bạn đang có các triệu chứng gì
Các triệu chứng này xuất hiện từ lúc nào
Có điều gì làm cải thiện hay làm trầm trọng hơn các triệu chứng ấy không
Bạn có bị cảm hay nhiễm trùng hô hấp hay mới mắc điều này trong thời gian gần đây không
Bạn có bị dị ứng không
Bạn có hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá hay các chất ô nhiễm trong không khí khác không
Những loại thuốc mà bạn sử dụng, bao gồm cả các loại thảo dược
Những vấn đề sức khỏe khác nếu có
Chuẩn bị một danh sách các câu hỏi mà bạn cần hỏi sẽ giúp bạn tận dụng tối đa thời gian khi đi khám. Đối với viêm xoang cấp tính, một số câu hỏi cơ bản thường hay hỏi bác sĩ như:
Điều gì gây ra triệu chứng hoặc tình trạng này?
Có nguyên nhân nào khác có thể gây ra các triệu chứng hoặc tình trạng này không?
Tôi cần những xét nghiệm gì?
Phương pháp điều trị ra sao? Bác sĩ đề nghị phương pháp nào?
Có tác dụng phụ nào từ việc điều trị hay không?
Tôi có vấn đề sức khoẻ khác. Làm thế nào để điều trị phối hợp hiệu quả nhất?
Có loại thuốc nhượng quyền nào thay thế cho thuốc bác sĩ đã kê toa hay không?
XÉT NGHIỆM và CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán viêm xoang cấp tính thế nào?

Bác sĩ có thể sử dụng một số phương pháp để kiểm tra viêm xoang cấp tính, chẳng hạn như:
Thăm khám
Để tìm nguyên nhân gây ra các triệu chứng, bác sĩ sẽ kiểm tra mũi hoặc cổ họng của bạn. Bác sĩ sẽ sử dụng một công cụ để giữ mũi của bạn mở, có thể sẽ dùng thuốc co mạch máu trong mũi nhằm giúp cho việc quan sát bên trong mũi dễ dàng hơn. Sau đó bác sĩ sẽ rọi đèn vào mũi để tìm chỗ viêm hoặc mủ. Quan sát trực tiếp này giúp bác sĩ loại trừ các tình trạng bất thường về giải phẫu gây ra viêm xoang như polyp mũi hoặc các vấn đề bất thường khác.
Nội soi mũi
Nội soi mũi bằng một ống sói mỏng, dẻo có gắn camera quan sát để đưa vào ngã mũi của bạn giúp cho phép kiểm tra trực quan bên trong xoang.
H ình ảnh học
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể hiển thị hình ảnh chi tiết của các xoang và hốc mũi. Chẩn đoán hình ảnh có thể giúp chuẩn đoán những bất thường hoặc biến chứng nghi ngờ, tuy nhiên phương pháp này không khuyến khích dùng thường quy.
Cấy vi khuẩn dịch mũi xoang .
Xét nghiệm này thường không cần thiết trong việc chuẩn đoán viêm xoang cấp. tuy nhiên, trong một số trường hợp điều trị thất bại hoặc bệnh tiến triển nặng hơn, việc cấy cấy dịch mũi xoang giúp xác định chính xác tác nhân cũng như chủng vi khuẩn gây bệnh.
Xét nghiệm dị ứng
Nếu bác sĩ nghi ngờ tình trạng bệnh có thể gây ra do dị ứng, một vài xét nghiệm kiểm tra dị ứng trên da có thể được tiến hành. Kiểm tra dị ứng trên da rất an toàn và nhanh chóng, giúp xác định các tác nhân gây dị ứng liên quan đến tình trạng mũi tái phát nhiều lần.
ĐIỀU TRỊ

Các phương pháp điều trị viêm xoang cấp tính

Hầu hết các trường hợp viêm xoang cấp tính không cần phải điều trị vì tác nhân gây bệnh thường do virus vốn gây bệnh cảm cúm thông thường. Thông thường chỉ cần tự chăm sóc vệ sinh vùng mũi họng cũng giúp hồi phục nhanh và giảm nhẹ các triệu chứng.
Phương pháp điều trị giúp giảm các triệu chứng
Bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị sau để giúp giảm các triệu chứng viêm xoang, như:
Dung dịch nước muối xịt mũi, xịt vào mũi nhiều lần trong ngày để rửa mũi.
Corticosteroid xịt mũi. Các thuốc xịt mũi này giúp ngăn ngừa và điều trị tình trạng viêm. Ví dụ như fluticasone (Flisonase ), mometasone (Nasonex), budesonide (Rhinocort Aqua), triamcinolone (Nasacort AQ) và beclomethasone (Beconase AQ) .
Thuốc co mạch giúp thông mũi. Các loại thuốc này có sẵn trong các nhà thuốc (không cần kê đơn) gồm dạng lỏng, thuốc viên và thuốc xịt mũi. Thuốc không cần kê toa này thường chứa Sudafed, Actifed và Drixoral. Thuốc xịt mũi bao gồm oxymetazoline (Afrin, vv ). Các loại thuốc này thường chỉ nên sử dụng vài ngày, vì dùng lâu hơn có thể gây tắc nghẽn nghiêm trọng hơn (do phản ứng ngược trở lại khi dùng thuốc co mạch).
Thuốc giảm đau không cần kê toa như aspirin, acetaminophen (Tylenol, vv) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB, vv). Aspirin có gây ra hội chứng Reye (dị ứng thuốc), vì vậy cần cẩn thận khi sử dụng aspirin cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Mặc dù aspirin được chấp thuận cho sử dụng ở trẻ em trên 2 tuổi, tuy vậy trẻ em và thanh thiếu niên phục hồi từ bệnh thủy đậu hoặc các triệu chứng giống như cúm cũng không nên dùng aspirin. Hỏi thêm ý kiến bác sĩ nếu có quan tâm đến vấn đề này.
Thuốc kháng sinh
Điều trị viêm xoang cấp tính thường không cần dùng thuốc kháng sinh.
Thuốc kháng sinh không có tác dụng khi viêm xoang cấp tính gây ra do nhiễm virus hoặc nấm
Hầu hết các trường hợp viêm xoang do vi khuẩn thường được cải thiện mà không cần dùng thuốc kháng sinh
Chỉ trong trường hợp bị nhiễm trùng nặng, bệnh bị tái phát hoặc kéo dài dai dẳng thì việc sử dụng thuốc kháng sinh mới là cần thiết.
Thuốc kháng sinh dùng để điều trị viêm xoang cấp tính gây ra do nhiễm vi khuẩn bao gồm amoxicillin (Amoxil, vv), doxycycline (Doryx, Monodox, vv) hoặc thuốc kết hợp như trimethoprim-sulfamethoxazole (Bactrim, , vv) . Nếu nhiễm trùng không dứt điểm hoặc nếu viêm xoang trở lại, bác sĩ có thể sẽ dùng một loại kháng sinh khác.
Nếu bác sĩ kê đơn thuốc bao gồm kháng sinh, bạn cần phải uống kháng sinh đầy đủ theo chỉ dẫn, thường được kê trong vòng từ 10 đến 14 ngày – ngay cả sau khi các triệu chứng của bạn cải thiện. Nếu bạn ngưng dùng thuốc sớm hơn chỉ định, các triệu chứng của bạn có thể tái phát trở lại.
Thuốc kháng nấm
Hiếm khi viêm xoang cấp tính là do nhiễm nấm, vốn phải điều trị bằng thuốc kháng nấm. Liều dùng thuốc – cũng như dùng thuốc trong bao lâu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm nấm cũng như tốc độ đáp ứng của bệnh.
Liệu pháp miễn dịch
Nếu dị ứng là tác nhân gây ra viêm xoang, tiêm chữa dị ứng (giải mẫn cảm) giúp làm giảm phản ứng của cơ thể với các loại tác nhân dị ứng đặc hiệu, giúp giảm các triệu chứng của bạn.
ĐIỀU CHỈNH LỐI SỐNG
Các bước tự chăm sóc có thể giúp cải thiện các triệu chứng viêm xoang:
Nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng, hồi phục nhanh.
Uống nhiều nước lọc hoặc nước trái cây. Điều này giúp làm loãng chất tiết nhầy và giúp dịch nhầy thoát ra ngoài dễ dàng hơn. Tránh dùng các đồ uống có chứa caffein hoặc cồn, vì chúng có thể làm mất nước. Uống rượu cũng có thể làm tình trạng phù nề niêm mạc của xoang và mũi trở nên trầm trọng hơn.
Làm ẩm xoang. Trùm khăn kín đầu, xông hơi từ một bát nước nóng. Giữ hơi nóng hướng về khuôn mặt. Hoặc tắm vòi sen nóng, hít thở, không khí ấm và ẩm. Điều này giúp giảm đau và giúp đưa dịch nhầy ra ngoài.
Dùng gạc ấm áp lên mặt. Đặt một chiếc khăn ấm xung quanh mũi, má và mắt để làm giảm đau.
Rửa khoang mũi. Sử dụng một chai được thiết kế đặc biệt có thể bóp được( Sinus Rinse, vv), để rửa mũi. Biện pháp điều trị tại nhà này, có thể giúp thông xoang. Khi thực hiện nên sử dụng nước sạch (nước cất, vô trùng), nước đun sôi để nguội, hoặc có thể lọc nước bằng cách sử dụng một bộ lọc với kích thước lỗ tuyệt đối là 1 micron hoặc nhỏ hơn. Ngoài ra hãy nhớ rửa sạch các thiết bị rửa mũi sau mỗi lần sử dụng bằng nước sạch sau đó để khô ráo.
Nâng đầu cao lên khi ngủ. Điều này giúp thoát dịch xoang và giảm tắc nghẽn xoang.
LIỆU PHÁP THAY THẾ
Không có phương pháp điều trị thay thế nào đã được chứng minh giảm bớt các triệu chứng của viêm xoang cấp tính, nhưng các sản phẩm có chứa một số loại thảo dược kết hợp có thể cải thiện các triệu chứng của bạn. Các phương pháp điều trị kết hợp, được bán dưới tên thương hiệu như Sinupret và SinuGuard, chứa hỗn hợp của cây ngọc trâm hoa, gốc cây khổ sâm, elderflower, cỏ roi ngựa và cây me chua. Tác dụng phụ có thể bao gồm đau dạ dày, tiêu chảy và dị ứng da.
PHÒNG NGỪA
Thực hiện các bước sau để giúp giảm nguy cơ mắc viêm xoang cấp tính:
Tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Hạn chế tối đa tiếp xúc với người bị cảm. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là trước bữa ăn.
Thận trọng với dị ứng. Khám bác sĩ để kiểm soát tình trạng dị ứng.
Tránh khói thuốc lá và không khí ô nhiễm. Khói thuốc lá và các chất ô nhiễm khác có thể gây kích ứng, viêm phổi và viêm mũi.
Sử dụng máy tạo độ ẩm. Nếu không khí trong nhà của bạn khô nhất là khi sử dụng lò sưởi, thêm độ ẩm cho không khí có thể giúp ngăn ngừa viêm xoang. Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh thiết bị làm ẩm để đảm bảo không khí trong nhà sạch sẽ, không có nấm mốc.

(nguồn Y tế cộng đồng)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Virus viêm gan C (HCV) là một virus truyền nhiễm qua máu mà trước đây thường được gọi là virus viêm gan không phải A hoặc B.
  • 07-07-2022

    Các bệnh về tuyến giáp là bệnh lý nội tiết khá phổ biến hiện nay do những bất thường về mặt cấu trúc và chức năng của tuyến giáp gây ra. Trong bài viết này, Wellcare sẽ tổng hợp những thắc thường gặp nhất kèm giải đáp khoa học về các bệnh tuyến giáp.

  • 28-05-2018
    Gây xương là chấn thương thường gặp ở trẻ em đặc biệt là sau khi té ngã. Mọi trường hợp gãy xương đều cần chăm sóc y tế bất kể phần nào bị gãy hay chấn thương lớn/ nhỏ thế nào.
  • 28-05-2018
    Dị ứng thuốc là một nhóm các triệu chứng bị gây ra bởi những phản ứng dị ứng khi sử dụng các loại dược phẩm. Đa số những trường hợp dị ứng thuốc sẽ gây mẫn đỏ da, tuy nhiên có một số trường hợp nghiêm trọng thì những phản ứng dị ứng xảy ra toàn cơ thể
  • 28-05-2018
    Đau xương cẳng chân, hay hội chứng căng xương chày, là tình trạng đau dọc mặt trước hoặc mặt trong ống đồng. Các cơ bắp, gân và xương mô trở nên làm việc quá tải bởi các hoạt động gia tăng. Biểu hiện nhẹ có thể là viêm phần mềm hoặc cơ, trong khi những