Dị ứng thuốc

Dị ứng thuốc là một nhóm các triệu chứng bị gây ra bởi những phản ứng dị ứng khi sử dụng các loại dược phẩm. Đa số những trường hợp dị ứng thuốc sẽ gây mẫn đỏ da, tuy nhiên có một số trường hợp nghiêm trọng thì những phản ứng dị ứng xảy ra toàn cơ thể

Thế nào là dị ứng thuốc?

dị ứng thuốc
Ảnh minh họa

Dị ứng thuốc là một nhóm các triệu chứng gây ra bởi những phản ứng dị ứng khi sử dụng các loại dược phẩm.
Đa số những trường hợp dị ứng thuốc sẽ gây mẫn đỏ da. Tuy nhiên có một số trường hợp nghiêm trọng thì những phản ứng dị ứng xảy ra toàn cơ thể và có thể nguy hại đến tính mạng.
Penicillin và một số loại kháng sinh thường gây ra những trường hợp dị ứng thuốc. Những loại thuốc khác cũng hay gây ra tình trạng này bao gồm các thuốc sulfamide, thuốc chống co giật, các chế phẩm insulin (đặc biệt insulin có nguồn gốc từ súc vật), thuốc gây tê cục bộ (chẳng hạn novocain)... Một số trường hợp dị ứng thuốc được cho là đặc ứng, nghĩa là phản ứng dị ứng này là một tác động rất 'xa lạ' của thuốc, ví dụ như aspirin có thể làm bùng phát các cơn hen suyễn.

Triệu chứng, biểu hiện của dị ứng thuốc

Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ nhất là sự kích ứng, các tác dụng phụ ở mức độ nhẹ như: buồn nôn, nôn mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng, chẳng hạn shock phản vệ… Sau đây là các biểu hiện thường gặp nhất:
  • Mày đay: Là biểu hiện lâm sàng nhẹ và ban đầu của phần lớn các trường hợp dị ứng thuốc. Sau khi dùng thuốc (nhanh từ 5-10 phút, chậm có thể vài ngày), người bệnh cảm thấy nóng bừng, ngứa, trên da nổi ban cùng sẩn phù. Trường hợp nặng có thể có khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao...
  • Phù Quincke: Là tình trạng phù cục bộ, phù thường xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc ở những vùng da mỏng, môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi, bộ phận sinh dục... Màu da vùng phù bình thường hoặc hơi hồng nhạt, đôi khi phối hợp với mày đay. Trường hợp phù Quincke ở họng, thanh quản, người bệnh có thể bị nghẹt thở; ở ruột, dạ dày gây đau bụng; ở não gây đau đầu...
  • Viêm da dị ứng: Thương tổn cơ bản là mụn nước kèm theo ban đỏ, ngứa, phù da và tiến triển theo nhiều giai đoạn. Viêm da dị ứng có thể xuất hiện nhanh sau một vài giờ, trung bình sau vài ba ngày, có khi hàng tuần sau khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc.
  • Đỏ da toàn thân: Bệnh xuất hiện từ 2 - 3 ngày, trung bình 6 - 7 ngày, đôi khi 2 - 3 tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh thấy bừng nóng, ngứa khắp người, sốt cao, rối loạn tiêu hóa, nổi ban đỏ toàn thân, trên da có vảy trắng, các kẽ chân tay có thể nứt và chảy nước vàng, đôi khi bị bội nhiễm có mủ.
  • Bệnh huyết thanh: Thường xuất hiện vào ngày thứ hai đến ngày thứ 14 sau khi dùng thuốc với biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, buồn nôn, đau khớp, sưng nhiều hạch, sốt cao 38 - 39oC, gan to, nổi ban mày đay khắp người. Nếu phát hiện kịp thời và ngừng ngay việc dùng thuốc, các triệu chứng trên sẽ dần hết.
  • Chứng mất bạch cầu hạt: Biểu hiện lâm sàng điển hình là sốt cao đột ngột, mệt mỏi, sức khỏe giảm sút nhanh, nổi ban dạng sởi, dạng xuất huyết, loét hoại tử niêm mạc miệng, mũi họng, cơ quan sinh dục, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm xuất huyết dễ dẫn tới tử vong.
  • Hồng ban đa dạng: Bệnh bắt đầu sau một vài ngày dùng thuốc với những biểu hiện: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau khớp, sưng hạch, có cảm giác nóng bỏng toàn thân, trên da xuất hiện các sẩn tròn giống sẩn mày đay, rìa nổi gờ cao, đỏ hơi cộm, vùng trung tâm của sẩn hơi lõm và nhăn. Ngoài sẩn còn có các mụn nước, bọng nước, tổn thương niêm mạc các hốc tự nhiên, tổn thương nội tạng… trường hợp nặng có thể gây tử vong.
  • Hội chứng Stevens-Johnson (hồng ban đa dạng có bọng nước): Sau khi dùng thuốc từ vài giờ đến 10 - 15 ngày, người bệnh mệt mỏi, ngứa khắp người, có cảm giác nóng ran, sốt cao, nổi ban đỏ, nổi bọng nước trên da, viêm loét hoại tử niêm mạc các hốc tự nhiên và có thể kèm theo tổn thương gan thận, nếu nặng có thể gây tử vong.
  • Hội chứng Lyell Là tình trạng nhiễm độc da dị ứng nghiêm trọng nhất. Bệnh diễn biến từ vài giờ đến vài tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, sốt cao, ngứa khắp người, trên da xuất hiện các mảng đỏ; vài ngày sau, lớp thượng bì tách khỏi tổ chức da, khẽ động đến là tuột từng mảng, tương tự hội chứng bỏng toàn thân; tình trạng người bệnh thường rất nặng, nhanh dẫn đến tử vong.
  • Sốc phản vệ: Là tai biến dị ứng nghiêm trọng, dễ gây tử vong. Biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể xảy ra ngay sau khi dùng thuốc vài giây cho đến 20 - 30 phút, khởi đầu bằng cảm giác lạ thường (tê môi, lưỡi, bồn chồn, sợ hãi...). Tiếp đó là sự xuất hiện nhanh các triệu chứng như khó thở, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, ngứa ran khắp người, đau quặn bụng, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ, thể cấp tính người bệnh có thể hôn mê, nghẹt thở, rối loạn nhịp tim, ngừng tim và tử vong sau ít phút.
Lưu ý: Có người xuất hiện các triệu chứng dị ứng thuốc ngay sau khi uống một vài giờ, nhưng cũng có khi sau một vài ngày, thậm chí hằng tuần. Đáng lưu ý là trong rất nhiều trường hợp thấy bị sốt, ngứa, nổi mày đay, bệnh nhân lại nghĩ rằng mình bị một bệnh khác và dùng thêm vài loại thuốc nữa, càng làm cho tình trạng dị ứng thuốc trầm trọng hơn.

Nguyên nhân gây dị ứng thuốc

Do cơ địa: tùy theo cơ địa mà người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thuốc nào, kể cả những thuốc bổ, thuốc nam. Ở những người có cơ địa dị ứng, việc dùng thuốc gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có mối liên hệ di truyền giữa cha mẹ và con cái. Nếu cha mẹ bị dị ứng thì xác suất sinh con có 50% bị dị ứng và có liên hệ với cùng một nguyên nhân dị ứng.
Trường hợp cha mẹ không bị dị ứng thì tỉ lệ con mắc bệnh dị ứng chỉ là 10%. Ngoài ra, ở một số trường hợp là nhân viên y - dược bệnh viện, qua nghiên cứu người ta cũng thấy họ có nguy cơ bị dị ứng thuốc cao gấp 2,5 lần người khác.
Sử dụng thuốc đã quá hạn sử dụng: Thuốc quá hạn hoặc do quá trình bảo quản không tốt, khi đó, chúng không chỉ hết tác dụng mà có thể biến thành chất khác, gây ngộ độc cho người sử dụng.
Tự ý dùng thuốc: tình trạng tự điều trị và sử dụng thuốc bừa bãi. Không ít trường hợp tự kê đơn cho mình hoặc nhờ người bán thuốc kê đơn.
Ngoài ra, có quá nhiều loại thuốc được đưa vào thị trường nhưng lại thiếu thông tin hướng dẫn sử dụng an toàn hợp lý và chúng ta chưa quản lý được các nguồn thuốc sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu này.

Phòng ngừa dị ứng thuốc

dị ứng thuốc
Ảnh minh họa

Không nên lạm dụng thuốc và đặc biệt không tự mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh và một số thuốc chuyên khoa đặc trị, kể cả thuốc nhỏ mắt, bôi da có chứa kháng sinh cũng phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.
Khi thấy nổi hồng ban trên da, đặc biệt có kèm thêm tổn thương niêm mạc như mắt, mũi, miệng hoặc bất cứ một biểu hiện bất thường nào sau khi dùng bất cứ một loại thuốc nào... không được tự ý điều trị bằng các biện pháp dân gian mà cần đến bệnh viện ngay để chẩn đoán chính xác.

Chẩn đoán dị ứng thuốc

Dựa vào dấu hiệu lâm sàng: Sau khi uống thuốc, người bệnh thấy nổi ban, nổi mẫn, ngứa da, ngứa mắt, hơi thở khò khè, sưng môi, sưng lưỡi, sưng mặt... nặng hơn là khó thở, giọng khàn, nổi ban nhiều vùng trên cơ thể, ngất xỉu, xây xẩm, mạch nhanh, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, hồi hộp, đau bụng....

Điều trị dị ứng thuốc

Để điều trị dị ứng thuốc, bác sĩ thường dùng các loại thuốc kháng histamin (để làm giảm sự ngứa da, nổi mẫn), thoa corticosteroid vào da, các thuốc giãn phế quản để hạn chế những triệu chứng giống suyễn, tiêm epinephrine (adrenaline) để trị sốc phản vệ.

Các yếu tố nguy cơ gây dị ứng thuốc

  • Tất cả các thuốc đều có khả năng gây ra phản ứng có hại. Trong số các loại thuốc gây dị ứng, kháng sinh là nhóm thuốc xếp 'đầu bảng', chiếm tới hơn 50%. Các thuốc kháng sinh thường gây dị ứng là penicillin, ampicillin, streptomicin, sulfonamide. Kế đến là các thuốc điều trị động kinh, thuốc giảm đau, kháng viêm, giảm sốt, vitamin, các thuốc có nguồn gốc từ chất đạm (protein, peptid) như các hormon...
  • Một số thuốc ảnh hưởng trên hệ tim mạch như thuốc tê novocain, lidocain, vitamin C, vitamin B1 dạng thuốc tiêm... có thể gây choáng phản vệ. Ngay cả aspirin uống cũng có thể gây choáng phản vệ. Có thuốc dùng nhiều lần trước đó không việc gì nhưng sau lại bị phản ứng.
  • Đặc biệt lưu ý có hiện tượng phản ứng chéo giữa thuốc gây dị ứng với thuốc khác cùng nhóm. Thí dụ, người đã bị dị ứng với kháng sinh amoxicillin thì có thể bị dị ứng với các thuốc khác nằm cùng nhóm beta-lactam (gọi là nhóm penicillin, nhóm cephalosporin). Người đã dị ứng với aspirin cũng có thể bị dị ứng với các thuốc khác nằm trong nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID).
  • Dị ứng thuốc đường uống nhiều nhất (hơn 70%), thường gây ra các hội chứng loại hình dị ứng muộn, tiếp đó là đường tiêm chích (gần 20%) với những biểu hiện sớm, diễn biến nhanh và mức độ nặng cao. Các loại thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, bôi ngoài da, tẩy - nhuộm lông, tóc... cũng đều có khả năng gây ra các dị ứng tại chỗ và toàn thân như dùng đường uống, đường tiêm chích.
  • Trong các trường hợp dị ứng với kháng sinh thường xảy ra, đáng lo ngại nhất là penicillin và nhóm beta-lactam. Đây là kháng sinh đầu được tìm ra và áp dụng vào điều trị và cũng chính penicillin gây sốc phản vệ do dùng kháng sinh.
  • Thuốc đông y cũng là nhóm thuốc gây dị ứng. Đây thực sự là điều rất đáng báo động vì người dân vẫn thường quan niệm không những các thuốc đó lành tính, không độc mà còn mát, bổ và hợp với tạng người Việt. Vì vậy, mọi người cứ 'thoải mái' sử dụng mà không cần phải đề phòng. Theo các chuyên gia y tế, việc lạm dụng, chữa bệnh theo kiểu mách bảo, xem nhẹ tác dụng phụ của thuốc đông y là vấn đề hết sức nguy hiểm. Thực ra, thuốc đông y không đơn giản là lành, mát, bổ như nhiều người lầm tưởng. Thuốc tân dược và đông dược về bản chất đều như nhau, chỉ khác chăng là phương thức trích ly hoạt chất để sử dụng.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Ngày nay, vi trùng Helicobacter pylori (H. pylori) được xem là một trong những tác nhân chủ yếu của chứng viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, hiểu biết về ảnh hưởng của vi trùng H.pylori lên
  • 28-05-2018
    Mộng thịt là một mô thịt phát triển theo hình tam giác hoặc hình cánh trên giác mạc. Nó thường xuất hiện ở góc trong hoặc góc bên ngoài của mắt. Đó là một tổn thương lành tính, phát triển chậm, và hầu như không có hại. Tuy nhiên trong một số trường hợp,
  • 28-05-2018
    Viêm xoang cấp tính (hay viêm mũi xoang cấp) là tình trạng các khoang xung quanh mũi (gọi là xoang) bị viêm và sưng lên. Điều này làm cho xoang tích tụ nhiều dịch nhầy, gây trở ngại cho việc thoát ra ngoài.
  • 28-05-2018
    Trước tiên, bụng là phần cơ thể nằm dưới xương sườn và trên vùng chậu. Khi bạn bị đau ở vùng này thì các bác sĩ sẽ gọi đó là đau bụng. Tuy nhiên, đau bụng còn có những thuật ngữ khác như đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, …
  • 28-05-2018
    Thiếu máu là một tình trạng đôi khi có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể làm cho con bạn quấy chướng, mệt mỏi và suy yếu. Mặc dù các triệu chứng này có thể làm bạn lo lắng, nhưng hầu như các trường hợp thiếu máu đều có thể điều trị dễ dàng.
  • 28-05-2018
    Viêm tĩnh mạch huyết khối hay còn gọi là viêm tĩnh mạch. Đây là tình trạng tĩnh mạch bị viêm và hình thành các khối máu đông. Khi viêm tĩnh mạch huyết khối xảy ra, sự lưu thông máu ở khu vực đó trở nên chậm lại và có thể hình thành những khối máu đông