Viêm gan C

Virus viêm gan C (HCV) là một virus truyền nhiễm qua máu mà trước đây thường được gọi là virus viêm gan không phải A hoặc B.

Tìm hiểu Viêm gan C

viem-gan-c

Virus viêm gan C (HCV) là một virus truyền nhiễm qua máu mà trước đây thường được gọi là virus viêm gan không phải A hoặc B.
1. Giới thiệu
HCV có 6 loại (genotypes); thường thấy nhất: 1a, 1b, 2a, 2b, 3, 4, 5, và 6. Trong đó loại 1a và 1b rất phổ biến tại Hoa Kỳ và khó chữa trị hơn. HCV xâm nhập thẳng vào cơ thể qua máu; rồi tấn công tế bào gan và sinh sôi nẩy nở tại đây. HCV làm cho tế bào gan sưng lên và đồng thời giết các tế bào gan.
Có đến 80% những người bị nhiễm HCV có khả năng trở thành bệnh kinh niên - có nghĩa là 6 tháng sau khi bị nhiễm, bệnh vẫn không hết. Ða số những người bị HCV kinh niên không thấy có triệu chứng nào và vẫn có cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, trong số 10 - 25% người có HCV kinh niên, bệnh sẽ âm thầm tiến triển trong khoảng 10 - 40 năm, và có thể làm tổn thương gan trầm trọng, xơ gan, hoặc ung thư gan.
Hiện nay, bệnh viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu đưa đến việc cấy ghép gan tại Hoa Kỳ. Cho đến nay chưa có thuốc chích ngừa hoặc thuốc để chữa lành hẳn bệnh HCV. Tuy nhiên nhiều phương pháp trị liệu được áp dụng có thể tiêu diệt và/hoặc làm chậm lại hay chặn đứng sự phát triển của HCV ở một số người.
2. Những dữ kiện về viêm gan C
- Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ ước lượng có khoảng 4 triệu người dân Mỹ bị nhiễm HCV.
- Mỗi năm, khoảng 8.000 - 10.000 người dân Mỹ chết do các biến chứng liên quan đến HCV. Con số này được dự tính sẽ tăng gấp 3 trong vòng 10 đến 20 năm tới.
- HCV là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc cấy ghép gan tại Mỹ.
- Những người có HCV nên tránh uống rượu và tránh sử dụng ma túy.
- Những người có bệnh HCV nên chích ngừa viêm gan A và viêm gan B.
3. Phân loại
Viêm gan C chia làm 2 loại:
- Viêm gan C cấp tính
- Viêm gan C mạn tính

Triệu chứng, biểu hiện Viêm gan C

Phần lớn người mang HCV kinh niên cũng không có triệu chứng nào và vẫn sống gần như bình thường. Tuy nhiên, những người khác có triệu chứng giống như bị cảm cúm nhẹ như buồn nôn, mệt mỏi, sốt, nhức đầu, ăn không ngon, đau vùng bụng, và nhức bắp thịt hay ở khớp.
Một số người lại có những triệu chứng như bị cảm cúm nặng, cũng như vàng da và mắt bị đục, nước tiểu đậm. Sau một thời gian (thường là nhiều năm hoặc vài chục năm), người có bệnh HCV kinh niên có thể có những triệu chứng liên quan đến tổn hại gan. Viêm gan C kinh niên có thể liên quan đến nhiều triệu chứng khác.
Các triệu chứng của người bị viêm gan C:
Viêm gan C cấp tính:
- Ðau ốm như bị cúm
- Chướng bụng
- Buồn nôn
- Mệt mỏi (nhẹ đến nặng)
- Đau vùng bụng
- Nôn mửa
- Ăn không ngon (biếng ăn)
- Sốt
- Đổ mồ hôi vào đêm
- Tiêu chảy
- Vàng da
- Khó tiêu
- Nhức bắp thịt, khớp
- Nhức đầu
Viêm gan C kinh niên
- Mệt mỏi (nhẹ đến nặng)
- (Rối trí)
- Tâm thần bất thường
- Ăn không ngon (biếng ăn)
- Buồn nôn
- Khó tiêu
- Nhức bắp thịt, khớp
- Đau vùng bụng
- Sốt
- Nhức đầu
- Trầm cảm
Giai đoạn cuối của viêm gan C với tình trạng xơ gan
- Mệt mỏi (nhẹ đến nặng)
- Sốt
- Buồn nôn
- Ăn không ngon (biếng ăn)
- Nôn mửa
- Tiểu nhiều
- Vàng da
- Khó tiêu
- Nhức đầu
- Nhức bắp thịt, khớp
- Đau vùng bụng
- Chướng bụng
- Trầm cảm
- Tâm thần bất thường
- Nhận thức chậm chạp
- Không tập trung
- Rối loạn tinh thần
- Chóng mặt
- Thị giác kém
- Tụ nước (phù)
Những triệu chứng liên quan đến HCV
Có một số triệu chứng được cho là liên quan đến HCV. Một trong số triệu chứng đó là triệu chứng tự miễn, khi chính hệ thống miễn dịch tấn công vào các nhóm mô của cơ thể.
Các triệu chứng đôi khi thấy được ở các người có HCV kinh niên là hội chứng Sjogren (có đặc điểm là khô mắt và miệng), triệu chứng viêm cầu thận - thận, bị các chứng bệnh tim và máu như huyết khối, và các triệu chứng da như lichen planus (có đặc điểm là da bị loang trắng và sưng), và da nổi ban do nắng.
Những triệu chứng khác là viêm khớp, nhức khớp, bệnh tuyến giáp, viêm mạch máu, và triệu chứng protein máu tích tụ trong thận, da, và dây thần kinh (globulin niệu).
Những triệu chứng nghiêm trọng đều thuộc về giai đoạn cuối của nhiễm HCV, khi gan bị tổn hại và các chức năng của gan bị rối loạn. Có nhiều người mang bệnh HCV mà không bao giờ có các triệu chứng này. Hãy tham khảo với bác sĩ nếu bạn có bất cứ triệu chứng bất thường nào.

Nguyên nhân Viêm gan C

HCV lây lan bằng sự tiếp xúc trực tiếp qua máu. Ðường truyền bệnh bao gồm việc dùng chung các vật dụng ma túy như kim chích. Kim dùng để xâm mình, xỏ da, và châm cứu cũng có thể truyền HCV. Dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo, bàn chải đánh răng, hay dũa móng tay tuy ít nguy cơ nhưng vẫn có thể làm lây nhiễm bệnh.
Trước năm 1992, nhiều người đã bị nhiễm HCV qua máu hoặc do nhận máu của người khác. Ðến năm 1992, cách thử máu đáng tin cậy để xác định kháng thể HCV được sử dụng. Và từ đó, các nguồn cung cấp máu được thử nghiệm.
Ngày nay, tỷ lệ lây nhiễm HCV do truyền máu bị nhiễm rất thấp, dưới 0,01%. Một số ít (khoảng 1 - 3% người có quan hệ tình dục khác giới, một vợ một chồng) có thể bị lây nhiễm HCV do quan hệ tình dục không an toàn.
Những người thuộc các nhóm có 'nguy cơ mắc bệnh cao' (như đàn ông đồng tính, mại dâm, người có nhiều bạn tình, người mang bệnh lây qua đường tình dục) thường dễ bị nhiễm HCV qua đường tình dục hơn.
Các nhân viên y tế cũng có nguy cơ nhiễm bệnh vì những tai nạn việc làm như bị kim đâm hoặc trong những trường hợp không thể tránh được có thể tiếp xúc trực tiếp với máu của người mang bệnh.
Khoảng 5% những bà mẹ bị HCV có thể truyền bệnh cho con vào lúc trước hoặc trong khi sinh. Sự lây truyền này tùy thuộc vào mức độ HCV có trong máu của bà mẹ. Phần lớn những sản phụ bị đồng nhiễm HBV hoặc HIV có thể sẽ truyền HCV cho con. Vài cuộc khảo sát cũng tìm thấy HCV trong sữa mẹ, nhưng truyền bệnh qua sữa mẹ là rất hiếm.
Có đến 10% số người có HCV không xác định được tại sao họ bị mắc bệnh. HCV không lây truyền qua những tiếp xúc thông thường hằng ngày như ăn chung bàn, uống chung ly nước, ôm, hắt hơi, hoặc ho.

Các yếu tố, nguy cơ Viêm gan C

Nguyên nhân bị nhiễm viêm gan C là do virus viêm gan C (HCV). Những người có thể là nguy cơ mắc bệnh viêm gan C là những người:
- Đã chạy thận nhân tạo lâu dài.
- Có tiếp xúc thường xuyên với máu tại nơi làm việc (ví dụ: nhân viên y tế).
- Có quan hệ tình dục không an toàn với người bị viêm gan C (nguy cơ này là ít phổ biến hơn so với viêm gan B, nhưng rủi ro là cao hơn với những người có quan hệ tình dục nhiều, đã có một bệnh lây truyền qua đường tình dục, hoặc bị nhiễm HIV).
- Tiêm chích ma túy hoặc dùng chung kim với người bị viêm gan C.
- Xăm hình hoặc châm cứu bằng các dụng cụ bị ô nhiễm; nhận máu, sản phẩm máu, hoặc các tạng được hiến tặng cấy ghép từ người bị viêm gan C.
- Dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng và dao cạo râu với những người bị viêm gan C (ít phổ biến hơn).
- Được sinh ra từ người mẹ bị viêm gan C (điều này xảy ra ở khoảng 1/20 trẻ sinh ra từ bà mẹ có HCV, và ít phổ biến hơn với bệnh viêm gan B).

Chẩn đoán bệnh Viêm gan C

Các thử nghiệm kháng thể HCV
- ELISA II là một xét nghiệm máu đơn giản để phát hiện kháng thể HCV.
- RIBA là xét nghiệm kháng thể thứ hai, có thể được dùng sau xét nghiệm ELISA, để xác nhận sự hiện diện của kháng thể HCV.
Xét nghiệm số lượng virus
Xét nghiệm đo số lượng HCV lưu truyền trong máu. Ðơn vị đo lường virus HCV là số lượng mỗi mili-lít (ml) máu hoặc đơn vị đo lường tiêu chuẩn được gọi là Ðơn vị quốc tế (International Units).
Có 3 loại thử nghiệm số lượng virus là: ARN HCV định lượng PCR, ADN chuỗi nhánh (bDNA) ARN, hoặc định lượng TMA (Transcription Mediated Amplification). Loại thử nghiệm ADN chuỗi nhánh ARN là rẻ tiền nhất, nhưng cũng không chính xác cho lắm.
Các thử nghiệm về số lượng virus được dùng để xác định HCV cấp tính, chọn cách điều trị thích hợp, và đo lường sự hữu hiệu của thuốc trong việc chữa trị. Chưa có sự xác minh về tương quan giữa số lượng virus và sự phát triển của bệnh viêm gan C.
Xét nghiệm phân loại HCV (Genotype)
Xét nghiệm phân loại HCV được dùng để xác định bạn bị nhiễm loại HCV nào. Ðiều này rất hữu ích cho việc quyết định cách chữa trị, như là chọn lựa loại thuốc, và cần điều trị bao lâu.
Xét nghiệm chức năng và sinh hóa của gan
Có một số xét nghiệm máu để đo lường sức hoạt động của gan. Bảng xét nghiệm gan gồm các số đo lường chức năng của gan. Số đo lường phổ biến nhất là ALT và AST (alanine aminotransferase & aspartate aminotransferase - mà trước đây gọi là SGPT và SGOT).
ALT và AST là những men (enzymes) được tiết vào trong máu khi gan bị tổn thương và thường tăng cao ở người bị nhiễm HCV. Nhiều người mang HCV có chỉ số cao của hai loại men gan này, thường là dấu hiệu đầu tiên là họ đã bị nhiễm bệnh. Những cách đo lường khác là ALK và GGT (alkaline phosphatase & gamma-glutamyl transpeptidase) cũng được sử dụng trong xét nghiệm.
Mức độ bất thường có thể biểu lộ tình trạng xơ gan hoặc ống dẫn mật bị nghẽn, cũng như một số trường hợp bất thường khác.
Ngoài ra, bác sĩ của bạn có thể đo thời gian đông máu bằng phương pháp đo thời lượng 'prothrombin' và mức độ mật vàng (bilirubin). Bilirubin là một sắc tố thường thấy trong máu của người có viêm gan; chất bilirubin cao sẽ gây ra chứng vàng da. Việc dùng thuốc men và rượu cũng có thể làm sai lệch kết quả thử nghiệm máu. Trước khi đi đến kết luận, hãy tham khảo với bác sĩ của bạn.
Sinh thiết gan
Sinh thiết (hay thử mẫu tế bào) gan được dùng để đo lường mức độ viêm, số lượng sẹo, và tình trạng sức khỏe của gan. Việc này cũng có thể dùng để xác định cách chữa trị.
Cách thức thông thường nhất là làm tê da và bắp thịt rồi nhanh chóng đưa một kim dài và nhỏ vào gan và rút ra để lấy mẫu thử nghiệm. Cách thức này làm nhiều người sợ, nhưng rất hiếm có biến chứng.
Nếu bạn lo sợ, hãy yêu cầu bác sĩ cho thuốc an thần nhẹ trước khi làm sinh thiết, và tiêm thuốc giảm đau sau đó.

Điều trị Viêm gan C

Cho đến năm 1998, đơn trị liệu interferon là phương pháp duy nhất được phê chuẩn để chữa trị bệnh nhiễm HCV. Ngày nay, tiêu chuẩn điều trị bệnh nhiễm HCV là sự phối hợp giữa thuốc pegylated interferon (interferon duy trì lâu), và thuốc ribavirin. Việc khảo cứu vẫn trên đà phát triển để bào chế các loại thuốc mới và tốt hơn, như các loại thuốc ngăn cản chất men liên quan đến sự sinh trưởng của HCV như thuốc ức chế helicase và thuốc ức chế protease, và các loại thuốc chống chống xơ gan.
Ngoài ra có một số phương pháp trị bệnh thay thế và bổ sung để chữa trị HCV; thí dụ như dùng cỏ gai (silymarin) và rễ cam thảo (glycyrrhizin). Trong bản dữ kiện của chương trình Hỗ trợ viêm gan C, dược thảo và các liệu pháp khác cũng được bàn luận đến.
Những dược phẩm chữa trị được phê chuẩn
Những loại thuốc được FDA phê chuẩn để trị viêm gan C là interferon, pegylated interferon (duy trì lâu), và ribavirin. Thuốc tiêm interferon là sản phẩm bào chế dựa vào một số chất đạm của hệ thống miễn dịch được tìm thấy trong cơ thể. Thuốc tiêm pegylated interferon (PEG) là một loại interferon có khả năng duy trì lâu dài do đó chỉ cần tiêm mỗi tuần 1 lần. Thuốc PEG duy trì một mức độ interferon ổn định trong máu và có nhiều hiệu quả hơn để giảm khả năng sinh sản của HCV. Ribarivin là thuốc chống virus đường uống được phối hợp với interferon để chữa bệnh HCV. Nếu chỉ dùng riêng ribarivin thì không có hiệu quả.
Cảnh báo về thuốc Ribavirin: Ribavirin có thể gây ra quái thai và hư thai. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chồng/bạn tình của họ, và những phụ nữ có chồng/bạn tình đang uống ribavirin phải dùng ít nhất 2 phương cách ngừa thai hữu hiệu trong suốt quá trình chữa trị và trong vòng 6 tháng sau khi chữa trị.
Chữa trị bằng đơn trị liệu interferon
Đơn trị liệu interferon trên thị trường hiện nay gồm có: Intron A (hãng Schering-Plough), Roferon A (hãng Roche), Infergen (hãng InterMune, Inc.), Wellferon (Glaxo) và Alferon N (hãng ISI Pharmaceuticals).
Tiêu chuẩn quy định chính thức cho interferon là thuốc tiêm 3 lần mỗi tuần, kéo dài ít nhất là 1 năm. Theo sự phỏng đoán thì chỉ có 10-20% số người có HCV dùng phương pháp đơn trị liệu interferon diệt được virus HCV vĩnh viễn đến mức không phát hiện được.
Chữa trị bằng interferon phối hợp với ribavirin
Loại thuốc Rebetron (hãng Schering-Plough) là một sự phối hợp giữa loại thuốc interferon đơn trị (hiệu Intron A) và thuốc ribavirin. Các cuộc nghiên cứu cho thấy điều trị bằng cách phối hợp hai loại thuốc có hiệu quả hơn là chỉ dùng thuốc interferon đơn trị. Quy định để sử dụng Rebetron là chích 3.000.000 đơn vị interferon mỗi tuần 3 lần, cộng với uống 800-1.200 mg ribavirin hàng ngày.
Các nghiên cứu đề nghị thời hạn chữa trị kéo dài tùy theo loại HCV (genotype): 48 tuần cho HCV loại 1, 24 tuần cho HCV loại 2 hoặc 3. Theo các cuộc thử nghiệm y học, tỷ lệ đáp ứng trung bình của thuốc đối với virus là 28% cho HCV loại 1 và 66% cho HCV loại 2 và 3.
Chữa trị bằng pegylated interferon đơn trị
* Peg-Intron
Peg-Intron (peginterferon alpha 2b) là thuốc pegylated interferon (duy trì lâu) do hãng Schering bào chế. Ðây là loại thuốc bột cần phải được pha và hòa chung với một chất lỏng trước khi được tiêm. Số lượng thuốc tùy vào cân nặng của mỗi người. Khi dùng pegylated interferon đơn trị, hiệu quả thuốc đối với virus là 14% cho HCV loại 1, 47% cho HCV loại 2 và 3.
* Pegasys
Pegasys (peginterferon alpha 2a) là thuốc pegylated interferon (duy trì lâu) do hãng Roche bào chế. Liều lượng tiêu chuẩn cho mọi bệnh nhân là 180 µg. Loại thuốc này là dung dịch lỏng đã được pha sẵn. Hiệu quả thuốc đối với virus là 28% cho HCV loại 1, 56% cho HCV loại 2 và 3. Pegasys cũng được chỉ định để chữa cho những người bị xơ gan nhẹ.
Chữa trị bằng pegylated interferon phối hợp với ribavirin
Phối hợp thuốc pegylated interferon và ribavirin là tiêu chuẩn chữa trị HCV hiện nay. Hiện có 2 cách phối hợp pegylated interferon và ribavirin được FDA phê chuẩn: thuốc pegylated interferon hiệu Peg-Intron của hãng Schering phối hợp với thuốc ribavirin Rebetol, và thuốc pegylated interferon Pegasys của hãng Roche phối hợp với thuốc ribavirin Copegus.
Peg-Intron phối hợp với Rebetol của hãng Schering
Hiệu quả đối với virus của loại thuốc phối hợp này là 42% cho HCV loại 1 (30% nếu có số virus cao), 82% cho HCV loại 2 và 3. Thời gian chữa trị cho mọi loại HCV là 12 tháng.
Pegasys phối hợp với Copegus của hãng Roche
Hiệu quả đối với virus của loại thuốc phối hợp này là 46-51% cho HCV loại 1 (41-46% nếu có số virus cao), 76-78% cho HCV loại 2 và 3. Thời gian chữa trị cho HCV loại 1 là 12 tháng; cho HCV loại 2 và 3 là 6 tháng.
Đo lường hiệu quả chữa trị
Những người chữa trị bệnh HCV nên được thử nghiệm thường xuyên để theo dõi những phản ứng phụ của thuốc và để xem có phản ứng tốt với thuốc hay không. Sau 3 tháng chữa trị mà không thấy hiệu quả, thì nếu có tiếp tục điều trị thì cũng không có kết quả. Nhiều bác sĩ đề nghị ngừng thuốc vào lúc này. Tuy nhiên, có những bằng chứng cho thấy interferon có thể làm giảm sẹo, sưng, và cải tiến sức khỏe của gan; cho dù không diệt được hết virus.
Các phương pháp điều trị bằng dược phẩm đang được nghiên cứu
Cách điều trị bệnh HCV đã có những tiến triển khả quan, cho dù virus này mới được khám phá cách đây hơn 10 năm. Tuy nhiên, những phương pháp chữa trị hiện thời có nhiều phản ứng phụ và nhiều khi không đạt được thành quả theo ý muốn. Nhiều cuộc nghiên cứu đang được thực hành để tìm ra những phương pháp chữa trị mới và tốt hơn để tránh những phản ứng phụ của những loại thuốc HCV. Xem ra việc phối hợp hai, hoặc nhiều loại thuốc khác nhau có nhiều hiệu quả hơn đơn trị liệu.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu những loại ribavirin mới có thể có nhiều hiệu quả hơn và ít độc tố hơn. Levovirin và viramidine là hai loại thuốc tương tự như ribavirin hiện đang được triển khai. Trong các thử nghiệm trên động vật cho thấy hai loại thuốc này hình như có ít phản ứng phụ và gây hại ít hơn cho tế bào hồng cầu.
Amantadine (Symmetrel) là loại thuốc chống virus được dùng để trị cúm, đã được nghiên cứu để phối hợp với interferon và ribavirin. Tiếc thay, kết quả của các nghiên cứu không có khả quan cho mấy. Phối hợp thuốc amantadine với hai loại thuốc interferon và ribavirin không mang ích lợi gì thêm.
Một trong số các loại thuốc đang được thử nghiệm có nhiều triển vọng là Ceplene và một dạng tổng hợp của thymosin alpha 1 (Zadaxin), một kích thích tố kích thích tế bào T-cells (một loại bạch cầu cần thiết của hệ thống miễn dịch) và tế bào tiêu diệt tự nhiên.
Các loại thuốc trị HCV như thuốc ức chế helicase, thuốc ức chế protease, và thuốc ức chế polymerase có khả năng ngăn chặn HCV sinh sản, hiện đang được nghiên cứu và có nhiều triển vọng. Gần đây, BILN 206, một loại thuốc ức chế protease HCV (thuốc ngăn cản chất men liên quan đến sự sinh trưởng của HCV) mới, đã hoàn tất giai đoạn I của cuộc thử nghiệm y học và cho thấy là an toàn và hiệu quả trong việc chống virus HCV.
Thuốc tiêm phòng HCV
Hiện nay không có thuốc tiêm phòng viêm gan C, mà chỉ có thuốc phòng viêm gan A (HAV) và viêm gan B (HBV). Thuốc tiêm phòng HCV rất khó bào chế vì có nhiều loại virus HCV khác nhau và chúng lại có khả năng biến đổi hoặc biến dạng trong thời kỳ nhiễm bệnh. Tuy có tiến bộ, nhưng sẽ không có thuốc tiêm phòng HCV hữu hiệu trong vòng 5-10 năm nữa.
Các thử nghiệm y học thực hành
Quá trình thử nghiệm một dược phẩm mới bao gồm thiết lập sự an toàn và khả năng hợp thuốc của bệnh nhân (Giai đoạn thử nghiệm 1), đo lường sự hữu hiệu của thuốc (Giai đoạn thử nghiệm 2), và so sánh thuốc mới với các phương pháp chữa trị tiêu chuẩn hiện thời (Giai đoạn thử nghiệm 3). Sau khi được FDA phê chuẩn và thuốc được đưa ra thị trường, các cuộc nghiên cứu được tiếp tục để cải tiến cách chữa trị cho được an toàn và hiệu quả nhất (Giai đoạn thử nghiệm 4, hoặc là thử nghiệm sau khi thuốc được đưa ra thị trường).
Các cuộc thử nghiệm y học thực hành có thể là cách hay để xin thuốc miễn phí; một số thử nghiệm cũng có thể trả một phần hoặc toàn bộ những phí tổn về khám bệnh và xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu bạn ghi danh vào một cuộc thử nghiệm y học, bạn có thể sẽ không được chọn để nhận thuốc mới hoặc không được cho đúng liều lượng thuốc hữu hiệu nhất. Bạn nên đọc tất cả chi tiết thông tin về thử nghiệm y học và hiểu rõ mọi điều kiện và quy định của những cuộc thử nghiệm này, chẳng hạn không báo cho người tham gia cuộc thử nghiệm về số lượng virus trong cơ thể của họ.
Biến chứng:
Ngoài đặc tính cơ bản của bệnh truyền nhiễm, bệnh viêm gan C có thể gây ra một số triệu chứng điển hình của những bệnh liên quan đến hệ miễn dịch (bệnh tự miễn). Cơ thể người bị viêm gan C có thể tích trữ một số chất đạm (protein) và kháng thể khác nhau nhiều hơn bình thường.
Khi những chất hóa học này thể trở nên quá thặng dư, chúng sẽ gây ra một số bệnh như đau nhức khớp xương, mệt mỏi/yếu, nổi mề đay, suy thận cũng như u lympho. Một số bệnh nội tiết cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh viêm gan C. Trong đó có các bệnh tuyến giáp, bệnh tiểu đường, bệnh Sjogren (gây ra khô miệng, khô môi v.v…).

Phòng ngừa Viêm gan C

- Giữ vệ sinh răng miệng đúng cách là một trong những cách phòng ngừa viêm gan C.
- Không dùng chung kim tiêm, các dụng cụ chích ma túy hoặc bất cứ vật dụng cá nhân, dao cạo, bàn chải răng, đồ cắt hoặc dũa móng tay, hoặc bất cứ thứ gì có thể dính máu.
Phải sát trùng đúng cách những dụng cụ dùng để xâm mình, xỏ da, và châm cứu. Ngày nay đa số những người làm công việc trên đều sử dụng kim dùng một lần (vất đi sau khi dùng). Nên băng bó mọi vết cắt, vết thương.
- Mặc dù bệnh rất hiếm khi lây lan qua đường tình dục, bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách áp dụng các phương pháp giao hợp tình dục an toàn, như dùng bao cao su và màng chắn.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC), nếu bạn chỉ quan hệ tình dục với một người, thì bạn không cần thay đổi thói quen tình dục. Tuy nhiên, bạn nên thảo luận với người bạn tình của bạn nếu người đó quan tâm về việc lây nhiễm bệnh. Phụ nữ bị HCV nên tránh quan hệ tình dục trong lúc có kinh nguyệt.
- Giữ vệ sinh răng miệng đúng cách có thể ngăn ngừa bệnh vì nướu răng bị chảy máu cũng là một cách lây nhiễm bệnh.
Nếu bạn bị HCV, hãy nói cho bác sĩ, nha sĩ, và các chuyên viên y tế biết. Các nhân viên y tế phải theo đúng các tiêu chuẩn phòng bệnh khi xử lý máu.
- Phụ nữ bị HCV nếu nghĩ rằng mình sắp mang thai nên nói cho bác sĩ biết.

Chế độ chăm sóc Viêm gan C

Nếu bị chẩn đoán viêm gan C, bác sĩ của bạn thường sẽ đưa ra lời khuyên về một số thay đổi lối sống. Những phương pháp đơn giản này sẽ giúp bạn khỏe mạnh lâu hơn cũng như bảo vệ sức khỏe cho những người khác.
- Bỏ rượu. Rượu đẩy nhanh tiến triển của bệnh gan.
- Tránh dùng các thuốc gây tổn thương gan. Bác sĩ sẽ khuyên bạn về các thuốc này, bao gồm thuốc không kê đơn cũng như thuốc kê đơn.
- Duy trì lối sống lành mạnh. Ăn theo chế độ ăn lành mạnh chú trọng rau quả tươi, và ngũ cốc nguyên cám, thường xuyên luyện tập, và nghỉ ngơi đầy đủ.
- Ngăn ngừa người khác tiếp xúc với máu của bạn. Băng các vết thương mà bạn có và không dùng chung dao cạo râu và bàn chải đánh răng. Không cho máu, tạng hoặc tinh dịch, và nói cho nhân viên y tế biết là bạn đang nhiễm virus.

(nguồn mobifone)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Thiếu glucose-6-phosphatase dehydrogenase (G6PD) là bệnh lý về men thường gặp nhất ở người. Với gen gây bệnh nằm trên nhiễm sắc thể X, thiếu G6PD gây bệnh cho khoảng 400 triệu người trên thế giới. Bệnh rất đa dạng với hơn 300 biến thể đã được báo cáo.
  • 28-05-2018
    U hạt bẹn là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STDs). Bệnh thường gây tổn thương cho các cơ quan sinh dục, bẹn và vùng háng. Đây là bệnh phổ biến ở những vùng nhiệt đới và những nước đang phát triển. Nếu không được điều trị kịp thời, các cơ quan sinh
  • 28-05-2018
    Chứng cuồng ăn, hay còn gọi là chứng “ăn vô độ tâm thần”, là một bệnh rối loạn ăn uống. Những người mắc phải bệnh này thường không thể ngừng ăn và luôn lén lút ăn một lượng lớn thức ăn trong một thời gian ngắn. Tiếp đó họ sẽ tự làm mình nôn, nhịn ăn
  • 17-10-2018

    Loạn trương lực cơ (dystonia) là rối loạn vận động (movement disorders) đặc trưng bởi những cử động không tự ý, có sự duy trì co thắt cơ dẫn đến xoắn vặn và các cử động lặp đi lặp lại, hoặc tạo nên những tư thế bất thường.

  • 17-10-2018

    Gân là phần dây chằng nối giữa 2 đầu xương hoặc nối giữa cơ với xương. Vì vậy có nhiều tên gọi khác nhau liên quan tới vị trí có gân: gân khớp bàn tay, gân khớp đùi... Viêm gân là một bệnh lý của gân và là nguyên nhân gây đau hoặc sưng, nề, tấy, đỏ...

  • 08-06-2018
    Tắc động mạch trung tâm võng mạc là một cấp cứu tối khẩn cấp trong nhãn khoa, cần phải xử trí ngay trong những phút đầu tiên. Bệnh nặng vì: Sẽ dẫn tới mù khó hồi phục. Là biểu hiện của một bệnh toàn thân