Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung là phần dưới của tử cung (dạ con). Ung thư phát sinh trong cổ tử cung có khả năng được chữa khỏi trong giai đoạn đầu, do đó phát hiện sớm là chìa khóa giúp cải thiện tỉ lệ sống. Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung thuộc loại ung thư tế bào vảy.

Ung thư cổ tử cung. (Ảnh minh họa)

Ung thư cổ tử cung có phổ biến không?

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 7 đối với phụ nữ Singapore. Khoảng 200 trường hợp được chẩn đoán mỗi năm.

Tuổi khởi bệnh 

Ung thư tiền xâm lấn thường xảy ra ở phụ nữ ở cuối độ tuổi 20 - 30. Được gọi là CIN (tân sinh trong biểu mô cổ tử cung - Cervical Intraepithelial Neoplasia). Đây là những thay đổi trong lớp niêm mạc của cổ tử cung có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Theo thời gian, những tổn thương tiền ung thư này có thể tiến triển và trở thành ung thư xâm lấn nếu không được điều trị.

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Lây nhiễm Human Papilloma Virus (HPV) là nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của bệnh ung thư cổ tử cung. Các virus này lây truyền qua quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục bằng miệng hoặc hậu môn. Bất kỳ phụ nữ nào đã từng quan hệ tình dục đều có nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Quan hệ tình dục trước 20 tuổi
  • Quan hệ với nhiều người
  • Tiền sử mắc các bệnh nhiễm trùng lây lan qua đường tình dục
  • Từng quan hệ với người có tiền sử mắc bệnh nhiễm trùng lây lan qua đường tình dục và quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.
  • Từng quan hệ với người có bạn tình từng bị ung thư cổ tử cung cũng được xem là có nguy cơ
  • Hút thuốc lá là một yếu tố có liên quan với việc tăng tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung.

Triệu chứng của ung thư cổ tử cung

Chảy máu bất thường ở âm đạo hoặc ngay cả sự tiết dịch âm đạo bất thường cũng có thể là dấu hiệu cần phải kiểm tra ngay. Chảy máu bất thường bao gồm chảy máu sau khi quan hệ tình dục hoặc chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng muộn xảy ra trong ung thư giai đoạn cuối bao gồm đau lưng, đau vùng chậu, giảm cân và sưng chân.

Chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Xét nghiệm chẩn đoán 

Sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng phương pháp Pap smear (phết tế bào cổ tử cung) nên bắt đầu ngay sau khi phụ nữ có quan hệ tình dục. Nên kiểm tra mỗi 1 - 3 năm một lần tùy thuộc vào độ tuổi và số lượng thực hiện các xét nghiệm PAP smear (phết tế bào) thông thường. Trong quá trình kiểm tra này, các tế bào từ bề mặt của cổ tử cung được cào nhẹ (phết) trong quá trình kiểm tra âm đạo. Đây là một thử nghiệm nhanh chóng, đơn giản và không đau.

Nếu xét nghiệm Pap smear cho thấy bất thường, phương pháp chẩn đoán được gọi là soi cổ tử cung (tức là kiểm tra cổ tử cung bằng kính hiển vi) sẽ được thực hiện. Một số hóa chất có thể được thoa lên cổ tử cung để giúp phát hiện ra những vùng bất thường. Sau đó, những vùng bất thường được phát hiện sẽ được sinh thiết và kiểm tra dưới kính hiển vi bởi các bác sĩ bệnh học (bác sĩ kiểm tra mô dưới kính hiển vi). Nếu ung thư cổ tử cung được xác nhận sau khi sinh thiết, các xét nghiệm khác sẽ được sắp xếp. Bao gồm các xét nghiệm phóng xạ như chụp X-quang và chụp CT hoặc MRI vùng bụng và xương chậu để loại trừ khả năng lây lan gần hoặc xa của ung thư. Kiểm tra xương chậu dưới sự gây mê toàn thân thường được thực hiện để xác định mức độ của bệnh ung thư.

Điều trị ung thư cổ tử cung

Điều trị ung thư cổ tử cung tiền xâm lấn và xâm lấn 

Ung thư tiền xâm lấn: có thể điều trị bằng cách cắt bỏ khu trú phần niêm mạc bất thường trong cổ tử cung bằng các thủ thuật cắt bỏ khu trú hoặc các thủ thuật nạo hay bóc tách (ablative). 

Các kỹ thuật cắt bỏ khu trú bao gồm sinh thiết khoét chóp hoặc thủ tục cắt vòng điện (LEEP). Các kỹ thuật nạo hay bóc tách bao gồm hơi laser hoặc đông lạnh. 

Việc lựa chọn phương pháp điều trị phải được thảo luận với bác sĩ. Tuy nhiên, điều trị thành công tiền ung thư cổ tử cung gần như chắc chắn có thể ngăn ngừa ung thư cổ tử cung xảy ra.

Ung thư xâm lấn cổ tử cung giai đoạn đầu: bệnh có thể được chữa lành bằng cách phẫu thuật (cắt bỏ tử cung, hysterectomy, và các mô xung quanh bao gồm cả các hạch bạch huyết) hoặc xạ trị, thường kèm với hóa trị. 

Ung thư xâm lấn cổ tử cung giai đoạn cuối: khi không thể phẫu thuật, có thể điều trị bằng xạ - hóa trị kết hợp hoặc chỉ xạ trị. Xạ trị thường có 2 cách, xạ trị tia bên ngoài và xạ trị tia bên trong. Xạ trị tia bên ngoài tiến hành hàng ngày vào các ngày làm việc trong tuần trong khoảng 5-6 tuần. Xạ trị tia bên trong được tiến hành trong 2 - 5 lần.

Tiên lượng bệnh ung thư cổ tử cung 

Tiên lượng bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu là rất tốt với tỉ lệ sống 5 năm từ 80 - 95% Tuy nhiên, đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, tỉ lệ sống 5 năm giảm xuống còn dưới 40%.

Có thể phòng bệnh ung thư cổ tử cung không?

Có, hiện đã có vắc-xin phòng ngừa từ ban đầu cho bệnh ung thư cổ tử cung. Tại Singapore, hai loại thương mại hiện có là Cervarix và Gardasil. Cả hai loại vắc-xin đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc bảo vệ chống lại HPV 16 và 18, nguyên dân dẫn đến 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được khuyến khích tiêm chủng loại ung thư có thể được ngăn ngừa này. Tuy nhiên, một số phụ nữ vẫn có thể phát triển ung thư cổ tử cung ngay cả sau khi tiêm chủng, vì vậy vẫn nên kiểm tra PAP smear.

Câu hỏi thường gặp về ung thư cổ tử cung 

1. Tôi nghe nói việc kiểm tra vùng chậu có thể gây khó chịu. Có lựa chọn nào khác để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung không?

Mặc dù không thoải mái, việc kiểm tra vùng chậu và xét nghiệm Pap smear vẫn là phương pháp đáng tin cậy nhất để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Tất cả phụ nữ có sinh hoạt tình dục nên làm các xét nghiệm này mỗi năm một lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

2. Tôi chỉ quan hệ tình dục với một người. Tôi có phải làm xét nghiệm Pap smear không? 

Tất cả phụ nữ đã từng có quan hệ tình dục nên làm thử nghiệm Pap smear ít nhất một lần trong 3 năm hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Ung thư cổ tử cung khi được phát hiện sớm là có nhiều khả năng chữa khỏi.

3. Tôi đã được chẩn đoán bị ung thư cổ tử cung. Tôi cần phải xạ trị. Điều đó có đồng nghĩa với việc tôi không thể quan hệ tình dục nữa không? 

Bạn vẫn có thể quan hệ tình dục sau khi xạ trị. Bạn sẽ được hướng dẫn phương pháp để giữ âm đạo trơn và làm thế nào để phòng ngừa co thắt âm đạo để không gặp khó khăn hoặc đau đớn khi quan hệ tình dục.

4. Ung thư cổ tử cung có truyền nhiễm không? 

Bản thân ung thư cổ tử cung không truyền nhiễm. Tuy nhiên, virus được cho là gây ra ung thư có thể truyền từ người này sang người khác trong khi quan hệ tình dục.

Theo SingHealth

- 22-08-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Co thắt Dupuytren là một tình trạng ảnh hưởng đến bàn tay. Khi mắc bệnh, mô bên dưới da bàn tay bị siết chặt nên ngón tay bị uốn cong về phía bàn tay và giữ nguyên trạng thái như vậy. Bệnh có thể chỉ xảy ra ở một bàn tay nhưng thường thì cả hai bàn tay
  • 28-05-2018
    Cúm, hay còn gọi là cảm cúm, là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra. Bệnh bắt đầu đột ngột và thường kéo dài 7 đến 10 ngày. Hầu hết mọi người bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên đối với người già, trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu, cúm
  • 28-05-2018
    Polyp mũi là một khối u lành tính thường gặp trong hốc mũi hình thành từ lớp niêm mạc của mũi hoặc của các xoang. Polyp mũi gây ra các triệu chứng giống như viêm mũi xoang như: nghẹt mũi, khó thở, chảy nước mũi liên tục, thay đổi về khứu giác,... có
  • 28-05-2018
    Viêm sung huyết hang vị dạ dày là tình trạng niêm mạc vùng hang vị dạ dày viêm, các mạch máu vùng viêm dãn nở do ứ máu nhiều. Bệnh không nguy hiểm nếu như phát hiện sớm nên có các biện pháp điều trị bệnh sớm, nhất là cháu nên tới bệnh viện có chuyên
  • 28-05-2018
    Đau cách hồi hay còn gọi là đau cách hồi ở chân hoặc đau từng cơn. Đây là cơn đau được mô tả với cảm giác co rút, thắt chặt, đau nhức, rất khó chịu, xảy ra sau khi người bệnh hoạt động hay đi lại. Đau cách hồi thường là một triệu chứng của bệnh động
  • 28-05-2018
    Viêm ruột thừa là quá trình viêm ở ruột thừa, đòi hỏi thăm khám ngay lập tức, nên việc hiểu rõ các triệu chứng và làm thế nào để phân biệt với đau dạ dày là một điều rất quan trọng với các bậc phụ huynh.