Tiểu đường (đái tháo đường)
Bệnh tiểu đường, theo y học còn gọi là bệnh đái tháo đường, là một bệnh rối loạn trao đổi chất mãn tính rất phổ biến. Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp
Bệnh Tiểu đường (đái tháo đường) là gì?
Ảnh minh họa
Bệnh tiểu đường, theo y học còn gọi là bệnh đái tháo đường, là một bệnh rối loạn trao đổi chất mãn tính rất phổ biến. Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp. Mắc bệnh tiểu đường có nghĩa là bạn có lượng đường trong máu quá cao do nhiều nguyên nhân. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể bạn, bao gồm cả mắt, thận, thần kinh và tim.
Phân loại
Bệnh tiểu đường có ba loại chính, đó là tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và bệnh tiểu đường thai kỳ.
1. Bệnh tiểu đường tuýp 1
Bệnh tiểu đường tuýp 1, còn được gọi là bệnh tiểu đường vị thành niên, là chứng rối loạn tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào tuyến tụy thay vì các yếu tố bên ngoài. Điều này sẽ gây ra sự thiếu hụt insulin và tăng lượng đường huyết.
Nếu bạn bị tiểu đường tuýp 1, các triệu chứng sẽ xuất hiện rất sớm và ở độ tuổi khá trẻ, thường là ở trẻ nhỏ hay tuổi vị thành niên.
Chưa xác định được nguyên nhân chính xác của bệnh tiểu đường tuýp 1. Các bác sĩ cho rằng bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể là do nguyên nhân kết hợp của di truyền và các yếu tố môi trường. Tuy nhiên, bạn có thể có nguy cơ cao bị bệnh tiểu đường tuýp 1 nếu:
- Mẹ hoặc anh chị em bị bệnh tiểu đường tuýp 1.
- Tiếp xúc với một số virus gây bệnh.
- Sự hiện diện của kháng thể bệnh tiểu đường.
- Thiếu vitamin D, sớm sử dụng sữa bò hoặc sữa bột có nguồn gốc từ sữa bò, và ăn các loại ngũ cốc trước 4 tháng tuổi. Mặc dù chúng không trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1, nhưng cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Các nước như Phần Lan và Thụy Điển, có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 khá cao.
2. Bệnh tiểu đường tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2, còn gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin (NIDDM) hoặc bệnh tiểu đường khởi phát ở tuổi trưởng thành, là loại tiểu đường phổ biến nhất, chiếm 90% đến 95% tổng số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành, nhưng do tỷ lệ béo phì ngày càng cao, hiện nay ngày càng nhiều trường hợp bệnh được phát hiện ở tuổi vị thành niên và người trẻ tuổi. Bạn có thể mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mà bạn hoàn toàn không biết.
Khi mắc tiểu đường tuýp 2, các tế bào của bạn trở nên đề kháng với insulin, và tuyến tụy không thể tạo ra đủ lượng insulin để vượt qua sự đề kháng này. Thay vì di chuyển vào các tế bào để tạo ra năng lượng, đường sẽ tích tụ lại trong máu của bạn.
Không xác định được chính xác lý do tại sao, tuy nhiên các bác sĩ tin rằng yếu tố di truyền và môi trường có liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2. Thừa cân là yếu tố nguy cơ chủ yếu cho sự phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng không phải tất cả những người bị tiểu đường tuýp 2 đều thừa cân.
3. Các loại khác
Bệnh tiểu đường thai kỳ là một loại tiểu đường chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai. Bệnh này có thể gây ra các vấn đề cho cả bà mẹ và trẻ sơ sinh nếu không được điều trị. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường thai kỳ thường biến mất sau khi chuyển dạ.
Các loại tiểu đường khác thì ít gặp hơn, nguyên nhân có thể đến từ hội chứng di truyền, phẫu thuật, thuốc, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng hoặc khi mắc các bệnh khác.
Đái tháo nhạt, mặc dù có tên gần giống với các loại trên, đây lại là một trường hợp bệnh khác gây ra do thận mất khả năng trữ nước. Tình trạng này là rất hiếm và có thể điều trị.
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là gì?
Các triệu chứng chính của bệnh đái tháo đường bao gồm:
- Có cảm giác cực kỳ khát, hay còn được gọi là chứng khát nhiều;
- Đi tiểu nhiều, đôi khi đi thường xuyên mỗi giờ, còn gọi là chứng tiểu nhiều;
- Sụt cân không rõ nguyên nhân;
- Cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi.
- Bạn có thể có hoặc không có các triệu chứng khác, như:
- Buồn nôn hoặc nôn mửa;
- Mờ mắt;
- Nhiễm trùng âm đạo thường xuyên ở phụ nữ;
- Nhiễm nấm men hoặc nấm candida;
- Khô miệng;
- Chậm lành vết loét hoặc vết cắt;
- Ngứa da, đặc biệt là ở bẹn hoặc khu vực âm đạo.
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra hoặc Gọi bác sĩ chuyên khoa Đái tháo đường nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh tiểu đường đã đề cập ở trên.
Ngoài ra, bạn cần phải gọi cấp cứu ngay nếu bạn:
- Có cảm giác buồn nôn và yếu tay chân;
- Cảm thấy khát nhiều hoặc đi tiểu thường xuyên kèm với đau vùng bụng;
- Thở gấp hơn.
Nguyên nhân gây ra Bệnh Tiểu đường (đái tháo đường) là gì?
Để biết được tại sao mình bị bệnh, đầu tiên bạn phải hiểu được quá trình chuyển hóa glucose trong cơ thể.
Glucose là chất cần thiết cho cơ thể của bạn, nó đóng vai trò là nguồn năng lượng cho các tế bào của cơ bắp và các mô, đặc biệt não bộ. Glucose có trong thực phẩm bạn ăn và dự trữ trong gan (tạo thành glycogen). Trong trường hợp bạn biếng ăn dẫn đến lượng glucose trong máu quá thấp, gan của bạn sẽ bẻ những phân tử glycogen thành glucose và cân bằng lại lượng đường trong máu của bạn. Máu hấp thụ glucose và cung cấp cho các tế bào trong cơ thể của bạn. Tuy nhiên, các tế bào này không thể sử dụng nguồn “nhiên liệu” này một cách trực tiếp, mà phải có sự hỗ trợ của hormone insulin (được sản xuất bởi tuyến tụy). Sự có mặt của insulin cho phép glucose được hấp thu vào các tế bào, làm giảm nồng độ glucose trong máu. Sau đó, khi đường huyết của bạn đã giảm, tuyến tụy cũng sẽ giảm sản xuất insulin.
Bất kỳ sự bất thường nào xảy ra trong quá trình trao đổi chất này đều có thể làm cho glucose không thể đi vào các tế bào và cung cấp năng lượng. Kết quả là lượng đường vẫn còn trong máu. Sự mất cân bằng này được tích lũy qua thời gian và dẫn đến lượng đường trong máu cao đáng kể, được gọi là tăng đường huyết.
Điều trị
Đối với đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2, bạn sẽ cần đến một chế độ ăn uống đặc biệt để kiểm soát lượng đường trong máu. Bạn nên ăn nhẹ vào cùng một thời điểm cố định mỗi ngày.
Bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên bằng dụng cụ đo đường huyết và cẩn trọng với các dấu hiệu cho thấy mức độ đường trong máu quá thấp hoặc quá cao. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn tiêm insulin, do đó bạn có thể tự tiêm ở nhà, thường là hai hoặc ba lần mỗi ngày.
Bác sĩ sẽ giới thiệu các bài tập thể dục để giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn.
Bạn cũng cần kiểm tra bàn chân và mắt thường xuyên để ngăn ngừa các biến chứng.
Tuy bệnh tiểu đường tuýp 1 không thể chữa khỏi, nhưng bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể cải thiện nếu bạn thay đổi lối sống.