Tiểu đêm
Tiểu đêm hay đa niệu về đêm, là một thuật ngữ y khoa chỉ việc đi tiểu quá mức vào ban đêm. Trong suốt thời gian ngủ, cơ thể bạn tạo ra ít nước tiểu và cô đặc hơn, do đó hầu hết mọi người không cần phải thức dậy vào ban đêm để đi tiểu và có thể ngủ liên tục trong vòng 6-8 giờ.;
Tìm hiểu về tiểu đêm
Tiểu đêm rất thường gặp ở cả người trẻ lẫn người cao tuổi, gây nhiều tác hại như mất ngủ, mệt mỏi, suy nhược cơ thể và ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Tiểu đêm hay đa niệu về đêm, là một thuật ngữ y khoa chỉ việc đi tiểu quá mức vào ban đêm. Trong suốt thời gian ngủ, cơ thể bạn tạo ra ít nước tiểu và cô đặc hơn, do đó hầu hết mọi người không cần phải thức dậy vào ban đêm để đi tiểu và có thể ngủ liên tục trong vòng 6-8 giờ.
Nếu bạn cần phải thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu, bạn có thể bị mắc chứng đi tiểu quá mức vào ban đêm. Ngoài việc làm gián đoạn giấc ngủ của bạn, tiểu đêm còn có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân bệnh tiểu đêm
Nguyên nhân bệnh lý
Bệnh của tuyến tiền liệt: thường gặp nhất là u lành tiền liệt tuyến. Đây là bệnh hay gặp ở nam giới, chỉ đứng thứ 2 trong các bệnh liên quan đến niệu khoa, nguyên nhân vẫn chưa được xác định. Vấn đề ở đây là: khi tuyến tiền liệt to, sẽ ngăn cản dòng nước tiểu và kích thích bàng quang. Triệu chứng thường gặp là đi tiểu nhiều lần, kể cả vào ban đêm. Có bệnh nhân đi tiểu 4-5 lần, có người “thê thảm” hơn khi thức trắng đêm bởi cả chục lần đi tiểu.Viêm bàng quang: ai cũng biết bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu sau khi đã được thận lọc qua. Viêm bàng quang có thể do nhiều nguyên nhân. Dù là viêm bàng quang mãn tính hay cấp tính, bao giờ cũng khiến người bệnh cứ mắc tiểu dù vừa tiểu xong, đi tiểu nhiều lần, không ngoại trừ cả ban đêm và tiểu són.Sỏi thận: biểu hiện lâm sàng của sỏi thận rất đa dạng do tuỳ thuộc vào vị trí, độ to nhỏ của sỏi, vào các biến chứng do sỏi gây ra. Trong số các triệu chứng lâm sàng thường kèm theo, bao giờ cũng có các biểu hiện như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đục… cả ban ngày lẫn ban đêm. Cần lưu ý trong nhiều trường hợp hòn sỏi cỡ 4-5 mm ở thận vẫn có thể chung sống hoà bình trong nhiều chục năm.Viêm đường tiết niệu: biểu hiện rất rõ ràng gồm đi tiểu liên tục dù là ngày hay đêm, đau rát, khó chịu và sẽ tiến triển nhanh đối với những người tái phát. Nguyên nhân là nhiễm trùng dẫn đến kích thích bàng quang, đưa đến tình trạng đi tiểu liên tục.Đái tháo đường týp 2: đi tiểu nhiều, đặc biệt là tiểu đêm, được xem là một trong những biểu hiện đầu tiên của bệnh đái tháo đường (ăn nhiều – uống nhiều – tiểu nhiều – sụt cân).\
Nguyên nhân không do bệnh lý
- Uống nhiều nước: nhiều người có thói quen uống nhiều nước vào buổi tối, vì nghĩ sẽ giúp thận dễ dàng làm việc, loại bỏ những chất độc hại khi ngủ.
- Do các chất kích thích: nếu ban ngày đã dùng các chất kích thích như rượu, trà, cà phê thì đêm tiểu nhiều là tất nhiên, vì đây là những thứ có tác dụng lợi tiểu, kích thích bàng quang gây tiểu thường xuyên hơn.
- Do lớn tuổi: khả năng tái hấp thu kém, bài tiết từ tiết niệu giảm, dẫn đến tình trạng phải đi tiểu nhiều lần hơn, kể cả vào ban đêm.
- Do mang thai: với rất nhiều thai phụ, tình trạng tiểu đêm xảy ra do các nội tiết tố từ nhau thai tiết ra và do tử cung to ép lên bàng quang. Ngoài ra, chấn thương do sinh nở gây tổn thương niệu đạo cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiểu nhiều, tiểu đêm.
- Do thuốc: khi phải dùng những thuốc lợi tiểu theo chỉ định để chữa bệnh tăng huyết áp và bệnh phù thũng do suy tim, suy thận và xơ gan, bệnh nhân phải chấp nhận những phản ứng phụ kèm theo như tiểu nhiều, trong đó có tiểu đêm. Ngoài ra thuốc chẹn kênh canxi dùng buổi tối cũng có thể gây tiểu đêm.
Điều trị bệnh tiểu đêm
Một số cách điều trị có thể được đề nghị như:
- Bớt uống những thứ có cafein và rượu bia, chủ yếu trước lúc đi ngủ về đêm;
- Kiểm tra giờ bạn uống thuốc lợi tiểu;
- Mang tất bó mắt cá chân bị phù;
- Nằm nghỉ với chân gác lên cao, vào buổi chiều, trong một vài giờ;
- Để đèn chiếu sáng lối đi đến phòng vệ sinh (chẳng hạn như đèn đêm);
- Đặt ghế bô hoặc một xô có màu sáng sát giường để tiện sử dụng.
Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn sử dụng thuốc xịt mũi hoặc thuốc để giảm lượng nước tiểu tiết ra vào ban đêm.Nếu có thắc mắc, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tiết niệu hoặc bác sĩ chuyên khoa thận để tìm ra nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.
Các thuốc dùng trong bệnh tiểu đêm
Nguyên nhân gây tiểu đêm là do đa niệu trong 24 giờ (thường gặp ở người đái tháo nhạt, đái tháo đường, canxi máu), một số bệnh về tim, thận, gan uống quá nhiều nước vào buổi tối; dùng một số thuốc lợi tiểu hoặc do giảm dung tích bàng quang về đêm, do mất ngủ...Nguyên tắc chung là phát hiện và điều trị các bệnh lý nội khoa gây ra tình trạng đa niệu, thay đổi một số lối sống và dùng một số thuốc chữa triệu chứng. Các thuốc thường dùng là: Antimuscarinic, các thuốc chẹn alpha-1, các loại thuốc an thần.
Kinh nghiệm dân gian chữa chứng tiểu đêm
Tiểu đêm thường thấy ở những người cao tuổi. Đêm phải thức dậy nhiều lần để đi tiểu làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Không ngủ được lại sinh ra chứng đi tiểu nhiều lần. Nguyên nhân bệnh là do chức năng của thận bị suy giảm.Thận khí không đủ dẫn đến chức năng bế tàng của thận không được vững vàng. Nguyên tắc điều trị là phải bổ thận nạp khí. Đồng thời quan tâm tới chức năng sinh lý và sự hoạt động bình thường của bàng quang. Trên thực tế lâm sàng đã có những bài thuốc mang lại hiệu quả cao. Xin giới thiệu để bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng khi cần thiết.
Bài 1: Ngũ gia bì 12g, khiếm thực 12g, thỏ ty tử 10g, thục địa (sao khô) 12g, trạch tả 10g, sơn thù 12g, phòng sâm 12g, bạch linh 10g, bạch truật 12g, tang diệp 16g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Công dụng: bổ thận, bổ khí, ổn định và củng cố chức năng của thận dương. Nếu bệnh nhân bị lạnh lưng và lạnh tay chân gia quế 10g, sinh khương 8g.
Bài 2: Bạch biển đậu 12g, cố chỉ 10g, hoài sơn 16g, sơn thù 12g, thục địa (sao khô) 12g, kim anh 12g, hắc táo nhân 12g, viễn chí 12g, liên nhục 12g, đại táo 8 quả. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Công dụng: bổ tâm thận, ổn định thần kinh trung ương, củng cố sức bền và khả năng cầm cố của thận. Bài này phù hợp cho những người bị mất ngủ kéo dài, tim đập nhanh, hay hồi hộp, hay quên, tiểu đêm nhiều lần.
Bài 3: Cẩu tích 12g, tơ hồng xanh 16g, khởi tử 12g, đỗ trọng 10g, hoài sơn 16g, sơn thù 12g, tang ký sinh 16g, ngải diệp 12g, ngũ gia bì 12g, sa sâm 12g, hoàng kỳ 12g, đương quy 16g, bạch truật 16g, mẫu lệ chế 12g, cam thảo 10g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Công dụng: bổ thận nạp khí, ôn ấm bàng quang. Chủ trị cho những bệnh nhân thận hư, chức năng bàng quang bị rối loạn, sinh ra tiểu đêm, tiểu vặt, tiểu không kiểm soát.Bài 4 (thuốc ngâm rượu): Đỗ trọng, thỏ ty tử, khởi tử, sơn thù, cẩu tích, ngũ gia bì, hoài sơn, liên nhục, biển đậu, thục địa, đương quy, sa sâm, phòng sâm, hắc táo nhân, viễn chí, hoàng kỳ, bạch truật mỗi vị 20g; cam thảo 40g, trần bì 16g, quế 10g, trạch tả 16g. Các vị thái nhỏ bỏ vào bình sành. Đổ vào 3 lít rượu để ngâm. Sau 20 ngày là có thể dùng được. Ngày uống 50 - 60ml, chia 2 lần trước bữa ăn.
Phòng ngừa bệnh tiểu đêm
- Đối với những người tiểu đêm do suy giảm thần kinh, người cao tuổi, cần thực hiện các biện pháp hạn chế chứng tiểu đêm như sau: nên hạn chế uống nước vào buổi tối; trước khi đi ngủ, nhớ đi tiểu.
- Một lưu ý quan trọng để tránh tai biến mạch máu não khi thức dậy nửa đêm, người bệnh cần bình tĩnh ngồi dậy, tỉnh táo hẳn mới nên bước ra khỏi giường. Nếu không có nhà vệ sinh trong nhà thì nên dùng bô để đi tiểu chứ không nên mở cửa ra ngoài trời đi tiểu để tránh trúng gió và nhiễm lạnh.
- Mọi người không nên uống nước chè đặc và cà phê vào buổi tối vì gây lợi tiểu, buộc phải đi tiểu đêm nhiều lần.
- Đối với bệnh nhân u xơ làm phì đại tuyến tiền liệt, cần đi khám và điều trị. Muốn phát hiện sớm bệnh nhằm phòng ngừa được u ác tính ở tuyến tiền liệt, những người đàn ông trên 40 tuổi cần được đi khám tuyến tiền liệt hằng năm hoặc 6 tháng/lần.
Khi có dấu hiệu đi tiểu khó, cần được thăm khám sớm để được điều trị kịp thời và tránh nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Wellcare
(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)