Thủy đậu

Đối với hầu hết mọi người, thủy đậu chỉ là một bệnh rất nhẹ nhưng tốt hơn hết vẫn nên tiêm vaccine phòng bệnh. Vaccine thủy đậu rất an toàn, hiệu quả, giúp phòng tránh bệnh thủy đậu và các biến chứng của bệnh.

Định nghĩa bệnh thủy đậu

Thủy đậu
Hình minh họa

Bệnh thủy đậu, hay còn gọi là trái rạ, là bệnh do virus gây ra. Bệnh lây truyền rất nhanh, ảnh hưởng đến da và màng nhầy niêm mạc.
Hệ miễn dịch ở người sẽ tự miễn dịch hoặc tăng sức đề kháng với virus sau khi bị bệnh thủy đậu lần đầu tiên. Tuy vậy, ở những trường hợp hệ miễn dịch yếu, thủy đậu có thể tái phát trở lại, gọi là bệnh zona (tái kích hoạt virus thủy đậu).

Triệu chứng bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu thường kéo dài từ 5 đến 10 ngày. Phát ban là biểu hiện dễ nhận thấy nhất của bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện một hoặc hai ngày trước khi phát ban, gồm có:

  • Sốt
  • Chán ăn
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi và cảm giác không khỏe.

Khi ban thủy đậu xuất hiện, nó thường trải qua 3 giai đoạn:

  • Xuất hiện các nốt màu hồng hoặc đỏ nổi trên da
  • Khoảng một ngày sau, từ các nốt ban đó sẽ xuất hiện các mụn nước trong, sau một vài ngày các mụn nước sẽ bong vỡ hoặc xì ra.
  • Nổi vảy (che kín các mụn nước xì, vỡ) và lành lặn sau một vài ngày.
thủy đậu
Ảnh minh họa

Ban vẫn tiếp tục xuất hiện trong khoảng vài ngày. Có thể bạn sẽ trải qua cả ba giai đoạn phát ban – ban nổi, mụn nước và vết thương đóng vảy – cùng một lúc vào ngày thứ hai phát ban. Một khi nhiễm bệnh, virus từ người bệnh có thể lây nhiễm sang người khác trong vòng 48 giờ trước khi phát ban, và bệnh vẫn tiếp tục có khả năng lây nhiễm cho đến khi tất cả các nốt ban đều đóng vảy khô.
Bệnh thường ở mức độ nhẹ với trẻ khỏe mạnh. Trong các ca nặng, ban lan ra toàn bộ cơ thể, và gây ra các vết thương ở cổ họng, mắt, và ở các màng nhầy ở niệu đạo, hậu môn và âm đạo.
Khi nào cần gọi bác sĩ
Nếu nghi ngờ mình hoặc con mình bị bệnh, bạn nên nhờ bác sỹ tư vấn ngay. Bác sỹ sẽ kiểm tra cho bạn, xem xét các triệu chứng đi kèm để chẩn bệnh. Nếu cần, bác sỹ có thể sẽ cho thuốc để giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và điều trị các biến chứng.
Gọi bác sĩ nếu có các biến chứng sau:

  • Ban lan đến một hoặc cả hai mắt
  • Ban màu đỏ, sờ thấy ấm và mềm, đó có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng da thứ phát do vi khuẩn gây ra
  • Phát ban kèm theo cảm giác chóng mặt, mất phương hướng, tim đập nhanh, thở gấp, run rẩy, không thể điều khiển phối hợp hoạt động của các cơ, ho ngày càng nhiều, nôn ói, cổ cứng đờ hoặc sốt cao hơn 39.4 C (103 F)
  • Bất cứ ai bị suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc nhỏ hơn 6 tháng tuổi.

Các yếu tố nguy cơ

Bệnh do virus varicella-zoster gây ra, rất dễ lây nhiễm và lây lan nhanh chóng. Có thể nhiễm virus do tiếp xúc với ban hoặc các giọt hô hấp bắn trong không khí khi ho hoặc hắt hơi.
Bạn có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn nếu:
  • Chưa từng bị thủy đậu
  • Chưa được tiêm vaccine ngừa bệnh
  • Làm việc hoặc đi học ở trường hoặc một cơ sở giữ trẻ
  • Sống cùng trẻ em
  • Hầu hết những người đã tiêm vaccine hoặc đã từng bị bệnh sẽ miễn dịch với virus.
Nếu bạn có thai và không miễn dịch với bệnh, hãy gọi bác sỹ để được tư vấn về những nguy cơ có thể xảy ra với mình và với em bé chưa ra đời.

Biến chứng bệnh thủy đậu

Thông thường, thủy đậu chỉ là bệnh nhẹ nhưng bệnh có thể nghiêm trọng và dẫn đến các biến chứng, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Các loại biến chứng gồm có:
  • Da, các mô mềm, xương, khớp hoặc hoặc máu bị nhiễm khuẩn
  • Viêm phổi
  • Viêm não
  • Hội chứng sốc độc
  • Hội chứng Reye đối với những người dùng aspirin khi đang bị bệnh.

Xét nghiệm và chẩn đoán

Bác sỹ thường chẩn đoán bệnh dựa trên quan sát loại ban nổi trên da.
Nếu vẫn không chắc về kết quả chẩn đoán, có thể làm xét nghiệm như thử máu hoặc nuôi cấy vi khuẩn trong mẫu vết thương/mụn nước để biết chắc có bị thủy đậu hay không.

Phương pháp và thuốc điều trị

Đối với những trẻ em khỏe mạnh, thường không cần thuốc điều trị bệnh. Bác sỹ có thể kê thuốc kháng histamine để giảm ngứa. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, chỉ cần để bệnh phát triển tự nhiên và tự chấm dứt.
Đối với người có nhiều nguy cơ bị biến chứng từ thủy đậu, bác sỹ có thể cho thuốc để rút ngắn thời gian nhiễm trùng và giảm nguy cơ biến chứng.
Nếu bạn hoặc con bạn nằm trong nhóm có nguy cơ cao, bác sỹ có thể đề nghị cho dùng thuốc kháng virus. Các loại thuốc này có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu dùng trong vòng 24h sau khi bắt đầu phát ban. Các loại thuốc kháng virus khác như alacyclovir và famciclovir cũng giúp bệnh thuyên giảm nhưng chỉ được dùng cho người lớn. Ở một số ca, bác sỹ có thể khuyên tiêm vaccine ngừa bệnh sau khi có tiếp xúc với virus. Tiêm ngừa sẽ giúp phòng bệnh hoặc làm giảm đau khi bị bệnh.

Điều trị biến chứng

Nếu có biến chứng, bác sỹ sẽ quyết định phương pháp điều trị nào là thích hợp. Có thể dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng da và viêm phổi. Đối với viêm não, bác sỹ thường cho dùng thuốc kháng virus. Một số trường hợp khác có thể cần nhập viện để được điều trị.

Điều trị tại nhà

Để làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, hãy thực hiện các biện pháp tự chăm sóc sau:
Không gãi ngứa
Gãi ngứa sẽ để lại sẹo, vết thương lâu lành và tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương. Nếu con bạn không thể ngừng gãi, hãy:
  • Cho bé đeo găng tay, đặc biệt là vào ban đêm
  • Cắt ngắn móng tay cho bé
  • Làm giảm ngứa và các triệu chứng khác
  • Nốt ban thủy đậu thường rất ngứa và khi mụn nước bong, vỡ, sẽ cảm thấy đau rát. Cảm giác khó chịu này cùng với cơn sốt, đau đầu và mệt mỏi thường làm người bệnh thấy thật tệ hại. Để giảm các triệu chứng đó, hãy thử: Tắm trong bồn nước mát, hòa thêm vào nước tắm bột baking soda và bột yến mạch. Dùng sữa lotion calamin vỗ nhẹ lên các nốt thủy đậu.Nếu ban thủy đậu nổi trong miệng, hãy ăn những thức ăn mềm, nhạt, ít gia vị.
  • Dùng các loại thuốc kháng histamine như diphenhydramine (Benadryl) để giảm ngứa. Hãy hỏi bác sỹ xem cho trẻ dùng thuốc kháng histamine có an toàn không.
  • Dùng Acetaminophen  hoặc ibuprofen đối với sốt nhẹ.
  • Không cho bất kỳ ai bị thủy đậu uống các loại thuốc có chứa aspirin bởi vì dùng loại thuốc này khi đang bị bệnh có thể sẽ dẫn đến hội chứng Reye. Không nên tự chữa khi bị sốt cao mà không hỏi ý kiến bác sỹ.

Phòng ngừa bệnh thủy đậu

Vaccine thủy đậu (varicella) là cách tốt nhất để ngừa bệnh. Mặc dù vaccine không thể bảo vệ tuyệt đối, nhưng tiêm ngừa sẽ giúp giảm mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh.
Nên tiêm ngừa vaccine thủy đậu (Varivax) cho:

tiêm vắc xin phòng thủy đậu
Ảnh minh họa
  • Trẻ nhỏ: Ở Hoa Kỳ, trẻ thường được cho hai liều vaccine varicella – liều đầu tiên trong khoảng từ 12-15 tháng và liều thứ hai trong khoảng từ 4-6 tuổi- đây là một phần trong lịch chủng ngừa thông thường cho trẻ em. Có thể kết hợp tiêm vaccine thủy đậu cùng với vaccine MMR (sởi, quai bị và rubella), nhưng tiêm kết hợp có thể tăng nguy cơ bị sốt và co giật do vaccine. Hãy nói chuyện với bác sĩ về những điểm lợi và bất lợi khi tiêm kết hợp các loại vaccine.
  • Trẻ lớn chưa được tiêm vaccine: Trẻ em từ 7 đến 12 tuổi mà chưa từng được chủng ngừa nên được bổ sung 2 liều vaccine varicella, mỗi liều cách nhau 3 tháng. Trẻ em 13 tuổi hoặc lớn hơn mà chưa từng được chủng ngừa cũng nên được bổ sung 2 liều vaccine varicella, mỗi liều cách nhau ít nhất 4 tuần.
  • Người lớn chưa được chủng ngừa, chưa từng bị thủy đậu và có nguy cơ tiếp xúc cao: Đó là nhân viên chăm sóc y tế, giáo viên, nhân viên nhà trẻ, những người hay du lịch nước ngoài, quân nhân, người lớn sống cùng trẻ nhỏ và tất cả phụ nữ ở độ tuổi sinh nở. Những người lớn chưa từng bị bệnh hoặc chưa được chủng ngừa thủy đậu thường được cho hai liều vaccine, mỗi liều cách nhau từ 4 đến 8 tuần. Nếu bạn không nhớ đã từng bị bệnh hoặc đã được chủng ngừa hay chưa, cần thử máu để xác định tình trạng miễn dịch.

Nếu bạn đã từng mắc bệnh, bạn không cần tiêm vaccine thủy đậu nữa. Người từng mắc bệnh thông thường sẽ được miễn dịch với virus đó suốt đời. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mắc thủy đậu nhiều hơn một lần nhưng không phổ biến. Nếu bạn trên 60 tuổi, hãy nói chuyện bác sỹ về vaccine ngừa zona.

Không được tiêm vaccine thủy đậu đối với:

  • Phụ nữ đang mang thai
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu, ví dụ như người bị HIV hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch
  • Người dị ứng với gelatin hoặc neomycin kháng sinh.

Hãy hỏi bác sỹ nếu bạn không chắc liệu có cần tiêm vaccine hay không.
Các bậc cha mẹ thường thắc mắc liệu vaccine có an toàn hay không. Từ khi có vaccin thủy đậu, các nghiên cứu đều cho thấy vaccine này an toàn và hiệu quả. Các phản ứng phụ thường rất nhẹ như sưng, đỏ, đau, hoặc đôi khi nổi u ở chỗ tiêm vaccine.

Thủy đậu và bệnh zona

Nếu bạn đã từng bị thủy đậu, bạn có nguy cơ mắc một bệnh khác do virus varicella-zoster gây ra – đó là bệnh zona. Sau khi nhiễm bệnh, một số virus varicella-zoster vẫn còn lưu lại trong các tế bào thần kinh của bạn. Nhiều năm sau, virus có thể kích hoạt trở lại và xuất hiện dưới dạng zona – một dải mụn nước mau vỡ hơn và rất đau. Virus thường xuất hiện trở lại ở người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch bị suy giảm.
Zona cũng dẫn đến các biến chứng khác. Đó là tình trạng đau đớn kéo dài ngay cả sau khi mụn nước đã biến mất. Loại biến chứng này – gọi là đau dây thần kinh sau zona– có thể rất nghiêm trọng.
Người trên 60 tuổi và từng bị bệnh thường được khuyên nên tiêm vaccine zona.

Image result for thủy đậu

Biên dịch - Hiệu đính: Nguồn: Y học cộng đồng

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 18-09-2018

    Rối loạn tiền đình đang có xu hướng gia tăng ở đối tượng lao động trí óc. Người bị rối loạn tiền đình do thiếu máu não có nguy cơ đột quỵ cao. Rối loạn tiền đình là bệnh lý và rất hay tái phát, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống. Có hai

  • 28-05-2018
    Bệnh sốt màng não miền núi, hay còn gọi là sốt màng não, là bệnh cấp tính gây ra do vi khuẩn tên Rickettsia rickettsii (thường có trong bọ ve). Loại ve này có nhiều ở khu vực nhiều cây cối, đặc biệt là bụi cây thấp và bụi cỏ cao. Bệnh thường phổ biến
  • 28-05-2018
    Ù tai là một (hoặc nhiều) tiếng ồn bất thường mà bạn có thể nghe được. Tuy nhiên, tiếng ồn này không phải là âm thanh phát ra từ môi trường xung quanh, mà nó tự phát ra trong chính tai của bạn. Tiếng ồn trong tai có thể là những âm thanh sau : tiếng
  • 28-05-2018
    Sưng bìu tinh hoàn là sự phình lên của túi bìu, do chấn thương hoặc một bệnh lý nào đó. Tình trạng này có thể gây ra bởi sự tích tụ của dịch lỏng, viêm, hoặc một sự tăng trưởng bất thường trong bìu. Bìu là lớp da bao bọc xung quanh tinh hoàn, là nơi
  • 28-05-2018
    Bệnh hột xoài (hay còn gọi là u lympho sinh dục hoặc u hạt bạch huyết hoa liễu) là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đây là bệnh do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây nên. Vi khuẩn này đi qua da và niêm mạc bị xây xát vào các hạch bạch
  • 28-05-2018
    Mãn kinh là thời điểm phụ nữ không còn hành kinh nữa và không phải do bệnh tật. Mãn kinh là thời kỳ chuyển giao giữa 2 giai đoạn trong cuộc đời một người phụ nữ. Nhiều phụ nữ xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau do sự thay đổi hormon bởi hiện tượng