Rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình đang có xu hướng gia tăng ở đối tượng lao động trí óc. Người bị rối loạn tiền đình do thiếu máu não có nguy cơ đột quỵ cao. Rối loạn tiền đình là bệnh lý và rất hay tái phát, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống. Có hai

Rối loạn tiền đình là gì?

Rối loạn tiền đình là bệnh lý và rất hay tái phát, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống. Rối loạn tiền đình đang có xu hướng gia tăng ở đối tượng lao động trí óc. Người bị rối loạn tiền đình do thiếu máu não có nguy cơ đột quỵ cao.

(Ảnh minh họa)

Có hai loại rối loạn tiền đình:

Rối loạn tiền đình ngoại biên

Biểu hiện của bệnh như chóng mặt khi thay đổi tư thế, đây là dạng bệnh lành tính, chỉ làm cho người bệnh khó chịu trong sinh hoạt nhưng vẫn còn đi đứng được. Cơn chóng mặt thường thoáng qua, chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, chúng xuất hiện khi thay đổi tư thế như lắc đầu, từ tư thế nằm chuyển sang ngồi.
Bên cạnh đó, rối loạn tiền đình ngoại biên còn có thể có biểu hiện tình trạng chóng mặt thật nặng và kéo dài, người bệnh không thể đi đứng được, không thể từ nằm sang ngồi được. Đặc biệt cơn chóng mặt thường kèm theo nôn ói rất nhiều và nôn kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung…

Rối loạn tiền đình trung ương

Là bệnh lý thường gặp với những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói.
Rối loạn tiền đình trung ương là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà nguyên nhân có thể là do động mạch mang máu đến nuôi não bộ bị thiểu năng bởi tình trạng xơ mỡ động mạch…

Triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình

  • Khi bị rối loạn tiền đình sẽ biểu hiện chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đặc biệt là khi thay đổi tư thế, khi đó người bệnh phải giữ nguyên không dám cựa quậy. Ngoài ra, bệnh nhân bình thường hoặc có biểu hiện mất thăng bằng.
  • Các triệu chứng ban đầu thường ít xuất hiện, nếu có thì có thể là mất ngủ, người mệt mỏi. Thường vào buổi đêm về sáng, người bệnh thức giấc mở mắt ra nhìn mọi vật xung quanh thì có cảm giác không bình thường, trở mình thấy lao đao, ngồi dậy khó khăn. Nếu cơn nhẹ, bệnh nhân có thể cố gắng đứng dậy được nhưng mất thăng bằng, dễ ngã.
  • Nếu cơn nặng, họ chỉ nằm được ở một tư thế, không ngồi dậy nổi, buồn nôn và có thể nôn dữ dội gây mất nước, điện giải, mở mắt ra sẽ thấy mọi vật quay cuồng, đảo lộn.
  • Người bệnh tỉnh táo, đầu không đau nhức nhưng nặng trĩu như bị nén, ép lại; sợ ánh sáng, tiếng động và sự thay đổi tư thế, muốn tìm sự yên tĩnh. Mạch thường nhanh, huyết áp hạ, người mệt lả.
  • Bệnh có thể diễn biến trong vài ba ngày, rồi hồi phục dần nhưng cũng có thể kéo dài và để lại những di chứng mất thăng bằng, lao đao, mắt mờ nhòe, chân tay tê bì, run rẩy, suy yếu mệt mỏi một thời gian, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên, hãy đi khám bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh trên hệ thống Khám từ xa Wellcare để được tư vấn và hướng dẫn điều trị. 

Nguyên nhân rối loạn tiền đình

Người béo hay người gầy quá đều có thể gây rối loạn tiền đình.

  • Thiếu máu với phụ nữ có thể do sau khi sinh, còn đối với nam giới có thể do chấn thương gây mất máu nhiều. Hoặc cũng có thể do mắc một bệnh nào đó gây tình trạng nôn ra máu, hoặc đi ngoài ra máu mất máu quá nhiều.
  • Thường xuyên ở trong tình trạng căng thẳng.
  • Áp lực công việc lớn, phải ngồi lâu trước máy vi tính.
  • Huyết áp thấp khiến lượng máu lên não không đủ cũng là một nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.
  • Uống rượu quá nhiều cũng là một nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.
  • Cơ thể bị nhiễm độc hóa chất, hoặc nhiễm độc do sử dụng thuốc cũng là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.

Các yếu tố nguy cơ gây rối loạn tiền đình

Những người làm việc trong môi trường nhiều áp lực, ít vận động và thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình cao hơn.
Ngồi trong phòng lạnh kín khiến cột sống vùng cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày sẽ làm co thắt động mạch cột sống thân nền, dẫn đến rối loạn điều hòa máu lên não…

Điều trị rối loạn tiền đình

Điều trị hội chứng tiền đình:

  • Trước tiên phải để bệnh nhân ở tư thế nằm đầu thấp, cố định đầu, nơi ít ánh sáng, tránh xê dịch.
  • Nếu bệnh nhân có nôn nhiều phải cho thuốc chống nôn đường tiêm như papaverin 40mg hoặc primperan 10mg tiêm bắp.
  • Truyền dịch bù nước, điện giải nếu có điều kiện.

Chống chóng mặt bằng các nhóm thuốc: sử dụng tùy kinh nghiệm của các bác sĩ tuy nhiên có thể sử dụng các thuốc sau:

  • Các thuốc nhóm kháng histamin: vừa có hiệu quả tới chứng chóng mặt vừa làm giảm triệu chứng nôn, buồn nôn. Tác dụng phụ của nhóm này là có thể gây ngủ nhẹ nên không dùng trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Các thuốc thường dùng là promethazin 25mg, scopolamin 0,5mg; diphenhydramin 50 mg.
  • Acetylleucin: 1.000 - 1.500 mg/ngày. Có cả dạng viên và tiêm tĩnh mạch, dạng tiêm tĩnh mạch nên tiêm chậm vì nếu tiêm nhanh có thể gây hồi hộp, trống ngực, mạch nhanh. Thường được dùng ở giai đoạn cấp tính.
  • Nhóm ức chế canxi chọn lọc mạch máu não: hay sử dụng nhất hiện nay là các biệt dược của flunarizine, viên 5mg, dùng từ 5 - 10mg (1 - 2 viên/ngày), nên uống trước khi ngủ vì cũng có tác dụng an thần nhẹ. Các thuốc khác có thể dùng như cinnarizin 50 - 100 mg/ngày.
  • Nhóm benzodiazepin: hay dùng là valium, diazepam. Đây là các thuốc trấn tĩnh nhẹ, có thể dùng trong trường hợp bệnh nhân quá lo lắng vì chóng mặt. Tuy nhiên có thể gây quen và lệ thuộc thuốc nên phải có hướng dẫn kỹ, tránh lạm dụng thuốc.
  • Nhóm tăng tuần hoàn tiền đình, tuần hoàn não: nhóm này thường được sử dụng sau giai đoạn cấp, thường để điều trị duy trì, sử dụng lâu dài. Nhóm này có rất nhiều các nhóm nhỏ như: Betahistin (tác dụng chính vào nhân tiền đình, dùng từ 24 - 48 mg/ngày chia 3 lần); Ginkgo biloba 40mg (dùng 3 viên/ngày; Piracetam (1.200 - 2.400 mg/ngày); Almitrin - raubasin 40mg (dùng 2 viên/ngày).

Tập bù trừ tiền đình: thường tập khi nghĩ tới chóng mặt tư thế lành tính. Nếu chóng mặt do thiểu năng động mạch đốt sống thân nền thì không nên tập vì có thể gây thiếu máu não. Nên tập có sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Có thể áp dụng cách tập sau:

  • Khi cấp tính: tập ở tư thế nằm, đưa mắt sang hai bên, lên xuống, thực hiện động tác chậm rồi nhanh dần. Nhìn một vật di chuyển qua lại trước mắt 20cm. Khi có thể thì gập, ngửa, quay đầu sang hai bên từ từ và nhanh dần. Nếu đỡ có thể tập ở tư thế ngồi hoặc đứng.
  • Khi qua giai đoạn cấp: tập ở tư thế đứng, đang ngồi, từ từ đứng dậy sau đó đi, lên xuống cầu thang, xoay người kết hợp mở mắt và nhắm mắt.

Tóm lại, khi có triệu chứng chóng mặt, nhất là thời gian kéo dài, chưa rõ nguyên nhân, bệnh nhân cần đến các cơ sở chuyên khoa tai, thần kinh để khám, phát hiện các nguyên nhân từ đó có sự tư vấn và phương pháp điều trị hiệu quả. Không nên tự điều trị tại nhà, lạm dụng thuốc để tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Phòng ngừa rối loạn tiền đình

Để phòng ngừa bệnh, tránh tái phát bệnh, chúng ta cần:

  • Tránh ngồi nhiều trong phòng lạnh, tránh ngồi lâu trước máy vi tính, không nên ngồi lâu một chỗ trong phòng.
  • Uống nước thường xuyên khoảng 2 lít nước một ngày. Thường xuyên tập thể dục nhất là vùng đầu, cổ gáy. Tập đẩy hơi vào 2 tai bằng cách dùng 2 bàn tay áp vào 2 bên tai mỗi ngày 50 - 100 lần.
  • Người bệnh cũng không nên quay cổ hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh nếu thường xuyên bị choáng váng. Bệnh nhân cũng cần giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi  ô tô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt...
  • Chóng mặt ít khi là triệu chứng của một bệnh lý trầm trọng, nhưng nếu thấy xuất hiện một trong các triệu chứng sau như nhức đầu đột ngột, sốt từ 38 độ C trở lên, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật, nhìn đôi, mất thị lực, giảm thính giác... thì nên đi khám ngay.
  • Bệnh nhân cần phải đi khám, vì ngoài rối loạn tiền đình, các triệu chứng và dấu hiệu này có thể báo hiệu những bệnh lý nặng như tai biến mạch não, u não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng.

Thuốc chỉ giúp giải quyết tức thời những cơn chóng mặt cấp. Về lâu dài, bệnh nhân cần chủ động phòng ngừa bằng cách luyện tập thường xuyên các động tác sau: 

  • Tập đầu và cổ: Ngửa đầu ra sau, cúi đầu xuống, nghiêng đầu sang phải và sang trái hết cỡ. Quay đầu tròn chữ O bên phải rồi bên trái (khoảng 10 - 15 lần). Nằm ngửa trên giường, để một tay ở đỉnh đầu, một tay dưới cằm, thật mềm cổ, nhẹ nhàng vặn mạnh cằm về bên trái, rồi về bên phải, có tiếng kêu răng rắc là tốt. Sau đó, lồng các ngón tay với nhau để vào sau gáy, kéo mạnh gập cằm về phía ngực (khoảng 10 lần).
  • Xoa mặt, mắt, tay: Hai bàn tay xiết mạnh vào nhau cho nóng, xoa đều vào mặt, hốc mắt và tai để tác động vào các nút thần kinh tai, mắt, mặt (khoảng 10 lần).
  • Tập thể dục như bình thường nhưng phải làm được 3 động tác cơ bản sau đây: Chạy đi chạy lại nhẹ nhàng 8 - 10 phút. Đứng hơi dạng hai chân, cúi người xuống, đầu ngón tay chạm vào ngón chân cái, vung hai tay và quay mặt về bên trái rồi về bên phải hết cỡ (nhớ là quay cả mặt). Làm 10 lần.

Theo Sức khỏe & đời sống 

- 18-09-2018 -

Bài viết liên quan

  • 17-10-2018

    Bệnh Buerger là nguyên nhân gây viêm các mạch máu ở chân và tay, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân. Bệnh này làm thu hẹp và tắc nghẽn các mạch máu nên lưu lượng máu đến bàn tay và bàn chân giảm. Đây là nguyên nhân gây đau và các triệu chứng khác, và cuối cùng có thể dẫn đến tổn thương và gây chết mô (hoại tử) ở tay và/hoặc chân.

  • 05-07-2018
    Bệnh ghẻ do ký sinh trùng ghẻ có tên là Sarcoptes scabiei gây nên. Bệnh có tính chất lây truyền, thường xuất hiện ở những nơi vệ sinh kém. Bệnh không gây nguy hiểm tới sức khỏe nhưng ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt, lao động, chất lượng cuộc sống của người
  • 28-05-2018
    Lupus ban đỏ hệ thống (tiếng Anh: Systemic lupus erythematosus, SLE hay lupus), là một bệnh tự miễn của mô liên kết, có thể ảnh hưởng đến mọi bộ phận cơ thể. Cũng như trong các bệnh tự miễn khác, hệ miễn dịch tấn công các tế bào và mô của cơ thể, gây
  • 28-05-2018
    Nếu mất ngủ thoáng qua sẽ gây trạng thái buồn ngủ, vẻ mặt kém linh hoạt. Mất ngủ kéo dài sẽ gây mệt mỏi, trầm cảm, dễ cáu gắt, giảm tập trung chú ý. Mất ngủ thoáng qua hay kéo dài cũng đểu ảnh hưởng đến khả năng làm việc/ học tập, dễ gây tai nạn khi
  • 28-05-2018
    Bình thường nước tiểu chỉ chảy một chiều từ thận xuống bàng quang (hay còn gọi là bọng đái). Nếu nước tiểu từ bàng quang chảy ngược lên thận thì được gọi là trào ngược bàng quang – niệu quản. Khi xảy ra tình trạng này, vi trùng có thể xâm nhập vào thận