Thoái hóa khớp

Bệnh thoái hoá khớp (còn gọi là bệnh hư khớp) là một bệnh mạn tính, gây thoái hoá và biến dạng khớp do sự phá huỷ sụn khớp và hệ thống bao khớp - dây chằng, thường gặp ở các khớp chịu sức nặng của cơ thể Thoái hóa khớp gây đau và biến đổi cấu trúc khớp,

Bệnh thoái hoá khớp là gì?

- Bệnh thoái hoá khớp (còn gọi là bệnh hư khớp) là một bệnh mạn tính, gây thoái hoá và biến dạng khớp do sự phá huỷ sụn khớp và hệ thống bao khớp - dây chằng, thường gặp ở các khớp chịu sức nặng của cơ thể
Thoái hóa khớp gây đau và biến đổi cấu trúc khớp, dẫn đến tàn phế, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và còn là gánh nặng cho kinh tế gia đình và toàn bộ xã hội. Thoái hóa khớp nếu được chẩn đoán sớm và điều trị sớm có thể làm chậm phát triển của bệnh, giảm triệu chứng đau đớn, giúp duy trì cuộc sống hoạt động.

Triệu chứng, biểu hiện thoái hóa khớp

Triệu chứng, biểu hiện thoái hóa khớp

1. Triệu chứng lâm sàng (là dấu hiệu người bệnh mô tả lại và kết quả thăm khám)
* Đau
Đau ở vị trí khớp bị thoái hóa, đau tại chỗ ít khi lan (ngoại trừ ở cột sống khi có chèn ép rễ và dây thần kinh).
Đau âm ỉ, ở cột sống có thể có cơn đau cấp. Đau thường xuất hiện và tăng khi vận động hay thay đổi tư thế. Thường xuất hiện từng đợt kéo dài rồi giảm và hết, sau đó lại xuất hiện đợt khác sau khi vận động nhiều.
Đau nhiều, có co cơ phản ứng.
* Hạn chế vận động
Các động tác của khớp bị thoái hóa có hạn chế, mức độ hạn chế không nhiều và có thể chỉ hạn chế một số động tác. Hạn chế động tác chủ động và thụ động. Do hạn chế vận động cơ vùng thương tổn có thể bị teo. Một số bệnh nhân có dấu hiệu “phá rỉ khớp” vào buổi sáng hoặc lúc mới bắt đầu hoạt động.
* Biến dạng
Không biến dạng nhiều như ở các khớp khác (viêm khớp, gout). Biến dạng ở đây do các gai xương mọc thêm ở đầu xương; ở cột sống biến dạng hình thức gù, vẹo, cong, lõm.
* Các dấu hiệu khác
Teo cơ: do ít vận động.
Tiếng lạo xạo khi vận động: ít giá trị vì có thể thấy ở người bình thường hoặc ở các bệnh khác.
Tràn dịch khớp: đôi khi thấy ở khớp gối, do phản ứng xung huyết và tiết dịch ở màng hoạt dịch.
2. Cận lâm sàng:
* Xquang có 3 dấu hiệu cơ bản
Hẹp khe khớp: Hẹp không đồng đều, bờ không đều. Ở cột sống biểu hiện bằng chiều cao đĩa đệm giảm. Hẹp nhưng không dính khớp.
Đặc xương dưới sụn: phần đầu xương, hõm khớp, mâm đốt sống có hình đậm đặc, thấy một số hốc nhỏ sáng hơn.
Mọc gai xương: gai mọc ở phần tiếp giám giữa xương sụn và màng hoạt dịch, ở rìa ngoài của thân đốt sống. Gai xương có hình thô và đậm đặc.
Giai đoạn muộn xuất hiện các kén ở đầu xương, tái tạo xương thay đổi hình dạng đầu xương, khuyết xương ở trung tâm, xẹp vỏ xương ở khớp đốt xa hoặc đôi khi ở khớp đốt gần bàn tay là biểu hiện của thoái hoá nhiều khớp.
* Các xét nghiệm khác
Kết quả của các xét nghiệm thường qui ít thay đổi do đó các xét nghiệm này thường dùng để phát hiện những trạng thái bệnh lý khác đi kèm, hoặc theo dõi những diễn biến điều trị. Các xét nghiệm sinh hoá máu như: creatinin, urê, K+ có thể làm trước khi dùng thuốc chống viêm không steroid.Tốc độ lắng hồng cầu, yếu tố thấp cũng ít thay đổi trong bệnh thoái hoá khớp.
Dịch khớp thường số lượng tế bào < 2000/mm3. Protein và glucose trong dịch khớp bình thường. Nếu số lượng tế bào > 2000/mm3. Cần chú ý theo dõi viêm khớp do vi tinh thể hoặc viêm khớp nhiễm khuẩn.
Nội soi khớp: chỉ mới soi được ở khớp gối. Thấy những tổn thương thoái hóa của sụn khớp, phát hiện các mảnh vụn rơi trong ổ khớp.
Sinh thiết màng hoạt dịch: thấy các hiện tượng sung huyết và xơ hóa.

Nguyên nhân thoái hóa khớp

Nguyên nhân thoái hóa khớp

1. Do lão hóa ( thoái hóa khớp nguyên phát)
Nguyên nhân chính là do sự lão hóa, xuất hiện muộn, thường ở người sau 60 tuổi, nhiều vị trí, tiến triển chậm, tăng dần theo tuổi, mức độ không nặng.
Theo qui luật của tự nhiên, ở người trưởng thành khả năng sinh sản và tái tạo sụn giảm dần và hết hẳn. Các tế bào sụn với thời gian tích tuổi lâu dần sẽ già, khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi collagen và mucopolysaccharide sẽ giảm sút và rối loạn, chất lượng sụn sẽ kém dần, tính chất đàn hồi và chịu lực giảm.
2. Do yếu tố cơ giới (thoái hóa khớp thứ phát)
gặp ở mọi lứa tuổi (thường trẻ dưới 40 tuổi) khu trú một vài vị trí nặng và phát triển nhanh. Yếu tố cơ giới thể hiện ở sự tăng bất thường lực nén trên một đơn vị diện tích của mặt khớp hoặc đĩa đệm là yếu tố chủ yếu trong thoái hóa khớp thứ phát, nó gồm:
+ Các dị dạng bẩm sinh làm thay đổi diện tích tỳ nén bình thường của khớp và cột sống.
+ Các biến dạng thứ phát sau chấn thương, viêm, u, loạn sản hay làm thay đổi hình thái, tương quan của khớp và cột sống.
+ Sự tăng trọng quá tải: tăng cân quá mức do béo phì, do nghề nghiệp.
3.Các yếu tố khác
+ Di truyền: cơ địa già sớm.
+ Nội tiết: mãn kinh, tiểu đường, loãng xương do nội tiết, do thuốc.
+ Chuyển hóa: bệnh gout.

Các yếu tố nguy cơ thoái hóa khớp

Các yếu tố nguy cơ thoái hóa khớp

- Yếu tố nội tiết và chuyển hoá: bệnh to đầu chi, suy chức năng tuyến giáp, phụ nữ sau mãn kinh.
Các dị tật bẩm sinh, khớp lỏng lẻo.
Viêm khớp nhiễm khuẩn cấp tính, hoặc mạn tính (viêm mủ khớp, lao khớp).
Viêm khớp do các bệnh khớp mạn tính (viêm khớp dạng thấp...).
Thiếu máu, hoại tử xương.
Loạn dưỡng xương.
Rối loạn dinh dưỡng sau các bệnh thần kinh.
Bệnh rối loạn đông chảy máu (hemophylia), u máu.

Chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp

Chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp

1. Chẩn đoán xác định bệnh: Dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng: Đau, hạn chế vận động hoặc biến dạng ở khớp thoái hóa
Hình ảnh Xquang khớp: Triệu chứng Xquang điển hình là hình ảnh hẹp khe khớp, phì đại xương, gai xương ở rìa khớp. Hẹp khe khớp không đồng đều, đậm đặc xương dưới sụn. Hẹp khe khớp có thể do lớp sụn mỏng đi, hoặc do vôi hoá sụn ở vùng mọc gai xương.
2.Chẩn đoán phân biệt
Cần chú ý phân biệt 2 tình huống dễ nhầm lẫn.
Viêm khớp.
Phân biệt thoái hoá khớp thứ phát trên cơ thể bệnh nhân đã có viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh khác có liên quan đến thoái hoá khớp.

Điều trị thoái hóa khớp

Điều trị thoái hóa khớp

1. Nội khoa
• Thuốc giảm đau tại chỗ: có nhiều sản phẩm không cần kê đơn ở dạng kem, gel, thuốc mỡ hoặc thuốc xịt để làm giảm đau tạm thời.
• Acetaminophen. Acetaminophen có thể làm giảm đau nhưng không làm giảm viêm và có hiệu quả với người bị thoái hóa khớp từ nhẹ đến vừa.
• Thuốc chống viêm phi steroid (NSAID) có tác dụng giảm đau và chống viêm. Thuốc có nhiều loại, từ những thuốc không cần kê đơn như aspirin, ibuprofen và naproxen natri tới những thuốc chỉ được dùng theo đơn bác sĩ như ketoprofen, diclofenac và nabumetone.
• Chất ức chế COX-2 như celecoxib được xem là có hiệu quả giảm đau ngang với NSAID nhưng ít gây tác dụng phụ tiêu hóa hơn.
• Tramadol. Là thuốc giảm đau có tác dụng trung ương có thể làm giảm đau một cách hiệu quả với ít tác dụng phụ, như loét và chảy máu dạ dày, hơn các NSAID.
• Thuốc chống trầm cảm: Các thuốc chống trầm cảm, nhất là loại 3 vòng, có thể giúp làm giảm đau mạn tính.
• Tiêm thuốc vào khớp. Các thuốc thường dùng là corticosteroid và các dẫn xuất acid hyaluronic.
2.Phẫu thuật và các thủ thuật khác
• Thay khớp bằng khớp giả làm bằng nhựa hoặc kim loại.
• Nội soi rửa và cắt lọc khớp.
• Đặt lại xương.
• Hòa nhập xương (đóng cứng khớp).
• Một số cách điều trị khác để làm giảm đau như châm cứu, bấm huyệt, bổ sung chất dinh dưỡng như glucosamine và chondroitin sulfat, v.v…

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Hội chứng sau chấn động là một rối loạn phức tạp thường xuất hiện sau cơn chấn động não. Hội chứng này có thể bao gồm các triệu chứng như đau đầu hoặc chóng mặt và thường kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
  • 28-05-2018
    Viêm phổi do Mycoplasma là một bệnh nhiễm trùng ở phổi khá phổ biến. Bệnh này do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae gây ra. Đây là bệnh viêm phổi không điển hình do nó có những triệu chứng khác với những bệnh viêm phổi do nhiễm virus thông thường khác.
  • 28-05-2018
    Sẩy thai liên tiếp được định nghĩa là khi bị sẩy thai hơn 2 lần. Phụ nữ sau 3 lần sẩy thai nên đi khám toàn diện.
  • 28-05-2018
    Thống kê cho hay, có tới 60% dân chúng bị ợ chua ít nhất 1 lần trong tháng và thường thấy ở người trưởng thành nhiều hơn là ở trẻ em. Bệnh gây khó chịu có thể gây ra nhiều trở ngại cho sinh hoạt hàng ngày cả trong giấc ngủ. Đây là một cảm giác đau như
  • 28-05-2018
    Tinh dịch có máu, còn gọi là chứng haematospermia, có thể xảy ra đối với nam giới mọi lứa tuổi sau thời kì dậy thì. Nó thường gặp nhất ở nam giới từ 30 đến 40 và trên 50 tuổi mắc tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (BPH). Đa số các trường hợp sẽ tự khỏi
  • 28-05-2018
    Tần suất hiếm muộn nguyên nhân do vợ và chồng là tương đương nhau. Theo số liệu thống kê, nguyên nhân do vợ chiếm 30-40%, do chồng chiếm 30%, do cả vợ và chồng chiếm 15-30% và có khoảng 10% hiếm muộn không rõ nguyên nhân. Hiếm muộn chi ra làm hai loại