Tắc mạch ối

Tắc mạch ối là do nước ối, tế bào của thai nhi, chất gây, tóc, lông tơ hoặc các mảnh mô khác lọt vào tuần hoàn của người mẹ, gây ra suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính. Tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, không thể

Tắc mạch ối là gì?

Tắc mạch ối là do nước ối, tế bào của thai nhi, chất gây tóc, lông tơ hoặc các mảnh mô khác lọt vào tuần hoàn của người mẹ, gây ra suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính. Tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, không thể đoán trước và không thể dự phòng được.

Tắc mạch ối
Hình minh họa

Triệu chứng & biểu hiện của tắc mạch ối

Xuất hiện đột ngột với các dấu hiệu theo trình tự thời gian. Khởi đầu là suy hô hấp, tím tái xảy ra đột ngột trong vài phút và tiếp đến là tụt huyết áp, phù phổi, choáng, biểu hiện thần kinh như: lú lẫn, mất ý thức và co giật. Trên 80% số trường hợp người bệnh có biểu hiện ngừng tim, ngừng thở trong vài phút đầu tiên. Có đến 50% số trường hợp tử vong ngay trong giờ đầu xuất hiện triệu chứng.
Nếu người bệnh thoát qua được giai đoạn này (khoảng 40% số trường hợp) sẽ có biểu hiện chảy máu dữ dội nhiều nơi do đờ tử cung (nếu sau đẻ) và do đông máu rải rác trong lòng mạch. Chảy máu từ tử cung không thể cầm được. Số trường hợp có biểu hiện phù phổi ở giai đoạn này cũng cao.
Trên 80% số trường hợp người bệnh có biểu hiện ngừng tim, ngừng thở trong vài phút đầu tiên. Và chết trong vòng 2 đến 3 giờ. Có đến 50% số trường hợp tử vong ngay trong giờ đầu xuất hiện triệu chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân tắc mạch ối

Bình thường, nước ối hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào tuần hoàn của người mẹ. Một khi hàng rào ngăn cách giữa khoang ối và tuần hoàn của người mẹ bị phá vỡ, có thể do sự chênh lệch áp lực làm cho nước ối đi vào hệ thống tĩnh mạch của người mẹ (xoang tĩnh mạch tử cung) một cách bất thường qua các tĩnh mạch ống cổ tử cung, qua vị trí rau bám (nếu đã bong rau), qua nội mạc tử cung hay qua nơi tử cung bị chấn thương.
Người ta vẫn không hiểu tại sao nước ối vào tuần hoàn chỉ xảy ra ở một số ít người mà không xảy ra ở nhiều người khác. Hơn nữa, rất hiếm khi thảm cảnh lại xảy ra do các mảnh của thai đi theo nước ối vào tuần hoàn người mẹ mặc dù trong chuyển dạ, trong đẻ, mổ lấy thai hay các thăm dò nhỏ gây chấn thương làm cho nước ối có thể đi vào tuần hoàn người mẹ nhưng không gây ra triệu chứng.
Do vậy tắc mạch ối chỉ gặp ở một tỷ lệ rất nhỏ những phụ nữ này làm cho người ta nghĩ tới vai trò của mức độ, số lượng mảnh mô thai, loại mảnh mô thai (có chứa kèm theo phân su hay không) hay một số yếu tố nào đó của người mẹ. Nước ối và tế bào thai qua tĩnh mạch đi tới tim và phổi của người mẹ với một lượng đủ gây ra tắc mạch hay co thắt mạch phổi nghiêm trọng.

Yếu tố, nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ gây tắc mạch ối
  • Chủng tộc, màu da: không thấy có ảnh hưởng.
  • Tuổi sản phụ cao thì nguy cơ bị tắc mạch ối nhiều hơn. Tuổi mẹ từ 35 trở lên kéo theo nguy cơ cao bị tắc mạch ối.
  • Con rạ có nguy cao hơn con so. Người ta thấy 75% số trường hợp tắc mạch ối xảy ra ở người đẻ con rạ.
  • Về giới tính của thai: 67% số trường hợp tắc mạch ối là mang thai bé trai.
  • Mổ lấy thai, đẻ đường dưới có can thiệp thủ thuật foóc-xép hay giác hút có nguy cơ cao hơn đẻ thường.
  • Đa ối, đa thai (tử cung quá to), thai chết lưu, vỡ ối, rách cổ tử cung, vỡ tử cung, rau tiền đạo, rau bong non, sản giật, gây chuyển dạ cũng là yếu tố nguy cơ gây tắc mạch ối.

Chẩn đoán

4 tiêu chuẩn chẩn đoán tắc mạch ối
Theo Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ và Anh khuyến cáo, chẩn đoán tắc mạch ối khi có đồng thời 4 tiêu chuẩn sau:
  • Tụt huyết áp đột ngột hay ngừng tim.
  • Thiếu ôxy cấp tính.
  • Bệnh lý đông máu hay chảy máu nặng mà không có các lý giải khác.
  • Tất cả xảy ra trong chuyển dạ, mổ lấy thai hay trong vòng 30 phút sau đẻ mà không có lý giải nào khác cho các dấu hiệu này.
Các xét nghiệm phục vụ chẩn đoán
  • Xét nghiệm khí trong máu; công thức máu
  • Đông máu
  • Xquang phổi: thường không tìm thấy dấu hiệu đặc hiệu, có thể quan sát thấy dấu hiệu phù phổi.
  • Điện tâm đồ: có thể thấy nhịp tim nhanh, ST và sóng T thay đổi.
Chẩn đoán xác định sau cùng là kết quả mổ tử thi (tìm thấy tế bào của thai và thành phần nước ối trong động mạch phổi người mẹ).
Chẩn đoán phân biệt với rất nhiều hội chứng khác: tắc mạch do huyết khối, tắc mạch do khí, choáng nhiễm khuẩn, nhồi máu cơ tim cấp tính, choáng phản vệ do các nguyên nhân khác nhau, rau bong non hay phản ứng của gây tê vùng.

Điều trị

Khi nghi ngờ tắc mạch ối với những dấu hiệu của bệnh, lập tức:
  • Duy trì cung cấp ôxy cho sản phụ (đặt nội khí quản, thở máy).
  • Đặt hơn 2 đường truyền tĩnh mạch, nâng huyết áp bằng dung dịch cao phân tử.
  • Hồi sức tim nếu ngừng tim
Làm các xét nghiệm cấp cứu:
  • Xét nghiệm khí trong máu
  • Công thức máu
  • Đông máu
  • Theo dõi bằng monitor.
Truyền máu nếu kết quả đông máu không tốt kèm chảy máu dữ dội. Máu toàn phần hay hồng cầu đậm đặc và huyết tương đông được dùng.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là những xử trí triệu chứng nhằm hồi phục dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, chứ không xử lý được căn nguyên. Vì tai biến này hay xảy ra đột ngột và tiến triển nhanh nên hầu hết bệnh nhân đều tử vong. Nếu thai chưa xổ thì hầu hết thai nhi không được cứu kịp. Ở các nước có trang bị hiện đại, người ta có thể mổ ngay để cứu thai nhưng tính may rủi cũng rất lớn.
Trường hợp bệnh tiến triển chậm hơn thì có thể mở lồng ngực người mẹ, tìm và lấy đi khối huyết tắc ở động mạch để cứu mẹ. Tuy nhiên, trong thế kỷ 20 chỉ có 1 trường hợp may mắn như vậy; đó là một sản phụ ở Pháp.

Phòng ngừa

Tắc mạch ối là một cấp cứu sản khoa không thể dự báo được, không thể dự phòng được và trong hầu hết các trường hợp là không thể điều trị được.
Chưa có một can thiệp nào cho thấy cải thiện tiên lượng của sản phụ bị tắc mạch ối. Tắc mạch ối thực sự là một thảm họa không chỉ đối với nhân viên y tế mà còn đối với cả gia đình sản phụ.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 19-04-2022

    Bệnh cơ tim phì đại là sự dày lên một cách bất thường của thất trái. Phì đại thất trái là biểu hiện chủ yếu của bệnh cơ tim phì đại, tuy nhiên, cũng có một số trường hợp toàn bộ cơ tim, thất phải, hoặc mỏm tim bị phì đại. 

  • 28-05-2018
    Nhiễm trùng thận (viêm đài bể thận) là tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguyên nhân của bệnh thường là do nhiễm trùng ở đường tiểu dưới (ở bàng quang và niệu đạo) sau đó vi khuẩn sinh sôi và di chuyển lên phía trên theo đường tiểu và gây nhiễm
  • 28-05-2018
    Táo bón, hay còn gọi là bón, là tình trạng đại tiện khó hơn bình thường và khoảng cách giữa các lần đại tiện kéo dài hơn bình thường. Mỗi người có thói quen đại tiện khác nhau, không nhất thiết phải có quy định chung cho thói quen này. Táo bón được tính
  • 28-05-2018
    Khi con bạn phàn nàn rằng bụng bé bị đau, có thể do nhiều nguyên nhân. Một số lí do đơn giản thường gây ra chứng đau bụng là: ăn quá nhiều, đầy hơi khi uống quá nhiều nước có gas một số dạng khác của chứng khó tiêu. Đôi khi táo bón cũng gây ra đau
  • 31-05-2022

    Nhiều cha mẹ vẫn nghĩ rằng trẻ bị viêm tai giữa thì phải dùng kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, đa số trường hợp trẻ bị viêm tai giữa không cần điều trị bằng kháng sinh. Cùng tìm hiểu khi nào nên dùng kháng sinh cho trẻ bị viêm tai giữa.

  • 28-05-2018
    Loét dạ dày tá tràng, hay còn gọi là viêm loét dạ dày, là tổn thương gây loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Những tổn thương này xảy ra khi màng lót của dạ dày, tá tràng bị thủng và mô bên dưới bị lộ ra. Vết loét ở dạ dày