Suy tuyến yên

Tuyến yên là một tuyến nội tiết nhỏ hình hạt đậu nằm ở hố yên sàn não, phía sau mũi và giữa hai tai. Mặc dù có kích thước nhỏ như vậy nhưng tuyến yên lại có vai trò rất quan trọng, nó chỉ huy nhiều tuyến nội tiết của cơ thể như tuyến giáp, tuyến thượng

Suy tuyến yên là gì?

Tuyến yên là một tuyến nội tiết nhỏ hình hạt đậu nằm ở hố yên sàn não, phía sau mũi và giữa hai tai. Mặc dù có kích thước nhỏ như vậy nhưng tuyến yên lại có vai trò rất quan trọng, nó chỉ huy nhiều tuyến nội tiết của cơ thể như tuyến giáp, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục.. cho nên tuyến yên ảnh hưởng, chi phối tới hầu hết hoạt động chức năng của hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể.
Suy tuyến yên là thuật ngữ chỉ sự thiếu hụt chức năng một hoặc nhiều hoóc-môn thuỳ trước ảnh hưởng tới chức năng tuyến đích. Suy tuyến yên có thể chỉ suy một tuyến hoặc nhiều tuyến (suy đa tuyến). Đây là hội chứng tương đối hiếm gặp, suy tuyến yên gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ mắc tăng theo tuổi, khoảng 5-7 ca/100.000 dân.

Triệu chứng suy tuyến yên

Triệu chứng suy tuyến yên

Biểu hiện lâm sàng của suy tuyến yên rất đa dạng và phong phú, tuỳ thuộc vào loại hoóc-môn nào bị thiếu hụt và mức độ thiếu hụt nặng hay nhẹ. Bệnh suy tuyến yên có tính chất tiến triển tăng dần, mặc dù các triệu chứng và dấu hiệu có thể xảy ra đột ngột, nhưng thường xảy ra từ từ. Đôi khi các triệu chứng không rõ rệt, mơ hồ và dễ bị bỏ qua không được chẩn đoán sau nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau hoặc các triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh của chuyên khoa khác như rối loạn tâm thần, thiếu máu kéo dài không rõ căn nguyên, suy kiệt. Người mắc suy tuyến yên có thể gặp:

  • Mệt mỏi, hạ đường máu.
  • Sút cân.
  • Chán ăn, buồn nôn, nôn.
  • Sợ lạnh, táo bón, khàn giọng.
  • Giảm cảm giác ngon miệng.
  • Phù nề mi mắt, môi, da vàng sáp, mất các nếp nhăn.
  • Thiếu máu.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Vô sinh.
  • Kinh nguyệt không đều, mất kinh, mất lông mu, lông nách.
  • Mất sữa hoặc không tiết sữa ở phụ nữ sau sinh cho con bú.
  • Rụng hoặc chậm mọc râu, ria ở nam giới.
  • Trẻ em chậm phát triển chiều cao.
  • Hay bị chóng mặt, tụt huyết áp, nhịp tim chậm, truỵ mạch, thậm chí nặng có thể bị sốc, hôn mê và tử vong.

Nguyên nhân gây suy tuyến yên

Nguyên nhân gây suy tuyến yên

Nguyên nhân gây suy tuyến yên có thể ở tại tuyến hoặc do tổn thương vùng dưới đồi hoặc do bệnh lý toàn thân. Nguyên nhân hay gặp ở người lớn là u tuyến yên hoặc sau phẫu thuật hay xạ trị vùng tuyến yên.

1. Do khối u ở tuyến yên hoặc vùng dưới đồi

Adenome tuyến yên chiếm phần lớn các khối u tuyến yên. Khoảng 30% bệnh nhân macroadenoma (u >1cm) có suy một hoặc nhiều hoóc-môn thuỳ trước.
Các khối u không có nguồn gốc từ tuyến yên như u sọ hầu, u màng não; u tế bào thần kinh đệm... Ngoài ra có thể gặp các u thứ phát di căn tới tuyến yên.

2. Do phẫu thuật vùng tuyến yên

Suy tuyến yên cũng là biến chứng phổ biến sau phẫu thuật tuyến yên tỷ lệ và mức độ suy tuyến yên tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm kích thước khối u trước mổ, mức độ xâm lấn và kinh nghiệm phẫu thuật viên.

3. Do tia xạ

Suy tuyến yên đã được thông báo ở những bệnh nhân tia xạ điều trị ung thư vòm, điều trị các khối u tuyến yên và khối u cạnh tuyến yên.

4. Do di truyền: Hội chứng Kallmann

Hội chứng Sheehan: suy tuyến yên do mất máu cấp tính hậu sản nặng có tụt áp hoặc sốc gây thiếu máu hoại tử thuỳ trước tuyến yên là nguyên nhân thường gặp của suy tuyến yên ở các nước đang phát triển, đặc biệt là nguyên nhân thường gặp ở Việt Nam.
Đột quỵ tuyến yên: Đột quỵ tuyến yên do nhồi máu hoặc xuất huyết tự nhiên ở khối u tuyến yên với một bệnh cảnh tối cấp: Nhức đầu dữ dội, nhìn không rõ, liệt mắt, hội chứng màng não và rối loạn ý thức. Có thể xảy ra suy tuyến yên cấp.

5. Các nguyên nhân khác

Bệnh tự miễn: viêm tuyến yên thâm nhiễm lympho.
Do chấn thương sọ não (sau tai nạn giao thông), xuất huyết dưới nhện.
Dị dạng: Hội chứng hố yên rỗng, thiểu sản tuyến yên.
Nhiễm khuẩn: Apxe, viêm màng não, viêm não, lao.
Một sỗ trường hợp không rõ căn nguyên.

Chẩn đoán suy tuyến yên

Chẩn đoán suy tuyến yên

Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị suy tuyến yên, bác sĩ chuyên khoa nội tiết thường dựa vào các xét nghiệm hoóc-môn như hoóc-môn vỏ thượng thận (cortisol máu), hoóc-môn tuyến giáp (T3, T4, TSH), hoóc-môn hướng sinh dục như FSH, LH, hoóc-môn sinh dục như estradiol, testosteron, hoóc-môn kích thích tiết sữa như prolactin, hoóc-môn tăng trưởng (GH), điện giải đồ, đường máu... hoặc khi cần sẽ thực hiện các nghiệm pháp kích thích (các nghiệm pháp này chỉ được tiến hành tại các cơ sở chuyên khoa sâu) để đánh giá mức độ thiếu hụt hoóc-môn. Ngoài ra cần chụp cộng hưởng từ hố yên để tìm nguyên nhân... hoặc soi đáy mắt kiểm tra thị trường trong trường hợp bệnh nhân bị u tuyến yên. Ở trẻ em có thể cần chụp xương bàn tay đánh giá sự phát triển của xương và sự phát triển chiều cao có bình thường thay không.

Điều trị suy tuyến yên

Điều trị suy tuyến yên

Suy tuyến yên nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm tới tính mạng như sốc truỵ mạch, hôn mê hạ đường máu hoặc rối loạn điện giải nặng. Hoặc nhẹ hơn làm giảm chất lượng cuộc sống, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như bệnh tim mạch, loãng xương, tâm thần, giảm tuổi thọ của người bệnh.
Tuỳ vào nguyên nhân gây suy tuyến yên như phẫu thuật lấy u trong một số trường hợp là xạ trị khối u hoặc điều trị nội khoa u tiết prolactin có thể giúp phục hồi chức năng tuyến yên một phần hay hoàn toàn. Nếu nguyên nhân không thể giải quyết bằng phẫu thuật hoặc xạ trị cần điều trị nội khoa thay thế các hoóc-môn đích.
Điều trị thay thế hoóc-môn bao gồm:

1. Điều trị suy thượng thận

Có thể uống chế phẩm corticoid như hydrocortisone 10-25 mg/24 giờ (chia 2 lần) hoặc prednisolone 5-7,5 mg/24 giờ.
Chú ý khi có tình trạng stress (phẫu thuật, nhiễm khuẩn, sốt cao, tiêu chảy...) cần tăng liều lên 100-150 mg hydrocortisone/24 giờ. Trong chế độ ăn, người bệnh cần ăn mặn hơn bình thường, bổ sung thực phẩm giầu vitamin D và canxi.
Điều trị suy giáp: Dùng hoóc-môn giáp sau khi đã điều trị thay thế hoóc-môn thượng thận. Các thuốc hoóc-môn giáp cần uống trước ăn 30 phút, cách xa các thuốc chứa sắt, canxi, magie.. .

2. Điều trị suy sinh dục thứ phát

Với bệnh nhân nữ: dùng thuốc tránh thai uống (20-35µg ethinyl oestradiol hoặc oestrogen dưới dạng dán da hay dạng gel (ít nguy cơ huyết khối hơn). Phối hợp với progesterone nếu bệnh nhân không bị cắt tử cung. Dừng thuốc khi bệnh nhân tới tuổi mãn kinh. Bệnh nhân dùng hoóc-môn nữ tổng hợp cần theo dõi định kỳ vú, khám phụ khoa để tránh nguy cơ ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung cũng như huyết khối tĩnh mạch chi dưới.
Với bệnh nhân nam: Dùng testosterone gel 25-50mg. Testosterone enanthate 250 mg tiêm bắp sâu/2-4 tuần/lần. Khi sử dụng các hoóc-môn sinh dục nam, bác sỹ sẽ định kỳ kiểm tra loại trừ ung thư tuyến tiền liệt như siêu âm, định lượng PSA ngoài ra bệnh nhân cần theo dõi huyết áp, xét nghiệm hematocrit để theo dõi tình trạng tăng hồng cầu do thuốc.
Chú ý với bệnh nhân có nguyện vọng sinh con cần được chuyển tới cơ sở chuyên khoa sâu để được sử dụng các thuốc kích thích sự phát triển và trưởng thành nang trứng và tinh trùng.
Bệnh nhân suy tuyến yên cần biết việc điều trị thay thế hoóc-môn là rất cần thiết và phải dùng thuốc suốt đời. Nếu có những dấu hiệu như mệt, buồn nôn, nôn, sốt huyết áp thấp hoặc truỵ mạch, nhịp chậm chóng mặt cần tăng liều corticoid và tới khám ở cơ sở chuyên khoa để được chỉnh liều thuốc cho phù hợp.

Phòng ngừa suy tuyến yên

Phòng ngừa suy tuyến yên

Cần theo dõi sàng lọc suy tuyến yên ở những bệnh nhân có nguy cơ như có tiền sử mất máu sản khoa, tiền sử chấn thương vùng nền sọ, có xạ trị vùng dưới đồi tuyến yên hoặc sau khi phẫu thuật lấy khối u tuyến yên.
Bệnh nhân đã được chẩn đoán suy tuyến yên phải theo dõi tại cơ sở chuyên khoa và được tư vấn đánh giá khả năng phải dùng thuốc suốt đời và hướng dẫn cách tăng liều thuốc corticoid trong tình huống cần thiết.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 19-02-2019

    Ngủ là một nhu cầu sống còn đối với cơ thể chúng ta. Ngủ chiếm 1/3 thời gian của cuộc đời mỗi người. Trong khi ngủ cơ thể chúng ta tiết ra những hormone quan trọng giúp quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày và quá trình tăng trưởng cơ thể, giúp não bộ sắp xếp lại thông tin một cách hệ thống, thiết lập và củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn của não bộ.

  • 04-07-2018
    Trứng cá là một bệnh của nang lông tuyến bã được biểu hiện với nhiều hình thái tổn thương đa dạng như nhân, sẩn, mụn mủ, cục, nang trứng cá. Bệnh có thể để lại hậu quả sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo quá phát. Bệnh xuất hiện nhiều nhất ở nam, nữ tuổi dậy thì cho
  • 28-05-2018
    Viêm khớp vảy nến là một dạng viêm khớp xuất hiện ở những bệnh nhân bị mắc bệnh da vảy nến nghiêm trọng. Bệnh gây viêm một số khớp nhất định và phát ban. Các vùng thường bị ảnh hưởng nhất là ngón tay, cổ và lưng dưới. Mắt, móng và tim cũng có thể bị
  • 28-05-2018
    Thực quản co thắt có thể cảm thấy như đột ngột đau ngực nặng một vài phút. Co thắt thực quản thường xảy ra không thường xuyên. Nhưng đối với một số người, co thắt thực quản thường xuyên và nghiêm trọng. Các cơn co thắt cơ có thể ngăn chặn thực phẩm và
  • 04-10-2018

    Viêm phế quản mãn tính là tình trạng niêm mạc lót trong các ống phế quản bị sưng đỏ lên và tiết nhiều chất nhầy. Các chất nhầy này làm hẹp lòng ống và gây khó thở. Bệnh khí phế thũng là tình trạng nhiều phế nang bị mất đi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến

  • 05-10-2018

    Rối loạn ngưng thở khi ngủ là tình trạng dừng thở hoặc thở thoi thóp trong thời gian ngắn khoảng 10 đến 30 giây. Tình trạng này thường xảy ra nhiều lần trong khi ngủ. Rối loạn ngưng thở khi ngủ có hơn 90 loại khác nhau, điển hình như ngưng thở tắc nghẽn,