Sỏi ống mật chủ

Sỏi mật là một bệnh đường tiêu hóa thường gặp ở nước ta, chiếm khoảng 10 – 15% dân số. Sỏi có thể được hình thành ở một số vị trí như đường mật trong gan, túi mật, ống mật chủ. Trong đó sỏi ống mật chủ chiếm đến

Tìm hiểu chung

Sỏi mật là một bệnh đường tiêu hóa thường gặp ở nước ta, chiếm khoảng 10 – 15% dân số. Sỏi có thể được hình thành ở một số vị trí như đường mật trong gan, túi mật, ống mật chủ. Trong đó sỏi ống mật chủ chiếm đến 70 – 80% các trường hợp mắc bệnh sỏi mật.
Ống mật chủ là ống dẫn dịch mật trực tiếp từ gan hay từ túi mật xuống ống tiêu hóa để hỗ trợ tiêu hóa các chất béo. Do vậy, nó rất quan trọng trong việc lưu thông dịch mật. Nếu xuất hiện sỏi ở ống mật chủ sẽ làm giảm dịch mật xuống ruột non, gây đầy chướng, chậm tiêu. Kích thước sỏi lớn sẽ gây tắc nghẽn đường mật, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh như viêm túi mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp…

Triệu chứng

Triệu chứng sỏi ống mật chủ

Tuy nhiên khi đường mật bị tắc nghẽn thì sẽ xuất hiện 3 triệu chứng điển hình (tam chứng Charcot) là: đau hạ sườn phải, sốt, vàng da. Đặc biệt với sỏi ở ống mật chủ thì các triệu chứng trên sẽ tái phát nhiều lần.

Đau hạ sườn phải

Các cơn đau thường xuất hiện đột ngột, dữ dội và kéo dài, có thể sau ăn 1 – 2 giờ hoặc xảy ra tại bất kì thời điểm nào trong ngày. Đau lan lên ngực hoặc ra sau lưng.
Nguyên nhân gây ra các cơn đau thường do sỏi di chuyển hay do tăng co bóp ống mật, tăng nhu động túi mật và tăng áp lực đường mật.

Sốt

Dịch mật ứ trệ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ. Vi khuẩn tiết ra nội độc tố gây sốt cao 39 – 40°C, run lạnh, vã mồ hôi. Triệu chứng sốt thường xuất hiện sau 2 – 3 giờ xảy ra các cơn đau quặn.

Vàng da

Đây là triệu chứng xảy ra muộn nhất, sau 24 – 48 giờ xuất hiện triệu chứng đau, sốt. Dịch mật bị tắc nghẽn và ứ đọng ở gan, bilirubin trong dịch mật vào máu gây vàng da, vàng niêm mạc mắt.
Ngoài ra còn xuất hiện một số triệu chứng khác như: Nôn, buồn nôn, ngứa (do nhiễm độc muối mật), vàng mắt, nước tiểu vàng sẫm (do sắc tố mật đào thài qua nước tiểu), phân bạc màu (do thiếu sắc tố mật).

Nguyên nhân

Nguyên nhân sỏi ống mật chủ

Vi khuẩn gây tổn thương thành đường mật khiến các tế bào viêm loét bong vào dịch mật, đồng thời làm kết tủa một số thành phần của dịch mật (sắc tố mật, muối mật) và tạo thành các viên sỏi. Một số trường hợp khác, giun chui lên ống mật mang theo trứng hoặc xác giun ở trong ống mât sẽ là nhân sỏi cho sắc tố mật lắng đọng bám vào, phát triển dần thành sỏi ống mật chủ.

Các yếu tố nguy cơ gây sỏi ống mật chủ

Các yếu tố nguy cơ gây sỏi ống mật chủ

Phụ nữ có thai hoặc thời kì tiền mãn kinh, người bệnh đái tháo đường, béo phì… là những đối tượng có nguy cơ cao mắc sỏi mật do có sự thay đổi chuyển hóa, nội tiết trong cơ thể. Nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi, gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới và đặc biệt ở những người đã phẫu thuật cắt bỏ túi mật sau 3 năm thì nguy cơ hình thành sỏi ống mật chủ rất cao.

Điều trị

Điều trị sỏi ống mật chủ

Tìm nguyên nhân hình thành sỏi đường mật để phòng ngừa sỏi phát triển về kích thước và tái phát sau phẫu thuật.
Điều trị nhiễm trùng triệt để bằng kháng sinh: Vi khuẩn gây nhiễm trùng đường mật chủ yếu là E. coli, một số trường hợp có thể là Bacteroides, Clostridium. Do vậy, trong điều trị cần sử dụng kháng sinh liều cao, kết hợp với một số loại kháng sinh đặc trị. Nếu phác đồ kháng sinh phù hợp, người bệnh sẽ nhanh chóng hạ sốt và cần điều trị đúng một lộ trình để tiêu diệt vi khuẩn triệt để.
Tăng sức đề kháng, miễn dịch cho người bệnh trước và sau khi điều trị, phẫu thuật.
Giảm áp lực đường mật, tạo lưu thông đường mật bằng cách:

  • Dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da.
  • Dẫn lưu mũi – mật qua nội soi mật tụy ngược dòng.
  • Phẫu thuật mở bụng vào ống mật chủ để đặt ống Kehr: chỉ sử dụng trong trường hợp 2 phương pháp trên không thực hiện được.

Lấy sỏi trong đường mật: có thể sử dụng một số phương pháp sau:

  • Phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Là phương pháp tối ưu nhất, với tỉ lệ thành công là 90%. Tuy nhiên trong quá trình phẫu thuật, khoảng 5 – 8% trường hợp xuất hiện tai biến nhiễm trùng đường mật, viêm tụy, chảy máu, thủng tạng rỗng… và gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Phương pháp này không được sử dụng trong một số trường hợp như: Sỏi lớn, sỏi dính vào đường mật, số lượng sỏi > 5 viên, hẹp ở đoạn cuối ống mật, sỏi trong gan, đã có biến chứng viêm tụy cấp, người bệnh rối loạn đông máu hay có tiền sử cắt dạ dày.

  • Phẫu thuật nội soi ổ bụng: Phương pháp này khá tối ưu, tuy nhiên đòi hỏi trang thiết bị phải hiện đại và phẫu thuật viên có trình độ, kinh nghiệm tốt mới có thể tiến hành một cách an toàn, hiệu quả.

Các phương pháp trên giúp cải thiện tình trạng bệnh và phòng ngừa các biến chứng cấp nguy hiểm. Tuy nhiên nó không tác động lên các nguyên nhân hình thành sỏi nên sỏi vẫn có thể tái phát sau phẫu thuật.

Bài thuốc dân gian trị sỏi ống mật chủ

Bài thuốc dân gian trị sỏi ống mật chủ
Người bệnh có thể tham khảo kết hợp sử dụng một số thảo dược có tác dụng tăng cường chức năng gan mật (uất kim, chi tử, cam thảo), bài mòn sỏi (kim tiền thảo), kháng viêm, kháng khuẩn (hoàng bá, vàng đằng), kích thích tiêu hóa (chỉ xác, lá chanh)… giúp phòng ngừa các triệu chứng, biến chứng do sỏi gây ra như đầy chướng, chậm tiêu, sốt, viêm đường mật, viêm tụy cấp…

Phòng bệnh sỏi ống mật chủ

Phòng bệnh sỏi ống mật chủ

Về chế độ ăn uống

Người bệnh cần ăn uống điều độ, ăn đúng bữa, đủ bữa. Đặc biệt không nhịn ăn sáng để mật được tiết ra liên tục, không gây lắng đọng tạo thành sỏi. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo, cholesterol (một trong những nguyên nhân hình thành sỏi mật), đồng thời tăng cường rau xanh, quả tươi, chất xơ sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và phòng ngừa táo bón. Các thực phẩm cần đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi và định kì tẩy giun 6 tháng/lần.

Về chế độ luyện tập

Người bệnh nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp tăng hoạt động cơ, tăng nhu động mật, do đó giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm sự ứ trệ dịch mật. Bên cạnh đó còn giúp tăng sức đề kháng, miễn dịch của cơ thể và nâng cao sức khỏe toàn trạng.

Định kì khám sức khỏe

Sỏi ống mật chủ là bệnh thường ít xuất hiện các triệu chứng hay chỉ xuất hiện các triệu chứng mơ hồ như đầy chướng, chậm tiêu. Hầu hết các trường hợp đều được tình cờ phát hiện khi thăm khám sức khỏe định kì hoặc khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng thì mới được phát hiện. Do vậy, tốt nhất nên định kì 3 – 6 tháng thăm khám sức khỏe tổng thể một lần hoặc khi thường xuyên xuất hiện chứng đầy chướng, chậm tiêu thì nên sớm khám chuyên khoa tiêu hóa. Bệnh nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn sỏi mới hình thành, kích thước nhỏ sẽ giúp quá trình điều trị thuận lợi hơn, người bệnh có thể chung sống hòa bình với sỏi mà không cần phẫu thuật và có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng xuất hiện.

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế

(Nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Tắc động mạch võng mạc là một trong những tình trạng nghiêm trọng nhất trong nhãn khoa vì bệnh khởi phát nhanh, ảnh hưởng nặng nề đến thị lực và sự phối hợp với những bệnh toàn thân gây nguy hiểm tới tính mạng. Tắc có thể xảy ra bất kỳ ở đâu từ động
  • 04-07-2018
    Mụn cóc, hay còn gọi là hột cơm, là một dạng phát triển của da gây ra do virus. Virus này thuộc nhóm virus papilloma ở người gây ra chứng mụn cóc. Những loại virus khác nhau thường gây bệnh ở những bộ phận khác nhau trên cơ thể
  • 28-05-2018
    Bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính thường là một loại nhiễm trùng dạ dày ruột do các tác nhân như vi-rút, vi khuẩn, ký sinh trùng, tác nhân hóa học... gây nên, bệnh có thể gặp ở bất kì ai. Bệnh thường liên quan trực tiếp tới thức ăn hoặc nước uống không
  • 17-10-2018

    Quai bị, hay còn gọi là bệnh má chàm bàm, là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Virus này làm sưng tuyến nước bọt và gây ra đau đớn. Thời gian từ lúc bạn nhiễm phải virus và bị bệnh kéo dài từ 12 đến 24 ngày. Đây là bệnh khá phổ biến ở trẻ em và đôi

  • 28-05-2018
    Viêm phổi không điển hình là một tình trạng nhiễm trùng phổi gây ra bởi nhóm vi khuẩn gồm Legionella pneumophila, Mycoplasma pneumoniae và Chlamydophila pneumoniae. Viêm phổi không điển hình thường có triệu chứng nhẹ hơn hẳn bệnh viêm phổi điển hình,
  • 28-05-2018
    Bệnh tổ đỉa là bệnh viêm da đặc biệt, chủ yếu ở lòng bàn tay, bàn chân và rìa các ngón. Bệnh chưa xác định được nguyên nhân. Một số nghiên cứu cho thấy, người có cơ địa dị ứng, có sang chấn thần kinh dễ nhạy cảm với các dị nguyên: hóa chất, cao su, xà