Sỏi niệu quản

1. Niệu quản và sỏi niệu quản Niệu quản là đường ống dẫn nước tiểu từ trên thận xuống dưới bàng quang. Niệu quản có chiều dài khoảng 25cm và đường kính lòng niệu quản từ 2-4mm tùy vị trí. Càng xuống dưới thấp thì niệu quản có đường kính càng nhỏ. Sỏi

Sỏi niệu quản là gì ?

1. Niệu quản và sỏi niệu quản

Niệu quản là đường ống dẫn nước tiểu từ trên thận xuống dưới bàng quang. Niệu quản có chiều dài khoảng 25cm và đường kính lòng niệu quản từ 2-4mm tùy vị trí. Càng xuống dưới thấp thì niệu quản có đường kính càng nhỏ.
Sỏi niệu quản là sỏi nằm trong lòng niệu quản và gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Do sự tắc nghẽn này mà thận bị ứ đọng nước tiểu và gây ra các biến chứng.
Sỏi có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của niệu quản nhưng hay gặp nhất là 3 vị trí hẹp sinh lý của niệu quản: đoạn nối thận vào niệu quản, đoạn nối niệu quản vào bàng quang và đoạn niệu quản nằm phía trước động mạch chậu.
Hình dáng: sỏi thường có hình bầu dục hoặc hình trụ, bờ nhẵn hay xù xì như quả dâu, đường kính thay đổi từ vài mm đến trên 1cm.
Số lượng: thường là 1 viên, có khi 2 viên. Nếu nhiều viên xếp kế tiếp nhau thì tạo thành ‘chuỗi sỏi niệu quản’. Sỏi niệu quản 2 hai bên rất nguy hiểm, dễ dẫn tới vô niệu.

2. Sỏi niệu quản và sỏi thận có khác nhau?

Sỏi thận hình thành và khu trú tại thận. Sỏi niệu quản đa số là từ sỏi thận di chuyển xuống niệu quản (>80%). Một số ít các trường hợp sỏi niệu quản hình thành do sự bất thường bẩm sinh của đường tiết niệu.
Sỏi niệu quản thường có kích thước nhỏ, thường chỉ vài mm đến khoảng hơn 1cm, thường chỉ có 1 viên. Khác với sỏi thận thì thường rất to có khi đến 5-6cm, có thể chỉ có 1 viên hay có khi hàng chục viên rải rác trong thận.
Sỏi niệu quản tuy nhỏ nhưng gây suy giảm chức năng thận nhanh hơn gấp nhiều lần sỏi thận.
Tuy là rất nguy hiểm, nhưng sỏi niệu quản thường nhỏ nên có nhiều phương pháp điều trị đơn giản hơn, đa số có thể tán sỏi hay mổ lấy sỏi qua nội soi. Khác với sỏi thận, thường to hay nhiều viên thường phải mổ mở để lấy sỏi.

Triệu chứng của sỏi niệu quản

Triệu chứng của sỏi niệu quản

Do khi sỏi di chuyển xuống niệu quản từ thận, gây cản trở dòng nước tiểu làm cho thận và bể thận bị căng giãn gây cơn đau rất dữ dội thường được gọi tên là ‘cơn đau quặn thận’ hay ‘cơn đau bão thận’.
Cơn đau này khởi phát ở vùng thắt lưng cùng bên với niệu quản có sỏi. Kèm theo có thể có đái ra máu hay một số rối loạn chức năng khác.
Nếu không được điều trị để tái lưu thông dòng nước tiểu, cơn đau này sẽ tái diễn lại nhiều lần đến khi thận cùng bên mất hoàn toàn chức năng.
Dựa vào cơn đau diển hình và hình ảnh trên Xquang và siêu âm nên sỏi niệu quản thường dễ dàng chẩn đoán. Một số ít trường hợp khó cần đến sự trợ giúp của chụp cắt lớp vi tính (CT-Scaner) hay chụp thận thuốc (UIV).

Nguyên nhân gây sỏi niệu quản

Nguyên nhân gây sỏi niệu quản

Nguyên nhân sỏi niệu quản tới 80% do rơi từ thận xuống. Một số sỏi niệu quản sinh ra tại chỗ do dị dạng niệu quản như: niệu quản phình to, niệu quản tách đôi, niệu quản sau tĩnh mạch chủ... đó là các yếu tố làm dễ cho sự ứ đọng nước tiểu dẫn đến sự lắng đọng các tinh thể để kết tụ thành sỏi.

Sỏi canxi

Nguyên nhân chính là tình trạng nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi do tăng hấp thu canxi ở ruột hoặc tăng tái hấp thu canxi ở ống thận. Xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy canxi niệu tăng rất cao. Bình thường thận đào thải khoảng 300mg canxi qua nước tiểu trong 1 ngày, trong trường hợp nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi lượng canxi đào thải qua nước tiểu có thể tăng lên 800-1.000mg/24 giờ với chế độ ăn bình thường.
Nguyên nhân thứ hai là giảm citrat niệu. Citrat niệu có tác dụng ức chế kết tinh các muối canxi. Khi có toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ kali máu thì thường citrat niệu giảm. Khi thiếu citrat nước tiểu sẽ bão hòa muối canxi tạo điều kiện kết tinh sỏi.
Nguyên nhân thứ ba là nước tiểu quá bão hòa về oxalat. Thức ăn chứa nhiều oxalat như rau chút chít, đại hoàng hoặc trong trường hợp ngộ độc vitamin C sẽ dẫn đến tình trạng này. Ở người bị viêm ruột, cắt một phần ruột non cũng thường thấy tăng oxalat niệu và có sỏi oxalat, những người có rối loạn hệ thống men chuyển hóa ở gan do di truyền gây tăng bài xuất axit oxalic để tạo thành oxalat cũng dễ có sỏi oxalat.

Sỏi axit uric

Nguyên nhân là do nước tiểu quá bão hòa axit uric tạo điều kiện gây sỏi urat và thường có tăng axit uric niệu đi kèm. Sỏi axit uric gặp trong tăng axit uric máu, bệnh gút, trong một số trường hợp di truyền.

Sỏi struvit

Sỏi struvit là do nhiễm khuẩn lâu dài đường tiết niệu, vi khuẩn giải phóng men urease, men này phân giải ure gây tổng hợp ammoniac trong nước tiểu giảm, dẫn tới làm giảm hòa tan struvit (MgNH4PO46H2O) tạo điều kiện hình thành sỏi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi niệu quản

Yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi niệu quản

Sỏi tiết niệu do nhiều nguyên nhân và nhiều yếu tố phức tạp gây nên. Quá trình hình thành sỏi thường bắt nguồn từ các muối khoáng hòa tan trong nước tiểu. Khi có những rối loạn về mặt sinh lý bệnh học và có những yếu tố thận lợi như giảm lưu lượng nước tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu, dị dạng đường tiết niệu hoặc có yếu tố di truyền thì các muối khoáng hòa tan sẽ kết tinh từ một nhân nhỏ rồi lớn dần thành sỏi.

Một số yếu tố thuận lợi thúc đẩy quá trình hình thành sỏi

Urate, cystine, pH nước tiểu thấp, uống ít nước, một số sản phẩm chuyển hóa của vi khuẩn hoặc các nguyên nhân dẫn đến cô đặc nước tiểu là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình hình thành sỏi. Khẩu phần ăn có nhiều oxalat cũng là một yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên vai trò của ăn thức ăn có nhiều canxi gây tăng nguy cơ hình thành sỏi là không rõ ràng. Ngày nay, việc hạn chế canxi trong khẩu phần ăn không còn là phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa sỏi thận tiết niệu.
Một số loại thuốc như Acetazolamide (Diamox), thuốc lợi tiểu quai, Glucocorticoid, Theophyline, vitamin D và C là những tác nhân thúc đẩy quá trình hình thành sỏi canxi.
Lợi tiểu nhóm Thiazide, Salicylate, Probenecid, Allopurinol là những tác nhân thúc đẩy quá trình hình thành tạo sỏi axit uric. Khi dùng thuốc như Triamterine, Acyclovir, Indinavir các thuốc này sẽ lắng đọng lên sỏi đã hình thành và làm sỏi phát triển nhanh và to hơn.
 

Các phương pháp điều trị sỏi niệu quản

Các phương pháp điều trị sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản nằm trên đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, gây ứ đọng nước tiểu tại thận và gây suy giảm chức năng thận. Vì tính chất nguy hiểm của sỏi niệu quản, nên mọi phương pháp điều trị đều nhằm mục tiêu nhanh chóng đưa sỏi ra ngoài và tái lưu thông nước tiểu.

1. Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa: là điều trị hỗ trợ để đưa sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên nên ưu điểm là có thể điều trị ngoại trú, rẻ tiền, hợp với sinh lý.
Thông thường khi điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn thuốc giảm đau, giãn cơ và hướng dẫn bạn chế độ vận động và uống từ 2-3 lít nước/ngày để tăng khả năng tống sỏi ra ngoài.
Tuy vậy, điều trị nội khoa cũng phải có những điều kiện nhất định (như sỏi nhỏ chỉ vài mm, không bị nhiễm khuẩn tiết niệu, thận còn tiết nước tiểu…) và không phải trường hợp nào cũng thành công.

2. Điều trị can thiệp

Đối với các trường hợp không có khả năng điều trị nội khoa hay điều trị nội khoa thất bại (tính từ khi điều trị sau 2 tuần mà sỏi không tự thoát ra ngoài) thì bạn nên nhập viện để can thiệp, tránh để lâu gây nhiều biến chứng.
Do sỏi niệu quản đa số thường nhỏ nên các biện pháp can thiệp cũng đơn giản, nhẹ nhàng và ít biến chứng sau can thiệp. Các biện pháp còn được chấp nhận để điều trị sỏi niệu quản:
  • Tán sỏi ngoài cơ thể: đẩy sỏi lên thận để tán bằng máy tán sỏi siêu âm.
  • Tán sỏi qua da: đưa đầu tán qua da vào thận sau đó xuống niệu quản để tán sỏi.
  • Tán sỏi ngược dòng: đưa máy soi kèm đầu tán theo niệu đạo vào bàng quang sau đó lên tới niệu quản để tán sỏi. Đây là phương tối ưu nhất.
  • Mổ lấy sỏi nội soi: nội soi qua ổ bụng hay khoang sau phúc mạc để lấy sỏi.
  • Mổ hở để lấy sỏi: thường áp dụng khi sỏi quá to hoặc nhiễm trùng nặng.
  • Mổ cắt thận: do sỏi làm thận mất hoàn toàn chức năng, gây đau và nhiễm khuẩn.
Khi sỏi niệu quản càng để lâu thì càng có nhiều biến chứng nên điều trị càng khó khăn vì vừa phải lấy sỏi vừa phải điều trị các biến chứng, nên càng khó áp dụng các biện pháp tiên tiến gây tổn hại sức khỏe.

Phương pháp phòng bệnh sỏi niệu quản

Phương pháp phòng bệnh sỏi niệu quản

Do bệnh rất hay tái phát nên việc phòng ngừa bệnh là rất cần thiết. Theo các chuyên gia cho biết: ‘Chế độ thực phẩm trong ăn uống và vận động khiến cấu tạo của sỏi tiết niệu ở nhiều người răn chắc nên thường gây khó khăn cho việc điều trị. Với những bệnh nhân đã phẫu thuật cần lưu ý đến chế độ ăn hàng ngày hợp lý, không ăn quá nhiều các sản phẩm có canxi và các chất có thể gây sỏi... không nén chịu khi buồn đi tiểu. Nên uống khoảng 2 lít nước để mỗi ngày bài tiết được hơn 1,5 lít nước tiểu. Nếu có dấu hiệu tiểu buốt, dắt thì nên dùng sớm các loại lợi tiểu có sẵn như râu ngô, mã đề...
Cần khám sức khỏe định kỳ đề phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu đã bị sỏi, tránh các biến chứng.
Bệnh sỏi tiết niệu là một quá trình phức tạp do nhiều yếu tố gây ra mà chúng ta chưa hiểu biết hết, song để nhận biết được bệnh và phòng ngừa mọi người có thể tìm hiểu một số nguyên nhân sau: Các tinh thể có thể kết tủa lại và tạo sỏi; Khí hậu nóng bức gây đổ mồ hôi nhiều kiến nước tiểu trở thành cô đặc dễ tạo sỏi; Nhiễm trùng niệu dễ gây kết tụ sỏi; Một số thực phẩm chứa nhiều canxi, oxalat, axit uric... Nếu ăn quá nhiều sẽ dễ tạo sỏi; Những bất thường trong hệ niệu gây trở ngại làm chậm dòng nước tiểu hoặc bế tắc đường tiểu sẽ gây tích tụ sỏi.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Siêu vi trùng Papilloma ở người (HPV) là một virus gây ra mụn cóc sinh dục và ung thư. Đây là loại virus lây truyền qua đường tình dục và thường xuất hiện ở tất cả mọi người đã có quan hệ tình dục. Có nhiều loại virus HPV, một số loại có thể gây mụn
  • 28-05-2018

    Axit là chất oxy hóa nguy hiểm gây tác động ngay lập tức và gây ra những biến chứng lâu dài đối với cơ thể nạn nhân. Bỏng axit đa phần là bỏng sâu, phải được cấp cứu và điều trị tại bệnh viện. Chính vì vậy, khâu sơ cứu khi bị bỏng axit rất quan trọng, có thể giúp hạn chế rủi ro thấp nhất cho nạn nhân.

  • 24-08-2018

    Sùi mào gà sinh dục là một bệnh lây truyền qua đường tình dục khá phổ biến, ở cả nam và nữ. - Bệnh gây nên do virus gây u nhú ở người (Human papilloma virus-HPV). Sùi mào gà sinh dục có nguy cơ dẫn đến ung thư sinh dục, nhất là ung thư cổ tử cung

  • 05-10-2018

    Trong giấc ngủ đêm, có tới 4% phụ nữ và 9% nam giới độ tuổi 30-60 bị ngừng thở đến hơn 30 lần (trung bình 5-10 lần/giờ). Thời gian ngừng thở kéo dài khoảng 10 giây hoặc lâu hơn có thể khiến họ từ giã cõi đời mà không ai biết. Y học hiện..

  • 28-05-2018
    Nhiễm trùng thận (viêm đài bể thận) là tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguyên nhân của bệnh thường là do nhiễm trùng ở đường tiểu dưới (ở bàng quang và niệu đạo) sau đó vi khuẩn sinh sôi và di chuyển lên phía trên theo đường tiểu và gây nhiễm
  • 17-10-2018

    Co giật nửa mặt là tình trạng bệnh biểu hiện trên một nửa khuôn mặt của bạn. Nó thường bắt đầu bằng co giật xung quanh mắt một bên. Dần dần có thể co giật đến miệng của bạn. Có nhiều cách điều trị khác nhau. Mặc dù tình trạng này không gây tử vong nhưng