Rối loạn tăng động giảm chú ý (thể tăng động)

Trẻ tăng động dường như luôn chân luôn tay liên tục hoạt động. Chúng lao tới vồ lấy hoặc nghịch bất cứ vật gì chúng nhìn thấy, nói không ngừng nghỉ.
Monday, 24/12/2018

Trẻ tăng động dường như luôn chân luôn tay liên tục hoạt động. Trẻ lao tới vồ lấy hoặc nghịch bất cứ vật gì trẻ nhìn thấy, nói không ngừng nghỉ. Ngồi ăn, ngồi học, nghe chuyên dường như là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề khó khăn đối với chúng. Trẻ ngọ nguậy và bồn chồn ở trên ghế hoặc đi lộn xộn khắp phòng. Trẻ có thể lắc tay, rung chân, sờ mó vào mọi thứ hoặc gõ bút ầm ĩ. Những trẻ lớn (thiếu niên hoặc thanh niên) có thể có cảm giác bồn chồn, chúng thường yêu cầu là cần phải nhanh lên và luôn giục làm việc gì đó ngay lập tức.

Trẻ xung động dường như không thể kìm chế được các phản ứng hoặc không thể nghĩ trước khi hành động. Trẻ thường buột miệng nói ra các bình luận không thích hợp, thể hiện ngay cảm xúc của chúng mà không có sự kìm chế hoặc hành động mà không lường hết hậu quả sau đó. Sự hấp tấp bốc đồng của trẻ có thế làm cho chúng rất khổ sở nhất là khi phải chờ đợi một việc gì đó mà chúng muốn ngay lập tức. Chúng vồ lấy đồ chơi, sách vở của trẻ khác và đập hoặc ném nó đi nếu chúng thất vọng. Thậm chí đối với vị thành niên và người lớn thì thường hấp tấp bốc đồng trong việc lựa chọn để làm một việc gì đó có thưởng rất nhỏ nhưng ngay lập tức hơn là những việc có thưởng lớn hơn nhưng mất nhiều công sức mà lại chậm hơn.

Một số dấu hiệu tăng động và xung động điển hình

- Cảm giác bồn chồn, ngọ nguậy chân tay hoặc ngọ nguậy trên ghế.

- Nói buột ra câu trả lời trước khi nghe hết toàn bộ câu hỏi.

Xác định có đúng thật là ADHD hay không

Không phải mọi đứa trẻ hoạt động quá mức, thiếu tập trung chú ý hoặc xung động đều là ADHD. Rất nhiều trẻ đôi khi nói buột ra những điều mà chúng không định nói hoặc nhầm từ việc này sang việc khác hoặc trở nên vô tổ chức hay quên. Vậy các bác sỹ trả lời như thế nào?

Nhiều trẻ có thể có một số hành vi này ở một thời điểm nào đó, nên việc chẩn đoán cần phải chứng minh được mức độ hành vi của trẻ là không phù hợp so với những trẻ cùng lứa tuổi. Các vấn đề về hành vi phải xuất hiện từ rất sớm trước 7 tuổi và kéo dài ít nhất 6 tháng. Trên tất cả, vấn đề hành vi phải gây ra ảnh hưởng thật sự trên ít nhất là 2 trong các lĩnh vực đời sống cá nhân ở lớp học, ở sân chơi, ở nhà hay ở cộng đồng. Nhiều trẻ có biểu hiện một số triệu chứng nhưng toàn bộ việc học tập và quan hệ bạn bè không bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng hành vi này thì không được chẩn đoán là ADHD. Cũng không bao giờ chẩn đoán ADHD những trẻ có vẻ như hoạt động quá ở sân chơi nhưng các chức năng vẫn tốt.

Để đánh giá là có ADHD ở một đứa trẻ, bác sỹ phải cân nhắc thận trọng nhiều câu hỏi có tính chất đặc trưng:

Những hành vi này có quá mức, có kéo dài và có lan toả hay không? Nghĩa là những hành vi này có xảy ra nhiều hơn với các trẻ khác cùng lứa tuổi không?

Những hành vi này có thật sự tiếp diễn hay chỉ là phản ứng trong một số tình huống nhất thời?

Những hành vi này xuất hiện trong nhiều bối cảnh hay chỉ xảy ra ở một nơi như ở sân chơi hay ở trong lớp học mà thôi?

Những loại hình hành vi đã nêu của từng cá nhân sẽ được đối chiếu với các tiêu chuẩn chẩn đoán và các đặc tính rối loạn này trong bảng phân loại DSM IV-TR.

Bs Nguyễn Mạnh Hoàn, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương 

Đăng ký Khám từ xa

LogoWellcare
Đối tác sức khỏe TIN CẬYChúng tôi giúp bạn duy trì một lối sống lành mạnh, và khi bạn cần tham vấn y tế, chúng tôi kết nối bạn với những bác sĩ chuyên khoa hàng đầu qua gọi thoại và gọi video.
Thông tin công ty
(+84) 28 3622 6822[email protected]LA0208 Lexington Office, 67 Mai Chi Tho, An Phu Ward, Ho Chi Minh City, Vietnam
Tải ứng dụng
Theo dõi
© 2015 - 2024 • Wellcare • All Rights Reserved