Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
Các triệu chứng của ADHD là đa dạng, DSM-IV đã đưa ra ba kiểu phụ: trẻ mà vấn đề chủ yếu là tập trung kém; trẻ có những khó khăn chủ yếu do hành vi tăng động-xung động; và trẻ có cả hai loại vấn đề.
Rối loạn tăng động giảm chú ý khiến trẻ gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi và tập trung chú ý. Bệnh thường gặp ở trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và những năm đầu bậc tiểu học. Ước tính khoảng 3-5% trẻ em bị bệnh ADHD hoặc xấp xỉ 2 triệu trẻ em ở Mỹ bị ADHD. Điều này có nghĩa là trong một lớp học có 25-30 em thì có thể có một em bị bệnh ADHD.
Rối loạn tăng động giảm chú (ADHD) (Ảnh minh họa)
ADHD được mô tả lần đầu tiên bởi bác sỹ Heinrich Hofman năm 1845, một bác sỹ chuyên viết sách về y học và tâm thần, đặc biệt là sách cho trẻ em vì bản thân ông không tìm được tài liệu nào để đọc và giải nghĩa cho hành vi của cậu con trai 3 tuổi. Ông còn là một nhà thơ và đã sáng tác một cuốn sách bằng thơ có đầy đủ tranh minh họa về trẻ em và những đặc điểm tính cách của chúng. "The story of Fidgety Philip" của ông đã mô tả chính xác chân dung của một cậu bé bị rối loạn tăng động giảm chú ý.
Mãi đến năm 1902, George F.Still xuất bản một loạt các bài giảng cho Hội y học Hoàng gia Anh, trong đó mô tả một nhóm các trẻ hiếu động với những dấu hiệu bất thường về hành vi, nguyên nhân do rối loạn chức năng di truyền chứ không phải do dạy dỗ kém. Đó là những trẻ mà ngày nay chúng ta dễ dàng nhận ra chúng mắc bệnh rối loạn tăng động giảm tập trung chú ý. Kể từ đó, hàng nghìn tài liệu khoa học về ADHD đã được xuất bản, cung cấp thông tin về bản chất tự nhiên, tiến triển, nguyên nhân, biểu hiện và các phương pháp điều trị bệnh ADHD.
Trẻ em với ADHD phải đối mặt với những khó khăn, nhưng không phải là không điều trị được.
Để có thế kiểm soát được bệnh và phát triển bình thường, trẻ cần phải nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn và hiểu biết từ phía cha mẹ, các nhà tư vấn và hệ thống giáo dục.
Tài liệu này cung cấp các thông tin về bệnh ADHD và phương pháp kiểm soát chúng bao gồm cả các nghiên cứu về thuốc men và các can thiệp hành vi, các phương pháp giáo dục.
Vì bệnh ADHD diễn biến tiếp tục đến tuổi trưởng thành nên tài liệu cũng đề cập đến các nội dung chẩn đoán và điều trị ADHD ở người trưởng thành.
Triệu chứng rối loạn tăng động giảm tập trung chú ý
Đặc trưng cơ bản của bệnh là kém tập trung chú ý, tăng động và xung động.
Những triệu chứng này xuất hiện từ rất sớm, ngay từ những năm đầu đời của đứa trẻ.
Bởi vì nhiều trẻ bình thường cũng có thể có các triệu chứng này nhưng ở mức độ nhẹ hoặc là hậu quả của các bệnh khác nên điều quan trọng là trẻ cần được một bác sĩ chuyên khoa thăm khám để được chẩn đoán chính xác.
Các triệu chứng của bệnh ADHD xuất hiện và diễn ra trong rất nhiều tháng. Thông thường các triệu chứng xung động và tăng động có trước các triệu chứng kém tập trung chú ý và kém tập trung chú ý ngày càng rõ ràng và nổi bật sau một năm hoặc nhiều năm.
Các triệu chứng khác nhau có thể xuất hiện ở những hoàn cảnh khác nhau phụ thuộc vào các yêu cầu của tình huống đối với khả năng tự điều chỉnh của trẻ. Một đứa trẻ ở trong lớp học không thể ngồi yên được một chỗ và hay nghịch ngợm bao giờ cũng dễ bị cô giáo để ý, nhưng những trẻ có biểu hiện mơ màng, kém tập trung có thể không bị cô giáo phát hiện ra. Những trẻ xung động thường hành động không suy nghĩ có thể được xem như là có vấn đề về ý thức tổ chức kỷ luật, trong khi những trẻ thụ động hoặc chậm chạp lờ đờ lại được xem như là thiếu hoạt bát. Cả hai dạng trên có thể đều là các thể khác nhau của bệnh ADHD.
Tất cả các trẻ có vấn đề quá hiếu động, rối nhiễu, kém tập trung hoặc xung động mà ảnh hưởng đến việc học tập tại trường học, các mối quan hệ xã hội với những đứa trẻ khác hoặc hành vi bất thường tại gia đình thì đều phải nghi ngờ mắc bệnh ADHD. Nhưng vì các triệu chứng của ADHD thì rất khác nhau trong mỗi trường hợp nên chẩn đoán bệnh không dễ dàng. Điều này đặc biệt đúng đối với các biểu hiện kém tập trung chú ý.
Phân loại bệnh ADHD
Theo chẩn đoán và phân loại các rối loạn tâm thần (DSM-IV-TR) bệnh ADHD có ba thể:
1. Thể tăng động xung động nổi trội.
2. Thể giảm tập trung chú ý nổi trội.
3. Thể kết hợp cả tăng động và giảm tập trung chú ý.
Bs Nguyễn Mạnh Hoàn, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương