Nướu và nha chu

Bệnh nướu là gì? Bệnh nướu là tình trạng viêm của nướu, có thể tiến triển làm ảnh hưởng tới phần xương bao quanh và nâng đỡ răng. Nguyên nhân của bệnh là do các vi khuẩn trong mảng bám – đây là một lớp màng không màu, dính được hình thành liên tục

Tìm hiểu về bệnh nướu và nha chu ?

Bệnh nướu là gì?

Bệnh nướu là tình trạng viêm của nướu, có thể tiến triển làm ảnh hưởng tới phần xương bao quanh và nâng đỡ răng. Nguyên nhân của bệnh là do các vi khuẩn trong mảng bám – đây là một lớp màng không màu, dính được hình thành liên tục trên răng của bạn. Nếu không được loại bỏ hàng ngày bằng cách chải răng và dùng chỉ nha khoa, mảng bám sẽ hình thành và vi khuẩn sẽ không chỉ tác động đến răng và nướu, mà thậm chí còn ảnh hưởng tới mô nướu và xương nâng đỡ răng. Điều này làm cho các răng bị lung lay, bị rụng hoặc có thể phải nhổ bỏ.

Bệnh nha chu là gì?

Bệnh nha chu là bệnh lý viêm nhiễm mạn tính ở mô nướu và mô nâng đỡ của răng. Biểu hiện thường thấy là nướu viêm đỏ, dễ chảy máu, chảy mủ, tiêu xương ổ răng, răng lung lay, và cuối cùng là mất răng. Có thể nói phần lớn các trường hợp mất răng ở người trưởng thành là do bệnh nha chu gây nên.
Nha là răng, chu là chu vi xung quanh răng. Nha chu là tổ chức xung quanh răng, có chức năng chống đỡ, giữ răng trong xương hàm. Một răng khỏe mạnh thường được giữ trong xương hàm bởi: xương ổ răng, dây chằng và nướu răng. Nướu ôm sát lấy răng để che chở các mô dễ nhạy cảm bên dưới ngăn ngừa không cho vi khuẩn xâm nhập làm hại răng. Nướu tốt là nền tảng cho hàm răng tốt.

Triệu chứng, biểu hiện bệnh nướu và nha chu

Triệu chứng, biểu hiện bệnh nướu và nha chu

Bệnh nướu có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường là ở người lớn. Nếu được phát hiện ở những giai đoạn sớm, bệnh nướu có thể được hồi phục. Vì vậy, nên tới nha sĩ khám khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Nướu đỏ, sưng, phồng, hoặc kích ứng.
  • Chảy máu nướu khi chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa.
  • Thân răng trông dài hơn do nướu của bạn bị tụt.
  • Nướu tách rời khỏi thân răng, hình thành nên túi ở chân răng.
  • Thay đổi sự ăn khớp giữa các răng khi cắn.
  • Chảy mủ giữa nướu và răng.
  • Hơi thở hôi hay vị khó chịu một cách thường xuyên trong miệng.

Nguyên nhân gây bệnh nướu và nha chu

Nguyên nhân gây bệnh nướu và nha chu

Hầu hết bệnh về nướu đều do mảng bám gây ra. Mảng bám bám trên bề mặt răng và nướu mỗi ngày một ít. Nhiều vi khuẩn hoàn toàn vô hại nhưng có một vài vi khuẩn được xem là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm nướu.
Nguyên nhân gây bệnh nha nhu chính là việc vệ sinh răng miệng chưa tốt khiến các vi khuẩn tích tụ, lâu ngày tạo ra mảng bám cứng đầu dính chặt vào răng, những mảng bám khó có thể loại bỏ ngay cả khi bạn chải răng và chăm sóc răng miệng kỹ càng hơn. Tuy nhiên, ngoài vai trò vi khuẩn thì tổng trạng của bệnh nhân cũng là yếu tố không kém phần quan trọng.
Có 2 loại mảng bám: mảng bám trên lợi và mảng bám dưới lợi. Thành phần chính trong mảng bám là vi khuẩn. Nếu không được loại bỏ thì mảng bám sẽ bị khoáng hoá dẫn đến việc hình thành cao răng. Và chính bề mặt thô nhám của cao răng là nơi lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn và khả năng gây bệnh nha chu ngày càng cao hơn. Nếu không lấy cao răng và điều trị, tình trạng viêm lợi sẽ kéo dài, dẫn đến tình trạng phá hủy mô và gây viêm nha chu.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh nướu và nha chu

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh nướu và nha chu

Những yếu tố khác được liệt kê dưới đây cũng ảnh hưởng đến tình trạng lành mạnh của nướu - mô nha chu:

1. Hút thuốc lá

Chắc bạn đã biết rằng, hút thuốc liên quan với nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư, bệnh phổi và bệnh tim mạch, cũng như một số vấn đề sức khỏe khác. Điều bạn có thể chưa biết là, người hút thuốc lá có nguy cơ cao đối với bệnh nha chu. Thực ra, những nghiên cứu gần đây đã cho thấy hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển của bệnh nha chu.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh nướu và nha chu - ảnh 1

Hút thuốc lá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến răng miệng (ảnh: Internet)

2. Di truyền

Nghiên cứu đã chứng minh rằng khoảng 30% dân số có đặc điểm di truyền nhạy cảm với bệnh nha chu. Mặc dù vệ sinh răng miệng rất tốt, những người này có khả năng bị bệnh nha chu cao hơn 6 lần so với người bình thường. Nếu được phát hiện sớm trước khi có dấu hiệu bệnh bằng các xét nghiệm di truyền và can thiệp điều trị sớm, những người này có thể giữ răng khỏe mạnh suốt đời.

3. Dậy thì, mang thai và mãn kinh

Ngoài việc thực hiện những biện pháp vệ sinh răng miệng và tái khám định kì thông thường, phụ nữ có một số thời điểm nhất định trong cuộc đời cần được chăm sóc sức khỏe răng miệng, đặc biệt hơn đó là thời điểm trưởng thành có những thay đổi như dậy thì, thời gian có kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh. Vào những thời điểm này, cơ thể phụ nữ trải qua một sự thay đổi kích thích tố, ảnh hưởng tới nhiều mô trong cơ thể, bao gồm nướu. Nướu trở nên nhạy cảm hay có khi phản ứng mạnh đối với sự thay đổi kích thích tố nên răng nhạy cảm với bệnh nha chu hơn. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, phụ nữ mang thai bị bệnh nha chu có khả năng sinh con thiếu tháng, nhẹ cân cao hơn 7 lần.

4. Stress

Stress liên quan một số bệnh nguy hiểm như cao huyết áp, ung thư và một số vấn đề sức khỏe khác. Điều có thể bạn chưa biết là, stress cũng là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh nha chu. Nghiên cứu đã chứng minh, stress khiến cho cơ thể gặp khó khăn trong việc chống lại nhiễm trùng, bao gồm cả bệnh nha chu.

5. Sử dụng thuốc

Một số thuốc, như thuốc ngừa thai dạng uống, thuốc chống trầm cảm và một vài loại thuốc tim mạch có thể ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng. Bạn phải thông báo cho nha sĩ về loại thuốc bạn đang sử dụng và tình trạng sức khỏe tổng quát giống như bạn thông báo với dược sĩ hay các bác sĩ chuyên khoa khác khi đi mua thuốc hay khám bệnh.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh nướu và nha chu - ảnh 2

Nhiều loại thuốc cũng gây hại cho nha chu (ảnh: Internet)

6. Cắn chặt răng hay nghiến răng

Có ai nói bạn nghiến răng vào ban đêm? Bạn có bị mỏi hàm do cắn chặt răng khi thi cử hay phải giải quyết vấn đề công việc. Khi nghiến răng hay cắn chặt răng, bạn đã tạo một lực quá mức lên cấu trúc nâng đỡ răng và có thể đẩy nhanh quá trình phá hủy mô nha chu.

7. Bệnh tiểu đường

Theo Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, có khoảng 16 triệu người Mỹ bị bệnh tiểu đường, tuy vậy hơn một nửa không biết mình bị bệnh. Nếu bạn bị tiểu đường, bạn có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cao, kể cả bệnh nha chu. Những bệnh lý nhiễm trùng này làm hư hại khả năng chuyển hóa hay sử dụng insulin làm cho bệnh tiểu đường càng khó kiểm soát và bệnh lý nhiễm trùng cũng trầm trọng hơn so với những người không bị tiểu đường.

8. Các bệnh hệ thống khá

Các bệnh ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của cơ thể (HIV, các bệnh sử dụng thuốc ức chế miễn dịch) có thể làm trầm trọng tình trạng bệnh nha chu hơn.

9. Dinh dưỡng kém và béo phì

Chắc bạn đã biết, chế độ dinh dưỡng kém ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch của cơ thể và gây khó khăn trong việc đề kháng với nhiễm trùng. Bởi vì bệnh nha chu là một loại nhiễm trùng nguy hiểm, kém dinh dưỡng làm trầm trọng tình trạng bệnh nha chu của bạn.

Điều trị bệnh nướu và nha chu

Điều trị bệnh nướu và nha chu

Đây là loại điều trị căn bản nhất vì tỷ lệ áp dụng cao nhất, là bước điều trị đầu tiên cho mọi kế hoạch điều trị bệnh nha chu. Ở giai đoạn điều trị này, nếu có sự hợp tác của bệnh nhân thì kết quả rất khả quan. Loại điều trị này phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện qua 2 bước:

Điều trị sơ khởi

Bác sĩ chuyên khoa sẽ khám và đánh giá các yếu tố thuận lợi cho sự lưu giữ mảng bám, cản trở vệ sinh răng miệng và kiểm soát mảng bám vi khuẩn.
Ở bước điều trị này, bác sĩ phải loại bỏ các yếu tố trên bằng cách:

  • Chỉnh sửa hoặc thay thế tất cả những miếng trám không đúng kỹ thuật.
  • Chỉnh sửa hoặc thay thế những phục hình không đúng kỹ thuật.
  • Đánh giá và chỉ định răng cần nhổ (không thể giữ được).
  • Cố định răng (nếu răng lung lay).
  • Thực hiện phục hình tạm thời (nếu cần thiết).

Điều trị bệnh nướu và nha chu - ảnh 1
Điều trị sơ khởi bác sĩ sẽ khám và đánh giá các yếu tố cản trở vệ sinh răng miệng (ảnh: Internet)

Cạo cao răng - xử lý mặt gốc răng

Cạo cao răng (vôi răng)

Đây là một thủ thuật điều trị không nhất thiết phải do bác sĩ thực hiện, và nó được chỉ định cho tất cả mọi kế hoạch điều trị nha chu, nhất là với những trường hợp viêm nướu sẽ cho kết quả rất khả quan. Cạo cao răng là thủ thuật nhằm loại sạch vôi răng, mảng bám bằng dụng cụ cầm tay hoặc bằng máy siêu âm, làm láng mặt răng, tạo điều kiện cho mô nướu lành thương, trở lại trạng thái sinh lý của nướu. Do đó, bệnh nướu răng là dạng bệnh nha chu có tính hoàn nguyên.
Nếu sử dụng dụng cụ cầm tay thì không ảnh hưởng gì đến tủy răng, vì thao tác này tuy có sự ma sát giữa dụng cụ và mặt răng, nhưng với một biên độ di chuyển rất ngắn, nhẹ nhàng, dụng cụ sẽ không làm tăng nhiệt độ và gây hại cho tủy răng.
Nếu sử dụng máy siêu âm thì bắt buộc phải có nước phun sương liên tục với hai mục đích: Vừa không làm tăng nhiệt độ vừa rửa sạch vôi răng ngay khi bị đánh bật ra khỏi mặt răng, do đó cũng không ảnh hưởng gì đến tủy răng. Nhưng nếu vì lý do nào đó, lúc sử dụng máy không có nước phun sương thì sẽ làm gia tăng nhiệt độ ở bề mặt răng, vì vậy không sử dụng máy trong tình trạng máy chạy không có nước phun sương.
Mòn răng: Không gây mòn răng cho dù với dụng cụ cầm tay hay với máy siêu âm nếu người điều trị được huấn luyện, đào tạo cách sử dụng dụng cụ một cách thành thạo. Máy siêu âm là loại máy rung với tần số cao làm bật vôi ra khỏi mặt răng, chứ không có tác dụng mài mòn như máy siêu tốc dùng tạo xoang để trám răng. Hiệu ứng của máy cạo vôi siêu âm là đôi khi làm bệnh nhân có cảm giác ê buốt, nhưng đấy là cảm giác nhất thời và hồi phục tức thì, không gây hại cho răng.

Điều trị bệnh nướu và nha chu - ảnh 2
Cạo cao răng cũng là một biện pháp hữu hiệu (ảnh: Internet)

Tuy nhiên, nếu sử dụng dụng cụ không thành thạo sẽ có nguy cơ làm tổn thương mô mềm với dụng cụ cầm tay và tổn thương mô cứng với máy siêu âm (trầy, xước bề mặt răng).
Trên đây là hai phương tiện cạo vôi răng phổ biến nhất, hiệu quả nhất.

Xử lý mặt gốc răng

Thủ thuật này được sử dụng để điều trị viêm nha chu, gọi là điều trị không phẫu thuật, do bác sĩ răng hàm mặt thực hiện, nếu bệnh viêm nha chu nhẹ, nghĩa là túi nha chu không sâu lắm, độ mất bám dính ít, tiêu xương trên xương. Nếu bệnh nặng hơn, túi nha chu sâu (> 5mm, mất bám dính nhiều, tiêu xương ổ răng trầm trọng, viêm túi dưới xương hoặc túi trong xương), phải được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa nha chu. Dù ở mức độ nào của bệnh, nếu sau khi điều trị không phẫu thuật, bệnh không thuyên giảm, bước điều trị kế tiếp phải do bác sĩ chuyên khoa nha chu tái khám và điều trị phẫu thuật.

Liệu pháp hữu hiệu giúp răng không bị xỉn màu

Tôi năm nay 27 tuổi, nữ giới, răng của tôi không đều màu và bị xỉn màu. Các bác sĩ có thể tư vấn cho tôi cách để răng trắng hơn?

Trả lời:

Có rất nhiều nguyên nhân làm cho răng bạn bị xỉn màu. Thói quen uống cà phê, trà, coca cola, nước ép trái cây có màu (nước quả việt quất), ăn sôcôla… làm tăng lượng đường, axit và một số thành phần chất không có lợi khác, làm tăng nguy cơ làm hỏng men răng dẫn đến răng bị ố vàng.
Hút thuốc lá luôn làm cho hàm răng không khỏe và không đẹp, vì chất nicotine không những làm răng vàng ố mà còn làm hỏng lớp men gây xỉn màu.
Liệu pháp hữu hiệu giúp răng không bị xỉn màu

(Ảnh minh họa)

Trong nước sinh hoạt, fluor ở mức cho phép có tác dụng làm ngăn ngừa sâu răng, nhưng khi vượt quá mức cho phép nó lại làm hỏng men răng dẫn đến răng vàng ố.
Để khắc phục tình trạng răng vàng ố, cần loại bỏ các nguyên nhân như không hút thuốc lá. Bạn cũng đừng quên súc miệng sau khi uống trà, cà phê và các loại thực phẩm khác khiến răng dễ bị đổi màu. Nguồn nước sinh hoạt phải đạt chuẩn.
Ngoài ra bạn nên giữ gìn vệ sinh răng miệng thật tốt, đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa để vệ sinh kẽ răng. Dùng nước súc miệng và kem đánh răng có công dụng làm trắng răng.
Nếu bạn dùng các biện pháp trên không thấy cải thiện tình trạng răng vàng, các bạn có thể đến gặp nha sĩ để được khám và có phương án điều trị cụ thể (tẩy trắng răng, làm chụp răng sứ...). Đừng quên lấy cao răng và kiểm tra răng lợi định kì 6 tháng/1 lần.

Phòng ngừa bệnh nướu và nha chu

Phòng ngừa bệnh nướu và nha chu

Để phòng bệnh nha chu, điều quan trọng nhất là đánh răng đều đặn để loại bỏ mảng bám vi khuẩn trên bề mặt răng và khe nướu. 6 tháng 1 lần, nên đến nha sĩ khám răng định kỳ và lấy sạch cao răng, mảng bám ở những nơi bàn chải không làm sạch được.
Nha sĩ sẽ tư vấn về cách vệ sinh răng miệng như cách chọn lựa bàn chải đánh răng, sử dụng đúng chỉ nha khoa, chải kẽ răng để lấy sạch mảng bám. Nha sĩ cũng là người tư vấn chọn lựa thuốc súc miệng, kem chải răng thích hợp để giúp chúng ta bảo đảm được sức khỏe răng miệng và dự phòng tốt bệnh nha chu.
Bệnh nha chu có thể phòng ngừa được dễ dàng bằng những biện pháp tại nhà hàng ngày:

  • Tránh hút thuốc lá.
  • Chải răng đúng phương pháp, chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ:
  • Không chải răng bằng phương pháp chải ngang vì khó làm sạch được các mảng bám ở viền nướu, khe răng; mặt khác, dễ gây hại nướu và răng.
  • Luôn dùng bàn chải mềm, khi chải răng ta chải theo chiều dọc từ viền nướu đến bờ cắn của răng. Bàn chải được đặt nghiêng sao cho có thể chải bờ viền giữa răng và nướu, lấy sạch các mảng bám ở viền nướu và khe răng. Bờ viền răng là nơi mảng bám hình thành đầu tiên, do đó phải đặc biệt chú ý đến nơi này.
  • Sử dụng chỉ tơ nha khoa để lấy đi các mảng bám, mảnh vụn thức ăn ở khe răng. Không nên dùng tăm xỉa răng đâm xọc qua các khe răng vì sẽ gây hở khe răng, gây chảy máu, lâu dần sẽ đưa đến viêm nướu. Cần cẩn thận khi dùng tăm xỉa răng.

(Nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Lẹo mắt nhìn giống như mụn ngay cạnh lông mi. Lẹo sẽ xuất hiện nhanh chóng khi chân lông mi bị chặn. Nó có thể hình thành ở mặt trong hoặc mặt ngoài mi mắt. Lẹo thường đi kèm với mủ. Trong nhiều trường hợp, lẹo sẽ tự biến mất sau vài ngày. Trong thời
  • 28-05-2018
    Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do Epstein-Barr virus (virus EB), thuộc týp 4 của họ virus herpes gây ra.
  • 28-05-2018
    Viêm dạ dày là một bệnh lý tương đối rõ ràng. Nhưng thuật ngữ này thường bị lạm dụng để giải thích một số triệu chứng của hệ thống tiêu hóa như ợ chua, khó tiêu... Theo các chuyên gia y học, viêm dạ dày là hậu quả của sự kích thích niêm mạc bởi các yếu
  • 28-05-2018
    Mụn đầu đen là những lỗ nang lông bị tắc nằm ở trên da, nguyên nhân gây tắc thường là do tế bào chết, vi khuẩn và dầu nhờn, khi tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa và dần chuyển sang màu đen. Mụn đầu đen khác với mụn đầu trắng, đó cũng là một loại mụn
  • 17-10-2018

    Dị dạng Chiari (Chiari Malformation) được xem là một tật bẩm sinh, mặc dù các bệnh mắc phải của tình trạng này đã được chẩn đoán. Giáo sư giải phẫu bệnh người Đức, Hans Chiari, đã đầu tiên mô tả những bất thường của não bộ ở vị trí chẩm cổ vào những

  • 28-05-2018
    Viêm khớp phản ứng (còn gọi là hội chứng Reiter) là tình trạng viêm khớp (đau và sưng) thường xuyên xảy ra do nhiễm trùng ở một cơ quan khác của cơ thể, phổ biến nhất là ở hệ tiết niệu sinh dục, hệ tiêu hóa, ruột hoặc bộ phận sinh dục. Bệnh gây tổn thương