Nốt trong phổi

Nốt trong phổi thường được phát hiện trên CT scan với hình ảnh một “đốm trắng" hoặc một "bóng mờ" trên phổi, có dạng hình tròn và mật độ chắc hơn so với nhu mô phổi bình thường. Các nốt trong phổi thường là các vết sẹo của nhu mô phổi do tình trạng nhiễm trùng không triệu chứng đã tự lành trước đó hoặc do các chất kích thích trong không khí. Đôi khi, nốt trong phổi có thể là biểu hiện của ung thư phổi giai đoạn sớm. 

Các nốt trong phổi có thường hay gặp không?

Các nốt trong phổi thường được tìm thấy trên ½ số người trưởng thành có chụp phim X-quang ngực hoặc phim CT.

Các nốt trong phổi có gây ra bất kỳ triệu chứng nào không?

Nói chung, các nốt nhỏ không gây ra bất kỳ vấn đề đáng kể nào. Chúng quá nhỏ để làm cho ta cảm thấy đau đớn hoặc khó thở.

Nốt lớn là cỡ nào?

Bác sỹ có thể cho bạn biết kích thước chính xác nốt trong phổi của bạn. Hầu hết các nốt có kích thước nhỏ hơn 10 mm (khoảng ½ inch).

Kích thước nốt trong phổi (Ảnh minh họa)

Có nên lo lắng khi phát hiện có một nốt trong phổi?

Hầu hết các nốt trong phổi không phải ung thư, nhưng trong một số ít trường hợp nốt có thể biểu hiện cho một ung thư giai đoạn sớm. Dưới đây là những cách tốt nhất để nhận biết một nốt có phải là ung thư hay không:

  1. Hình dạng nốt trên phim CT.
  2. Thời gian phát triển của nốt. Một nốt lớn nhanh theo thời gian là một dấu hiệu cho thấy nốt đó có khả năng là một ung thư.
  3. Lấy mẫu của nốt đó bằng kim nhỏ hoặc bằng phẫu thuật. Hầu hết tất cả những người có một nốt trong phổi không cần thiết phải làm thủ thuật này.

Từ "ung thư phổi" có thể mang đến cho bạn cảm giác rất căng thẳng. Thông thường bạn sẽ cảm thấy lo lắng ngay cả khi nguy cơ mắc ung thư phổi của bạn rất thấp. 

Nguy cơ một nốt có khả năng là một ung thư phổi giai đoạn sớm là bao nhiêu?

Ít hơn 5% các nốt trong phổi là một ung thư giai đoạn sớm thật sự.

Nốt phổi có khả năng là ung thư ở những người:

  • Lớn tuổi
  • Có một nốt lớn hơn
  • Đã từng hay vẫn còn hút thuốc lá
  • Có các yếu tố nguy cơ mắc ung thư phổi như: tiền căn gia đình có ung thư phổi hoặc tiếp xúc với amiăng.

Ví dụ, một nốt nhỏ ở người trẻ không hút thuốc lá rất ít có khả năng bị ung thư so với một nốt lớn hơn ở người lớn tuổi vừa ngưng hút thuốc lá gần đây. Tuy nhiên, ngay cả người có nguy cơ cao ung thư phổi, hầu hết các nốt nhỏ đều không phải là ung thư phổi.

Một số bệnh nhân muốn biết ước tính về khả năng ung thư của nốt phổi. Nếu con số ước tính đó có thể giúp ích, hãy gọi bác sĩ để được tư vấn.

Điều gì sẽ xảy ra nếu nốt trong phổi của bạn là ung thư?

Ngay cả nếu là một nốt ung thư phổi thì nó vẫn thường ở giai đoạn sớm. Những người được điều trị ung thư phổi ở giai đoạn sớm có khả năng sống cao hơn so với ở giai đoạn trễ khi ung thư đã bắt đầu gây ra các triệu chứng.

Các bác sĩ sẽ luôn đồng hành với bạn trong cuộc chiến này. Gọi bác sĩ chuyên khoa Ung bướu để được tư vấn và điều trị ung thư phổi. 

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Các bác sỹ có thể sẽ chỉ định chụp thêm vài phim CT để theo dõi sự tiến triển của nốt trong phổi. Việc này được gọi là "giám sát chủ động".

■ Nếu nốt không phải là ung thư, khi theo dõi bằng CT nốt sẽ không phát triển sau vài tháng, vẫn giữ nguyên kích thước, hoặc nhỏ đi. Nếu nốt không phát triển trong vòng 2 năm, phần lớn các nốt sẽ là lành tính. Do đó trong đa số các trường hợp, có thể ngưng theo dõi sự tiến triển của nốt nếu nó không lớn lên trong 2 năm.

■ Mặt khác, nếu các nốt lớn lên, nó cần được theo dõi chặt chẽ hơn bằng các xét nghiệm hình ảnh học khác hoặc sinh thiết (bằng kim nhỏ hoặc phẫu thuật để lấy một mẫu mô quan sát dưới kính hiển vi) để xem xét khả năng ung thư của nó. Các bác sỹ sẽ quyết định xét nghiệm nào tốt nhất cho bạn hoặc bạn có thể trao đổi với bác sỹ nếu bạn có các tài liệu tham khảo về các xét nghiệm chuyên biệt giúp chẩn đoán nốt phổi của bạn.

Nếu tôi đã từng chụp phim X-quang ngực hoặc phim CT trong quá khứ thì sao?

Hãy cho bác sỹ biết nếu bạn đã từng chụp phim X-quang ngực hoặc phim CT trước đó. Nếu nốt của bạn có cùng kích thước với phim trước đó, thì bạn có thể yên tâm hơn.

Tại sao tôi không nên sinh thiết ngay bây giờ?

  • Sinh thiết có nghĩa là lấy một mẫu mô phổi quan sát dưới kính hiển vi. Sinh thiết thường không được khuyến cáo đối với các nốt nhỏ bởi vì rất khó để làm sinh thiết chúng một cách an toàn.
  • Thực hiện sinh thiết đối với các nốt nhỏ có thể gây ra các tai biến như xẹp phổi, chảy máu, hoặc nhiễm trùng.
  • Sinh thiết và các xét nghiệm khác (như chụp "PET") đôi khi được chỉ định cho các nốt từ 9 mm trở lên. Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về sinh thiết, xin vui lòng xem thông tin bổ sung dành cho bệnh nhân của ATS (Hiệp Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ - American Thoracic Society) về "Các giai đoạn ung thư phổi".

Các xét nghiệm hình ảnh học khác ngoài CT scan là gì?

Bạn có thể đã nghe nói về chụp PET hoặc chụp phim MRI. Tuy nhiên, những xét nghiệm này không thật sự hữu ích cho các nốt nhỏ. Chụp PET không thể thấy được các nốt nhỏ hơn 10 mm, nhưng rất tốt để phát hiện các nốt lớn hơn và có thể cho biết khả năng ung thư của chúng cũng như cho biết dấu hiệu ung thư ở các cơ quan khác. MRI không giúp chẩn đoán nốt phổi.

Có thực sự an toàn khi chờ đợi chụp phim CT tiếp theo?

Hầu hết các ung thư phát triển khá chậm, và phải mất vài tháng để chúng lớn hơn. Vì vậy, ngay cả khi các nốt là ung thư phổi, nó vẫn sẽ còn nhỏ trong vài tháng.

Thậm chí đối với các nốt ung thư phổi đang phát triển, vẫn có hy vọng phẫu thuật hoặc xạ trị sẽ chữa khỏi cho bạn. Chờ đợi một vài tháng cho đến đợt chụp phim CT tiếp theo được xem là rất an toàn và không ảnh hưởng đến việc điều trị hoặc cơ hội để chữa khỏi bệnh nếu nốt đó là ung thư.

Làm sao để các bác sĩ quyết định khi nào cần chụp phim CT tiếp theo?

Có một số hướng dẫn để quyết định khi nào cần chụp phim CT tiếp theo. Những hướng dẫn này được dựa trên nguy cơ ung thư và khả năng phát triển của nốt ở lần chụp CT tiếp theo. Bác sỹ sẽ xác định thời gian tốt nhất cho lần chụp phim CT kiểm tra sắp tới dựa trên những hướng dẫn này. Bạn nên yên tâm vào các quyết định về thời gian chụp phim CT này. Nếu bạn thấy lo lắng trong khi chờ đợi một vài tháng cho lần chụp phim CT tiếp theo, hãy liên hệ với bác sĩ để biết thêm về ngày chụp phim được khuyến cáo.

Bao lâu tôi sẽ được chụp phim CT?

Một số bệnh nhân chỉ cần chụp duy nhất một phim CT kiểm tra sau một năm. Hầu hết bệnh nhân sẽ cần chụp một vài phim CT trong khoảng thời gian hai năm sau lần chụp đầu tiên. Quyết định này cũng dựa trên khả năng các nốt là ung thư.

Tất cả những lần chụp phim CT tiếp theo có nguy hiểm không?

CT sử dụng bức xạ tia X để chụp lại hình ảnh cơ thể của bạn. Mặc dù bức xạ liều cao có thể gây ra ung thư nhưng nguy cơ ung thư khi chụp một vài phim CT là cực kỳ thấp.

Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi vẫn còn hút thuốc lá?

Việc bỏ hút thuốc lá ngay bây giờ sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi trong tương lai của bạn cũng như nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như bệnh khí phế thũng và bệnh tim mạch. Một số người nghĩ rằng nếu họ đã bị ung thư phổi, họ có thể tiếp tục hút thuốc như bình thường. Điều đó là một sai lầm nghiêm trọng.

Bác sĩ sẽ tư vấn giúp bạn bỏ hút thuốc lá và cho bạn sử dụng một số loại thuốc. Tư vấn cai nghiện thuốc qua điện thoại: tại đây.

Tóm lại

  • Hầu hết các nốt nhỏ không phải là ung thư phổi.
  • Hầu hết các bệnh nhân có nốt nhỏ sẽ cần chụp thêm phim CT theo dõi trong vòng một hoặc hai năm tới.
  • Hãy cho bác sỹ của bạn biết nếu bạn đã từng chụp phim X-quang ngực hoặc phim CT trước đó để họ có thể kiểm tra xem nốt đã tồn tại trước đó hay chưa.
  • Sinh thiết các nốt nhỏ có thể gây nhiều tai biến hơn là giúp ích cho bạn.
  • Nếu bạn vẫn còn đang hút thuốc lá, việc bỏ hút thuốc là điều quan trọng nhất bạn có thể làm được để cải thiện sức khỏe của mình.
  • Lo lắng là điều thông thường ngay cả khi nguy cơ mắc ung thư phổi là rất thấp.
  • Hãy chia sẻ những điều bạn quan tâm với bác sĩ. 

Các bước hành động

Hãy gọi thoại - gọi video với bác sĩ chuyên khoa Hô Hấp hoặc Ung bướu trên https://khamtuxa.vn/nếu bạn: 

  • Đã từng chụp phim X-quang ngực hoặc phim CT scan trong quá khứ.
  • Có bất kì một sự thay đổi nào, ho nhiều hơn hoặc ho ra máu.
  • Bị khó thở, đau ngực, sốt hoặc ớn lạnh.
  • Sụt cân ngoài ý muốn từ 10 pound (tương đương 4,5 kg) trở lên.
  • Cảm thấy lo lắng và bất an về các nốt trong phổi.

Nguồn tài liệu: 

Tác giả: Christopher G. Slatore MD MS, Renda Soylemez Wiener MD MPH, Amber D. Laing BS RN

Phản biện: Marianna Sockrider, MD, DrPH

Người dịch: BS. Lê Quốc Bảo

Theo hoihohaptphcm.org

- 09-04-2019 -

Bài viết liên quan

  • 18-09-2018

    Viêm ruột thừa thường gây đau bắt đầu từ vùng xung quanh rốn và sau đó di chuyển sang vùng bụng dưới bên phải. Đau do viêm ruột thừa sẽ tăng dần trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 giờ và cuối cùng trở nên rất nặng nề.

  • 23-06-2022

    Viêm gan B là một trong những bệnh mãn tính nguy hiểm. Theo thống kê của WHO, hiện nay trên toàn thế giới có hơn 300 triệu người mắc Viêm gan B và con số này không ngừng tăng lên theo từng năm. Trong bài viết này, Wellcare sẽ cung cấp những thông tin y khoa mới nhất về căn bệnh này.

  • 28-08-2018

    Khó chịu này thường xuất hiện trong thời gian ngắn sau khi đi ngủ. Hoặc có lẽ nó xảy ra sau khi ngồi quá lâu. Cảm giác này làm cho bạn muốn ngồi dậy và đi vòng quanh. Vẫn chưa biết nguyên nhân của hội chứng chân không nghỉ, nhưng các nhà nghiên cứu

  • 28-05-2018
    Thủng màng nhĩ là hậu quả của tình trạng viêm nhiễm tại chỗ ở tai lâu ngày không được điều trị. Trong đó, bệnh lý viêm tai giữa là một trong những nguyên nhân phổ biến. Ngoài ra còn phải kể đến một số nguyên nhân khách quan cũng có thể gây thủng màng
  • 25-02-2019

    Rò luân nhĩ là vùng trước vành tai có một lỗ nhỏ xuất hiện từ khi sinh ra (đây là một loại dị dạng bẩm sinh). Lỗ rò này đi sâu vào trong đế bám vào màng sụn. Bản chất trong lòng đường rò này là một ống được lát bởi biểu mô có khả năng chế tiết. 

  • 28-05-2018
    Hội chứng sốc nhiễm độc là tình trạng hiếm gặp, đe dọa đến tính mạng do nhiễm độc máu gây ra bởi độc tố của vi khuẩn. Thường hội chứng này là do độc tố sinh ra bởi một loại vi khuẩn là staphylococcus aureus, nhưng cũng có thể gây ra do vi khuẩn streptococ