Nhiễm trùng đường niệu

Phụ nữ thường hay mắc nhiễm trùng đường niệu hơn nam giới vì niệu đạo ở nữ ngắn hơn ở nam. Ở phụ nữ, vi khuẩn có thể đi đến bàng quang dễ dàng hơn.

Nhiễm trùng đường niệu xảy ra như thế nào?

nhiễm trùng đường niệu
Hình ảnh minh họa.

Hầu hết nhiễm trùng đường niệu bắt đầu ở đường niệu dưới (hay đường niệu thấp), bao gồm niệu đạo và bàng quang. Vi khuẩn từ đường ruột sống ở vùng da gần hậu môn hay ở âm đạo có thể lan truyền và đi vào đường niệu qua niệu đạo. Nếu di chuyển qua khỏi niệu đạo, chúng có thể gây nhiễm trùng bàng quang (còn gọi là viêm bàng quang). Chúng còn có thể đi lên đường niệu trên (hay đường niệu cao), tức niệu quản và thận và gây nên nhiễm trùng ở thận (gọi là viêm thận). Nhiễm trùng ở đường niệu cao có thể gây nên tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn nhiễm trùng ở đường niệu thấp.
Phụ nữ thường hay mắc nhiễm trùng đường niệu hơn nam giới vì niệu đạo ở nữ ngắn hơn ở nam. Ở phụ nữ, vi khuẩn có thể đi đến bàng quang dễ dàng hơn.

Dấu hiệu nhiễm trùng đường niệu

Triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu đó là cảm giác muốn đi tiểu ngay và không thể nín thêm (buồn tiểu). Khi nước tiểu chảy ra, người bệnh cảm thấy đau nhói hoặc bỏng rát ở vùng niệu đạo (tiểu buốt, tiểu đau hay tiểu khó). Cảm giác buồn tiểu trở lại ngay sau vài phút (đi tiểu nhiều lần). Cơn đau có thể được cảm thấy ở vùng bụng dưới, ở sau lưng, hoặc ở hai bên hông.
Các dấu hiệu khác có thể biểu hiện trong nước tiểu, như:
  • Nặng mùi
  • Màu đục
  • Đôi khi có lẫn máu
Máu trong nước tiểu có thể do nhiễm trùng đường niệu, nhưng cũng có thể do các vấn đề khác. Hãy gọi bác sĩ ngay lập tức nếu bạn phát hiện có máu trong nước tiểu.
Nếu vi khuẩn xâm nhập vào niệu quản và lan đến thận, các triệu chứng có thể bao gồm:
  • Đau lưng
  • Thấy ớn lạnh
  • Sốt
  • Buồn nôn
  • Nôn
Nếu bạn có một trong các triệu chứng trên, hãy đến bệnh viện ngay. Nhiễm trùng thận rất nguy hiểm cần được điều trị ngay lập tức.
Các triệu chứng liên quan tới nhiễm trùng đường niệu, ví dụ như tiểu buốt có thể do các vấn đề khác (như nhiễm trùng âm đạo hay âm hộ). Các xét nghiệm là cần thiết để chẩn đoán xác định.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường niệu

Cấu trúc giải phẫu của phụ nữ làm cho họ dễ mắc nhiễm trùng đường niệu sau khi quan hệ tình dục. Đường ra của niệu đạo nằm ngay trước âm đạo. Trong quá trình quan hệ tình dục, vi khuẩn gần âm đạo có thể đi vào niệu đạo qua sự tiếp xúc của dương vật, ngón tay, hay các dụng cụ.
Nhiễm trùng đường niệu còn có xu hướng xảy ra ở những phụ nữ mới bắt đầu quan hệ tình dục hoặc quan hệ thường xuyên. Sử dụng chất diệt tinh trùng hoặc màng chắn cũng có thể làm tăng khả năng bị nhiễm trùng đường niệu.
Nhiễm trùng còn có thể xảy ra khi bàng quang không thải hết nước tiểu hoàn toàn. Tình trạng này có thể xảy ra do:
  • Tắc nghẽn (do sỏi) ở niệu quản, thận, hay bàng quang làm chặn dòng chảy của nước tiểu qua đường niệu
  • Tắc hoặc hẹp một số đoạn trên đường niệu
  • Một số bất thường ở cơ hay thần kinh ở khung chậu

Yếu tố nguy cơ

Bạn sẽ dễ bị nhiễm khuẩn hơn nếu:
  • Đã từng bị nhiễm trùng đường niệu trước đây
  • Đã sinh nhiều con
  • Bị tiểu đường
  • Béo phì
Mãn kinh cũng làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường niệu. Trong thời gian mãn kinh, nồng độ estrogen giảm. Điều này có thể làm thay đổi các mô xung quanh niệu đạo, dẫn tới nhiễm trùng đường niệu.
Nhiễm trùng đường niệu có thể xảy ra trong thai kỳ. Nếu bạn mang thai và nghĩ rằng mình bị nhiễm trùng đường niệu, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức. Nếu không được điều trị, nó có thể gây một số vấn đề cho bạn và con bạn.

Chẩn đoán nhiễm trùng đường niệu

Trước tiên, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm đơn giản là phân tích nước tiểu xem bạn có đang mắc nhiễm trùng đường niệu hay không. Trong xét nghiệm này, bạn sẽ được yêu cầu cung cấp một mẫu nước tiểu. Mẫu nước tiểu này sẽ được quan sát ở phòng thí nghiệm để kiểm tra sự hiện diện của các tế bào bạch cầu, hồng cầu và vi khuẩn. Nước tiểu bình thường không có những thành phần này. Nếu có, bạn có thể đang bị nhiễm trùng đường niệu.
Mẫu nước tiểu còn được đưa vào môi trường nuôi cấy (chứa các chất giúp cho sự phát triển của vi khuẩn) để xem loại vi khuẩn nào đang hiện diện. Mẫu này cũng sẽ được tiếp xúc với các loại kháng sinh khác nhau xem loại kháng sinh nào sẽ diệt vi khuẩn tốt nhất. Phép thử này gọi là thử nghiệm độ nhạy cảm kháng sinh.

Điều trị nhiễm trùng đường niệu

Nhiễm trùng đường niệu được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Loại thuốc, liều lượng và thời gian điều trị phụ thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh cũng như bệnh sử của bạn.
Việc điều trị thường nhanh và hiệu quả. Phần lớn triệu chứng biến mất sau 1-2 ngày. Hãy đảm bảo rằng bạn uống đúng liều lượng thuốc theo thời gian mà bác sĩ chỉ định, ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất. Nếu dừng điều trị sớm, nhiễm trùng có thể vẫn còn đó hoặc tái phát trong thời gian ngắn.
Trong các trường hợp nặng hơn, như nhiễm trùng thận, bạn cần phải chữa trị tại bệnh viện. Những nhiễm trùng này cần điều trị lâu hơn và có thể sẽ phải truyền thuốc qua đường tĩnh mạch (qua một ống kim đặt trong tĩnh mạch).

Nhiễm trùng đường niệu tái phát là gì?

Nếu bạn mắc nhiễm trùng đường niệu hơn 2 lần trong một năm, bạn đã bị nhiễm trùng tái phát. Bước đầu tiên trong quá trình điều trị là tìm ra nguyên nhân. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng tái phát là:
  • Quan hệ tình dục thường xuyên
  • Mắc nhiễm trùng đường niệu lần đầu tiên lúc còn trẻ
  • Sử dụng chất diệt tinh trùng
  • Sử dụng màng ngăn
  • Có bạn tình mới
Nhiễm trùng tái phát được điều trị bằng các loại kháng sinh. Sau khi điều trị được 1 hoặc 2 tuần, bác sĩ có thể yêu cầu làm lại xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem đã hết nhiễm trùng chưa. Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên thay đổi phương pháp tránh thai. Nếu bạn thường xuyên mắc nhiễm trùng đường niệu vì hoạt động tình dục, bạn có thể được chỉ định dùng một liều kháng sinh sau mỗi lần quan hệ.

Phòng ngừa nhiễm trùng đường niệu

Có một vài cách để phòng tránh nhiễm trùng đường niệu:
  • Sau khi đi vệ sinh (đi tiêu hoặc đi tiểu), lau từ trước ra sau.
  • Rửa sạch vùng da xung quanh hậu môn và vùng sinh dục
  • Tránh sử dụng vòi sen, phấn, và xịt khử mùi.
  • Uống nhiều chất lỏng (bao gồm nước lọc) để đẩy vi khuẩn ra khỏi đường niệu.
  • Đi tiểu để làm rỗng bàng quang ngay khi bạn có cảm giác buồn tiểu, hoặc sau mỗi 2-3 giờ.
  • Đi tiểu (làm bàng quang trống) trước và sau khi quan hệ tình dục.
  • Mặc quần lót làm từ sợi cotton.
Nước ép trái việt quất không đường và việt quất dạng viên có thể làm giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng đường niệu. Lượng nước ép hoặc viên thuốc cần dùng cũng như thời gian sử dụng đang được nghiên cứu. Điều trị bằng estrogen dạng kem hoặc viên nén cũng đang được nghiên cứu để phòng ngừa nhiễm trùng đường niệu ở phụ nữ đã mãn kinh.


Thuật ngữ
Kháng sinh : Những loại thuốc dùng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.
Hậu môn : Phần cuối của ruột già, nơi kết nối trực tràng với bên ngoài cơ thể.
Bàng quang : Cơ quan có nhiều cơ và chứa nước tiểu.
Tiểu buốt : Cảm giác đau rát trong khi đi tiểu.
Estrogen : Một loại hormone được sản xuất từ các buồng trứng.
Thận : Cơ quan lọc máu và loại bỏ nước thải.
Mãn kinh : Giai đoạn trong cuộc đời người phụ nữ khi các buồng trứng ngừng hoạt động và kinh nguyệt chấm dứt.
Nhiễm trùng tái phát : Sự nhiễm trùng xảy ra lặp lại, thường là sau một thời gian ngắn.
Chất diệt tinh trùng : Các chất hóa học (dạng kem, dạng gel, dạng bọt) làm bất hoạt tinh trùng.
Niệu quản : Đôi ống ở hai bên dẫn nước tiểu từ thận tới bàng quang.
Niệu đạo : Một ống ngắn, hẹp dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể.
Âm đạo : Một cấu trúc dạng ống được bao quanh bởi cơ, nối phần dưới tử cung với bên ngoài cơ thể.
Âm hộ : Vùng bên ngoài cơ quan sinh dục nữ.
Nếu bạn có thắc mắc, hãy gọi tư vấn các bác sĩ Sản phụ khoa.

Biên dịch - Hiệu đính: Nguồn: Y học cộng đồng

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 17-10-2018

    Bệnh Gout, dân gian còn gọi là bệnh thống phong, là một bệnh khớp sinh ra do rối loạn chuyển hóa các nhân purin, dẫn đến tăng acid uric máu. Khi acid uric máu tăng đến một mức nào đó (mức độ này thay đổi ở từng cá thể), chúng sẽ bị bão hòa ở dịch ngoài

  • 17-10-2018

    Đó là một nhiễm trùng xương-tủy xương thứ phát từ ổ nhiễm khuẩn đầu tiên, vi khuẩn lan theo đường máu đến khu trú ở xương và gây viêm xương. ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế

  • 28-05-2018
    Mặc dù nhìn có vẻ đáng sợ, tình trạng chảy máu mũi (chảy máu cam) xảy ra ở trẻ em khá thường xuyên và thường không nghiêm trọng. Tại Việt Nam chưa có thống kê về tình trạng này, tại Hoa Kỳ thì 60-70% dân số ít nhất một lần trong đời bị chảy máu mũi,
  • 28-05-2018
    Đặc trưng của bệnh là sự tổn thương thành phần collagen týpI của mô liên kết gây nên bệnh cảnh lâm sàng không những ở xương mà còn ở da, dây chằng, củng mạc mắt và răng như: gãy xương tự phát, biến dạng xương, lùn, bất thường của răng (tạo răng bất toàn),
  • 28-05-2018
    Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt bị sưng hoặc viêm. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà viêm tuyến tiền liệt sẽ xuất hiện đột ngột hoặc từ từ. Có 3 loại viêm tuyến tiền liệt:
  • 28-05-2018
    Hội chứng Carcinoid, hay còn gọi là hội chứng Thorson-Bioerck, là một hội chứng rối loạn xuất hiện khi các khối u ung thư hiếm gặp có tên gọi là carcinoid tiết ra serotonin hoặc các hóa chất khác vào máu. Hiện tượng này thường găp ở những người bị ung