Ngủ ngáy và hội chứng ngưng thở khi ngủ
Ngủ ngáy xảy ra khi đường thở bị hẹp, luồng khí đi nhanh qua chỗ hẹp gây rung mô mềm với tần số cao phát ra âm thanh trong lúc ngủ tạo ra tiếng ngáy. Chỗ hẹp này có thể ở vùng mũi, miệng hoặc là họng, một số ca do sự bất thường về giải phẫu, còn đa phần là do nhược trương lực họng chức năng.
Ngủ ngáy là gì? Hội chứng ngưng thở khi ngủ?
Ngủ ngáy xảy ra khi đường thở bị hẹp, luồng khí đi nhanh qua chỗ hẹp gây rung mô mềm với tần số cao phát ra âm thanh trong lúc ngủ tạo ra tiếng ngáy. Chỗ hẹp này có thể ở vùng mũi, miệng hoặc là họng, một số ca do sự bất thường về giải phẫu, còn đa phần là do nhược trương lực họng chức năng.Hội chứng ngưng thở khi ngủ là rối loạn giấc ngủ với ngủ ngáy có hiện tượng ngưng thở trên 10 giây và trên 5 lần trong 1 giờ ngủ.
Ảnh hưởng của ngủ ngáy và hội chứng ngưng thở khi ngủ
Ngáy thói quen gặp trong 9 - 35% số người lớn, tần suất tăng dần cho đến 60 - 65 tuổi. Ngủ ngáy xuất hiện cả ở người cao tuổi, người trẻ, đàn ông và thậm chí ở một số phụ nữ. Có người cho rằng ngủ ngáy không phải là bệnh mà chỉ là thói quen bình thường, có người lại nghĩ ngủ ngáy là bệnh nhưng không nguy hiểm cho tính mạng. Đây là một căn bệnh chớ nên xem thường!
Ngủ ngáy. (Ảnh minh họa)
Ngáy không phải là bệnh nặng, tuy nhiên nhiều người mắc bệnh ngáy nếu không điều trị sẽ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày vì người bệnh sẽ ngủ không ngon giấc, ban ngày có cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi, giảm trí nhớ, khó tập trung trong công việc.
Về lâu dài, bệnh ngáy làm nặng thêm các triệu chứng trên những bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa (béo phì, tiểu đường, rối loạn mỡ máu), bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hay cao huyết áp, tăng nguy cơ ung thư, tai nạn giao thông... Ngủ ngáy không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng.
Ở trẻ, ngủ ngáy ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ do não thiếu oxy khi ngủ, và sự phát triển của khối xương mặt do trẻ phải há miệng thở khi ngủ (làm trẻ có bộ mặt VA: chóp mũi nhỏ hơn, răng vẩu, răng mọc lệch, cằm nhô ra...)
Người ta ước tính rằng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến 100 triệu người trên toàn thế giới và khoảng 80% hiện đang không được chẩn đoán, điều này có lẽ do người bệnh không biết nguyên nhân, tình trạng bệnh của mình cũng như các nguy cơ có thể xảy ra. Theo một nghiên cứu năm 2009, có 7% người Mỹ bị chứng ngưng thở khi ngủ. Trong đó, người lớn chiếm hầu hết và với gần 20% đàn ông và 9% phụ nữ bị ảnh hưởng đến một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Ngưng thở trung bình đến nghiêm trọng ảnh hưởng đến 9% nam và 4% phụ nữ, 2% trẻ em bị ảnh hưởng bởi chứng ngưng thở khi ngủ, hầu hết là trẻ dưới 1 tuổi.Bình thường, hầu như mỗi chúng ta thỉnh thoảng ai cũng có ngủ ngáy, chỉ khi nó trở thành thói quen, gây ra những khó chịu cho những người xung quanh hoặc khi nó kết hợp với những triệu chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn thì mới cần can thiệp.
Nguyên nhân gây ngủ ngáy, hội chứng ngưng thở khi ngủ
- Một số cấu trúc của mũi, miệng, cổ họng tham gia vào ngưng thở khi ngủ (Vách ngăn - Các cuốn mũi, đặc biệt là cuốn dưới - Amidan - VA - Vị trí của lưỡi - Nhóm cơ khít hầu, mở hầu, màn hầu). Những cấu trúc này có thể ảnh hưởng đến hơi thở vào ban đêm và chúng cũng có thể gây ngưng thở khi ngủ do cản trở luồng không khí. Điều này có nghĩa là cơ thể phải làm việc nhiều hơn để hít không khí vào vì đường thở đã bị hẹp.- Điều khiển thần kinh cơ cũng là yếu tố góp phần làm xẹp đường hô hấp trên. Trường hợp ngáy do cơ chế này, sự rung mô mềm do ngáy kéo dài dẫn đến sang thương thần kinh phân bố ở đường hô hấp trên. Điều khiển thần kinh cơ bất thường góp phần làm yếu đi phản xạ giãn họng khi có tắc đường thở ở bệnh nhân rối loạn thở khi ngủ.- Những yếu tố ảnh hưởng đến ngủ ngáy:
- Tích tụ mỡ ở thành sau họng (béo phì)
- Hút thuốc lá
- Uống rượu bia
- Dùng thuốc an thần và chống dị ứng trước khi đi ngủ.
Điều trị ngủ ngáy
Điều trị ngủ ngáy tuỳ thuộc vào nguyên nhân, mức độ, và các bệnh lý kèm theo (như cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch...), khi ngủ ngáy có triệu chứng ngưng thở khi ngủ hoặc gây ra khó chịu cho những người xung quanh. Vì vậy, cần kiểm tra sức khoẻ tổng quát cũng như khám tai mũi họng (nội soi, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ...) và các phương pháp đánh giá cận lâm sàng (đa ký hô hấp giấc ngủ…)
Các phương pháp điều trị không phẫu thuật
- Điều chỉnh hành vi trước khi có chỉ định phẫu thuật như: ăn kiêng để giảm cân, tập thể dục, cữ rượu, thuốc lá và hạn chế sử dụng thuốc an thần.
- Thay đổi tư thế khi ngủ: Nằm nghiêng giúp giảm ngủ ngáy, hay dưới sự hỗ trợ của gối giúp giảm ngủ ngáy, máy chống ngáy, máy thở áp lực dương liên tục, các dụng cụ hỗ trợ khác như dụng cụ nẹp răng hàm, dụng cụ giữ lưỡi...
- Làm thông đường thở, dùng thuốc chữa dứt các bệnh tai mũi họng...
Các phương pháp điều trị phẫu thuật
Khi các phương pháp trên không hiệu quả, hoặc bệnh quá nặng, thì tuỳ từng nguyên nhân mà chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp với mục đích là làm rộng những vị trí hẹp của đường thở gây ra ngáy:
- Phẫu thuật vách ngăn.- Đốt cuốn dưới, cắt toàn phần hoặc bán phần cuốn dưới.- Chỉnh hình màn hầu, làm cứng màn hầu, tạo sẹo xơ màn hầu.- Phẫu thuật tạo hình màn hầu lưỡi gà- Cắt Amidan...
BS.CKI Trầm Minh Khoa
Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM