Hở van 3 lá

Tim chúng ta có 4 buồng (2 tâm nhĩ, 2 tâm thất) và có 4 van tim là van động mạch chủ, van động mạch phổi, van 2 lá và van 3 lá. Khi hai tâm thất bóp (thời kỳ tâm thu) thì van 2 lá và van 3 lá đóng kín, đồng thời van động mạch chủ và van động mạch phổi

Giới thiệu chung về hở van 3 lá

Tim chúng ta có 4 buồng (2 tâm nhĩ, 2 tâm thất) và có 4 van tim là van động mạch chủ, van động mạch phổi, van 2 lá và van 3 lá.
Khi hai tâm thất bóp (thời kỳ tâm thu) thì van 2 lá và van 3 lá đóng kín, đồng thời van động mạch chủ và van động mạch phổi mở để đẩy máu lên phổi và đưa máu giàu ôxy tới nuôi các tế bào. Khi tâm nhĩ nghỉ (thời kỳ tâm trương), 2 van động mạch chủ và phổi đóng kín để máu không chảy ngược lại tâm thất được. Chúng ta có thể coi các van tim là những ‘cánh cửa’, khi mở ra cho máu chảy một chiều, khi đóng lại giữ máu không chảy ngược lại được.

Hở van 3 lá
(Ảnh minh họa)

Khi ta mắc một số bệnh, chủ yếu là bệnh thấp khớp sẽ gây tổn thương ở tim, làm các van tim dày dính và cứng, các mép van cuộn lại, nên khi đóng chúng không thể đóng kín mà vẫn để hé ra một khe hở giữa các mép van làm cho máu có thể phụt ngược lại. Van tim 3 lá, đây là van tim thông giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải.
Nếu van 3 lá bị hở, người ta gọi là bệnh hở van tim 3 lá, còn nếu van động mạch chủ bị hở là bệnh hở van động mạch chủ. Trong hở van tim bệnh nhân thường mệt mỏi tuy nhiên tuỳ theo mức độ hở nặng hay nhẹ, đã có biến chứng hay chưa mà dẫn tới các biểu hiện khác nhau như: khó thở, đau ngực, tím tái, choáng, suy tim… Khi các van bị hở, máu phụt ngược trở lại (gây ứ ở tim), tim phải làm việc nhiều hơn để đẩy thêm cả lượng máu ứ đó đi, lâu dần sẽ bị suy yếu.

Triệu chứng của hở van 3 lá

Tuỳ theo mức độ hở nặng hay nhẹ mà ảnh hưởng đến chức năng tim khác nhau. Người ta chia mức độ hở van tim thành 4 mức: 1/4 là hở nhẹ, 2/4 là hở trung bình, 3/4 là hở nặng và 4/4 là hở rất nặng.
Biểu hiện lâm sàng của hở van ba lá rất đa dạng, phụ thuộc vào căn nguyên và thời gian bị bệnh. Hở van ba lá mức độ nhẹ (1/4), không có triệu chứng, chỉ phát hiện được bằng siêu âm. Đây là hiện tượng thường gặp ở người bình thường (khoảng 70%), tỷ lệ tăng lên theo tuổi, không có gì đáng lo ngại.
Nếu hở van ba lá mức độ nặng hơn, bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng như đau ngực, khó thở, mệt mỏi… Triệu chứng để bệnh nhân chú ý và đi khám là tĩnh mạch cổ đập mạnh, gan to và phù chi dưới. Dấu hiệu thường thấy là mệt mỏi do giảm cung lượng tim.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Hở van ba lá và các bệnh tim mạch khác nói chung đều dễ có xu hướng tiến triển nặng lên, gây ra nhiều hậu quả xấu và cuối cùng có thể dẫn đến suy tim. Nếu có biểu hiện gì đặc biệt như mệt mỏi nhiều, đau tức ngực, khó thở... cần đi khám bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch trên hệ thống khám từ xa Wellcare để có hướng điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây hở van 3 lá

Bất kỳ bệnh lý nào gây ảnh hưởng đến bộ máy van ba lá (vòng van, lá van, dây chằng, cột cơ) đều gây hở van ba lá. Thường chia thành 2 nhóm nguyên nhân: hở van ba lá thực tổn (tiên phát) và cơ năng (thứ phát).

  • Nguyên nhân gây hở van ba lá thực tổn: Di chứng thấp tim, các dị tật bẩm sinh, vôi hoá vòng van ba lá, sa van ba lá do thoái hoá nhầy, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim…
  • Nguyên nhân thứ phát: Suy thất trái gây giãn cả thất phải và trái (do bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, tăng huyết áp, hở van hai lá, hẹp và/hoặc hở van động mạch chủ), tăng áp lực động mạch phổi tiên phát, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Điều trị bệnh hở van 3 lá

Để quyết định tình trạng hở van tim có cần điều trị hay không bác sĩ không chỉ dựa vào mức độ hở mà còn căn cứ vào triệu chứng của người bệnh (mức độ khó thở, mệt) sự tiến triển của hở van, mức độ bị ảnh hưởng của tim, chức năng tim (tim có giãn chưa, tim bóp còn tốt không...).
Hở van tim ở thời kỳ nhẹ, người bệnh chỉ cần sinh hoạt điều độ, tránh lao động quá sức, giảm ăn mặn, không thức khuya, không sử dụng các chất kích thích, không làm việc gắng sức, tập các môn thể dục nhẹ nhàng, nếu cần thiết sẽ được dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nên đều đặn đi khám bệnh định kỳ 6 tháng/lần.
Trường hợp hở van tim nặng, đã có dấu hiệu suy tim, người bệnh phải theo một chế độ điều trị chặt chẽ hơn.

Điều trị nội khoa

Sử dụng các thuốc làm giảm gánh nặng cho tim. Giảm tiền gánh (thuốc lợi tiểu) và giảm hậu gánh nếu suy thất phải tiến triển do hở van ba lá nhiều.

Phẫu thuật

  • Nếu hở van ba lá tiên phát, là hở van thực tổn, thường phải sửa hoặc thay van ba lá.
  • Nếu hở van ba lá thứ phát, chủ yếu là do giãn vòng van trong các trường hợp giãn thất phải do các bệnh lý van 2 lá và động mạch chủ, làm tăng áp lực động mạch phổi. Khi giải quyết nguyên nhân ở van 2 lá và động mạch chủ, thất phải thu nhỏ lại sẽ hết hở van.

Nói chung, việc sửa van hoặc tạo hình vòng van ba lá được ưa chuộng hơn thay van nhân tạo, vì van cơ học ở vị trí ba lá có khuynh hướng hay tạo huyết.

Phòng bệnh hở van 3 lá

  • Kiểm tra huyết áp thường xuyên và điều trị tăng huyết áp (nếu có) vì huyết áp cao làm tim phải gắng sức nhiều hơn.
  • Ăn nhạt, ăn ít muối: làm giảm việc giữ nước của cơ thể, tránh cho tim phải gắng sức và không làm tăng huyết áp. Ăn thức ăn ít chất béo và kiểm tra nồng độ mỡ trong máu thường xuyên để phòng ngừa bệnh mạch vành vì bệnh mạch vành ảnh hưởng tới cơ tim, đưa đến tăng mức độ hở van tim.
  • Không uống cà phê: hở van tim có thể kèm theo tình trạng rối loạn nhịp. Cà phê sẽ làm nặng thêm rối loạn nhịp (nếu có). Không uống rượu: tương tự cà phê, rượu cũng làm xấu hơn tình trạng rối loạn nhịp. Ngoài ra, uống rượu nhiều có thể gây bệnh cơ tim, ảnh hưởng tình trạng hở van.
  • Tránh để quá cân vì tình trạng quá cân là một gánh nặng cho tim khi co bóp. Tập thể dục mỗi ngày. Sinh hoạt điều độ, tránh hoạt động gắng sức.

Theo Sức khỏe & Đời sống

- 17-10-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Đau mắt đỏ là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường tăng khi thời tiết chuyển mùa. Triệu chứng ban đầu của bệnh là nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nề, chảy nước mắt. Những dấu hiệu sớm có thể nhận biết là mắt
  • 28-05-2018
    Vẩy nến là bệnh da mãn tính thường xuất hiện và sau đó tự hết. Những tế bào da tái tạo quá nhanh, tích tụ và tạo thành những vảy óng ánh như bạc trên bề mặt da. Bệnh có thể nhẹ, nhưng cũng có thể diễn tiến nghiêm trọng.
  • 19-03-2019

    Bệnh chốc là một bệnh nhiễm trùng ở da khá phổ biến ở trẻ em. Bệnh rất dễ lây lan, bắt đầu là một nốt mụn đỏ trên mặt, thường quanh mũi và miệng, sau đó vỡ ra nhanh chóng, chảy dịch hoặc mủ và đóng vảy màu nâu.

  • 28-05-2018
    Viêm đại tràng giả mạc là viêm đại tràng xảy ra ở một số người đã được dùng kháng sinh. Viêm đại tràng giả mạc đôi khi được gọi là viêm đại tràng do kháng sinh (antibiotic-associated colitis) hoặc viêm đại tràng C. Difficile. Viêm trong viêm đại tràng
  • 28-05-2018
    Viêm tai giữa cấp tính thường do nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus có ảnh hưởng đến tai giữa. Trẻ em có nhiều khả năng viêm tai giữa hơn người lớn. Viêm tai thường gây đau đớn vì viêm nhiễm và tích tụ các chất dịch trong tai giữa. Bởi vì nhiễm trùng
  • 28-05-2018
    Giun chỉ là một bệnh ký sinh trùng gây ra bởi giun. Những con giun như sợi chỉ sống trong hệ bạch huyết của con người, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể và gây ra nhiễm trùng.nGiun chỉ có thể để lại hậu quả lâu dài. Bạn có thể bị đau hoặc sưng