Ho ra máu

Thuật ngữ y khoa của ho ra máu là hemoptysis. Triệu chứng ho ra máu thường liên quan đến bất thường bên trong đường thở và phổi. Lượng máu (độ nặng) trong ho ra máu có thể thay đổi:

Ho ra máu là gì?

ho-ra-mau
Ảnh minh họa

Thuật ngữ y khoa của ho ra máu là hemoptysis. Triệu chứng ho ra máu thường liên quan đến bất thường bên trong đường thở và phổi. Lượng máu (mức độ) do ho ra máu có thể thay đổi:
  • Nếu bạn ho ra nhiều máu
Đây là trường hợp cấp cứu – đặc biệt là khi máu chảy không ngừng và bạn bị mất máu nhiều. Bạn nên lập tức gọi xe cứu thương. Tuy nhiên, tình huống này rất hiếm gặp.
  • Nếu bạn ho ra ít máu
Thường máu sẽ lẫn với đàm. Đây là trường hợp phổ biến. Đôi khi có một lượng máu nhỏ trộn lẫn với đàm mỗi khi bạn ho. Tuy nhiên, nếu bạn ho ra máu, dù là lượng máu nhỏ đi nữa, và không biết rõ nguyên nhân thì bạn nên gọi bác sĩ sớm. Ho ra máu là một triệu trứng có thể liên quan đến một bệnh lý nghiêm trọng. Nguyên tắc chung là chẩn đoán bệnh càng sớm, cơ hội điều trị giúp cải thiện tiên lượng bệnh càng cao.
Những triệu chứng khác có thể xảy ra cùng lúc với ho ra máu là ho, đau ngực, khó thở, sốt, cảm thấy không khỏe, khò khè hoặc những triệu chứng khác của phổi. Biểu hiện của các triệu chứng khác có thể giúp chỉ ra nguyên nhân ho ra máu. Đôi khi ban đầu chỉ có một triệu chứng duy nhất là ho ra máu mà không có thêm triệu chứng nào khác.

Hiểu biết về đường hô hấp và phổi

Trong lồng ngực có hai lá phổi – một ở bên phải và một ở bên trái. Tim nằm ở giữa hai lá phổi.
Không khí chúng ta hít vào sẽ qua mũi, di chuyển qua họng (hầu), qua thanh quản và đi vào khí quản. Khí quản được chia làm hai phần gọi là phế quản. Phế quản chính bên phải sẽ cung cấp khí cho phổi bên phải. Phế quản chính bên trái sẽ cung cấp khí cho phổi bên trái. Sau đó, các phế quản chính này sẽ phân chia thành những phế quản nhỏ hơn. Cuối cùng, các phế quản phân chia thành những tiểu phế quản – là những đường dẫn khí nhỏ nhất trong phổi. Hệ thống ống dẫn khí có thể so sánh như một cái cây úp ngược, với khí quản là thân cây chính, các phế quản và các tiểu phế quản là những nhánh cây. Thuật ngữ y khoa cho tất cả các ống dẫn khí này là đường hô hấp.
Tận cùng của những tiểu phế quản nhỏ nhất là phế nang. Phế nang là những túi khí cực nhỏ được lót bởi một lớp tế bào rất mỏng. Các phế nang cũng được cung cấp máu rất dồi dào. Các phế nang nhỏ là nơi trao đổi khí – khí oxy sẽ từ đây đi vào máu và khí cacbonic (CO2) sẽ từ máu đi ra.
Phổi và đường hô hấp
Hình ảnh minh họa.

Những nguyên nhân của ho ra máu

Nhiễm trùng
Nhiễm trùng đường hô hấp (phế quản) được gọi là viêm phế quản cấp, và nhiễm trùng nhu mô phổi được gọi là viêm phổi, có lẽ là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ho ra máu. Tuy nhiên, nhiễm trùng bất cứ nơi đâu trong đường hô hấp cũng có khả năng gây ho ra máu. Điển hình là máu lẫn với đàm. Ngoài ra, thường có những triệu chứng khác liên quan đến nhiễm trùng như sốt và ho. Ho ra máu sẽ hết khi nhiễm trùng dứt hẳn. Các xét nghiệm là không cần thiết nếu chắc chắn ho ra máu là do nhiễm trùng và hết sau khi khỏi nhiễm trùng.
Lao phổi cũng là một nguyên nhân của việc ho ra máu.
Ung thư
Hầu hết ung thư phổi phát sinh từ các tế bào biểu mô phế quản. Một trong những triệu chứng sớm nhất của ung thư phổi là ho ra máu hoặc ho đàm vướng máu. Thậm chí đây có thể là triệu chứng đầu tiên trước khi xuất hiện các triệu chứng khác. Phần lớn ung thư phổi xuất hiện ở người trên 50 tuổi, thường gặp nhất là những người hút thuốc lá. Tuy nhiên, một số loại ung thư phổi có thể xảy ra ở người trẻ tuổi và không hút thuốc lá.
Giãn phế quản
Giãn phế quản là sự giãn rộng bất thường của một hoặc nhiều đường dẫn khí. Nhiều chất nhày tích tụ ở các đường dẫn khí bất thường này và gây ra nguy cơ nhiễm trùng. Triệu chứng chủ yếu là ho nhiều đàm. Bạn cũng có thể ho ra ít máu từ các đường dẫn khí bị viêm. Tình huống điển hình là bạn chỉ thỉnh thoảng ho ra ít máu nhưng đôi khi bạn có thể ho ra lượng máu nhiều hơn. Có nhiều nguyên nhân khác nhau của giãn phế quản, ví dụ như, nhiễm trùng phổi nặng trước đây, một số bệnh di truyền và một số trường hợp khác có thể gây tổn hại đến một phần của đường hô hấp.
Hít dị vật hoặc chấn thương
Các dị vật bị hít sặc có thể gây tổn thương đường hô hấp và dẫn đến ho ra máu. Ví dụ như các em bé nhỏ hít sặc hạt đậu phộng hoặc một món đồ chơi nhỏ. Các loại chấn thương khác ở phổi hoặc đường hô hấp có thể gây ho ra máu.
Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi là một tình trạng nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Thuyên tắc phổi là do sự tắc nghẽn mạch máu ở phổi. Những triệu chứng chính thường là đau ngực và khó thở, nhưng ho ra máu cũng có thể xảy ra.
Các vấn đề ở tim và mạch máu
Suy tim nặng có thể dẫn đến việc tích tụ dịch trong phổi. Triệu chứng chính thường là khó thở nhưng có thể ho đàm bọt hoặc đàm hồng có máu. Những bệnh mạch máu hiếm gặp cũng có thể gây xuất huyết trong phổi hoặc trong đường hô hấp.
Viêm và tích tụ bất thường ở mô
Một số bệnh lý có thể gây viêm hoặc sản xuất ra các chất bất thường tích tụ trong mô ở những phần khác nhau của cơ thể. Đôi khi những bệnh lý này ảnh hưởng đến nhu mô phổi hoặc đường hô hấp. Các mô bị viêm hoặc mô bất thường trong đường hô hấp hoặc phổi có thể xuất huyết hết lần này đến lần khác và gây ho ra máu. Các bệnh đó bao gồm hội chứng Goodpasture, bệnh ứ sắt ở phổi, u hạt Wegener, viêm phổi lupus và sỏi phế quản. Ghi chú: những bệnh lý này rất hiếm gặp và thường bạn sẽ có những triệu chứng khác ngoài việc ho ra máu.
Nguyên nhân không được xác định rõ
Cho dù đã tiến hành các xét nghiệm nhưng cứ tám người ho ra máu thì có một người không tìm được nguyên nhân. Trường hợp này gọi là ho ra máu không rõ nguyên nhân.
Vì vậy, ở một số người nguyên nhân ho ra máu vẫn còn là một bí ẩn. Trong những trường hợp này, có thể là do một mạch máu nhỏ bị vỡ và xuất huyết thoáng qua – gần giống như trong chảy máu mũi. Tuy nhiên, đừng bao giờ vội kết luận sẽ không tìm được nguyên nhân. Phải luôn gặp bác sĩ nếu bạn ho ra máu mà không biết nguyên nhân. Chỉ được chẩn đoán ho ra máu không rõ nguyên nhân một khi đã loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng khác.

Khám và chẩn đoán bệnh

Bác sĩ thường hay hỏi những câu hỏi khác nhau về việc ho ra máu và hỏi bạn có những triệu chứng khác đi kèm hay không. Bác sĩ cũng sẽ khám cho bạn. Một trong những việc đầu tiên mà bác sĩ cố gắng tìm hiểu là “Máu này có thật sự xuất phát từ đường hô hấp hoặc phổi hay không?” Đôi khi rất khó để biết chắc được điều này. Ho ra máu thực sự – là ho ra máu xuất phát từ vị trí nào đó của phổi hoặc đường hô hấp phía dưới thanh quản. Nhưng đôi khi rất khó để xác định nguồn gốc của máu là:
  • Nôn ra máu – tức là khi máu được nôn ra nhưng cũng phải chú ý rằng việc nôn ói cũng có thể làm bạn ho.
  • Ho ra máu giả – tức là khi máu từ một nơi nào đó trong miệng hoặc mũi chảy ra rồi chảy xuống phía sau họng khiến bạn ho, chẳng hạn như chảy máu mũi.
Sau khi bác sĩ khám xong, thường thì sẽ biết được nguyên nhân và bác sĩ sẽ cho lời khuyên nên làm gì tiếp theo. Các xét nghiệm có thể cần thiết hoặc không.
Tuy nhiên, nếu đã xác minh đúng là ho ra máu mà nguyên nhân không rõ thì bác sĩ sẽ cho bạn làm thêm một hoặc nhiều xét nghiệm khác. Các xét nghiệm này sẽ khác nhau tuỳ vào nguyên nhân nghi ngờ (thường dựa trên các triệu chứng khác của bạn). Các xét nghiệm sau đây thường được thực hiện trước một trường hợp ho ra máu không giải thích được:
  • X-quang phổi
X-quang thường là một xét nghiệm nhanh và dễ tiến hành. Đó có thể là tất cả những gì cần để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, X-quang thường có mặt hạn chế. Những xét nghiệm khác có thể cần thiết nếu chẩn đoán vẫn không rõ từ hình ảnh X-quang thường.
  • CT scan
CT scan là xét nghiệm X-quang chuyên biệt. Nó có thể cung cấp những hình ảnh khá rõ ràng của các bộ phận bên trong cơ thể. Đặc biệt, nó khảo sát rất tốt hình ảnh của mô mềm trong cơ thể mà trên hình X-quang thường không thấy rõ.
  • Nội soi phế quản
Nội soi phế quản là một thủ thuật để bác sĩ có thể quan sát các đường dẫn khí lớn (khí quản và phế quản). Nội soi phế quản ống mềm là thiết bị thường được sử dụng. Đó là một ống soi mỏng và mềm dẻo. Nó chỉ dày cỡ bằng cây viết chì. Thiết bị nội soi được đưa qua mũi hoặc miệng, đi xuống phía sau họng, vào khí quản, và di chuyển xuống phế quản. Đèn soi cho phép chiếu sáng xung quanh chỗ ống soi gấp khúc và nhờ đó mà bác sĩ có thể nhìn thấy rõ bên trong đường dẫn khí.
  • Xét nghiệm máu
Một loạt các xét nghiệm máu có thể giúp chẩn đoán các bệnh khác nhau.
  • Các xét nghiệm khác
Các xét nghiệm khác phức tạp hơn có thể được tiến hành nếu chẩn đoán bệnh hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh vẫn chưa được làm rõ dù các xét nghiệm nói trên đã được tiến hành.

Điều trị ho ra máu

Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ho ra máu.

Biên dịch - Hiệu đính: Nguồn: Y học cộng đồng

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Đầy hơi, còn gọi là đầy bụng, là tình trạng khí tích tụ trong dạ dày và ruột, làm cho bạn cảm thấy đầy bụng và trong một số trường hợp bụng bạn có thể căng lên. Đầy hơi thường do nuốt không khí hoặc hơi đến từ sự phân hủy của thực phẩm trong quá trình
  • 17-10-2018

    Gân là phần dây chằng nối giữa 2 đầu xương hoặc nối giữa cơ với xương. Vì vậy có nhiều tên gọi khác nhau liên quan tới vị trí có gân: gân khớp bàn tay, gân khớp đùi... Viêm gân là một bệnh lý của gân và là nguyên nhân gây đau hoặc sưng, nề, tấy, đỏ...

  • 28-05-2018
    Khô mắt là một trong những chứng bệnh rất phổ biến của mắt, đặc biệt là ở những người tiếp xúc nhiều với máy tính, do yêu cầu công việc, bạn không thể rời xa chiếc máy tính. Triệu chứng khô mắt xuất hiện khi có sự suy giảm về chất lượng của lớp màng
  • 28-05-2018
    Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể. Nó mang máu từ tim và đi qua ngực và xuống bụng. Có nhiều nhánh động mạch lớn xuất phát từ động mạch chủ để cung cấp máu cho tất cả các phần của cơ thể. Tại ngang mức xương chậu, động mạch chủ chia thành
  • 28-05-2018
    Viêm não Herpes là tình trạng viêm ở não do virus herpes gây ra. Virus herpes simplex (HSV) gây ra bệnh nhiễm trùng có khả năng lây truyền. Một dạng là HSV-1 gây loét miệng (sốt nổi bóng nước). Một dạng khác là HSV-2 gây bệnh chủ yếu ở cơ quan sinh dục.
  • 28-05-2018
    Viêm họng cấp tính là bệnh khá phổ biến, xảy ra quanh năm nhưng khi thời tiết chuyển mùa thì viêm họng cấp dễ dàng xuất hiện. Bệnh thường xuất hiện với các bệnh viêm VA, viêm amiđan. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn (phế cầu, liên cầu hoặc các vi khuẩn