Phình động mạch chủ bụng

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể. Nó mang máu từ tim và đi qua ngực và xuống bụng. Có nhiều nhánh động mạch lớn xuất phát từ động mạch chủ để cung cấp máu cho tất cả các phần của cơ thể. Tại ngang mức xương chậu, động mạch chủ chia thành

Phình động mạch chủ bụng là gì?

Phình động mạch chủ bụng

Động mạch chủ là gì?

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể. Nó mang máu từ tim và đi qua ngực và xuống bụng. Có nhiều nhánh động mạch lớn xuất phát từ động mạch chủ để cung cấp máu cho tất cả các phần của cơ thể. Tại ngang mức xương chậu, động mạch chủ chia thành hai động mạch chậu, từ đó chia các nhánh xuống mỗi chân.

Thế nào là phình động mạch và phình động mạch chủ bụng?

Gọi là phình động mạch khi đường kính của động mạch lớn hơn 50% đường kính bình thường. Thành của chỗ phình yếu hơn thành động mạch bình thường, do đó áp lực máu bên trong động mạch sẽ làm cho những chỗ yếu này phồng lên.
Phình động mạch có thể xảy ra ở bất kỳ động mạch nào của cơ thể, tuy nhiên thường xảy ra ở động mạch chủ. Đối với phình động mạch chủ, đa số phình ở trong vùng bụng gọi là phình động mạch chủ bụng, một số khác xảy ra ở đoạn ngực gọi là phình động mạch chủ ngực.
Trong tài liệu này chỉ đề cập đến phình động mạch chủ bụng.
Động mạch chủ bụng có đường kính bình thường khoảng 20mm, khi đường kính của nó từ 30mm trở lên gọi là phình động mạch chủ bụng. Kích thước của phình động mạch chủ bụng rất thay đổi, kích thước phình có khuynh hướng lớn dần lên. Tốc độ này thay đổi tuỳ từng người, trung bình phình động mạch chủ bụng lớn dần lên khoảng 10% mỗi năm.

Nguyên nhân của phình động mạch chủ bụng?

Trong đa số các trường hợp

Nguyên nhân chính xác gây phình động mạch chủ thì không rõ ràng. Hầu hết các trường hợp xảy ra ở người lớn tuổi, hiếm khi xảy ra những người dưới 60 tuổi. Vì vậy, lão hóa có vai trò quan trọng.
Thành của động mạch chủ bình thường có các lớp cơ trơn, các lớp sợi đàn hồi elastin và collagen. Elastin và collagen giúp cho thành động mạch được bền vững. Cùng với sự già đi của tuổi tác, một phần của động mạch chủ trở nên yếu đi do có thay đổi về mặt sinh hóa trong các lớp elastin, collagen và cơ trơn. Ở một số người, quá trình này có khuynh hướng dễ xảy ra hơn.
Yếu tố di truyền cũng có vai trò trong bệnh lý này. Nếu cha hoặc mẹ của bạn bị phình động mạch chủ bụng thì khả năng bạn mắc bệnh sẽ cao hơn những người khác.
Mảng xơ vữa (Atheroma) đóng vai trò quan trọng trong bệnh lý phình động mạch chủ bụng. Mảng xơ vữa là chất béo lắng đọng bên trong lòng của động mạch. Bên trong của hầu hết các phình động mạch chủ bụng là các mảng xơ vữa. Bất kỳ ai cũng có thể phát triển mảng xơ vữa, nhưng khi tuổi càng tăng, xơ vữa động mạch càng phổ biến hơn. Một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa bao gồm: hút thuốc, cao huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, ít tập thể dục, và béo phì. Đây là những yếu tố nguy cơ tương tự như làm tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa trong động mạch vành, gây ra đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.

Ở một số ít trường hợp

Nguyên nhân hiếm gặp của phình động mạch chủ bụng bao gồm chấn thương hoặc nhiễm trùng động mạch chủ. Ngoài ra, một số bệnh di truyền hiếm gặp có thể ảnh hưởng đến cấu trúc động mạch. Một số ít trường hợp, phình động mạch có thể phát triển ở độ tuổi tương đối trẻ.

Yếu tố nguy cơ của phình động mạch chủ bụng?

Khoảng 4 trong 100 người đàn ông và khoảng 1 trong 100 phụ nữ trên 65 tuổi bị phình động mạch chủ bụng. Bệnh gặp nhiều hơn khi tuổi càng cao. Tuy nhiên, hầu hết những người bị phình động mạch chủ bụng không biết rằng họ đang mắc bệnh này. Hiếm khi phình động mạch chủ bụng xuất hiện ở người dưới 60 tuổi.

Phình động mạch chủ bụng được chẩn đoán như thế nào?

Bên trái là hình siêu âm cho thấy phình động mạch chủ bụng có đường kính 9 cm
Bên phải là hình chụp cắt lớp vi tính của cùng bệnh nhân cho thấy phình động mạch chủ bụng lớn có huyết khối thành (mũi tên trắng).
Đôi khi bác sĩ phát hiện ra khối phình động mạch chủ bụng khi khám bụng. Tuy nhiên, nhiều khối phình động mạch chủ bụng quá nhỏ để cảm nhận được.
Trên X quang bụng (thường được chụp vì lý do khác) sẽ thấy đóng vôi trên thành khối phình động mạch chủ bụng, nhưng không phải tất cả các trường hợp.
Siêu âm là cách dễ nhất để phát hiện phình động mạch chủ bụng. Đây là xét nghiệm không gây đau. Bác sĩ cũng có thể đo kích thước của phình động mạch chủ bụng bằng siêu âm.
Để có thông tin chi tiết hơn về phình động mạch chủ bụng, chụp cắt lớp vi tính sẽ được thực hiện để biết chính xác khối phình có ảnh hưởng đến các nhánh của động mạch chủ hay không để có kế hoạch điều trị.
Xem bài Chụp X quang , Siêu âm , Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) .

Tỉ lệ vỡ phình động mạch chủ bụng?

Nếu phình động mạch chủ bụng nhỏ, khả năng vỡ thấp. Kích thước phình động mạch chủ bụng càng lớn, nguy cơ vỡ càng cao, giống như khi bạn thổi một quả bóng – bóng càng lớn áp lực bên trong càng cao thì càng dễ vỡ. Đường kính của phình động mạch chủ bụng có thể được đo bằng siêu âm. Nguy cơ vỡ phình động mạch chủ bụng tương ứng với kích thước như sau:
  • 40 mm-55 mm: khoảng 1 % / năm.
  • 55 mm-60 mm: khoảng 10 % / năm.
  • 60 mm-69 mm: khoảng 15 % / năm.
  • 70 mm-79 mm: khoảng 35 % / năm.
  • 80 mm trở lên: khoảng 50 % / năm.
Như là một quy luật, phình động mạch chủ bụng ở bất kỳ kích thước nào, nguy cơ vỡ tăng lên ở người hút thuốc lá, phụ nữ, những người có huyết áp cao, và những người có tiền sử gia đình mắc bệnh phình động mạch chủ bụng.

Điều trị phình động mạch chủ bụng

Có nên phẫu thuật cho tất cả mọi người bị phình động mạch chủ bụng không?

Câu trả lời ngắn gọn là không. Phẫu thuật sửa chữa phình động mạch chủ bụng là một phẫu thuật lớn có nguy cơ tử vong trong mổ và sau mổ cao. Nếu phình động mạch chủ bụng nhỏ, nguy cơ tử vong do phẫu thuật cao hơn so với nguy cơ vỡ. Vì vậy, phẫu thuật thường không nên nếu bạn bị phình động mạch chủ bụng có đường kính dưới 55 mm. Tuy nhiên, nên siêu âm định kỳ để có chỉ định mổ kịp thời nếu phình động mạch chủ bụng lớn hơn theo thời gian.
Phẫu thuật thường được chỉ định nếu phình động mạch chủ bụng có đường kính lớn hơn 55 mm. Đối với những phình động mạch chủ bụng lớn hơn nguy cơ vỡ thường cao hơn so với nguy cơ phẫu thuật. Nguy cơ phẫu thuật tăng thêm nếu tổng trạng kém hoặc mắc bệnh lý kèm theo khác. Vì vậy, trong một số trường hợp quyết định phẫu thuật có thể là một quyết định khó khăn.
Phẫu thuật cấp cứu nếu phình động mạch chủ bụng vỡ. Trung bình, khoảng 8 trong 10 người bị vỡ phình động mạch chủ bụng sẽ chết do mất máu nghiêm trọng. Tuy nhiên, phẫu thuật cấp cứu có thể cứu sống người bệnh trong 1 số trường hợp.

Phẫu thuật nào được thực hiện?

Có hai loại phẫu thuật để sửa chữa phình động mạch chủ bụng.
Phẫu thuật truyền thống là cắt bỏ khối phình trên động mạch chủ và thay bằng một đoạn mạch máu nhân tạo. Đây là một phẫu thuật lớn và nhiều nguy cơ. Tuy nhiên, phương pháp này sửa chữa triệt để và cho dự hậu lâu dài rất tốt.
Một kỹ thuật mới để sửa chữa phình động mạch chủ bụng bằng can thiệp nội mạch đang trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Trong phương pháp này một ống mạch máu nhân tạo được đưa vào qua bên trong của khối phình động mạch chủ bụng thông qua một bên động mạch đùi. Hai đầu ống này được cố định vào thành động mạch chủ bình thường bởi các kẹp clip kim loại. Ưu điểm của loại sửa chữa này là không cần phải mổ bụng. Do đó, kỹ thuật này an toàn hơn so với phẫu thuật truyền thống, người bệnh có thể xuất viện sớm.
Các kỹ thuật phẫu thuật tiếp tục được phát triển và cải thiện. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tư vấn về những ưu và nhược điểm của các loại phẫu thuật khác nhau, và lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn.

Tầm soát bệnh phình động mạch chủ bụng

Nghiên cứu cho thấy rằng siêu âm thường quy nên được thực hiện cho tất cả những người đàn ông ở độ tuổi 65. Điều này là do hầu hết bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng mà không có triệu chứng. Sau khi làm siêu âm thường quy, phẫu thuật có thể chỉ định ở người bị phình động mạch chủ bụng có đường kính lớn hơn 55 mm. Siêu âm theo dõi định kỳ đối với những người bị phình động mạch chủ bụng có đường kính nhỏ hơn từ 30 mm đến 54 mm.

Biên dịch - Hiệu đính:

Nguồn: Y học cộng đồng

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Hở van động mạch chủ là tình trạng dòng máu phụt ngược từ động mạch chủ về thất trái trong kỳ tâm trương vì van động mạch chủ đóng không kín gây nên tăng gánh thể tích thất trái. Trong hở van động mạch chủ, vì van động mạch chủ đóng không kín nên: 1.
  • 28-05-2018
    Viêm tủy xương là bệnh nhiễm khuẩn xương, tủy xương và mô mềm xung quanh xương. Vi khuẩn xâm nhập vào xương từ máu trong cơ thể sau khi xương bị gãy, nhọt, vết cắt trên da, nhiễm trùng tai giữa, viêm phổi hoặc các bệnh nhiễm trùng khác. Viêm tủy xương
  • 28-05-2018
    Nhiễm khuẩn hô hấp do Mycoplasma pneumonia (MP) là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, nếu không được điều trị đúng mức sẽ gây biến chứng viêm phổi nặng hoặc triệu chứng kéo dài, có thể lây ra cộng đồng. Mycoplasma pneumoniae là tác nhân đáng chú ý nhất trong
  • 18-09-2018

    Gan nằm dưới cơ hoành phải, nấp sau xương sườn, bờ trên tương ứng với khoảng liên sườn thứ năm (trên đường giữa xương đòn kéo xuống) và bờ dưới thường không sờ thấy, hoặc chỉ sờ thấy một phần thuỳ trái ở vùng thượng vị. Ở người lớn, chiều cao của gan

  • 28-05-2018
    Tiểu đường thai kỳ là bệnh đái tháo đường được phát hiện lần đầu tiên ở những phụ nữ đang mang thai. Một số phụ nữ phát hiện tiểu đường thai kỳ có thể thực sự đã bị tiểu đường nhẹ trước khi mang thai mà không được chẩn đoán.