CELIAC

Gluten gây tổn thương niêm mạc ruột non ở người bị bệnh Celiac. Tình trạng này sẽ ngăn cơ thể bạn không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng từ thực phẩm bạn ăn vào, bao gồm vitamin, canxi, protein, carbohydrate, chất béo và các chất dinh dưỡng quan trọng

Bệnh Celiac là gì?

bệnh celiac
Nguồn https://celiac.org

Bệnh Celiac là một bệnh lý đường ruột gây ra bởi tình trạng nhạy cảm với gluten, một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch, đưa đến viêm và bất sản niêm mạc ruột non. Bệnh có thể gặp ở nhiều độ tuổi với các triệu chứng liên quan tình trạng kém hấp thu như tiêu chảy, tiêu phân mỡ, suy dinh dưỡng và thiếu vitamin. Ngoài ra còn có thể gặp các biểu hiện bệnh lý miễn dịch thứ phát.


Các triệu chứng của bệnh Celiac

Bệnh Celiac có thể gây ra các triệu chứng khác nhau tại những thời điểm khác nhau:
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: trẻ thường biểu hiện các triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy (có thể kèm phân có máu) và táo bón. Trẻ có thể kém phát triển, không hoặc kém tăng cân, cáu bẳn, hay quấy khóc, ít chơi đùa, hoặc lệ thuộc quá mức vào người chăm sóc. Các dấu hiệu suy dinh dưỡng như bụng lớn, cơ đùi teo nhỏ và mông lép… có thể xuất hiện ở trẻ.
  • Trẻ tuổi thiếu niên có thể phát bệnh ở giai đoạn sau của dậy thì và trong khoảng thời gian ngắn. Trẻ có thể có các triệu chứng như rụng tóc (một tình trạng gọi là rụng tóc từng vùng) hoặc gặp các vấn đề về răng.
  • Người lớn thường ít có các triệu chứng về tiêu hóa. Thay vào đó, bệnh nhân thường có những triệu chứng chung của sức khỏe kém, bao gồm mệt mỏi, đau xương hoặc đau khớp, dễ cáu, lo lắng và trầm cảm, ở phụ nữ có thể mất chu kỳ kinh nguyệt.
  • Loãng xương (mất canxi ở xương) và thiếu máu gặp phổ biến ở những người lớn bị bệnh Celiac. Triệu chứng loãng xương có thể biểu hiện bởi đau xương vào ban đêm.
  • Không dung nạp lactose (rối loạn liên quan đến sự tiêu hóa các sản phẩm sữa) khá phổ biến ở những bệnh nhân mắc bệnh Celiac ở bất cứ lứa tuổi nào.
  • Viêm da dạng herpes (da ngứa và nổi mụn nước) và loét niêm mạc miệng cũng là vấn đề thường gặp ở những người bị bệnh Celiac.

Vì sao gluten là có hại cho những người mắc bệnh Celiac?

Gluten gây tổn thương niêm mạc ruột non ở người bị bệnh Celiac. Tình trạng này sẽ ngăn cơ thể bạn không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng từ thực phẩm bạn ăn vào, bao gồm vitamin, canxi, protein, carbohydrate, chất béo và các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Cơ thể của bạn sẽ không thể làm việc tốt khi thiếu các chất dinh dưỡng này.

Nguy cơ mắc bệnh Celiac

Bệnh Celiac có tính gia đình. Bạn thừa hưởng xu hướng mắc bệnh này từ cha mẹ của bạn. Nếu 1 thành viên trong gia đình bạn mắc bệnh Celiac, thì khoảng 1 người trong số 10 thành viên khác trong gia đình của bạn cũng có khả năng mắc bệnh này. Bạn có thể có xu hướng không biểu hiện triệu chứng của bệnh này trong một thời gian cho đến khi bạn gặp phải một trong các điều kiện làm dễ như quá căng thẳng, cơ thể bị thương tích, nhiễm trùng, sinh con hoặc phẫu thuật, sẽ làm bạn phát bệnh Celiac.

Chẩn đoán bệnh Celiac?

Xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh này. Nếu bạn nghĩ rằng bạn mắc bệnh Celiac, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn. Không được ngừng ăn gluten trước khi bạn xét nghiệm máu. Nếu bạn ngừng ăn gluten trước khi xét nghiệm máu, nó có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm của bạn.
Nếu xét nghiệm máu cho thấy bạn có thể mắc bệnh Celiac, thì xét nghiệm mẫu sinh thiết ruột non (lấy một mẫu mô nhỏ từ ruột non bằng cách sử dụng một ống soi nhỏ) hoặc chẩn đoán viêm da dạng herpes (phát ban da) sẽ giúp chẩn đoán xác định rằng bạn bị bệnh Celiac.

Điều trị bệnh Celiac

Bệnh Celiac có thể gây hậu quả nghiêm trọng. May mắn thay, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách tuân thủ một chế độ ăn không có gluten, nghĩa là bạn không ăn bất kỳ thực phẩm nào chứa gluten. Bằng cách tuân thủ chế độ ăn uống đúng, những tổn thương do bệnh Celiac gây ra có thể phục hồi và bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn. Nhưng nếu bạn không tuân thủ chế độ ăn uống của bạn, tổn thương sẽ trở lại, ngay cả khi bạn không cảm thấy bị bệnh ngay lập tức.
Những người theo một chế độ ăn không có gluten thường tránh tất cả các loại thực phẩm có chứa lúa mì, lúa mạch và các sản phẩm lúa mạch đen, bao gồm nhiều loại bánh mì, mì ống, ngũ cốc và các thực phẩm chế biến, Một số người cũng tránh ăn yến mạch vì một số sản phẩm yến mạch có thể bị nhiễm gluten của lúa mì. Gluten cũng đôi khi được sử dụng trong thuốc, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn nói với bác sĩ hoặc dược sĩ về bệnh của bạn trước khi dùng một thuốc mới.
Việc thực hiện chế độ ăn không có gluten có thể gặp khó khăn lúc đầu. Bạn và gia đình có thể mất khá nhiều thời gian để học hỏi, tìm hiểu làm thế nào để tránh gluten. Bạn sẽ phải học cách đọc nhãn thành phần và xác định các loại thực phẩm có chứa gluten cũng như phải cẩn thận khi mua thực phẩm tại các cửa hàng tạp hóa, hoặc khi bạn ăn ở bên ngoài. Có thể bạn sẽ phải tìm hiểu một số công thức nấu ăn mới. Để được giúp đỡ, bạn có thể liên hệ với một trong những nhóm hỗ trợ bệnh Celiac được liệt kê dưới đây. Các nhóm này là nguồn cung cấp thông tin và tư vấn tuyệt vời. Họ sẽ giúp bạn tìm các loại thực phẩm không chứa gluten,những công thức nấu ăn tốt, và có thể cung cấp cho bạn những lời khuyên để sống chung một cách thành công với bệnh Celiac.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Liệt Bell, hay còn gọi liệt mặt, liệt dây thần kinh mặt hoặc liệt mặt ngoại biên, là tình trạng liệt dây thần kinh ở mặt, là chứng viêm và sưng dây thần kinh điều khiển các cơ bắp ở một bên mặt, khiến người bệnh bị méo một bên khuôn mặt. Bệnh liệt mặt
  • 28-05-2018
    Huyết áp là lực mà máu của bạn tác động lên thành động mạch khi chúng di chuyển trong cơ thể.
  • 28-05-2018
    Trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm, tri thức của con người bằng cách ghi nhận, bảo tồn và tái hiện lại chúng dưới dạng biểu tượng, ý niệm và ý tưởng. Như vậy, tri thức không phản ánh những cái đang tác động mà là những cái đã qua,
  • 17-10-2018

    Sa dạ dày là hiện tượng dạ dày không nằm đúng vị trí của nó. Đây là một trong những chứng bệnh sa nội tạng rất thường gặp. Bình thường, dạ dày nằm chủ yếu ở phần xương sườn thứ 11 bên trái, một phần khác nằm ở phần bụng trên. Khi mắc chứng bệnh này,

  • 05-07-2018
    Bệnh sởi có thể nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong cho trẻ nhỏ. Trong khi tỷ lệ tử vong đã giảm trên toàn thế giới do nhiều trẻ em được chủng ngừa sởi, bệnh vẫn giết chết vài trăm ngàn người mỗi năm, hầu hết ở độ tuổi dưới 5 tuổi.
  • 28-05-2018
    1. Các dấu hiệu của cơn hen nặng: Khó thở liên tục không nằm được (phải ngồi ngả ra trước để thở). Nghe phổi có nhiều ran rít hai phổi, cả khi hít vào và thở ra. Nói từng từ (khó nói, khó ho). Tình trạng tinh thần kích thích. Vã mồ hôi. Tím rõ. Co kéo