Cao huyết áp

Huyết áp là lực mà máu của bạn tác động lên thành động mạch khi chúng di chuyển trong cơ thể.

Cao huyết áp là gì?

Cao huyết áp (còn gọi là “lên tăng-xông”) xảy ra khi máu của bạn di chuyển qua động mạch ở áp lực cao hơn bình thường. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra cao huyết áp. Nếu huyết áp quá cao hoặc vẫn ở mức cao trong một thời gian dài, nó có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Các triệu chứng của bệnh cao huyết áp là gì ?

Hầu hết những người bị cao huyết áp không có triệu chứng. Vì thế, cao huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” và chúng ta cần phải kiểm tra huyết áp thường xuyên.

Nguyên nhân gây cao huyết áp

Có nhiều nguyên nhân gây ra cao huyết áp, được chia làm 2 nhóm:
Cao huyết áp nguyên phát (còn gọi là cao huyết áp vô căn ): là khi không rõ nguyên nhân cao huyết áp. Bệnh nhân thường bị nhiều năm trước khi phát hiên. Bệnh có thể là kết quả của môi trường sống, lối sống, và sự thay đổi của cơ thể khi lớn tuổi.
Cao huyết áp thứ phát : là khi biết nguyên nhân cụ thể gây ra cao huyết áp, bao gồm:
  • Một số loại thuốc, ví dụ: thuốc ngừa thai, NSAIDs (một loại thuốc giảm đau), và các corticosteroids
  • Uống quá nhiều rượu
  • Uống quá nhiều cam thảo
  • Bệnh thận
  • Béo phì
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Bệnh tuyến giáp hoặc tuyến thượng thận

Các yếu tố nguy cơ gây cao huyết áp

Một số yếu tố phổ biến sau đây có thể dẫn đến cao huyết áp:
  • Chế độ ăn nhiều muối, chất béo và/hoặc cholesterol
  • Những bệnh mãn tính như bệnh về thận và rối loạn hormon, bệnh tiểu đường và cao cholesterol
  • Bệnh sử gia đình: cha mẹ hoặc người có huyết thống gần bị cao huyết áp thì bạn cũng có nhiều khả năng bị cao huyết áp
  • Ít vận động
  • Lớn tuổi: tuổi càng cao càng có nhiều khả năng bị cao huyết áp
  • Thừa cân và béo phì
  • Chủng tộc: người da đen không phải gốc Tây Ban Nha nhiều khả năng có huyết áp cao hơn những người thuộc các chủng tộc khác
  • Một số loại thuốc ngừa thai
  • Căng thẳng
  • Hút thuốc lá hoặc uống quá nhiều rượu

Cao huyết áp được chẩn đoán như thế nào?

Cách duy nhất để biết huyết áp của bạn có cao hay không là dùng máy đo huyết áp để kiểm tra. Bạn cần đo huyết áp thường xuyên hơn khi bạn bị cao huyết áp.
Bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp của bạn ở ít nhất 2 lần khám để biết bạn có bị cao huyết áp hay không. Khi bạn bắt đầu quá trình điều trị để hạ huyết áp, bác sĩ sẽ dặn bạn đến tái khám thường xuyên. Huyết áp của bạn sẽ được kiểm tra tại phòng khám.
Bạn cũng có thể được yêu cầu kiểm tra huyết áp tại nhà và ghi lại các chỉ số cho bác sĩ. Việc mua một máy đo huyết áp tự động, có chất lượng tốt để dùng tại nhà cũng rất hữu ích. Bác sĩ có thể đề nghị bạn kiểm tra huyết áp nhiều lần trong ngày. Bạn cũng có thể sử dụng máy đo huyết áp cơ.

Bệnh cao huyết áp được chữa như thế nào?

Bạn và bác sĩ của bạn sẽ làm việc cùng nhau nhằm tìm ra cách tốt nhất để giảm huyết áp. Điều trị thường bắt đầu với thay đổi lối sống của bạn để giúp giảm huyết áp và giảm nguy cơ bệnh tim. Nếu những thay đổi này không thực hiện được, bạn có thể cần phải dùng thuốc.
Thậm chí nếu bạn phải dùng thuốc, thì thay đổi lối sống cũng có thể giúp bạn giảm lượng thuốc phải dùng.

Thay đổi lối sống

Không hút thuốc lá hay sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào.
Giảm cân nếu bạn thừa cân.
Tập thể dục thường xuyên.
Theo chế độ ăn uống lành mạnh gồm nhiều trái cây, rau quả và ít chất béo.
Hạn chế muối, rượu, và caffeine.
Hãy thử các phương pháp để thư giãn hoặc các kỹ năng phản hồi sinh học (biofeedback)

Điều trị bằng thuốc

Nhiều loại thuốc khác nhau có thể được sử dụng để điều trị bệnh cao huyết áp, gọi chung là thuốc hạ huyết áp.
Mục tiêu điều trị là làm giảm huyết áp về mức bình thường với những loại thuốc dễ sử dụng và có tác dụng phụ ít nhất có thể. Mục tiêu này hầu như luôn luôn thực hiện được.
Nếu huyết áp của bạn chỉ có thể kiểm soát được bằng thuốc, bạn sẽ phải dùng thuốc suốt đời. Thông thường, bạn cần nhiều hơn một loại thuốc để kiểm soát huyết áp. Đừng ngưng thuốc mà không báo bác sĩ, việc ấy có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ hoặc đau tim cho bạn.
Tại sao tôi phải kiểm soát huyết áp?
Huyết áp cao có thể làm tổn thương nhiều bộ phận của cơ thể. Nếu bạn bị cao huyết áp, bạn có nguy cơ bị đột quỵ, suy thận, bị đau tim và các bệnh tim cao hơn. Sự kiểm soát huyết áp có thể giảm thiểu những nguy cơ này.

Tôi nên kiểm tra huyết áp thường xuyên như thế nào?

Sau 18 tuổi, bạn nên kiểm tra huyết áp ít nhất một lần mỗi 2 năm. Kiểm tra thường xuyên hơn nếu bạn đã bị cao huyết áp. Thậm chí bác sĩ có thể yêu cầu bạn theo dõi huyết áp tại nhà.
Các con số của máy đo huyết áp có ý nghĩa gì?
Huyết áp thực sự là hai số đo, cách nhau bằng một dấu gạch chéo khi viết, chẳng hạn như 120/80. Bạn cũng có thể nghe ai đó nói rằng huyết áp là “120 trên 80.”
Số đầu tiên là huyết áp tâm thu. Đây là huyết áp tối đa (đỉnh) khi tim bạn tống máu ra ngoài. Số thứ hai là huyết áp tâm trương. Đó là áp lực khi tim được đổ đầy máu và “thư giãn” giữa các nhịp đập.
Huyết áp bình thường là dưới 120/80. Bạn bị chẩn đoán là “Cao huyết áp” khi huyết áp lớn hơn 140/90. Nếu huyết áp ở khoảng giữa 120/80 và 140/90 thì gọi là “tiền cao huyết áp”, có nghĩa là nếu bạn không thực hiện các phương pháp phòng tránh, bạn có thể sẽ bị cao huyết áp.
Huyết áp thấp xảy ra khi huyết áp tâm thu liên tục dưới 90, hoặc dưới 25 đơn vị so với mức bình thường của bạn.
Tâm thu (số đầu/ trên)
Tâm trương (số thứ 2/ dưới)
Bình thường
< 120
< 80
Tiền cao huyết áp
120–139
80–89
Cao huyết áp: giai đoạn 1 *
140–159
90–99
Cao huyết áp: giai đoạn 2
160 hoặc hơn
100 hoặc hơn
* Nếu bạn đang bị bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận, mức để chẩn đoán cao huyết áp sẽ thấp hơn so với người khác. Hãy hỏi bác sĩ về những tiêu chuẩn chẩn đoán cụ thể.

Biên dịch - Hiệu đính: Nguồn: Y học cộng đồng

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 20-03-2019

    Nhiễm sán dây, hay nhiễm sán dải, xảy ra khi sán dây đi vào trong cơ thể và sống trong ruột. Sán dây thuộc nhóm ký sinh trùng thân dẹt sống trong nhiều loại động vật khác nhau như lợn, gia súc, cừu và cá. 

  • 28-05-2018
    Rối loạn khớp thái dương – hàm là tình trạng đau ở khớp xương thái dương – hàm. Khớp thái dương – hàm là hai khớp ở gần tai. Khớp xương này cùng với các cơ, dây chằng giúp cho hàm đóng và mở để thực hiện các hoạt động như nói, ăn và nuốt.
  • 28-05-2018
    Ghi chú: MSA còn gọi là hội chứng Parkinson không điển hình ( atypical Parkinsonian syndromes) hay hội chứng Parkinson-Plus (Parkinsonism-Plus syndrome).
  • 28-05-2018
    Suy giảm thính lực bẩm sinh thường được gọi là điếc bẩm sinh xảy ra do tổn thương cơ quan thính giác ngay từ thời kỳ bào thai, nên ngay sau khi sinh ra trẻ đã bị giảm thính lực.
  • 28-05-2018
    Xệ mí mắt hay còn gọi là sụp mí mắt hay mí mắt chảy xệ hay sụp mi là sự sa xuống của mi mắt trên xuống thấp hơn vị trí bình thường. Nguyên nhân do cơ mí mất khả năng co giãn, đàn hồi hay da mí bị nhão tạo thành những túi mỡ ở mí trên; do tổn thương của
  • 28-05-2018
    Một cuộc đi bộ dài hơn bình thường hoặc một trận đấu quần vợt phải di chuyển liên tục có thể khiến cho xương không chịu đựng nổi. Tai biến gãy xương do quá mệt mỏi thường gặp ở thanh niên do sự gắng sức kéo dài và phụ nữ tuổi mãn kinh do chứng loãng