Bệnh giang mai: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). Bệnh do vi khuẩn và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được điều trị. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm thì rất dễ chữa khỏi. Số người mắc bệnh giang mai ngày càng tăng, đặc biệt là ở nam giới quan hệ tình dục đồng giới.

Các triệu chứng của bệnh giang mai là gì?

Một số người mắc bệnh giang mai không có triệu chứng, vì vậy bạn có thể không biết mình mắc bệnh trừ khi bạn đi xét nghiệm. Có 4 giai đoạn lây nhiễm bệnh giang mai: sơ cấp, thứ phát, tiềm ẩn và giai đoạn cấp ba.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh giang mai phụ thuộc vào giai đoạn bệnh:

Bệnh giang mai sơ cấp xảy ra 3 hoặc 4 tuần sau khi nhiễm bệnh (mặc dù có thể mất đến 90 ngày mới có vết loét xuất hiện). Các triệu chứng có thể bao gồm một vết loét không đau, thường to khoảng một cm tại vị trí nhiễm trùng xâm nhập vào cơ thể - chẳng hạn như trên dương vật, âm đạo, cổ tử cung, miệng hoặc hậu môn. Còn có thể có các hạch bạch huyết bị sưng.

Một hoặc nhiều vết loét có thể bị bỏ qua vì thường không gây đau và có thể ở vị trí khuất tầm nhìn như phía sau cổ họng, ở âm đạo hoặc hậu môn.

Những vết loét này thường tự khỏi sau 3 đến 6 tuần, cả khi không điều trị. Tuy nhiên, ngay cả khi vết loét đã lành, nếu không được điều trị, bạn vẫn có thể lây nhiễm cho người khác.

Giang mai thứ phát có thể xảy ra từ 7 đến 10 tuần sau khi nhiễm bệnh lần đầu. Các triệu chứng có thể kéo dài từ 6 tháng trở lên và có thể bao gồm:

  • Phát ban đỏ trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, ngực hoặc lưng
  • Sốt
  • Sưng các tuyến ở nách và bẹn
  • Viêm họng
  • Rụng tóc
  • Giảm cân
  • Đau đầu
  • Đau ở xương, cơ và khớp
  • Mệt mỏi
  • Loét trong miệng, khoang mũi hoặc bộ phận sinh dục
  • Các triệu chứng thần kinh

Giai đoạn giang mai tiềm ẩn thường không có triệu chứng và chỉ được phát hiện khi xét nghiệm máu. Nếu bệnh giang mai không được điều trị ở giai đoạn này, bệnh có thể tiềm ẩn hoặc tiến triển thành giai đoạn bệnh giang mai cấp ba. Bệnh giang mai tiềm ẩn có khả năng lây nhiễm trong vòng 12 đến 24 tháng đầu tiên.

Giai đoạn cấp ba có thể xuất hiện ở bất kỳ lúc nào trong khoảng từ 5 đến 20 năm sau khi giai đoạn nhiễm trùng sơ cấp. Ở giai đoạn này, vi khuẩn có thể phá hủy hầu hết các bộ phận của cơ thể bao gồm tim, não, tủy sống, mắt và xương, dẫn đến bệnh tim, bệnh tâm thần, mù, điếc và các vấn đề thần kinh.

Bệnh giang mai lây nhiễm như thế nào?

Bệnh giang mai thường lây lan qua tiếp xúc da kề da khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng. Nó cũng có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét hở trên các vùng như môi, miệng, vú hoặc bộ phận sinh dục.

Bệnh giang mai có khả năng lây nhiễm cao trong thời gian bị lở loét hoặc phát ban. Bệnh cũng có thể lây lan trước khi mọi người biết mình mắc bệnh và từ những người mắc bệnh nhưng không hề bị lở loét.

Bệnh giang mai đôi khi có thể lây qua máu, qua vết thương do kim tiêm hoặc dùng chung dụng cụ tiêm chích. Nhưng rất hiếm khi mắc bệnh giang mai qua truyền máu vì đã được sàng lọc trước.

Phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai có thể truyền bệnh cho con qua nhau thai. Bé được coi là mắc giang mai bẩm sinh.

Ai có nguy cơ?

Các nhóm có nguy cơ mắc bệnh giang mai cao bao gồm:

  • Đàn ông quan hệ tình dục với nam giới
  • Bạn tình nữ của nam quan hệ tình dục với nam
  • Trẻ sơ sinh của những bà mẹ chưa phát hiện nhiễm bệnh và chưa được điều trị bệnh giang mai trong thời kỳ mang thai
  • Những người dùng chung hoặc tiêm chích ma túy

Khi nào tôi nên đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn nghi ngờ mình bị bệnh giang mai, bạn cần phải đi khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ xác nhận chẩn đoán thông qua xét nghiệm và bắt đầu điều trị nếu cần thiết.

Chẩn đoán bệnh giang mai

Bác sĩ sẽ cần làm xét nghiệm máu để xác định chẩn đoán giang mai. Xét nghiệm máu phát hiện các kháng thể mà cơ thể sản xuất để chống lại nhiễm trùng. Xét nghiệm dương tính cho thấy bạn từng bị nhiễm trùng. Có thể cần tới 3 tháng để sản sinh các kháng thể, vì vậy các xét nghiệm có thể cho kết quả âm tính sớm trong giai đoạn đầu.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm phết mẫu từ vết loét.

Phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm bệnh giang mai định kỳ trong suốt thai kỳ.

Bạn cũng nên làm thêm các xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như chlamydia, bệnh lậu và HIV.

Thông báo cho bạn tình

Bạn cần phải nói cho những bạn tình trước đây biết để họ cũng được xét nghiệm và điều trị nếu bị nhiễm bệnh. Bác sĩ sẽ giúp bạn quyết định ai là người cần thông báo và cách bạn có thể nói với họ.

Điều trị bệnh giang mai như thế nào?

Bệnh giang mai thường được điều trị bằng penicillin qua đường tiêm vào cơ. Và có những phương pháp điều trị khác nếu bạn bị dị ứng với penicillin. Khoảng thời gian điều trị tùy thuộc vào giai đoạn nhiễm trùng. Bạn có thể cần xét nghiệm máu định kỳ vào các thời điểm 3, 6 và 12 tháng sau khi điều trị để kiểm tra mức độ hiệu quả.

Sau khi điều trị bằng penicillin, bạn có thể cảm thấy triệu chứng như bị cúm trong 24 giờ, kèm theo sốt, đau nhức. Tình trạng này sẽ sớm biến mất mà không cần điều trị gì thêm. Bạn cũng cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước.

Bạn không nên quan hệ tình dục, ngay cả có dùng bao cao su, hãy đợi 7 ngày sau khi hoàn thành toàn bộ quá trình điều trị. Bệnh giang mai rất dễ lây lan, đặc biệt là trong giai đoạn đầu.

Nếu tôi đang mang thai thì sao?

Nếu được phát hiện sớm trong giai đoạn mang thai, bệnh giang mai có thể được điều trị và giảm nguy cơ ảnh hưởng lên em bé. Phụ nữ được khuyến cáo làm xét nghiệm giang mai trong 12 tuần đầu của thai kỳ hoặc trong lần khám thai đầu tiên.

Các biến chứng giang mai là gì?

Bệnh giang mai có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị. Nó có thể lây lan khắp cơ thể trong nhiều năm (giang mai giai đoạn ba) và dẫn đến các vấn đề lớn về não, mắt và tim.

Nếu không được điều trị, bệnh nhân mắc giang mai bẩm sinh có thể phải chịu một số ảnh hưởng lớn, bao gồm mất do sẩy thai, thai chết lưu, sinh non, nhẹ cân hoặc tử vong ngay sau khi sinh. Trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai có thể gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về não, xương, máu, các cơ quan trong cơ thể, các giác quan như thị giác và thính giác.

Bệnh giang mai có thể phòng ngừa được không?

Quan hệ tình dục an toàn là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh giang mai.

  • Luôn sử dụng bao cao su có chất bôi trơn gốc nước trong khi quan hệ tình dục
  • Luôn luôn sử dụng màng chắn miệng khi quan hệ tình dục bằng miệng
  • Giới hạn số người bạn quan hệ tình dục, hoặc chỉ quan hệ tình dục với một người chưa bị nhiễm bệnh
  • Không quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh giang mai hoặc người có các triệu chứng của bệnh giang mai cho đến khi họ điều trị xong
  • Kiểm tra sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) thường xuyên - định kỳ mỗi 6 - 12 tháng.

Nguồn: Healthdirect Australia

Biên tập bởi đội ngũ Wellcare

- 24-06-2022 -

Bài viết liên quan

  • 17-10-2018

    Bệnh viêm tuyến vú hay còn gọi là viêm tuyến sữa là tình trạng viêm nhiễm ở một hay nhiều ống dẫn sữa của vú, thường liên quan đến việc cho con bú và có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và chữa trị triệt để.

  • 28-05-2018
    1. Đại cương Viêm nội tâm mạc bán cấp nhiễm khuẩn là tình trạng viêm nội tâm mạc có loét và sùi, thường xảy ra (nhưng không phải bắt buộc) trên một nội tâm mạc đã có tổn thương bẩm sinh hoặc mắc phải từ trước. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm,
  • 28-05-2018

    Axit là chất oxy hóa nguy hiểm gây tác động ngay lập tức và gây ra những biến chứng lâu dài đối với cơ thể nạn nhân. Bỏng axit đa phần là bỏng sâu, phải được cấp cứu và điều trị tại bệnh viện. Chính vì vậy, khâu sơ cứu khi bị bỏng axit rất quan trọng, có thể giúp hạn chế rủi ro thấp nhất cho nạn nhân.

  • 28-05-2018
    Echinococcus là một loại sán dây nhỏ hay còn được gọi là sán kim. Bệnh này phân bố ở nhiều nước thuộc châu Phi, Bắc và Nam Mỹ, Nam châu Úc, châu Âu và một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Philippine, Việt Nam... Vật chủ chính của sán kim là chó
  • 28-05-2018
    Xơ vữa động mạch (atherosclerosis) là bệnh làm động mạch của bạn trở nên cứng và hẹp đi. Thậm chí, động mạch có thể bị tắc hoàn toàn. Động mạch là những mạch máu mang máu từ tim đến những phần còn lại của cơ thể.
  • 17-10-2018

    Thiểu năng tuần hoàn não hay còn gọi là rối loạn tuần hoàn não, là tình trạng thiếu máu cung cấp cho não. Thiểu năng tuần hoàn não thường gặp ở lứa tuổi trên 40, nhưng tỷ lệ bị bệnh cao nhất vẫn là người cao tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng