Hỏi về Vaccine với bác sĩ chuyên gia

Nhằm ủng hộ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử và giải toả mọi thắc mắc của người dân liên quan đến vaccine ngừa Covid-19, các bác sĩ chuyên gia tiêm chủng trên Kênh khám từ xa Wellcare nhận trả lời mọi câu hỏi và không thu phí tư vấn.
Saturday, 26/06/2021
Trần Thị Như Hoa
,

Mời bạn tham khảo 14 câu hỏi dưới đây đã được BS Như Hoa giải đáp:

1. CÁC BỆNH NHÂN TIM MẠCH CHỦNG NGỪA COVID 19 CÓ ĐƯỢC KHÔNG? THỨ TỰ ƯU TIÊN VACCINE KHI NGUỒN CUNG CÒN KHAN HIẾM NHƯ THẾ NÀO?

Tất cả bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch đều nên đi chủng ngừa COVID-19 sớm ngay khi có vaccine. 

Những bệnh nhân tim mạch có nhiều nguy cơ bệnh nặng và tử vong do COVID-19 vì nhiễm virus gây ảnh hưởng lên tim thông qua nhiều cơ chế, bao gồm cả tình trạng viêm trực tiếp ở tim. 

Vaccine đã được chứng minh làm giảm bệnh nặng có thể phải nhập viện, giảm tử vong và giảm lây truyền Covid 19.

Theo ESC, các bệnh nhân bị bệnh tim mạch bao gồm: rung nhĩ, đau thắt ngực, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, tiểu đường, sa sút trí tuệ, nhồi máu cơ tim, suy tim, ghép tim, thuyên tắc phổi (do cục máu đông trong phổi), bệnh mạch máu ngoại biên (xơ vữa động mạch), đột quỵ hoặc cơn thoáng thiếu máu não (đột quỵ nhỏ).

Theo ACC, Các tình trạng bệnh lý tim mạch nên được coi là có nguy cơ cao gây hậu quả xấu nếu nhiễm COVID-19 bao gồm: tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, bệnh tim mạch do xơ vữa, rối loạn nhịp tim, suy tim, ghép tim trước đó, tăng áp phổi và bệnh tim bẩm sinh ở người lớn. Ngoài ra, những bệnh nhân bệnh tim mạch có các bệnh kèm theo không do tim như bệnh thận mạn, tình trạng suy giảm miễn dịch, hoặc tăng đông máu, cũng được coi là tăng nguy cơ bệnh nặng và tử vong do COVID-19.

THỨ TỰ ƯU TIÊN TIÊM VACCINE KHI NGUỒN CUNG CÒN KHAN HIẾM. ACC khuyến cáo những cá nhân có nguy cơ tim mạch cao nên được ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19 hơn những cá nhân có nguy cơ thấp hơn. Ví dụ cụ thể:

  • Bệnh nhân tăng huyết áp được kiểm soát kém (> 140/90 mm Hg), bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin hoặc bệnh tiểu đường có kiểm soát đường huyết kém (HbA1c> 10%) ưu tiên hơn những ngưỡi đang ổn định.
  • Bệnh nhân béo phì bệnh lý (BMI> 40 kg / m²) ưu tiên hơn người béo phì (BMI 30-40 kg / m²) hoặc thừa cân (BMI 25-29 kg / m²).
  • Những người bị bệnh tim mạch do xơ vữa có triệu chứng hoặc nguy cơ cao như bệnh mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên sẽ ưu tiên hơn những người đã tái thông mạch máu hoàn toàn hoặc không có triệu chứng. 
  • Bệnh nhân có rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ kiểm soát kém cũng như những người có tiền sử nhịp nhanh thất hoặc rung thất cần điều trị máy phá rung (ICD) và / hoặc thuốc chống loạn nhịp tim.
  • Bệnh nhân suy tim nặng (NYHA III hoặc IV) và những bệnh nhân cần nhập viện hoặc thăm khám khẩn cấp do bệnh nặng sẽ ưu tiên hơn bệnh nhân suy tim còn bù đáp ứng tốt với điều trị hoặc nhập viện không thường xuyên. 
  • Bệnh nhân suy tim mất bù tiến triển đang chờ ghép tim 
  • Bệnh nhân đã được ghép tim (do tình trạng suy giảm miễn dịch).
  • Bệnh nhân tăng áp động mạch phổi (PH) mất bù đang chờ ghép phổi ưu tiên hơn bệnh nhân tăng áp động mạch phổi trung bình đến nặng.
  • Bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh ở người lớn tiến triển cũng nên được ưu tiên. Như vậy, những người có bệnh tim mạch càng nặng thì càng nên đi chích vaccine sớm, không nên sợ và chần chừ làm mất thời gian bảo vệ sớm của vaccine. Chính phủ cũng nên có chính sách ưu tiên trên những đối tượng này. 

2/ NGƯỜI CÓ BỆNH TIM MẠCH ( CẤP TÍNH CŨNG NHƯ MẠN ĐANG ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ ỔN ĐỊNH BẰNG THUỐC) CÓ BỊ NGUY HIỂM GÌ KHI KHI TIÊM VACCINE COVID 19 KHÔNG ? 

Các thử nghiệm dùng vắc xin COVID-19 trên nhiều đối tượng bao gồm trên những bệnh nhân tim mạch không cho thấy bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào từ vaccine. 

Những tác dụng phụ phổ biến nhất ở tất cả các bệnh nhân bao gồm đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ hoặc ớn lạnh. Cánh tay có thể cứng và đau trong vài ngày. Mệt mỏi và ớn lạnh là thứ phát do tác động của hệ thống miễn dịch nhận biết các protein của virus là vật lạ và không có nghĩa là vắc-xin đã gây nhiễm COVID-19. 

Trong lần tiêm vaccine thứ hai có thể phản ứng miễn dịch với vắc xin mạnh hơn, những bệnh nhân bị bệnh tim nặng và có khó thở lúc nghỉ có thể cảm thấy hơi không khỏe do sốt nhẹ và các triệu chứng giống cúm. Những tác dụng này sẽ tồn tại trong thời gian ngắn, khoảng 24-48 giờ và sẽ giảm với paracetamol và tăng lượng dịch vào (uống hoặc truyền tùy trường hợp). 

Nếu có phản ứng dị ứng nghiêm trọng cũng có thể làm cho bệnh nhân bị bệnh tim mạch trở nặng. Tuy nhiên, rủi ro này là cực kỳ hiếm, chỉ ảnh hưởng một người trong số 2 triệu người. Lợi ích của việc chủng ngừa lớn hơn nhiều so với nguy cơ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng và do đó, không khuyến khích mọi người không chích vaccine.Như vậy bệnh nhân có bệnh tim mạch cấp hay mạn tính đều nên tiêm vaccine sớm vì rủi ro rất hiếm mà lợi ích bảo vệ thì lớn hơn rất nhiều.

3/ NGƯỜI CÓ BỆNH TIM NỀN CÓ THỂ CÓ NHIỀU BẤT LỢI HƠN HƠN TRƯỚC CÁC CHỐNG CHỈ ĐỊNH TIÊM VACCINE (ĐẶC BIỆT LÀ SỐC PHẢN VỆ) HAY KHÔNG?

Hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy tình trạng bệnh tim làm tăng nguy cơ bị chống chỉ định đối với vắc-xin. Tuy nhiên tất cả bệnh nhân bị bệnh tim đã từng bị phản ứng phản vệ nghiêm trọng với vaccine sắp tiêm nên thông báo cho nhân viên y tế biết và họ không nên chủng ngừa tiếp tục. Những người đã có phản ứng nghiêm trọng với các chất khác (không liên quan đến vaccine). 

Ví dụ: các loại thuốc uống hoặc động vật có vỏ cứng (như hàu, sò, cua, tôm), v.v., vẫn có thể tiêm vaccine nhưng sẽ cần được theo dõi tại phòng khám trong 30 phút sau đó. Bệnh nhân cũng nên tránh tiêm vaccine khi đang sốt. Do đó, người bệnh tim mạch dù nặng hay nhẹ đều nên được chích vaccine, chỉ không được chích vaccine khi có dị ứng với các thành phần của thuốc vaccine. Trường hợp đang sốt cao có thể trì hoãn và quay lại chích ngay sau khi ổn.

4/ CÓ TƯƠNG TÁC BẤT LỢI GÌ GIỮA CÁC THUỐC ĐIỀU TRỊ BỆNH TIM VÀ VACCINE COVID 19 KHÔNG ? 

Không có báo cáo nào về tương tác giữa vaccine và thuốc tim mạch. Điều cần thiết là không được ngưng các loại thuốc điều trị tim mạch trước hoặc sau khi tiêm vắc-xin. Một số bệnh nhân đang sử dụng thuốc làm loãng máu (kháng đông) có thể bị đau, sưng và bầm xung quanh chổ tiêm (xem thêm bên dưới).

5/TÔI ĐANG UỐNG THUỐC LÀM LOÃNG MÁU VÀ THÔNG THƯỜNG KHI TIÊM VACCINE NHƯ TIÊM NGỪA CÚM THÌ CHỈ TIÊM DƯỚI DA, KHÔNG TIÊM VÀO CƠ DO NGUY CƠ CHẢY MÁU. TÔI NGHE NÓI VACCINE COVID-19 PHẢI TIÊM VÀO BẮP THỊT. TÔI NÊN LÀM GÌ ĐỂ GIẢM NGUY CƠ CHẢY MÁU CHO MÌNH?

Không giống như vaccine cúm, vaccine COVID-19 hiện tại chỉ sử dụng tiêm bắp.

Nhiều bệnh nhân bị bệnh tim dùng thuốc chống đông máu như warfarin (hay còn gọi là thuốc kháng vitamin K) hoặc thuốc chống đông máu trực tiếp đường uống (DOACS). 

Một số bệnh nhân cũng dùng thuốc chống tiểu cầu kết hợp như aspirin, clopidogrel, ticagrelor hoặc prasugrel. Những bệnh nhân này có nhiều nguy cơ bị chảy máu sau chấn thương, bao gồm cả việc bị kim đâm vào cơ cánh tay khi tiêm chủng COVID-19. Những bệnh nhân này có nguy cơ tăng nhẹ bầm tím hoặc sưng tấy quanh vết tiêm. Cách khắc phục là khi tiêm nên sử dụng kim tiêm nhỏ (cỡ 23 hoặc 25), sau khi rút kim ấn mạnh vào nơi tiêm mà không chà xát trong ít nhất hai phút. Bệnh nhân cần được thông báo về nguy cơ tụ máu do tiêm. Những bệnh nhân đang sử dụng warfarin, được theo dõi INR định kỳ có thể được tiêm bắp vaccine Covid 19 khi có kết quả INR dưới mức giới hạn trên của khoảng điều trị. 

6/ TÔI ĐANG UỐNG THUỐC ỨC CHẾ MIỄN DỊCH DO GHÉP TIM. THUỐC ỨC CHẾ MIỄN DỊCH CÓ THỂ XUNG ĐỘT VỚI VACCINE COVID-19 KHÔNG?

Các vaccine hiện được chấp thuận sử dụng cho người suy giảm miễn dịch không chứa virus sống, do đó không có nguy cơ gây nhiễm trùng cho những bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, kể cả những bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch. Các vaccine hiện nay là loại chứa vật chất di truyền đi vào tế bào và thúc đẩy quá trình tổng hợp một loại protein gai giống của virus. Chỉ một mình protein gai này là vô hại nhưng khi tiêm vào cơ thể sẽ nhận ra đây là vật lạ và kích hoạt phản ứng phòng vệ của hệ thống miễn dịch. Sau này khi cơ thể bị nhiễm virus thực sự, hệ thống miễn dịch đã ghi nhớ sẽ phản ứng mạnh mẽ với protein gai để tiêu diệt virus. Tuy nhiên, những bệnh nhân có phản ứng miễn dịch kém có thể không đáp ứng mạnh với thuốc chủng ngừa nên sẽ phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung (như 5K) cho dù đã được tiêm chủng.

7/ CÓ NÊN UỐNG THUỐC ASPIRIN HOẶC THUỐC CHỐNG ĐÔNG MÁU TRƯỚC VÀ SAU KHI TIÊM VACCINE KHÔNG?

  • Tại Mỹ, CDC khuyến cáo người dân không nên dùng aspirin hoặc thuốc chống đông máu trước khi tiêm vaccine Janssen COVID-19 hoặc bất kỳ vaccine COVID-19 nào khác được FDA cho phép (nhóm mRNA) trừ khi họ đang điều trị theo toa Bác Sĩ các thuốc này thì vẫn tiếp tục như ngày thường.
  • Tại Úc, chính phủ khuyến cáo không nên dùng thuốc giảm đau hạ sốt (không có toa của Bác Sĩ) trước khi chủng ngừa vì mục đích ngăn ngừa các tác dụng phụ có thể xảy ra. Cho đến nay, nhóm Cố vấn Kỹ thuật về Tiêm chủng (ATAGI) vẫn chưa tìm thấy bất kỳ yếu tố nguy cơ sinh học cụ thể nào hoặc các tình trạng bệnh lý có sẵn làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết khối với hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Không có bằng chứng nào cho thấy rằng dùng thuốc làm loãng máu, aspirin sẽ làm giảm nguy cơ mắc phải tác dụng phụ hiếm gặp này.- Việc nên làm là bạn vẫn tiếp tục dùng thuốc theo toa để điều trị bệnh tim mạch và hãy hỏi bác sĩ của bạn trước khi tiêm bất kỳ loại vaccine nào.

8/ SAU MŨI TIÊM ĐẦU TIÊN, TÔI CÓ THỂ SINH HOẠT HÀNG NGÀY LẠI BÌNH THƯỜNG KHÔNG? VÍ DỤ: TÔI CÓ THỂ CHƠI CÙNG VỚI MỌI NGƯỜI, TÔI CÓ CẦN ĐEO KHẨU TRANG, TIẾP TỤC VỆ SINH TAY KHÔNG, TÔI CÓ THỂ ÔM MỌI NGƯỜI KHÔNG? 

Vaccine có hiệu quả trong 75-95% các trường hợp, không hoàn toàn ngăn chặn mọi người khỏi nhiễm trùng và bị bệnh, mặc dù nó làm giảm đáng kể độ nặng của bệnh nếu bị nhiễm. 

Hiện vẫn chưa rõ liệu một cá nhân được chủng ngừa có thể truyền vi rút cho người khác hay không. Tuy nhiên, dựa trên những gì đã biết về vaccine cúm và thông tin thu được từ những người đã bị nhiễm COVID-19, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng vaccine này sẽ ngăn ngừa sự lây truyền. 

Vì tất cả những lý do này, mọi người vẫn phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, giữ khoảng cách và rửa tay sát khuẩn thường xuyên dù đã được tiêm phòng. Cũng cần nhấn mạnh rằng phản ứng miễn dịch sẽ không đáp ứng đủ để ngăn ngừa lây nhiễm trong 10 ngày sau khi tiêm chủng.

9/ ĐA SỐ CÁC VACCINE CẦN PHẢI CHỦNG NGỪA HAI LẦN. LẦN CHÍCH THỨ HAI TÔI PHẢI CHÍCH CÙNG LOẠI HAY CÓ THỂ CHÍCH VACCINE KHÁC ĐƯỢC KHÔNG? 

Theo ESC: Lý tưởng vẫn là liều đầu tiên và liều thứ hai phải cùng một loại vaccine. Tuy nhiên, bạn cũng có thể được chích vaccine khác với lần trước trong những trường hợp đặc biệt như:

  • Loại vaccine đó không còn
  • Mất hồ sơ về loại vaccine nào đã được tiêm cho lần đầu tiên. 

Các loại vaccine hiện có đều dựa trên protein gai. Do đó, có khả năng liều thứ hai sẽ cùng với liều đầu tăng cường đáp ứng miễn dịch, ngay cả khi đó là một loại vaccine khác.Đã có một số nghiên cứu cho thấy đáp ứng miễn dịch mạnh hơn khi tiêm 2 loại khác nhau như tiêm Astra Zeneca mũi đầu và Pfizer mũi hai (xem trên nature ngày 1/7/2021) https://www.nature.com/articles/d41586-021-01805-2. Tuy nhiên ngày 12/7/2021 WHO cũng cảnh báo không nên chủng ngừa Covid bằng cách phối hợp sử dụng vaccine của các hãng khác nhau do chưa đủ dữ liệu về tác động trên sức khoẻ. Chúng ta cần thêm thời gian nghiên cứu để có đủ dữ liệu hơn.

10/ ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA NẾU BẠN KHÔNG TIÊM LIỀU VACCINE THỨ HAI TRONG KHOẢNG THỜI GIAN KHUYẾN CÁO? 

Mặc dù thời gian cần để cơ thể có đáp ứng miễn dịch là sau khi chích mũi vaccine đầu tiên 12 ngày, nhưng cần phải có hai liều để tăng cường đáp ứng miễn dịch. Dữ liệu thử nghiệm từ vaccine Pfizer BioNTech cho thấy rằng hiệu quả đạt được là 95% nếu tiêm vắc xin mũi hai sau 21 ngày. Không có dữ liệu nào cho thấy sự bảo vệ sau 21 ngày được duy trì ở những người không tiêm vaccine mũi hai vào thời điểm này, mặc dù có khả năng một số người vẫn còn miễn dịch. Dữ liệu thử nghiệm từ vaccine Astra Zeneca cho thấy rằng khoảng cách dùng vắc xin mũi 2 trong 8-12 tuần có thể làm tăng hiệu quả. Hầu hết các quốc gia đang hướng tới việc tiêm chủng liều đầu cho càng nhiều người càng nhanh càng tốt và trì hoãn liều thứ hai tối đa, nhưng không quá 12 tuần. Nên tiêm mũi hai vì một số lượng đáng kể người đã chích mũi một có thể chưa được bảo vệ tốt cho đến khi họ tiêm mũi hai và về lý thuyết không tiêm mũi hai cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của các chủng kháng thuốc.

11/ NHÓM TRẺ EM DỄ BỊ TỔN THƯƠNG DO CÓ BỆNH LÝ NỀN VỀ TIM HOẶC HÔ HẤP HIỆN XEM XÉT ĐIỀU TRỊ HOẶC TIÊM VACCINE COVID 19 NHƯ THẾ NÀO? 

Nghiên cứu vaccine COVID-19 mới chỉ bắt đầu ở trẻ em và do đó có rất hạn chế dữ liệu về tính an toàn và đáp ứng miễn dịch ở nhóm này. Các vaccine COVID-19 được phê duyệt cho đến nay vẫn chưa được thử nghiệm ở trẻ em, nhưng một số công ty hiện đang bắt đầu cho trẻ em thử nghiệm. Hơn nữa, dữ liệu cho thấy trẻ em dưới 18 tuổi chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các trường hợp COVID-19 được báo cáo (ở một số quốc gia là 1%), có tỷ lệ tử vong tương đối ít so với các nhóm tuổi khác và thường là bệnh nhẹ. 

Vì vậy, hầu hết trẻ em chưa được coi là đủ điều kiện để chủng ngừa ở giai đoạn hiện tại. Trẻ em có nguy cơ cao bị nhiễm virus (suy giảm miễn dịch hoặc khiếm khuyết thần kinh nghiêm trọng) hoặc đang bị bệnh nặng (như bệnh tim và phổi nghiêm trọng) được coi là có nguy cơ cao và sẽ được ưu tiên tiêm vaccine theo tiêu chuẩn của từng quốc gia. Trong khi đó, một số quốc gia đã đề xuất tiêm vaccine cho cha mẹ hoặc người thân chăm sóc trẻ vì nguy cơ lây nhiễm từ người chăm sóc cho trẻ. 

12/ TÔI CÓ BỆNH TIM VÀ CÓ CON DƯỚI 18 TUỔI. TÔI BIẾT HIỆN TẠI CHÚNG CHƯA ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ CHỦNG NGỪA. ĐIỀU ĐÓ CÓ ẢNH HƯỞNG GÌ ĐỐI VỚI TÔI KHI SỐNG CHUNG VỚI CHÚNG KHÔNG? DÙ TÔI ĐÃ CHỦNG NGỪA, LIỆU TÔI CÓ NGUY CƠ BỊ NHIỄM VIRUS TỪ CON MÌNH CAO HƠN KHÔNG? 

  • Đối với bạn đã tiêm vaccine Covid 19 dù có nhiễm bệnh sẽ giảm nguy cơ bị bệnh nặng hoặc tử vong. 
  • Đối với con bạn dưới 18 tuổi: nhiễm Covid 19 nghiêm trọng và tử vong rất hiếm. 

Do đó, rất khó để lý giải cho việc tiêm vaccine cho nhóm tuổi này vào thời điểm mà nguồn cung vaccine đang khan hiếm để tiếp cận những người ở độ tuổi 70 và 80. Bạn nên thực hiện thường xuyên và cũng khuyến khích trẻ duy trì các thói quen an toàn để giảm nguy cơ nhiễm vi-rút. Bạn nên cảm thấy yên tâm hơn vì vaccine sẽ bảo vệ bạn khỏi những hậu quả nghiêm trọng nếu bị nhiễm COVID-19.

13/ VACCINE CÓ TÁC DỤNG BẢO VỆ KÉO DÀI BAO LÂU?

Không rõ vắc xin sẽ bảo vệ bạn trong bao lâu. Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để xác định và cần thêm thời gian theo dõi. 

14/ HIỆN TẠI HƠN 99% NGƯỜI NHIỄM COVID 19 TỬ VONG LÀ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CHÍCH VACCINE TẠI HOA KỲ

Hiện tại hầu hết các trường hợp tử vong do COVID-19 của Hoa Kỳ đều do chưa được tiêm chủng. Thống kê trong tháng 5/2021 trong số hơn 18.000 người chết vì COVID-19, chỉ có khoảng 150 người được tiêm chủng đầy đủ (< 1%).Những người chưa được tiêm phòng không chỉ có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 cao hơn mà còn có nguy cơ lây lan virus cao hơn, phải nhập viện và tử vong cao hơn.

TÓM LẠI 

  • Tất cả bệnh nhân tim mạch dù nhẹ hay nặng (cấp tính) dù già hay trẻ (từ 18 tuổi trở lên) đều nên chích vaccine Covid 19 càng sớm càng tốt, chỉ có một ngoại lệ không nên chích là dị ứng với các thành phần của vaccine. 
  • Sau khi hàng triệu người lớn và trẻ lớn trên thế giới được tiêm vaccin COVID thì số liệu đã rõ ràng: vaccine là an toàn và hiệu quả (ngăn ngừa các bệnh nhân covid nhập viện, nhập ICU, thở máy và tử vong), sẽ cứu sống bản thân, nhiều người trong cộng đồng và có thể chấm dứt đại dịch COVID-19. 
  • Nhiều câu hỏi từ nhiều người cao tuổi và bệnh nhân tim mạch từ nhẹ đến nặng vẫn nghĩ rằng chich vaccine sợ già quá chích không được, sợ bệnh nặng lên, sợ ảnh hưởng thuốc tim mạch, sợ phản ứng, sợ chết...nên lo lắng, ngần ngại khi đăng ký tiêm ngừa. Đây là những lo lắng không có cơ sở khoa học và bỏ lỡ cơ hội tiêm ngừa và thời gian tạo miễn dịch sớm bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng. Cho nên người dân tuổi cao hoặc có bệnh nền khi có thông báo được chích ngừa nên đăng ký chích sớm, dĩ nhiên là cũng phải chấp nhận một rủi ro thấp nhưng khả năng bảo toàn tính mạng khi nhiễm Covid là lợi ích cao hơn nhiều. 
  • Do vaccine còn khan hiếm nên sẽ được chích dần dần, những người già, người có bệnh nền chưa chích cũng nên bình tĩnh, không nên lo lắng mà hạn chế tiếp xúc (tùy điều kiện có thể ở riêng và có dụng cụ ăn uống riêng càng tốt), thực hiện tốt 5k khi bắt buộc có tiếp xúc thì cũng khó mà lây nhiễm được (đa phần lây nhiễm là do sơ sót 5K không đúng), chờ có vaccine thì đi chích ngay. 

Tiêm vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ chính bạn, những người thân yêu, cộng đồng của bạn và giúp trở lại cuộc sống bình thường hơn một cách an toàn và nhanh chóng. Chúc mọi người bình an vượt qua đại dịch.

Tài liệu tham khảo:

[1] Safety of COVID-19 Vaccines, CDC, 2019

[2] WHO, COVID-19 vaccines

[3] ACC, FDA Updates COVID-19 mRNA Vaccine Information For Providers và Europa, Safe COVID-19 vaccines for Europeans

[4] Escardio, COVID-19 vaccine information for heart patients và Heart Organization, Heart disease and stroke medical experts urge public to get COVID-19 vaccinations 

[5] Cardio Smart, COVID-19 Vaccines

[6] Reuters, WHO warns individuals against mixing and matching COVID vaccines 

[8] Cardio Smart, COVID-19 Vaccines 

[9] https://pace-cme.org/2021/02/2...

[10] CDC, Use of COVID-19 Vaccines in the United States 

[12] Nature, Mix-and-match COVID vaccines: the case is growing, but questions remain

[13] WebMD, COVID-19 Vaccines

[14] https://www.health.gov.au/init... 

Đăng ký Khám từ xa

LogoWellcare
Đối tác sức khỏe TIN CẬYChúng tôi giúp bạn duy trì một lối sống lành mạnh, và khi bạn cần tham vấn y tế, chúng tôi kết nối bạn với những bác sĩ chuyên khoa hàng đầu qua gọi thoại và gọi video.
Thông tin công ty
(+84) 28 3622 6822[email protected]LA0208 Lexington Office, 67 Mai Chi Tho, An Phu Ward, Ho Chi Minh City, Vietnam
Tải ứng dụng
Theo dõi
© 2015 - 2024 • Wellcare • All Rights Reserved