Bác sĩ Nhi tư vấn Covid online cho bé,

Hiện nay, việc chăm sóc và tiêm chủng cho trẻ nhằm phòng tránh covid đang được nhiều cha mẹ quan tâm. Cùng các bác sĩ nhi giỏi của Wellcare giải đáp các thắc mắc liên quan đến sức khỏe cho trẻ mùa dịch.

Bác sĩ nhi tư vấn online trong giai đoạn này thật sự cần thiết cho trẻ nhỏ. Cha mẹ có thể tham khảo bài phỏng vấn của bác sĩ Trương Hữu Khanh - Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM và bác sĩ Nguyễn Công Viên - Trưởng khoa Nhi của phòng khám CMI, thuộc viện tim Tp. HCM sẽ giúp cha mẹ giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến covid-19 cho trẻ nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Công Viên

Hỏi: Thưa bác sĩ Viên, vaccines pfizer có an toàn cho trẻ em không? Trẻ em tháng 12 năm sau mới đủ 12 tuổi thì có tiêm được ko? Em thấy Pfizer là công nghệ cấy vào nhân Tế bào, liệu tiêm có ảnh hưởng tới gen của thế hệ tương lai không?

Trả lời: Trước hết về kỹ thuật vacxin, vacxin Pfizer và Moderna dùng 1 đoạn ARN thông tin đưa vào để giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống protein gai của virus. Kỹ thuật này tuy mới, nhưng hoàn toàn không can thiệp gì vào bộ gen con người.

Dần dần, các vacxin Covid sẽ được thử nghiệm ở trẻ em và mở rộng chỉ định sang lứa tuổi trẻ em. Vacxin Pfizer là một trong các vacxin được chấp thuận dùng ở trẻ em đầu tiên, từ 12- dưới 18 tuổi. Dĩ nhiên, hiệu quả và tính an toàn của nó bảo đảm. Lợi ích chích vacxin to lớn nhiều hơn các khía cạnh rủi ro (tác dụng phụ nghiêm trọng) mà nó có thể có. Không nên “ lăn tăn” việc chích hay không. Có điều kiện thì nên tranh thủ.

Chưa đủ tuổi thì người ta không cho tiêm, vì đó là quy định."

Hỏi: Thưa bác sĩ Viên, tiêm Pfizer có tác dụng phụ gây viêm cơ tim cho trẻ em nam không? Bé nhà em bị tăng động giảm chú ý và đang uống thuốc concerta thì tiêm có bị ảnh hưởng không?

Trả lời: Vacxin Comirnaty (Pfizer) có tác dụng phụ “ nổi tiếng” là có thể gây viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, đặc biệt ở người trẻ. Nhưng hầu hết các trường hợp ghi nhận đều nhẹ, mau khỏi. Vì vậy khuyến cáo sau tiêm không hoạt động thể lực nặng, chơi thể thao. Các tác dụng phụ khác tương tự vacxin khác và các lứa tuổi khác. Viêm cơ tim thường gặp hơn ở mũi 2.

Dù Covid “ ít khi” gây bệnh nặng khi nhiễm Covid, dự phòng bằng tiêm ngừa vẫn hơn. Cháu bị tăng động hay phải uống Concerta, không phải chống chỉ định tiêm chủng.

Quên nhắc lại trong câu hỏi trước: Vacxin Covid hoàn toàn không can thiệp gì vào nhân tế bào - nơi giữ DNA.

Hỏi: Thưa bác sĩ Viên, bé nhà em 5 tuổi có tiền sử bệnh hen suyễn, như vậy thì liệu là có dễ bị nhiễm Covid không ạ?

Trả lời: Nhiễm Covid thì ai cũng có thể nhiễm, không liên quan gì đến các bệnh khác. Bé bị nhiễm Covid thường có triệu chứng nhẹ, ngay cả những bé có tiền căn suyễn. Bệnh Covid ở trẻ em có thể có biến chứng nếu bé bị những bệnh nền như ung thư, thiếu máu hình liềm…

Hỏi: Bác sĩ Viên hãy chia sẻ thêm cách chăm sóc trẻ nhỏ là F0, cụ thể cha mẹ nên làm những gì?

Trả lời: Trước đây khi các ca F0 còn ít thì tất cả các trường hợp F0 đều phải cách ly ra khỏi cộng đồng nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên hiện nay do biến chủng Delta có khả năng lây lan trong không khí nhanh chóng nên các biện pháp cách ly 100% F0 hiện không còn phù hợp.

Hiện nay các ca F0 nhẹ sẽ được tự cách ly tại nhà dưới sự theo dõi của bác sĩ nhi tư vấn online 24/24, tuy nhiên vẫn cần tuân thủ 5K nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, các trường hợp mẹ F0 hoặc bé F0 thì mẹ vẫn nên giữ khoảng cách với bé, khi cho bé bú nên đeo khẩu trang và sát khuẩn tay tránh lây chéo..

Các mẹ chăm sóc trẻ bình thường như trước đây, đồng thời quan sát các triệu chứng của trẻ, khi có dấu hiệu trở nặng ngay lập tức báo với cơ sở y tế gần nhất để có hướng điều trị thích hợp.

Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn

Hỏi: Bác Đoàn ơi, em đang cho con bú thì trước khi tiêm vaccine Covid-19 có cần xét nghiệm xem mình phù hợp với loại nào không? Nếu có thì xét nghiệm ở đâu? Em cảm ơn bác.

Trả lời: Em không cần phải làm xét nghiệm xem là nên tiêm loại nào. Có loại nào thì mình tiêm loại đó. Thậm chí cũng không cần xét nghiệm Covid-19 trước khi tiêm. Chỉ cần không dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vaccine thì tiêm ngừa bình thường.

Hỏi: Bác Đoàn ơi, em đang cho con bú, mới tiêm uốn ván được 3 ngày, thì bao nhiêu ngày sau tiêm được vaccine Covid-19?

Trả lời: Dựa trên bản chất của vaccine để tính khoảng cách giữa các mũi. Vaccine uốn ván, hay cúm, hay các loại vaccine khác đều không phải vaccine sống (giảm động lực), thì vẫn tiêm được đồng thời với vaccine Covid-19 như Pfizer hay Astrazeneca lại cũng không phải vaccine bất hoạt, nên không có chống chỉ định. Lúc tiêm chỉ cần lưu ý tiêm ở các chi khác nhau (cánh tay bên này và bên cánh tay bên kia) để theo dõi phản ứng sau tiêm.

Hỏi: Em tiêm xong về vắt bỏ sữa 3 ngày rồi mới cho con bú, thì con của em có được hưởng kháng thể không bác sĩ ơi?

Trả lời: Thứ nhất, là không cần phải ngưng có bú mẹ sau khi tiêm vaccine Covid-19. Thứ hai, sau khi mình tiêm xong thì ít nhất 3 tuần sau (thường 3-4 tuần) cơ thể mình mới tạo ra kháng thể. Thời gian đầu cơ thể chỉ tập làm quen để dần dần tạo kháng thể. Các bạn cứ cho con bú để được hưởng các kháng thể khác có sẵn trong sữa mẹ, và nên tiếp tục cho bú để có thêm kháng thể cho con.

Hỏi: Dưới 12 tuổi chưa được tiêm Covid-19 thì làm gì để được bảo vệ tốt nhất? (11/2021)

Trả lời: Dưới 12 tuổi thì hầu chưa có vaccine nào được chấp thuận cả. Vậy thì người lớn xung quanh trẻ cần phải được chích ngừa đầy đủ, để giảm nguy cơ lây nhiễm với một số biến chủng Covid-19. Như vậy, ngoài việc chích ngừa đầy đủ, người lớn nên kết hợp với việc giữ vệ sinh sạch sẽ trước khi tiếp xúc để tránh mang mầm bệnh về lây cho trẻ. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em khi mắc Covid-19 đều có biểu hiện nhẹ.

Trẻ nhỏ thực ra khi bị các bệnh truyền nhiễm khác thậm chí còn nguy hiểm hơn Covid-19, do đó, phụ huynh không nên trì hoãn chủng ngừa các bệnh khác khi đến lịch chích ngừa các bệnh khác. Không nên chỉ vì nghe quá nhiều về Covid-19 mà trì hoãn chích ngừa các nhiều các bệnh lý khác nguy hiểm với trẻ hơn nhiều.

Hỏi: Dưới 12 tuổi chưa được tiêm Covid-19 thì làm gì để được bảo vệ tốt nhất? (11/2021)

Trả lời: Dưới 12 tuổi thì hầu chưa có vaccine nào được chấp thuận cả. Vậy thì người lớn xung quanh trẻ cần phải được chích ngừa đầy đủ, để giảm nguy cơ lây nhiễm với một số biến chủng Covid-19.

Hỏi: Chích vaccine Covid-19 có làm giảm tác dụng của kháng sinh đang uống không?

Trả lời: Không hoãn tiêm vaccine và cũng không dừng thuốc đang uống. Việc tiêm vaccine Covid-19 sẽ không làm giảm tác dụng của kháng sinh.

Hỏi: Mẹ đang cho con bú mà bị nhiễm Covid-19 thì làm gì để không lây cho con? Em có cần ngưng cho con bú không?

Trả lời: Thế giới đã làm nhiều nghiên cứu rồi. Lượng vi rút lây qua sữa mẹ không đủ nhiều để lây cho con. Đường lây chủ yếu là qua đường hô hấp (cho những người xung quanh, bao gồm em bé). Tay cũng là đường lây phổ biến. Lời khuyên: bà mẹ vẫn cho con bú như bình thường (không vắt bỏ), bà mẹ nên đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên, vệ sinh đầu vú trước khi cho bú.

Hỏi: Nên dùng thuốc nào cho bà mẹ và trẻ nhỏ nếu bị nhiễm Covid-19?

Trả lời: Nói chung là không có thuốc gì để tiêu diệt con siêu vi cả. Chúng ta chỉ có thể có thuốc để hạn chế sự tăng sinh của con siêu vi đó thôi. Nếu quá mệt mỏi thì có thể uống hạ sốt, giảm đau, và vitamin D (tăng đề kháng với nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác nhau). Người ta cũng ghi nhận được về việc những người có đầy đủ vitamin D cũng có tỷ lệ ít bị biến chứng nặng hơn. Tuy nhiên ghi nhận này chưa chắc đã có mối quan hệ nhân quả. Dù sao thì vốn dĩ chúng ta vẫn nên bổ sung vitamin D, cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, dẫu có Covid-19 hay không, vì người Việt Nam chúng ta đa số ở trong nhà nhiều, có ra ngoài nhiều thì cũng che chắn nên thường thiếu vitamin D.
Các bạn không nên lên mạng nhiều để đọc các tin tiêu cực, không nên chia sẻ các toa thuốc trên mạng, trong đó có thể có những thuốc không phù hợp với thể trạng của từng bệnh nhân và nguy hiểm nếu dùng sai. Thuốc cần phải được sử dụng dưới sự theo dõi và chỉ định của bác sĩ.

Hỏi: Dạ bác Đoàn cho con hỏi ạ. Con bị nhiễm Covid trong thai kỳ, và hiện tại đã sinh em bé được 6 tuần tuổi. Vậy có nên tiêm hay đợi 6 tháng sau khi nhiễm? Và nên tiêm 1 hay 2 mũi?

Trả lời: Người đã nhiễm và hồi phục, thì vẫn nên tiêm. Người bị nhiễm có kháng thể, nhưng kháng thể đó không tồn tại lâu dài. Người ta làm nghiên cứu thì thấy rằng là trong vòng 3 tháng sau khi nhiễm và hồi phục, thì ít có khả năng bị lại lắm. Tuy nhiên kháng thể này sẽ giảm theo thời gian. Do đó nếu có điều kiện thì nên tiêm và vẫn nên tiêm đủ 2 liều.

Hỏi: Bác cho em hỏi, em đang cho con bú được 8 tháng, em đã tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 được 1 tuần. Em có cần tiêm cúm mùa định kỳ hàng năm nữa không? Em cảm ơn bác nhiều ạ.

Trả lời: Rất nên. Như tôi đã nói, nếu chúng ta nghe quá nhiều về Covid-19 thì dường như chúng ta quên hẳn các bệnh lý khác, cũng vô cùng nguy hiểm. Trong khi hàng năm, vẫn có rất nhiều người tử vong do cúm mùa. Do đó chúng ta vẫn chích hàng năm bình thường.
Tôi không rõ sau này chúng ta có chích ngừa Covid-19 hàng năm giống như cúm mùa hay không. Với virus cúm thì nó cũng biến đổi liên tục như Covid-19 bây giờ. Như trước đây khoảng năm 1918 có tới vài chục triệu người chết vì cúm, còn nhiều hơn số người chết vì chiến tranh thế giới. Gần đây nhất là dịch cúm 2009. Con virus Covid-19 này về bản chất là 1 đoạn RNA giống như virus cúm, rất dễ đột biến. Do đó tương lai của Covid-19 tôi không biết có giống như cúm hay không. Tóm lại, chúng ta vẫn nên chích vaccine cúm mùa hàng năm.

Hỏi: Bác Đoàn cho em hỏi: Có vài thông tin đang tranh cãi về việc vaccine công nghệ mRNA gây đột biến gen DNA ở người tiêm. Cũng như ngoài vaccine Pfizer các vaccine còn lại như Moderna, Astrazeneca vẫn chưa được FDA phê duyệt hoàn toàn, cũng gây khó khăn cho việc lựa chọn nên hay không tiêm vaccine khi đang cho con bú? Xin bác cho em lời khuyên về việc này Bác cho em hỏi, em đang cho con bú được 8 tháng, em đã tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 được 1 tuần. Em có cần tiêm cúm mùa định kỳ hàng năm nữa không? Em cảm ơn bác nhiều ạ.

Trả lời: Đây là một câu hỏi rất hay. Để trả lời chúng ta phải dựa vào bản chất của vaccine. Vaccine Covid-19, là vaccine mRNA nằm ở bào tương, không đi vào nhân tế bào. Trong khi DNA của con người nằm ở nhân tế bào. Như vậy việc chích vaccine Covid-19 không làm thay đổi cấu trúc DNA của con người.
Về câu hỏi thứ hai, có lẽ bạn chưa hiểu lắm về quy trình phê duyệt vaccine. Trong bối cảnh dịch Covid-19, vaccine đã được sản xuất trong thời gian khẩn cấp, nên chưa được fully approved, và FDA trong quá trình thu thập thông tin, bằng chứng về tính an toàn của vaccine. Tính tới thời điểm này, thì các vaccine được FDA phê duyệt đều an toàn. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì cách đây 1 tuần, vaccine Pfizer đã được chuẩn duyệt rồi. Sắp tới đây, có lẽ Moderna và các vaccine khác cũng sẽ tiếp tục được chuẩn duyệt. Do đó các bạn cứ tiêm vaccine mà không cần băn khoăn quá nhiều.

Hỏi: Dạ bác sĩ cho em hỏi, em vừa tiêm vaccine Astrazeneca được 1 ngày tại bệnh viện thì 24h sau em bị ngứa như mề đay (dấu hiệu của sốc phản vệ). Em có vào ngay cấp cứu, sau khi xét nghiệm máu thì kết quả bình thường, các vùng ngứa nổi lên cũng mất dần, em xin về nhà và theo dõi, đến nay vẫn chưa thấy phản ứng gì thêm. Vậy em có nên tiếp tục chích mũi 2 hay không, thật sự em lo lắng quá. Chân thành cảm ơn bác sĩ.

Trả lời: Đây cũng là một câu hỏi rất hay. Câu trả lời là bạn không phải bị sốc phản vệ. Đó chỉ là một trong số nhiều biểu hiện gợi ý sốc phản vệ. Thật ra, sốc phản vệ có nhiều dấu hiệu khác quan trọng hơn. Các dấu hiệu đó bao gồm: khó thở, sưng mặt, tụt huyết áp, trụy tim, thậm chí ngưng ngưng thở. Còn nổi mề đay không phải là dấu hiệu duy nhất để chẩn đoán “sốc phản vệ”. Lần sau bạn vẫn tiêm mũi 2 được. Bạn có thể nói với bác sĩ ở lần chích sau, để được theo dõi trong vòng 30 phút sau khi tiêm.

Hỏi: Bác cho em hỏi, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên con em đã 3 tháng không đi chích ngừa. Vậy khi nào an toàn để đi chích, nếu chỉ thị 16 rút xuống còn chỉ thị 15 thì có nên đưa bé đi chích không?

Trả lời: theo chỉ thị 16 và công văn mới nhất 2850 của tpHCM thì không hạn chế với những người đi chích ngừa và đi khám định kỳ. Nghĩa là có thể đi mà không cần giấy đi đường. Chỉ thị là để hạn chế đi lại, chứ không phải không được đi chích hoặc đi khám. Tuy nhiên có đi hay không là tùy ở bạn, nếu bạn chưa đi thì phải biết cách phòng ngừa, để bé không bị nhiễm các bệnh nguy hiểm. Như đã nói ban nãy, bệnh nguy hiểm không phải chỉ có Covid-19 nên các bạn rất nên đưa bé đi chích ngừa, và nếu được thì xin bác sĩ để được chích nhiều mũi đến hạn, cùng lúc, không cần phải mỗi lần chích một loại, sẽ rất uổng phí thời gian.

Bs. Trương Hữu Khanh

Hỏi: Vacxin cho trẻ nhỏ khác gì so với người lớn, khi tiêm cho trẻ nhỏ cần lưu ý gì vậy bác sĩ?

Trả lời: Tính tới thời điểm này thì dùng chung với người lớn, nhưng nên giảm liều 1/3 - 1/2 của người lớn tùy độ tuổi.

Hỏi: Nhà em có trẻ dưới 8 tuổi chưa thuộc diện được chích ngừa, giờ thành phố mở cửa trở lại, nhỡ bị mắc Covid-19 thì phải làm sao ạ?

Trả lời: Con nít mắc Covid ở VN chắc vài chục ngàn. Ít so với người lớn. Ít so với thế giới.

NHƯNG

Đủ nhiều để đưa ra nhận định:

1. Con nít bị rất nhẹ, theo tôi biết số trẻ không qua khỏi chưa đến 30, trong đó hầu như là những trẻ bản chất ban đầu căn bệnh nền đã nặng và mắc bệnh lý nhiễm trùng gì cũng khó chữa nên không qua khỏi. Covid đến với những trẻ này như một sự tình cờ.

2. Con nít bị nhiều quá không có chỗ nhập viện, coi lại toàn là do tưởng tượng, hoảng loạn và hốt vào cách ly, mẹ theo con rồi con theo chứ. Chứ bọn trẻ nhập viện cũng phá như giặc.

3. Có người đã dọa thời gian sau sẽ bị MIS, dịch quánh te tua vào tháng 7 đến nay nếu có MIS thì nó đã lòi ra rồi. Theo tôi biết hiện nay số trẻ gọi là MIS chưa đến 20. Cách điều trị lúc đầu tưởng phức tạp tốn kém, ai dè đa số chỉ 1 liều kháng viêm là trẻ phơi phới. Ai bị dọa thì nhắn tin cho tôi tôi chỉ cho.

4. Cho nên con nít chả sao với Covid, chỉ có sao khi bọn trẻ bệnh mà lây cho người nguy cơ thôi. Người lớn lo thân chứ không ép con nít khi không thật cần thiết. Đã có Bs quá hoảng loạn vì Covid để sót sốt xuất huyết, viêm màng não, nhiễm trùng huyết và lao rồi đấy.

CON NÍT HẢ, BỆNH SỚM HẾT SỚM!

Hỏi: Vacxin cho trẻ nhỏ khác gì so với người lớn, khi tiêm cho trẻ nhỏ cần lưu ý gì vậy bác sĩ?

Trả lời: Tính tới thời điểm này thì dùng chung với người lớn, nhưng nên giảm liều 1/3 - 1/2 của người lớn tùy độ tuổi.

Hỏi: Covid 19 có rất nhiều biến thể, Delta, Lamda, MU... Vì sao các biến thể lại liên tục xuất hiện? Biến thể sau có nguy hiểm hơn biến thể trước không?

Trả lời: Con virus Covid-19 KHÔNG thể đột biến thành virus mới. Bản chất con virus nó KHÔNG bao giờ muốn giết mình, nó chỉ muốn ký sinh để duy trì nòi giống thôi. Theo tiến trình đó, nó sẽ sinh ra BIẾN chủng mới để THUẦN hơn với cơ thể người. Và chỉ biến chủng nào LÂY HƠN Delta sẽ THAY THẾ Delta. Nhưng mà virus xâm nhập VÀO cơ thể người trước sau gì nó cũng phải THOÁT ra, để tiếp tục ký sinh và lây lan. Tóm lại: Không cần phải chú tâm đến từng loại biến chủng mới xuất hiện làm gì!

Hỏi: Nếu nhà nước tiêm Vacxin Pfizer cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi, mức độ an toàn cho trẻ nhỏ thế nào?

Trả lời: Theo tôi, con nít bệnh TỰ HẾT. Tôi KHÔNG ủng hộ chích cho con nít. Liều cho trẻ 5-11 tuổi chỉ là 1/3 liều của người lớn, nhưng trẻ 12-17 đang được chỉ định chích BẰNG liều người lớn. Tóm lại là: TÙY các bạn

Hỏi: Tôi là F0 đã điều trị khỏi hơn 1 tháng. Nhưng hiện người vẫn mệt, ho kéo dài và cổ họng luôn có cảm giác ngứa. Đây có phải di chứng của Covid không?

Trả lời: Theo tôi là các bạn đọc báo nhiều quá, mà sinh căng thẳng, lại ĐỔ TẠI Covid. Tỷ lệ THẬT của hội chứng hậu Covid rất THẤP. Mà các bạn chỉ vì quá SỢ HÃI và KIỆT SỨC. Hiện nay, vấn đề lớn nhất của xã hội là RỐI LOẠN TÂM THẦN và GIẤC NGỦ. Trên mạng cũng có quá NHIỀU thông tin nặng nề và NHIỄU LOẠN về Covid. Tóm lại: ĐỪNG xem TV và đọc báo về Covid quá nhiều!

Hỏi: Theo tôi biết, thời gian hiệu lực của vắc xin khoảng 6 tháng, sau đó giảm dần. Vậy có nên chích ngừa thêm để đối phó với đại dịch Covid không?

Trả lời: Theo tôi, chích 2 MŨI là đủ để yên tâm rồi. Đương nhiên phải kết hợp với 5K. Tôi nhắc lại, các bạn phải biết LỌC THÔNG TIN để đọc. Người ta lấy LẤY LÝ DO tái nhiễm, giảm kháng thể để khuyến khích CHÍCH NHIỀU hơn. Ngoài ra, các bạn nên biết là kháng thể đo được sau chích ngừa KHÔNG CHÍNH XÁC. Tóm lại: Mũi 3 khi nào CÓ vaccine hãy bàn!

Hỏi: Vaccine Anh hay Mỹ có tốt hơn vaccine Trung Quốc? Miễn dịch tự nhiên có tốt hơn miễn dịch từ vaccine?

Trả lời: Theo tôi, MIỄN DỊCH TỰ NHIÊN là số 1. Mục đích của vaccine là tạo kháng thể GIỐNG NHƯ đã mắc bệnh. Mà nó cố dữ lắm chỉ được có 80%. Nhưng mà miễn dịch tự nhiên chỉ có được khi có bệnh. Giờ mình bàn mình làm sao để có được miễn dịch tự nhiên, lỡ rồi mình bệnh để có miễn dịch tự nhiên rồi mình chết thì bàn làm gì?

Còn vaccine thì chắc chắn là có ĐẲNG CẤP và công nghệ KHÁC NHAU rồi. Nhưng khi thiếu vaccine thì CÓ GÌ XÀI NẤY đi. Tóm lại: Khi THIẾU vaccine thì câu nói "vaccine tốt là vaccine sớm" TƯƠNG ĐỐI đúng.

Hỏi: Tôi tiêm mũi 1 sinopharm và được hẹn 4 tuần sau tiêm mũi 2. Nhưng đã sang tuần thứ 5 vẫn chưa tiêm. Vậy 2 mũi cách xa quá có ảnh hưởng gì đến khả năng miễn dịch không?

Trả lời: Các bạn nên chủ động tìm nguồn để được chích. Có thể tiêm TRỘN các loại vaccine hết đó. Còn hỏi khi nào chích, sớm quá thì không nên, nhưng chậm thì có nguy cơ mắc bệnh thôi. Tóm lại: ĐỪNG thụ động trong việc tìm vaccine để chích!

Hỏi: Nếu lỡ lịch tiêm phòng cho trẻ do dịch bệnh Covid 19, phụ huynh cần làm gì?

Trả lời: Theo tôi các bạn nên cho con tiêm đúng lịch và đầy đủ mũi tiêm, trong trường hợp dịch bệnh covid-19 không đến cơ sở tiêm được thì cũng không nên quá lo lắng. Đối với bé tiêm trễ thì thời gian phòng bệnh sẽ muộn hơn so với bé tiêm đúng lịch. Vì thế, khi dịch bệnh ổn hơn cha mẹ nên đưa bé đi tiêm càng sớm càng tốt, đồng thời tiêm đủ mũi đúng với quy định và không cần thiết tiêm lại từ đầu.

- 05-01-2022 -

Bài viết liên quan

  • 18-05-2021

    Đối phó với rủi ro dịch bùng phát, Momo và Wellcare kết hợp đưa ra gói ‘Gia đình Momo’ giúp khách hàng Momo khám bác sĩ online mà không cần tới bệnh viện.

  • 18-05-2021

    Từ nay, sau mỗi ca khám từ xa, nếu bác sĩ có gợi ý thuốc, bạn có thể yêu cầu giao thuốc tới nhà tiện lợi trong vòng 2h. Dịch vụ được cung cấp bởi đối tác Wellcare - chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu.

  • 10-11-2021

    Khi dịch bệnh covid-19 bùng phát mạnh, các bệnh viện, cơ sở y tế đóng vai trò là nơi chăm sóc sức khỏe người dân bỗng chốc lại trở thành điểm nóng có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Và đây là lý do chính khiến hình thức khám bệnh trực tuyến trở thành công cụ hữu hiệu để bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho người dân từ xa. Cũng từ đây, mọi người dần nhận ra, hóa ra khám bệnh trực tuyến lại dễ dàng và hiệu quả đến vậy.

  • 01-11-2021

    Ai cũng biết sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ, nhưng nếu những khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ gặp khó khăn không thể giải quyết, thì quá trình này có thể kết thúc sớm hơn dự kiến. Bác sĩ với chứng nhận IBCLC, là người đã vượt qua 14 khóa học khoa học sức khỏe trình độ đại học, hoàn thành ít nhất 90 giờ giáo dục dành riêng cho việc cho con bú và hoàn thành 300-1000 giờ lâm sàng có giám sát, vượt qua kỳ thi 175 câu hỏi nghiêm ngặt bao gồm các chủ đề từ dược lý học đến sự phát triển của trẻ sơ sinh đến giải phẫu và sinh lý học. Các gia đình có thể yên tâm rằng IBCLC là tiêu chuẩn vàng cho việc chăm sóc mẹ và con.

  • 19-11-2021

    Trong chăm sóc sức khỏe thai sản, việc kết hợp thăm khám trực tiếp với y tế từ xa đã được chứng minh lâm sàng là mang lại hiệu quả tốt hơn, đồng thời khiến cho thai kỳ của phụ nữ diễn ra thoải mái và dễ dàng hơn.

  • 18-05-2021

    Nhiều nghiên cứu chỉ ra nghe nhạc trong khi mang thai có ảnh hướng tích cực tới thai nhi, nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng cách. Hãy xem những khuyến nghị của Wellcare khi mẹ và bé nghe nhạc, cùng với 20 album nhạc phù hợp cho mẹ và thai nhi.