Sơ cứu Bong gân

>

Sơ cứu Bong gân

(Hình minh họa)
Dây chằng là những dải mô cứng, giãn, đàn hồi, kết nối xương với xương và giữ các khớp tại một vị trí. Bong gân là một chấn thương do các sợi dây chằng bị xé rách ra. Dây chằng có thể bị rách một phần, hoặc có thể bị rách hoàn toàn.
Trong tất cả các loại bong gân, thì bong gân ở cổ chân và đầu gối xảy ra thường xuyên nhất. Dây chằng thường sưng lên nhanh và gây đau đớn. Nói chung, càng đau và sưng, thương tích càng nặng. Đối với hầu hết các loại bong gân nhỏ, bạn có thể tự mình sơ cứu.

Sơ cứu bong gân theo hướng dẫn sau:

  • Nghỉ ngơi, không hoạt động nhiều ở vùng bị thương. Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn không nên tác động lực lên nơi bị thương trong 48 giờ, do đó bạn cần phải sử dụng nạng. Cố định vùng bị thương bằng thạnh nẹp là bước sơ cứu vô cùng hữu ích. Nhưng nói vậy không có nghĩa là bạn phải nằm một chỗ và không hoạt động gì cả. Thậm chí nếu bị bong gân mắt cá chân, bạn vẫn có thể tập thể dục các cơ khác để tránh tình trạng giảm hoạt động sinh lý do không vận động lâu ngày.
  • Chườm lạnh. Áp túi chườm lạnh lên khu vực bị thương, cố gắng thực hiện càng sớm càng tốt, ngay sau khi bị thương và tiếp tục chườm trong 15 đến 20 phút, lần lượt bốn đến tám lần một ngày. Thực hiện trong 48 giờ đầu tiên hoặc cho đến khi nơi bị thương giảm sưng. Nếu bạn sử dụng đá, hãy cẩn thận, đừng chườm quá lâu vì đá quá lạnh có thể gây tổn thương mô.
  • Băng lại khu vực bị bong gân bằng băng hoặc gạc. Tốt nhất là nên dùng băng nén hoặc vải áo làm từ chất đàn hồi và co giãn.
  • Nâng chân hoặc tay bị thương cao hơn tim để giúp ngăn ngừa hoặc hạn chế sưng.

Khi tình trạng đau và sưng được cải thiện, thì vẫn phải chú ý chuyển động nhẹ nhàng khu vực bị thương. Trong quá trình điều trị, bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không cần kê toa như ibuprofen (Advil, Motrin IB, …) và acetaminophen (Tylenol,..). Để khôi phục lại sức mạnh và sự ổn định cho người bị thương trước khi trở lại với các hoạt động thể dục thể thao, cần có một phương pháp vật lý trị liệu hợp lý. Bạn có thể yêu cầu bác sĩ vật lý trị liệu cho bạn những bài tập thể dục phù hợp, để có thể tối ưu hóa việc chữa bệnh và giảm thiểu nguy cơ chấn thương trở lại.
Hãy đi khám bác sĩ nếu tình trạng bong gân không được cải thiện sau hai hoặc ba ngày.

Đến bác sĩ hoặc bệnh viện nếu:

  • Bạn không thể đứng được trên chân bị thương, khớp có cảm giác không ổn định hoặc tê liệt, thậm chí là không thể sử dụng khớp đó. Đây là dấu hiệu cho thấy dây chằng đã bị rách hoàn toàn. Trên đường đến bác sĩ, hãy chườm túi lạnh lên vùng bị đau.
  • Bị sưng đỏ hoặc vết sưng đỏ lan ra từ vùng bị thương. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn có thể đã bị nhiễm trùng.
  • Bị thương ngay vùng đã từng bị thương trước đó.
  • Bị bong gân nghiêm trọng.

Điều trị không đầy đủ hoặc trì hoãn quá trình điều trị có thể khiến khớp mất ở định về lâu dài hoặc đau mãn tính.


(Nguồn: Mayo Clinic)

- 14-08-2023 -