Herpes sinh dục (mụn rộp sinh dục)

Mụn rộp sinh dục là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do vi rút herpes simplex (HSV) - cùng một loại vi rút gây ra mụn rộp ở môi. Hầu hết những người bị nhiễm herpes sinh dục không có triệu chứng.

Bệnh mụn rộp sinh dục là gì?

Mụn rộp sinh dục là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do vi rút herpes simplex (HSV) - cùng một loại vi rút gây ra mụn rộp ở môi.

Ở Úc, cứ 8 người có quan hệ tình dục thì có 1 người mắc bệnh mụn rộp sinh dục.

Mụn rộp sinh dục có thể gây bùng phát mụn nước hoặc vết loét trên bộ phận sinh dục và hậu môn. Một khi bị nhiễm, bạn có thể tiếp tục có các đợt tái xuất hiện triệu chứng trong suốt cuộc đời.

Nếu bạn nghi ngờ mình bị mụn rộp sinh dục, quan trọng là phải đi khám càng sớm càng tốt để chẩn đoán chính xác và nhận điều trị.

Các triệu chứng của bệnh mụn rộp sinh dục là gì?

Hầu hết những người bị nhiễm herpes sinh dục không có triệu chứng, nhưng một số người có thể gặp phải các biểu hiện sau:

  • Châm chích hoặc ngứa ran ở vùng sinh dục
  • Mụn nước nhỏ trên bộ phận sinh dục phát triển thành vết loét nhỏ màu đỏ gây đau đớn
  • Vết loét trông giống như phát ban hoặc nứt da trên bộ phận sinh dục
  • Tiểu khó

Các vết loét có thể xuất hiện trên các bộ phận da tiếp xúc với bạn tình khi quan hệ tình dục: dương vật ở nam giới và môi âm hộ, âm vật và âm hộ ở nữ giới. Còn có thể bị lở loét ở hậu môn hoặc ở mông và đùi trong.

Đợt nhiễm trùng đầu tiên có thể có thêm các triệu chứng giống cúm, như:

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Viêm tuyến
Illustration of genital herpes.

Mụn rộp sinh dục có thể gây bùng phát mụn nước và lở loét trên bộ phận sinh dục.

Sau đợt đầu tiên, vi rút sẽ bất hoạt (ở trạng thái ngủ) trong cơ thể bạn suốt phần đời còn lại, có nghĩa là bạn có thể gặp các đợt tái phát (bùng phát) vết loét và mụn nước.

Các đợt tái phát thường nhẹ hơn, ngắn hơn và ít xảy ra hơn theo thời gian. Chúng có nhiều khả năng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn yếu, do bệnh tật, mệt mỏi hoặc căng thẳng.

Nguyên nhân gây bệnh mụn rộp sinh dục là gì?

Mụn rộp sinh dục lây lan khi tiếp xúc da kề da với người có vi rút HSV, thường là khi quan hệ tình dục bằng miệng hoặc bộ phận sinh dục. Nó cũng có thể lây lan qua nụ hôn, màn dạo đầu hoặc quan hệ tình dục không thâm nhập.

Có 2 loại HSV, tuy nhiên, cả hai loại virus này đều có thể ảnh hưởng đến môi, miệng, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn:

  • HSV1 thường gây ra mụn rộp trên môi hoặc mặt.
  • HSV2 gây ra hầu hết các bệnh mụn rộp sinh dục.

Vi-rút HSV dễ lây lan nhất khi có mụn nước hoặc vết loét, nhưng vẫn có thể lây truyền ngay cả khi bạn không có mụn nước hoặc vết loét hoặc các triệu chứng khác.

Bạn không thể bị lây bệnh mụn rộp sinh dục từ những hành động như ôm, bị lây ở bể bơi hoặc bồn cầu.

Bệnh mụn rộp sinh dục được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ lấy tăm bông từ vết phồng rộp hoặc vết loét để kiểm tra vi rút herpes simplex. Tốt nhất là nên lấy từ vết phồng rộp mới nổi dưới 4 ngày.

Điều trị mụn rộp sinh dục như thế nào?

Chưa có cách chữa khỏi bệnh mụn rộp sinh dục. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm giảm các triệu chứng bằng cách sử dụng thuốc chống vi-rút. Cách này có hiệu quả nhất khi bắt đầu trong vòng 72 giờ kể từ khi có các triệu chứng đầu tiên.

Thuốc có thể giúp kiểm soát các đợt bùng phát nếu chúng xảy ra thường xuyên hoặc trầm trọng. Thuốc chống vi-rút có thể làm giảm nguy cơ lây truyền vi-rút sang bạn tình.

Ngoài ra, còn có các cách giảm nhẹ triệu chứng sau:

  • nhẹ nhàng tắm vùng kín bằng dung dịch muối ấm (tỷ lệ: 1 thìa cà phê muối và 2 cốc nước, hoặc 1 cốc muối pha vào 1 bồn tắm)
  • thuốc giảm đau, như paracetamol hoặc ibuprofen
  • thuốc mỡ hoặc kem gây tê cục bộ
  • đi tiểu khi ngồi ngâm trong bồn nước ấm, nếu tiểu buốt.

Sống chung với bệnh mụn rộp sinh dục

Nếu bạn bị mụn rộp sinh dục, điều quan trọng cần nhớ là phải luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và màng chắn miệng nếu quan hệ bằng miệng, ngay cả khi bạn không có triệu chứng gì. Màng chắn miệng là một miếng hình vuông bằng cao su mỏng có thể được đặt lên vùng âm hộ hoặc hậu môn khi quan hệ tình dục bằng miệng. An toàn nhất là tránh quan hệ tình dục khi bạn có mụn nước, vết loét hoặc các triệu chứng.

Điều quan trọng nữa là cần phải nói với bạn tình của bạn rằng bạn bị mụn rộp sinh dục. Bác sĩ có thể giúp bạn quyết định nên nói với ai và nói với họ như thế nào.

Nếu tôi có thai thì sao?

Bạn cần phải nói với bác sĩ sản khoa rằng bạn hoặc bạn tình đã bị mụn rộp sinh dục, để họ có thể theo dõi các triệu chứng và quản lý thai kỳ của bạn một cách an toàn. Có nguy cơ mẹ truyền vi-rút cho con nếu bạn sinh thường qua đường âm đạo trong lần đầu tiên bị nổi mụn rộp sinh dục. Trường hợp này, bạn có thể được khuyến nghị sinh mổ.

Bệnh mụn rộp sinh dục có phòng tránh được không?

Quan hệ tình dục an toàn là cách tốt nhất giúp bạn ngăn ngừa lây nhiễm mụn rộp sinh dục.

An toàn nhất là:

  • Luôn luôn sử dụng bao cao su và màng chắn miệng (bằng cao su), ngay cả khi miệng không có vết loét hoặc vết phồng rộp
  • Tránh quan hệ tình dục khi có vết loét hoặc mụn nước - đây là thời điểm dễ lây bệnh nhất
  • Tránh quan hệ tình dục với người có bất kỳ mụn nước, vết loét hoặc các triệu chứng nào khác của bệnh mụn rộp sinh dục
  • Tránh quan hệ tình dục bằng miệng khi có bất kỳ dấu hiệu nào của mụn rộp
Nguồn: Healthdirect Australia

- 21-06-2022 -

Bài viết liên quan