Viêm mũi dị ứng ở trẻ

Đây là tình trạng viêm mãn tính trong mũi do hệ miễn dịch phản ứng với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, nấm mốc hoặc lông chó mèo.... 

Đây là tình trạng viêm mãn tính trong mũi do hệ miễn dịch phản ứng với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, nấm mốc hoặc lông chó mèo.... Điều này dẫn đến sưng lớp niêm mạc lót bên trong mũi và tăng tiết dịch nhầy, gây ra hắt hơi, ngứa mũi, nghẹt mũi hay chảy mũi, có thể bao gồm ngứa họng, ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt dai dẳng… Các triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt, học tập, làm việc, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Viêm mũi dị ứng ở trẻ
Viêm mũi dị ứng ở trẻ (Ảnh minh họa)

Nếu ba hoặc mẹ của bé có dị ứng, xác suất dị ứng cho bé là 40-50%. Nếu cả ba lẫn mẹ đều dị ứng thì tỉ lệ này khoảng 70-80%. Các thành viên trong gia đình có thể dị ứng do những nguyên nhân khác nhau.

Mỗi người bị dị ứng có một ngưỡng phải đạt được trước khi chất gây dị ứng gây ra phản ứng, và điều này có thể mất vài tháng đến vài năm. Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng đôi khi cải thiện theo thời gian, nhưng có thể mất nhiều năm và không chắc rằng tình trạng này sẽ biến mất hoàn toàn. Nó phụ thuộc vào tần suất bé của bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng. Nếu người bị dị ứng với phấn hoa thì triệu chứng chỉ xuất hiện vài tháng trong năm, trong khi có một số người dị ứng dai dẳng không dứt trong năm.

Triệu chứng viêm mũi dị ứng
Triệu chứng viêm mũi dị ứng (Ảnh minh họa)

Sốt không phải là dấu hiệu của bệnh. Viêm mũi dị ứng có thể dẫn đến biến chứng viêm xoang, viêm tai giữa, polyp mũi. Những vấn đề này thường có thể được điều trị bằng thuốc, trong những trường hợp nặng thì cần can thiệp phẫu thuật.

Qua việc hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng, các bác sĩ có thể phát hiện ra viêm mũi dị ứng. Trong một số trường hợp , xét nghiệm máu và test da có thể giúp chẩn đoán bé đang bị dị ứng với chất nào. Tuy nhiên hãy nhớ rằng thử nghiệm cho bạn biết những gì con bạn bị dị ứng vào thời điểm đó, nhưng nó có thể thay đổi khi bé lớn lên. Nếu bé có kết quả xét nghiệm da âm tính nhưng vẫn tiếp tục có các triệu chứng dị ứng, bé cũng cần được đánh giá lại sau 6 đến 12 tháng.

Có nhiều cách điều trị viêm mũi dị ứng. Nếu bé ở mức độ nhẹ, đôi khi chỉ cần hạn chế tiếp xúc hay không tiếp xúc hoàn toàn với chất gây dị ứng đã giúp cải thiện tình hình đáng kể. Nếu vẫn chưa khắc phục triệt để, bé có thể cần sử dụng thuốc để làm giảm triệu chứng. Hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài và có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, hay có tình trạng nhiễm trùng bao gồm sốt, đau mặt, đau răng, đau các xoang, hơi thở hôi…

References:

Bs Lưu Hồng Vân (Bài viết 12/09/2018) 

- 04-03-2019 -

Bài viết liên quan