Thai ngoài tử cung và các dấu hiệu không thể bỏ qua

Rất khó có thể chẩn đoán chính xác thai ngoài tử cung vì các triệu chứng bao gồm trễ kinh, căng đau ngực, buồn nôn hoặc mệt mỏi… khá giống với các triệu chứng mang thai sớm.

Các dấu hiệu thai ngoài tử cung

(Ảnh minh họa)

Rất khó có thể chẩn đoán chính xác thai ngoài tử cung vì các triệu chứng bao gồm trễ kinh, căng đau ngực, buồn nôn hoặc mệt mỏi… khá giống với các triệu chứng mang thai sớm. Đừng lo lắng quá mức nếu thỉnh thoảng bạn bị chuột rút hoặc thấy xuất hiện đốm máu nhỏ ở âm đạo. Tuy nhiên, hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn có một trong các triệu chứng sau - đặc biệt nếu kéo dài hoặc ngày một nặng thêm:

  • Chảy máu nhẹ bất thường hoặc xuất hiện đốm máu nâu sau khi xác định đã mang thai
  • Chảy máu âm đạo ngoài chu kỳ kinh nguyệt
  • Đau nhói hoặc đau quặn bụng, thường ở vùng bụng dưới (thường bắt đầu bằng một cơn đau âm ỉ rồi đến cơn đau thắt, đau nhói); cơn đau có thể liên tục hoặc gián đoạn và có thể trầm trọng hơn khi bạn cử động hoặc ho.

Các biến chứng nếu không điều trị sớm

Nếu không được chuẩn đoán và điều trị sớm, trứng đã thụ tinh sẽ phát triển ngày một lớn hơn trong ống dẫn trứng dẫn đến vỡ vòi trứng, gây ra các vấn đề nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này, các dấu hiệu trầm trọng bao gồm:

  • Chảy máu ồ ạt vào ổ bụng
  • Đau bụng dữ dội
  • Áp lực lên trực tràng
  • Nôn
  • Huyết áp tụt thấp, chóng mặt, ngất xỉu do mất máu
  • Đau vai do sự tích tụ máu dưới cơ hoành

Nếu phát hiện sớm, bạn có thể được chữa trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Vậy nên hãy gọi ngay cho bác sỹ khi gặp các triệu chứng mà bạn nghĩ có liên quan đến thai ngoài tử cung.

Nguy cơ và nguyên nhân

Theo số liệu từ bệnh viện Từ Dũ, cứ 1000 người mang thai sẽ có từ 4 -10 người có thể bị thai ngoài tử cung. Những phụ nữ trên 35 tuổi và những người hút thuốc lá có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn bình thường. Mặc dù khó xác định nguyên nhân chính xác, nhưng những yếu tố sau được xác định là có mối liên hệ với việc mang thai ngoài tử cung:

  • Lạc nội mạc tử cung
  • Viêm nhiễm vùng chậu
  • Từng mang thai ngoài tử cung
  • Đã phẫu thuật thắt ống dẫn trứng
  • Dùng thuốc tránh thai progesterone
  • Mang thai khi sử dụng vòng tránh thai
  • Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia và bệnh lậu

Nếu bạn nằm trong nhóm có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao, hãy khám bác sĩ trước khi bạn có ý định mang thai, và hẹn tái khám ngay khi bạn phát hiện mình có thai.

Cách phòng ngừa

  • Bất cứ khi nào bạn muốn có thai, hãy tập thể dục, ăn uống điều độ và dùng vitamin bổ sung dành cho  thai phụ để cơ thể khỏe mạnh.
  • Không hút thuốc lá
  • Sử dụng bao cao su để ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục khi bạn chưa có ý định mang thai
  • Điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung theo chỉ dẫn của bác sỹ

Khi nào chuẩn đoán thai ngoài tử cung chính xác nhất?

Thai ngoài tử cung thường được chẩn đoán trong khoảng 4-6 tuần mang thai thông qua siêu âm để xác định vị trí thai và xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone HCG (Human Chorionic Gonadotropin – đây là một loại hormone thai kỳ được tiết ra bởi nhau thai và được phát hiện bằng các xét nghiệm máu).
Tài liệu tham khảo: What to expect, Bệnh viện Từ Dũ

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan