Nôn mửa ở trẻ nhỏ

Trong những tuần đầu tiên của cuộc đời, trẻ thường xuyên nôn trớ do đang trong quá trình thích nghi với việc bú sữa để lấy dinh dưỡng qua đường miệng. So với trớ sữa, khi nôn trẻ mất nhiều dịch hơn. Nôn có thể rất khó chịu và khủng khiếp, vì vậy trẻ thường khóc kèm mỗi lần nôn.

Bất kể điều gì, từ say xe cho đến khó tiêu đều có thể dẫn đến việc nôn ở trẻ. Thậm chí khóc hoặc ho quá lâu cũng có thể làm trẻ nôn. Vì thế, trong một vài năm đầu đời, trẻ có thể sẽ nôn rất nhiều lần.

Cơn nôn thường sẽ giảm bớt trong vòng 6 đến 24 giờ từ khi bắt đầu nôn. Trong thời gian này, trẻ chỉ cần được uống nhiều nước để đảm bảo không bị mất nước. Nếu trẻ vẫn khỏe mạnh và tăng cân bình thường, bạn có thể yên tâm về sức khỏe của trẻ. Dù vậy, nếu bạn vẫn thấy lo lắng hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ.

Khi nào nôn là dấu hiệu bất thường?

Trong vòng một vài tháng đầu đời, nôn trớ thường do chế độ ăn hay bú sữa của trẻ chưa hợp lí, chẳng hạn như là trẻ ăn quá no mà bạn không giúp trẻ ợ hơi kịp thời.

Khi trẻ lớn hơn một chút, nhất là sau khoảng 6 tháng tuổi, việc trẻ đột nhiên nôn đa phần do nhiễm trùng ở dạ dày, ví dụ như viên dạ dày ruột, và thường đi kèm ỉa chảy.

Ngoài ra, trẻ cũng có thẻ nôn khi bị các bệnh sau:

  • Cảm lạnh
  • Nhiễm trùng đường niệu
  • Nhiễm trùng tai

Dị ứng thức ăn cũng là một trong những nguyên nhân gây nôn. Không cho trẻ ăn những loại thực phẩm gây dị ứng có thể cắt cơn nôn. Tuy nhiên, nên trao đổi kĩ với bác sĩ trước khi loại bỏ một loại thực phẩm nào đó khỏi khẩu phần ăn của trẻ.

Nôn có khi còn là triệu chứng của những bệnh nghiêm trọng hơn. Nếu bạn thấy trẻ có bất kì biểu hiện nào dưới đây, đưa trẻ đi khám ngay:

  • Mất nước, biểu hiện bằng khô miệng, ít nước mắt, chóp trũng, mệt lả, hoặc tiểu ít hơn bình thường (sử dụng ít hơn 6 tã lót một ngày).
  • Sốt.
  • Bỏ bú.
  • Nôn kéo dài hơn 12 giờ, hoặc nôn vọt.
  • Ban đỏ không mất đi khi căng da.
  • Buồn ngủ nhiều hoặc dễ bị kích thích.
  • Thóp phồng.
  • Thở gấp.
  • Chướng bụng.
  • Nôn ra máu hay mật xanh.
  • Nôn vọt nhiều ở trẻ sơ sinh trong vòng 30 phút sau ăn.

Nôn ra máu hay dịch mật xanh: nếu trước khi nôn trẻ vẫn khỏe mạnh bình thường thì không cần lo lắng nhiều nếu gặp trường hợp này. Nó có thể là do lực nôn làm tổn thương mạch máu ở thực quản gây chảy máu, hoặc do trẻ nuốt phải máu do những tổn thương trong miệng hoặc bị chảy máu cam trong vòng 6 giờ trước đó.

Tuy nhiên, bạn nên đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ tiếp tục nôn ra máu hoặc lượng máu nôn ra ngày càng tăng. Bác sĩ  sẽ cần một lượng nhỏ dịch nôn có chứa máu hoặc mật để kiểm tra quan sát, vì vậy, hãy giữ lại một phần dịch nôn của trẻ có chứa máu hoặc mật trong đó. Nôn ra mật là dấu hiệu của tắc ruột, tình trạng này cần được chữa trị nhanh nhất có thể.

Nôn vọt hoặc nôn liên tục ở trẻ sơ sinh 30 phút sau ăn: Tình trạng này có thể do hẹp môn vị, một bệnh lí khá hiếm gặp ở trẻ. Hẹp môn vị có thể gặp ở trẻ dưới 4 tháng tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ khoảng vài ba tuần tuổi.

Hẹp môn vị là khi van nối thông trực tiếp từ dạ dày xuống ruột non quá dày, làm cho lượng thức ăn không xuống ruột hết được, bị tắc lại ở dạ dày, vì thế trẻ nôn khi no hoặc khi ăn vào. Tình trạng này không quá nghiêm trọng, tuy nhiên phải cần sự can thiệp của y khoa mới giải quyết được.

Nôn mửa ở trẻ nhỏ
Làm gì khi trẻ bị nôn?

Thông thường không cần quá lo lắng khi trẻ nôn, và tình trạng nôn sẽ nhanh chóng được cải thiện. Dưới đây là một số việc bạn có thể làm để giúp trẻ nhanh chóng phục hồi:

Cho trẻ uống đủ nước: Trẻ mất nước khi nôn, vì vậy việc bổ sung nước cho trẻ rất quan trọng. Bên cạnh việc duy trì thói quen uống sữa hoặc nước như bình thường của trẻ, cho trẻ uống thêm dung dịch bù nước vài ba lần một giờ. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết được phương thức và lượng nước thích hợp trước khi bù nước cho trẻ. Và đừng cho trẻ uống nước hoa quả hoặc nước ngọt có ga.

Cho trẻ sinh hoạt bình thường: 12 đến 24 giờ sau lần nôn cuối, bạn có thể cho trẻ ăn uống sinh hoạt như bình thường. Tuy nhiên, hãy tiếp tục cho trẻ bù nước cho trẻ bằng nước lọc hoặc sữa. Nếu trẻ đang ăn dặm, bắt đầu cho trẻ ăn trở lại với các thực phẩm dễ tiêu như ngũ cốc hoặc sữa chua. Bạn cũng có thẻ cho trẻ dùng các dung dịch đông đá, như là kem, nếu trẻ đã hơn 12 tháng.

Cho trẻ nghỉ ngơi: Ngủ có thể giúp cho trẻ thoải mái hơn. Trong lúc ngủ, dạ dày đẩy thức ăn xuống ruột non, làm giảm nôn.

Đừng cho trẻ dùng thuốc chống nôn, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

 Nếu trẻ đang đi nhà trẻ, cho trẻ nghỉ ngơi ở nhà ít nhất 48 giờ sau lần nôn cuối.

Nếu trẻ thường xuyên bị trớ, hãy tìm hiểu sâu hơn về cơ chế trào ngược ở trẻ cũng như lượng sữa nên cho trẻ uống mỗi lần.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan