Nổi mề đay và sẩn ngứa khi mang thai

Nổi mề đay là căn bệnh về da khá phổ biến, tuy nhiên cách trị mề đay cho bà bầu phức tạp hơn người bình thường bởi phải đảm bảo an toàn cho cả thai nhi. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến nổi mề đay khi mang thai? Có cách trị mề đay nào cho bà bầu an toàn và hiệu quả?

Nổi mề đay là căn bệnh về da khá phổ biến, tuy nhiên cách trị mề đay cho bà bầu phức tạp hơn người bình thường bởi phải đảm bảo an toàn cho cả thai nhi. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến nổi mề đay khi mang thai? Có cách trị mề đay nào cho bà bầu an toàn và hiệu quả?

(Ảnh minh họa)

Bệnh da do thai là một bệnh lý hình thành do ảnh hưởng của sự thay đổi nội tiết thai kỳ. Điển hình của bệnh là chứng mề đay sẩn ngứa hay còn gọi chứng phát ban đa dạng, với tần suất 0,25-1% số phụ nữ mang thai.

Bệnh thường xảy ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ hoặc có thể bắt đầu sớm hơn. Ngứa sẩn mề đay thường phổ biến hơn ở phụ nữ mang song thai hoặc con so.

Dấu hiệu nổi mề đay

Bệnh nổi mề đay với đặc trưng là phát ban ở da có kèm theo ngứa, các mảng và sẩn mề đay trên nền hồng ban kích thước 1 - 2mm, xuất hiện đầu tiên ở bụng, sau đó lan ra mông, đùi và tứ chi thường xảy ra vào những tháng cuối của thai kỳ.

Theo Aroson (1998), các tổn thương này có thể gây ngứa nặng, khoảng 40% ở dạng mề đay; 45% ở dạng hồng ban; 15% ở dạng kết hợp. Bệnh thường gặp ở người sinh con so và ít khi tái phát ở những thai kỳ sau. Nổi mề đay có thể giống với Herpes thai kỳ nhưng không có các mụn nước và bóng nước.

(Ảnh minh họa)

Nguyên nhân của bệnh nổi mề đay khi mang thai

Đây là chứng bệnh chưa rõ về căn nguyên. Theo tác giả Aractingi năm 1998, sự hình thành mề đay sẩn ngứa do sự kích thích của các tế bào phôi thai xâm nhập vào da của bà mẹ. Năm 2002 - 2003, các tác giả Barinaga và Srivatsa có những báo cáo: tế bào ở bà mẹ có liên quan với các rối loạn tự miễn ở thời kỳ còn trẻ. Về mặt thực tế lâm sàng rất đa dạng, nên việc phân loại bệnh còn gặp nhiều lúng túng. Kết quả sinh thiết từ những nốt sẩn ngứa, cho thấy viêm quanh mạch máu nhẹ với sự xâm nhập của các mô bào và lympho bào không đặc hiệu với các bạch cầu ái toan chiếm ưu thế. Đây là bệnh da đặc hiệu gây ngứa phổ biến trong thai kỳ. Ở Mỹ được gọi là PUPPP (Pruritic Urticarial Papules and Plaques of Pregnancy) và ở Anh được gọi là phát ban đa dạng (PEP: polymorphic eruption of pregnancy).

Điều trị bệnh mề đay

Chủ yếu là điều trị triệu chứng. Dùng kháng histamine uống và các thuốc làm dịu da cũng làm thuyên giảm ở một số trường hợp, nhưng đa phần cần dùng kem hay thuốc mỡ steroid tại chỗ. Steroid uống nếu các phương pháp trên thất bại và đối với các trường hợp ngứa nặng. Trong nhiều trường hợp hồng ban sẽ biến mất nhanh chóng trước, trong hay vài ngày sau khi sinh. Khoảng 15 - 20% số phụ nữ, các triệu chứng tồn tại dai dẳng 2 - 4 tuần sau khi sinh.

Nguyên nhân gây ra chứng mề đay và sẩn ngứa khi mang thai chưa rõ ràng. Bệnh không liên quan đến tiền sản giật, sản giật, các bệnh rối loạn tự miễn, các bất thường về hormone hay những bất thường khác về thai nhi. Việc điều trị cần có sự kê toa của bác sĩ da liễu và sự theo dõi thai kỳ chu đáo của bác sĩ sản khoa.

Khi có các triệu chứng của mề đay, mẹ bầu cần đến các bác sĩ chuyên khoa hoặc Gọi Bác sĩ Sản Phụ Khoa để được tư vấn cách chăm sóc và điều trị phù hợp. Không tùy tiện sử dụng thuốc không kê toa tại các hiệu thuốc để tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Một số biện pháp chăm sóc tại nhà  

Chườm mát bằng khăn lạnh, ẩm: Độ ẩm và nhiệt độ thấp có thể làm dịu nhanh làn da và ngăn ngừa hình thành thêm các nốt mẩn ngứa. Bởi vậy, khi bị nổi các nốt mề đay, mẩn ngứa bạn nên ngâm khăn mềm trong nước lạnh, sau đó vắt ráo nước (chú ý khăn ẩm, chứ không ướt sũng) và áp lên vị trí da bị ảnh hưởng khoảng 30 phút. Nên làm mỗi ngày 3 lần cho đến khi những nốt mẩn ngứa biến mất.

Tắm rửa vệ sinh sạch sẽ: Nhiều người nghĩ rằng khi bị dị ứng cần phải kiêng nước. Điều này hoàn toàn không đúng. Bởi lẽ việc tắm rửa vệ sinh hàng ngày sẽ giúp bỏ những tác nhân gây dị ứng trên da và giúp da thoáng mát hơn. Lưu ý không nên tắm bằng nước nóng và sử dụng các loại xà phòng tẩy rửa để tắm.

Mặc quần áo cotton, mềm: Quần áo bó chật, chất vải nóng là tác nhân làm trầm trọng thêm tình trạng mẩn ngứa, mẩn đỏ. Do đó, tốt nhất bạn nên chọn quần áo có chất liệu mềm mại, nhẹ nhàng và thoáng mát. Tránh dùng các loại xà phòng hay dung dịch tẩy rửa mạnh, tránh dùng các sản phẩm chăm sóc da vì dễ gây dị ứng. Chú trọng tránh các thức ăn gây dị ứng trước đó.

Theo BS. CKII. Nguyễn Hữu Thuận

Nguồn: Sức khỏe & Đời sống

Wellcare tổng hợp

- 20-04-2021 -

Bài viết liên quan