Quy tắc dạy con bảo vệ cơ thể để tránh bị lạm dụng tình dục

Trên thế giới, cứ 4 bé gái lại có 1 bé bị xâm hại tình dục, cứ 6 bé trai lại có 1 bé bị xâm hại tình dục. Độ tuổi trung bình của các em khi bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Có tới 93% các em bé bị xâm hại bởi người mà bé quen, và 47% kẻ xâm hại có

Trên thế giới, cứ 4 bé gái lại có 1 bé bị xâm hại tình dục, cứ 6 bé trai lại có 1 bé bị xâm hại tình dục. Độ tuổi trung bình của các em khi bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Có tới 93% các em bé bị xâm hại bởi người mà bé quen, và 47% kẻ xâm hại có ở trong gia đình hoặc họ hàng. 

(Ảnh minh họa)

Nguyên tắc giúp trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi kẻ lạm dụng tình dục

Những quan niệm sai lầm của người lớn có thể đẩy con mình vào tình huống nguy hiểm. Sau đây là một số quy tắc bảo vệ cơ thể tối thiểu mà bố mẹ nên trang bị cho bé:
1. Đối với trẻ từ 2.5 tuổi trở lên, nếu con đã tự đi vệ sinh được, hãy đưa ra nguyên tắc “KHÔNG NHÌN, NGÓ” con trong lúc đang đi vệ sinh để bé biết rằng đó cũng là một việc riêng tư cần được tôn trọng.
Nếu con đi tiểu, bố mẹ có thể để giấy hoặc khăn lau gần chỗ con đi vệ sinh để con có thể tự làm. Lúc đầu, nếu con còn bỡ ngỡ chưa quen và hơi sợ sệt khi trong phòng vệ sinh một mình thì bố mẹ nên đứng bên ngoài cửa và dặn con trước: “Mẹ/bố đứng ngay ngoài cửa, con yên tâm nhé, nếu con cần giúp đỡ thì chỉ cần gọi mẹ/bố thôi”. Làm như vậy, con sẽ cảm thấy đỡ căng thẳng và an tâm hơn khi tự đi vệ sinh.
2. Đối với bé gái, nếu bố mẹ đi công tác phải để con ở nhà với ông bà thì dặn con chỉ được ngủ cùng bà, không ngủ cùng ông hoặc thành viên nam khác (như chú, cậu…), dù là người thân thuộc. Và dù là bé trai hay bé gái, hôm sau khi trở về, bố mẹ nên hỏi “Tối qua con ngủ như thế nào?…”.
3. Không ai được phép chụp ảnh các bộ phận 'riêng tư' của con. Không đăng ảnh “hở” của con lên mạng xã hội, đặc biệt khi con đã trên 2 tuổi. Giữ an toàn trên mạng xã hội cũng là tăng sự an toàn ngoài đời thực.
4. Nhắc nhở con gái không bao giờ được ngồi trong lòng ai đó, kể cả là chú/bác của mình, trong bất kỳ tình huống nào, đặc biệt khi con 3 - 4 tuổi trở lên.
5. Giới hạn và kiểm soát việc con xem tivi. Tuyệt đối không để trẻ thấy được những cảnh nhạy cảm trên tivi khi đang xem cùng người lớn. Không cho con xem tranh/ ảnh, hoặc đọc sách/ truyện có hình ảnh hoặc từ ngữ nhạy cảm.
6. Dạy con thay quần áo ở 'chỗ kín đáo', không thay quần áo ở chỗ đông người, dù là người nhà đi chăng nữa. Bố mẹ tuyệt đối không được thay đồ trước mặt con
7. Không đi vệ sinh ở nơi có thể dễ dàng nhìn thấy các bộ phận kín của con. Nhiều bố mẹ thường có thói quen khi con mắc tiểu là cho 'giải quyết' ngay ở vỉa hè. Cách đó khiến con không ý thức được rằng việc tiểu tiện đúng nơi cũng là trân quý và giúp bảo vệ bản thân.
8. Bé gái nên mặc đồ lót từ 2 - 3 tuổi trở lên. Chú ý chọn đồ lót phù hợp với lứa tuổi và vóc dáng của con. Với các bé gái từ 2-4 tuổi mà dáng người mảnh mai, bố mẹ có thể chọn dạng quần đùi cotton ngang sẽ vừa kín đáo, vừa đảm bảo thoáng mát. Khi con tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời hoặc tập thể thao, hướng dẫn con mặc trang phục phù hợp, tránh 'hở hang' hoặc 'dễ làm lộ bộ phận cơ thể'.
9. Quan tâm và trò chuyện với con mỗi ngày sau khi đi học về. Nếu con có thái độ bất thường như sợ sệt, rụt rè, ít nói hơn bình thường hay con có các hành động khác lạ như con hay đặt tay vào chỗ kín, con chơi trò 'người lớn' với búp bê hoặc gấu bông..., hãy cố gắng thấu hiểu để tìm ra nguyên nhân.
Khuyến khích con chia sẻ bí mật với bố mẹ. Để làm được điều đó, bố mẹ phải là người thường xuyên tương tác, trò chuyện, kiên nhẫn và thấu hiểu con.
10. Trẻ từ 2.5 tuổi trở lên,  cha mẹ nên bắt đầu dạy con về những phần thân thể riêng tư, không ai được đụng vào. Dạy con nói KHÔNG khi ai đụng chạm vào phần thân thể riêng tư. Việc dạy này cứ từ từ mưa dầm thấm đất. Việc dạy này không phải tạo cho con áp lực hay cho những lời thái quá để làm con sợ mà nhớ, đơn giản dạy trẻ về ngôn ngữ, cách nói lên những phần 'riêng tư' đó, để khi con bị lạm dụng vào những phần đó, con biết kể chính xác về vị trí đó. Hoặc ai đó (dù người lạ/quen) chạm vào những chỗ đó, con biết cách nói 'Không, con không thích bác chạm vào ... phần này của con mà.' Hãy dạy con cách phản ứng 'KHÔNG', nói lớn điều này khi ai đó làm chuyện không hay, dù đó là đang đùa giỡn. Về luật bảo vệ quyền trẻ con, việc đùa giỡn trên các phần riêng tư của trẻ là không được cho phép.
Việc nói lớn 'KHÔNG' cũng giúp cha mẹ/người lớn xung quanh có thể hiểu tình huống để bảo vệ bé. Việc dạy bé nói lớn 'Không' như một phản xạ ai đó làm xấu với bé, cũng giúp bé không mang nỗi lo lắng một mình, cũng giúp bé tránh bị đe dọa hoặc dụ dỗ bởi người đang lạm dụng đó. Việc nói lớn 'Không' cũng làm cho kẻ lạm dụng ngại và ngừng hành động của hắn.
Hơn nữa, đừng luôn dạy bé cảnh giác với người lạ/người ngoài vì làm bé chỉ nghĩ người lạ mới cần lên tiếng 'Không'. Trên thực tế, việc lạm dụng của người quen phổ biến hơn người lạ. Cha mẹ nên dạy bé rằng việc đụng chạm vào phần riêng tư là không nên cho tất cả mọi người, dù là người quen biết với bé.
Nếu con đã nói KHÔNG mà ai đó vẫn có hành động sai trái thì dạy con hét thật to, bỏ chạy về phía một người lớn khác, hoặc cắn. Hoặc nếu là bạn bè cùng lứa mà con nhắc bạn không nghe và còn tiếp tục thì hãy đẩy bạn ra.
Tất cả chúng ta nên có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ con, nên giúp trẻ lên tiếng và tôn trọng điều trẻ đang nói. Phản ứng kịp thời của mỗi chúng ta sẽ giúp trẻ sống an toàn hơn. Do đó, khi nghe con nói lớn 'Không', đừng dửng dưng và phải có thái độ giúp con phản đối dù người đó là người thân của bé. Sự phản đối và gây áp lực của các bạn sẽ giúp con an toàn và làm kẻ lạm dụng đó không còn 'suy nghĩ dâm ô', cho lần khác.
11. Không chê bai các nhược điểm của cơ thể con, dù chỉ là câu nói đùa.
12. Dạy con không nhận bất cứ thứ gì người lạ đưa cho (khi không có bố mẹ hoặc người thân ở đó).
Lưu ý: Thống nhất nguyên tắc và cách giáo dục trẻ giữa các thành viên trong gia đình. Bố mẹ nên cập nhật thông tin theo từng mốc phát triển của con để có hướng dẫn phù hợp. Ví dụ khi con bước vào tuổi thiếu niên thì phải dạy con các vấn đề lớn hơn như truy cập internet an toàn, chuyện về bao cao su…

Không gian riêng tư của con

Chuyện không nên thay đồ nơi công cộng có liên quan đến một nội dung mà người lớn phải dạy cho trẻ. Đó chính là bảo vệ không gian riêng tư của bản thân, tôn trọng không gian riêng tư của người khác cũng như giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp.
Không gian riêng tư là nơi chúng ta làm những việc hoàn toàn cá nhân như thay quần áo, tắm rửa, đi vệ sinh. Đó cũng có thể là nơi cất giữ những đồ vật riêng như tiền bạc, nhật ký, tài liệu… Người lớn rất khó chịu khi bị xâm phạm không gian riêng tư nhưng lại rất tự nhiên xâm phạm không gian này ở trẻ. Chẳng hạn, dù trẻ có thể tự làm một mình nhưng hầu hết chúng ta không để trẻ một mình thay đồ, tắm rửa mà thích… làm chung với trẻ! Dù trẻ lên 3 rất thích khẳng định bản thân, đòi tự làm thì cha mẹ cũng hăng hái đòi làm thay, vì sợ con tự tắm thì không sạch, tự thay quần áo thì mặc ngược. Thực chất, sự can thiệp này không vì lợi ích của trẻ mà vì lợi ích trước hết của người lớn vì “để tụi nó tự làm, sửa lại có khi mất công hơn!”.
Ngoài việc tước bỏ cơ hội tự lập, cha mẹ còn đang vi phạm nguyên tắc về sự riêng tư và khiến trẻ có thể không ý thức được tầm quan trọng của vấn đề không gian riêng tư. Sự thiếu ý thức này dẫn đến rất nhiều hệ lụy về sau, trong đó, trẻ có thể dễ dàng để cho người khác thấy mình thay đồ, đi vệ sinh, chạm vào cơ thể, vùng kín.

Các bước dạy con về không gian riêng tư

Dạy về không gian riêng tư, cha mẹ nên tiến hành từng bước. Với trẻ nhỏ, không nên giải thích dài dòng mà chỉ cần lập ra nguyên tắc và thực hành thường xuyên để trẻ ghi nhớ. Một số gợi ý sau đây dành cho cha mẹ dạy con ở nhiều độ tuổi khác nhau.

  • Trẻ dưới 3 tuổi, cha mẹ có thể dạy trẻ ghi nhớ máy móc

Ví dụ, cha mẹ hỏi và dạy trẻ trả lời “Mình thay đồ ở đâu?”, trẻ cần trả lời “Ở nhà tắm”. “Ở đâu nữa?”, trẻ lại trả lời “Ở phòng ngủ”. Hỏi “Mình tắm ở đâu?”, trẻ cần trả lời “Nhà tắm”. “Mình đi tè, đi ị ở đâu?”, trẻ phải trả lời “Nhà vệ sinh’.

  • Trẻ từ 3 tuổi trở lên, cha mẹ có thể dùng mô hình, vật thật, thông qua câu chuyện kể để giúp trẻ hiểu nguyên tắc

Chẳng hạn, cha mẹ có thể lấy một cái nhà búp bê và một con búp bê có mặc quần áo rồi bắt đầu kể chuyện: “Bạn Bi ngồi trong phòng khách ăn trưa, ăn xong bạn Bi muốn đi tắm. Bạn Bi vào nhà vệ sinh, khóa cửa lại và cởi quần áo. Bạn Bi đang tắm, tắm xong bạn Bi mặc quần áo xong mới đi ra ngoài”.
Sau khi kể chuyện, cha mẹ bắt đầu đặt câu hỏi như “Bạn Bi đi tắm ở đâu? Bạn Bi cởi quần áo ở đâu?”, “Bạn Bi có được cởi quần áo ở phòng khách không?”, “Nếu bạn Bi cởi quần áo ở phòng khách thì sao?”, “Tại sao phải cởi quần áo ở nhà vệ sinh?”.
Sau đó, cha mẹ hỏi lại để trắc nghiệm khả năng kiến thức của con như “Vậy mình tắm ở đâu?”, “Tại sao mình phải vào nhà tắm, nhà vệ sinh để thay đồ?”…
Rèn cho con kỹ năng tự vệ sinh thân thể và mặc quần áo: Ban đầu, cha mẹ hướng dẫn, làm mẫu cho con; kế tiếp, cha mẹ để con tự làm, mình chỉ giám sát; sau đó cho con tự làm, không cần giám sát mà chỉ kiểm tra kết quả. Ví dụ, trẻ tắm xong, cha mẹ có thể kiểm tra xem trẻ đã sạch xà bông chưa.

  • Cha mẹ luôn duy trì việc thực hành nguyên tắc trên trong mọi tình huống

Ở nhà, cha mẹ vẫn cần hướng dẫn trẻ thay đồ ở nhà vệ sinh, phòng ngủ và tôn trọng không gian riêng tư của trẻ. Không được dễ dãi theo kiểu để trẻ thay đồ ở phòng khách hay nơi công cộng.
Khi dẫn trẻ ra ngoài chơi, có thể trẻ sẽ làm bẩn quần áo hay tè dầm, cha mẹ cần dắt trẻ vào nhà vệ sinh, tuyệt đối không thay đồ cho trẻ ở nơi công cộng. Trường hợp không có nhà vệ sinh cũng phải che chắn kỹ bằng áo khoác rộng, khăn to, áo đi mưa rồi mới thay.
Hãy nhớ, việc phơi bày thân thể có thể khiến con bạn trở thành mục tiêu của những kẻ xâm hại tình dục mà bạn không hề hay biết.

  • Cha mẹ không được thay quần áo trước mặt trẻ

Thường chúng ta nghĩ rằng trẻ còn nhỏ, chưa hiểu chuyện nên cũng “vô tư” thay quần áo trước mặt trẻ. Điều này sẽ làm cho trẻ mất đi sự hiểu biết về những nguyên tắc riêng tư mà trẻ đã được học trước đó.
Dạy giới tính cho trẻ, cần kỹ tính và nhất quán, cha mẹ nhé!

Nguồn tham khảo: Green Pine Clinic

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan