Hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh ở trẻ

Kháng sinh sử dụng bừa bãi thường gây tác dụng phụ như tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ thậm chí tử vong. Nguy hiểm hơn, lạm dụng kháng sinh dễ dẫn đến đề kháng kháng sinh (hay còn gọi là lờn kháng sinh), về sau khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì nó không còn tác dụng nữa, người bệnh sẽ dễ có nguy cơ bị bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong.

Dân gian có câu “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Nhiều người có thói quen uống thuốc ngay khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe. Trẻ em có các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi thì được cho uống thuốc ngay, phổ biến là thuốc kháng sinh. Nhiều tiệm thuốc dễ dàng bán thuốc kháng sinh cho người bệnh mà không cần toa thuốc của bác sĩ. Hệ quả là thuốc chẳng những không trị được bệnh mà còn tăng sức công phá của vi khuẩn gây nên các bệnh khác.

Năm 2011, nhân Ngày Sức khỏe Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phổ biến khẩu hiệu: “Hãy chống lại tình trạng kháng thuốc – Không hành động hôm nay, không chữa trị được ngày mai”.

Năm 2014, khẩu hiệu trên đã được nhắc lại, nhằm khuyến cáo về tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh ở người dân thể hiện ở thói quen mua về tự điều trị không cần toa của thầy thuốc, dùng kháng sinh không đúng bệnh, không đúng liều, không đủ thời gian, tùy tiện… hệ lụy của nó là chúng ta đang đứng trước nguy cơ bị hạn chế về các phương thuốc điều trị.

Hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh ở trẻ. (Ảnh minh họa)

Trò chuyện về vấn đề này, BS Nguyễn Trí Đoàn, Trưởng khoa Nhi - Phòng Khám Quốc tế Victoria Healthcare chia sẻ:

"Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi trùng (bacteria), không có tác dụng đối với các bệnh do siêu vi (virus). Vì vậy, hầu hết các trường hợp sốt do siêu vi, viêm họng, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy… thì không nên dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh thì còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Vì vậy, nếu sử dụng kháng sinh quá nhiều thì cơ thể sẽ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn.

Kháng sinh sử dụng bừa bãi thường gây tác dụng phụ như tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ, thậm chí tử vong. Nguy hiểm hơn, lạm dụng kháng sinh dễ dẫn đến hiện tượng đề kháng kháng sinh (hay còn gọi là lờn kháng sinh), về sau khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì nó không còn tác dụng nữa, người bệnh có nguy cơ bị bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong."

* Hỏi: Phải chăng đó là lý do vì sao càng uống nhiều kháng sinh thì càng dễ mắc bệnh và tái bệnh?

BS Đoàn: Đúng vậy, dễ thấy nhất là ở trẻ em. Những trẻ uống kháng sinh nhiều thì sẽ rất dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn, trong khi những bệnh này thường là do siêu vi và “thuốc” điều trị tốt nhất là thời gian (chờ bệnh tự khỏi). Có nhiều triệu chứng bệnh ở trẻ là phản ứng có lợi để giúp chống lại nhiễm trùng.

Chẳng hạn như chứng ho ở trẻ. Ho không phải là bệnh mà là cơ chế giúp tống vi trùng, virus, chất nhầy ra khỏi phế quản, giúp bảo vệ họng và phổi. Ho có thể là triệu chứng của cảm lạnh thông thường hoặc là biểu hiện của nhiễm khuẩn đường hô hấp như: viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiêu phế quản hoặc viêm phổi.

Khi bé ho do cảm lạnh kèm sổ mũi, không sốt hoặc sốt nhẹ nhưng bé vẫn ăn uống, chơi đùa bình thường, không nôn ói thì cha mẹ chỉ cần chăm sóc bé bằng cách cho bé uống nhiều nước, ăn trái cây tươi, ăn cháo hoặc soup và theo dõi nhiệt độ cơ thể của con. Cha mẹ không nên tùy tiện cho con uống thuốc ho vì thuốc này có thể gây hại cho trẻ em.

Cách đây 10 năm, thế giới đã khuyến cáo không sử dụng thuốc ho cho trẻ dưới 2 tuổi vì có thể bị suy hô hấp, dễ bị viêm phổi, lừ đừ và tăng nguy cơ tử vong. Sau đó, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo là không dùng thuốc ho cho trẻ dưới 6 tuổi.

Tiếc thay, ở Việt Nam, việc mua thuốc ho quá dễ dàng, các phòng khám còn kê toa thuốc ho cho trẻ em cũng rất phổ biến. Tương tự như thuốc ho, thuốc hạ sốt cho trẻ em được dùng rất nhiều, thậm chí bác sĩ còn khuyến khích mua sẵn thuốc sốt ở trong nhà để khi trẻ sốt thì cho uống ngay…

* Hỏi: Thuốc hạ sốt cho trẻ em vì sao không nên dùng nhiều, thưa bác sĩ?

BS Đoàn: Chúng ta nên hiểu rằng sốt không phải là bệnh mà chỉ là một phản ứng bình thường của cơ thể khi bị nhiễm khuẩn. Sốt giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng bằng cách khởi động hệ miễn dịch của cơ thể.

Ở trẻ em, hầu hết các cơn sốt từ 37,8 - 40oC đều không nguy hiểm, phần lớn là từ các bệnh do virus như cảm lạnh hoặc cảm cúm. Một vài nguyên nhân khác có thể là do bệnh từ vi khuẩn như viêm họng do liên cầu nhóm A hoặc nhiễm trùng đường tiểu.

Hầu hết các cơn sốt do virus sẽ kéo dài khoảng 2 - 3 ngày. Tổn thương não xuất hiện chỉ khi nhiệt độ cơ thể cao hơn 42oC, nhưng rất may mắn là bộ ổn định nhiệt của não bộ sẽ giữ những cơn sốt dưới mức nhiệt độ này cho dù không uống thuốc hạ sốt.

Vì vậy, khi trẻ sốt, cha mẹ chỉ cần khuyến khích con uống nhiều nước và nghỉ ngơi chứ không nên dùng thuốc hạ sốt liên tục. Trẻ chỉ thật sự cần dùng đến thuốc hạ sốt khi chúng quấy, trằn trọc khó chịu, không ngủ được. Nếu trẻ con đang ngủ yên giấc thì ba mẹ không nên đánh thức trẻ dậy để cho uống thuốc.

* Hỏi: Những đứa trẻ đã “lỡ” sử dụng nhiều kháng sinh trước đây thì nay phải làm sao để hạn chế những tác hại của nó? 

BS Đoàn: Cách hạn chế tác hại của kháng sinh là ngưng sử dụng ngay bây giờ nếu như không cần thiết. Tôi hay nói bác sĩ Nhi muốn chữa bệnh cho trẻ con thì cần phải điều trị cho cha mẹ của chúng trước là vậy.

Ngưng sử dụng kháng sinh càng sớm thì cơ thể trẻ sẽ càng có nhiều thời gian được “huấn luyện” về miễn dịch. Từ đó, sức đề kháng của trẻ sẽ dần khỏe mạnh trở lại, trẻ sẽ ít bị những bệnh nhiễm khuẩn hơn hoặc nếu có mắc bệnh thì cũng dễ dàng “lướt” qua bệnh.

* Hỏi: Có thể thấy kháng sinh có tác hại vô cùng nghiêm trọng đến trẻ nhỏ. Vậy đối với người lớn thì sao, xin bác sĩ giải thích rõ hơn?

BS Đoàn: Ở người lớn, kháng sinh cũng có những tác hại nghiêm trọng không kém, nhất là khả năng kháng thuốc kháng sinh, gây khó khăn trong việc điều trị nhiều loại bệnh. Hầu hết các bệnh do virus mà chúng ta mắc phải thì không có loại kháng sinh nào trị được.

Có thể kể đến là 90% các cơn ho, viêm thanh quản, viêm phế quản, 90% các triệu chứng tiêu chảy… Chỉ một số bệnh cần sử dụng kháng sinh trong điều trị như: nhiễm trùng đường tiểu, viêm amygdale do liên cầu khuẩn nhóm A (muốn biết dạng amygdale loại này thì phải làm xét nghiệm phết họng).

Các trường hợp sốt do siêu vi, cảm cúm… ở người lớn thì chúng ta chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước và “chờ” hết bệnh.

* Hỏi: Bệnh nhân cảm cúm có nên uống nhiều nước cam, chanh để bổ sung vitamin C như cách nhiều bác sĩ khuyến khích không?

BS Đoàn: Nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy rằng việc uống thêm vitamin C không giúp tăng sức đề kháng, không có tác dụng phòng ngừa hay giúp giảm nhanh cơn cảm cúm như chúng ta đã biết cách đây vài chục năm, thậm chí dùng vitamin C liều cao còn có thể gây tiêu chảy.

Có thể thấy rằng kiến thức y khoa thế giới thay đổi liên tục, những điều hôm nay chúng ta đang áp dụng thì chưa chắc đúng vào ngày mai khi có những bằng chứng y khoa mới. Bác sĩ có nhiệm vụ thường xuyên cập nhật những kiến thức, thông tin mới và khi đã hiểu biết thì cần áp dụng vào khám và điều trị cho bệnh nhân.

Tôi biết có những bác sĩ thường xuyên cập nhật cái mới, cái đúng nhưng không thể thực hiện vì nhiều nguyên nhân. Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn muốn khẳng định rằng xu hướng chung của thế giới hiện nay là cần hạn chế tối đa sử dụng thuốc men trong điều trị, nhất là kháng sinh.

Theo báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần 

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan