Chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng

Hormone tăng trưởng là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển chiều cao, đặc biệt là ở trẻ em. Khi tuyến yên sản xuất không đủ lượng hormone tăng trưởng cần thiết sẽ dẫn đến tình trạng trẻ thấp lùn hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

Hormone tăng trưởng là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển chiều cao, đặc biệt là ở trẻ em. Khi tuyến yên sản xuất không đủ lượng hormone tăng trưởng cần thiết sẽ dẫn đến tình trạng trẻ thấp lùn hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

(Ảnh minh họa)

Thế nào là chậm phát triển chiều cao ở trẻ?

Làm thế nào để con đạt được chiều cao lý tưởng khi trưởng thành là điều mà rất nhiều các bậc phụ huynh hiện nay quan tâm. Bình thường trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình khoảng 50cm. Trong năm đầu tiên, trẻ sẽ tăng 25cm và trong 2 năm kế tiếp, mỗi năm trẻ sẽ tăng 10cm. Từ 3 tuổi trở lên cho đến lúc dậy thì, mỗi năm trẻ tăng thêm 5cm.

Nếu trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi thì được gọi là chậm tăng trưởng chiều cao. Hậu quả là trẻ sẽ bị lùn so với các bạn cùng lứa và nếu không đươc chẩn đoán, điều trị kịp thời, sự chênh lệch này sẽ ngày càng nhiều, gây nên tâm lý mất tự tin khi trẻ ở độ tuổi trưởng thành.

Nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao như suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn... Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu hormone tăng trưởng.

Theo nghiên cứu trên thế giới, tỉ lệ của bệnh thiếu hormone tăng trưởng là 1/4000. Bệnh có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải (chấn thương đầu nặng, u não, nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não), một số khác không xác định được nguyên nhân.

Tại sao trẻ thiếu hormone tăng trưởng?

Hormone tăng trưởng rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường ở trẻ em. Loại hormone này có vai trò thúc đẩy sự phát triển xương một cách phù hợp từ sơ sinh đến tuổi dậy thì, đồng thời cũng giúp điều hòa sự sản sinh các hồng cầu và làm tăng khối lượng cơ bắp. Tuy nhiên, bất kỳ thời điểm nào trong quá trình phát triển đều có thể bị thiếu hormone tăng trưởng.

Những nguyên nhân gây thiếu hormone tăng trưởng ở trẻ bao gồm:

Bẩm sinh

Thiếu hormone tăng trưởng từ khi bẩm sinh có thể là do có khối u ở não, nằm ở vị trí của tuyến yên hoặc gần vùng dưới đồi của não. Các khối u này chén ép làm cho tuyến yên không thể hoạt động bình thường.

Chấn thương u não

Do chấn thương đầu nặng hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não, nhiễm trùng và xạ trị… khiến cho tuyến yên bị tổn thương, gây ra tình trạng giảm bài tiết các hormone tuyến yên, được gọi là thiếu hormone tăng trưởng mắc phải.

Các hội chứng

Theo một nghiên cứu khoa học, tại Mỹ, cứ khoảng 7000 trẻ sinh ra sẽ có một trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng. Thiếu hormone tăng trưởng là triệu chứng của rất nhiều bệnh về gen khác, bao gồm hội chứng Turner và hội chứng Prader. Đôi khi, thiếu hụt hormone tăng trưởng không xác định được nguyên nhân. Muốn biết trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng hay không cần phải tiến hành xét nghiệm để đưa ra chẩn đoán xác định. Xét nghiệm máu có thể đo lường lượng hormone tăng trưởng và một số hormone liên quan khác trong cơ thể.

Trẻ có thể phát triển chiều cao không nếu thiếu hormone tăng trưởng?

Theo các chuyên gia, trẻ bị thiếu hụt hormone tăng trưởng vẫn có tỉ lệ cơ thể và phát triển trí não bình thường, nhưng có tốc độ phát triển chiều cao chậm, thường ít hơn 2cm/năm, nên có kích thước cơ thể nhỏ hơn so với trẻ khác cùng lứa tuổi.

Do hormone tăng trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa mật độ xương, khối lượng cơ, chuyển hóa glucose, lipid, ảnh hưởng đến chức năng của tim và thận nên khi thiếu nó có thể dẫn đến sự giảm mật độ xương, giảm khối lượng cơ và làm nồng độ lipid thay đổi, cản trở quá trình phát triển chiều cao. Trẻ càng lớn, chiều cao càng cách biệt so với trẻ cùng lứa tuổi. Hơn nữa, khi bị thiếu hormone tăng trưởng cơ thể không thể kích thích phát triển các mô sụn ở đầu xương và sẽ bị cốt hoá sớm, lúc này đầu xương và thân xương hợp nhất với nhau nên xương không dài ra nữa. Do đó, không thể điều khiển quá trình tăng trưởng mô xương và duy trì sự cân bằng thích hợp của các cơ và mô mỡ, làm giảm khả năng phát triển chiều cao của trẻ em ở tuổi đang lớn.

Phần lớn, cha mẹ cho rằng con chậm lớn, chiều cao “dậm chân tại chỗ” là do suy dinh dưỡng, còi xương nên mất một thời gian dài điều trị dinh dưỡng trước khi tìm đến các cơ sở y tế, khiến cho tình trạng thiếu hormone tăng trưởng ở trẻ ngày càng trầm trọng. Tình trạng này kéo dài, sụn tăng trưởng sẽ đóng, trẻ sẽ không còn khả năng phát triển chiều cao nữa.

Cần điều trị thiếu hormone tăng trưởng càng sớm càng tốt

Trẻ có 3 giai đoạn vàng phát triển chiều cao.

  • Từ sơ sinh đến 3 tuổi: trẻ tăng 8-10 cm/năm;
  • Từ 3 - 10 tuổi ở bé gái và 3 - 13 tuổi ở bé trai: trẻ tăng 6-7 cm/năm;
  • Giai đoạn dậy thì có thể tăng vọt 8 - 12 cm/năm.

Khi trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng gần như không tăng trưởng chiều cao hoặc tăng trưởng rất chậm.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, cần chữa trị “bệnh lùn” do thiếu hormone tăng trưởng càng sớm càng tốt bởi không phải cứ muốn là có thể “kích” được chiều cao nhờ hormone tăng trưởng. Thông thường, việc điều trị tốt nhất là trong giai đoạn trẻ từ 3 - 7 tuổi và cần được duy trì cho đến hết tuổi dậy thì.

Từ 21 tuổi trở đi, việc phát triển chiều cao đã ổn định, các sụn xương của trẻ sẽ đóng lại, dù có tiêm hormon tăng trưởng hay dùng các biện pháp kích thích sản sinh hormone tăng trưởng cũng không thể cao thêm được nữa.

Có nên tiêm hormone tăng trưởng cho trẻ không?

Khi trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng, các chuyên gia khuyến cáo nên điều trị thay thế bằng tiêm hormone tăng trưởng. Loại hormone tăng trưởng này là chế phẩm tổng hợp bằng công nghệ sinh học tái tổ hợp gen người (hGH = human growth hormone) được chỉ định trong trường hợp cần tăng chiều cao cho những trẻ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng.

Bác sĩ sẽ tính toán liều khởi đầu dựa trên trọng lượng cơ thể của bé và tình trạng bệnh. Những lần tiêm kế tiếp, bác sĩ sẽ thay đổi liều lượng dựa trên kết quả tiến triển của bệnh. Thời gian tiêm hormone tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào chiều cao của trẻ có đáp ứng hay không.

Việc điều trị hormone tăng trưởng chỉ được chỉ định cho những trường hợp cơ thể không sản xuất đủ lượng hormone này. Vì hGH là một protein, khi uống sẽ bị enzym tiêu hóa phân hủy nên phải dùng theo đường tiêm. Khi dùng hGH không đúng chỉ dẫn của bác sĩ sẽ bị các tác dụng phụ. Dùng hGH ngắn hạn có thể bị giữ nước, phù, sưng ngón tay, hội chứng ống cổ tay, một số trường hợp bị to vú (nam), nhức đầu, ngủ gà, sưng đau khớp, đầy bụng. Dùng hGH lâu dài có thể bị chứng to cực (to các đầu chi), làm tăng tần suất bị đái tháo đường, tim mạch, u ác tính đường tiêu hóa hoặc có thể gây ra khối u giả trong não (pseudotumor cerebri), nhức đầu dữ dội buộc phải ngừng thuốc, nếu không sẽ bị các tổn thương khác. Do đó, chỉ nên tiêm hormone khi có chỉ định của bác sĩ.

Có phương pháp cải thiện lượng hormone tăng trưởng nào ngoài tiêm không?

Trong quá phát triển chiều cao, có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến hormone tăng trưởng đó là: Dinh dưỡng, hoạt động thể chất, ngủ nghỉ, sinh hoạt... Ở trẻ em, nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hormone tăng trưởng là giấc ngủ. Vì vậy, cần cho trẻ đi ngủ trước 22 giờ và ngủ trên 8 tiếng/ngày vì thời gian hormone tăng trưởng do não bộ tiết ra mạnh nhất và đầy đủ là trong giấc ngủ từ 23 giờ đến 1 giờ sáng để hỗ trợ quá trình phát triển chiều cao tốt nhất.

Wellcare tổng hợp

Theo tangchieucao.net

- 18-06-2018 -

Bài viết liên quan