5 truyền thuyết về vaccine

Việc nhiều người suy nghĩ rằng chích ngừa hiện nay không còn cần thiết nữa có lẽ xuất phát từ việc họ hiểu lầm là nhiều bệnh truyền nhiễm mà chúng ta đang chích ngừa hiện nay đã biến mất... Tìm hiểu 5 truyền thuyết sai lầm về vaccine cùng bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, Trưởng khoa Nhi - Phòng Khám Quốc tế Victoria. Gọi bác sĩ Trí Đoàn để khám từ xa cho bé. 

Chích ngừa hiện nay không còn cần thiết nữa, vaccine gây bệnh tự kỉ, vaccine gây ra bệnh tự miễn, không cần chích ngừa cúm, không chích ngừa cho phụ nữ mang thai... là những sai lầm thường gặp trong việc chích ngừa vaccine.

Chích ngừa là một phương pháp đơn giản có thể bảo vệ trẻ em và người lớn tránh được nguy cơ mắc phải các bệnh nguy hiểm, có mức độ lây nhiễm, tử vong cao. Tuy nhiên, hiện nay, có khá nhiều thông tin sai lệch về vaccine khiến không ít cha mẹ lo lắng, hoang mang nên đã không đưa con đi chích ngừa sớm và đúng lịch, khiến trẻ lâm vào nguy cơ mắc phải những bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Để làm sáng tỏ những sai lầm thường gặp trong việc chích ngừa vaccine, chúng tôi xin trích dẫn lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, Trưởng khoa Nhi - Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare trên trang Facebook cá nhân ngày 20/01/2017.

Related image

Chích ngừa vaccine cho trẻ. (Ảnh minh họa)

"Bài dịch này chủ yếu (chắc để cho) bác sĩ đọc, vì có những thuật ngữ nghiên cứu dành cho các bác sĩ. Tuy nhiên, bỏ qua những thuật ngữ đó, những thông tin khác vẫn có giá trị tham khảo cho các bạn không chuyên môn.

Truyền thuyết 1: Chích ngừa hiện nay không còn cần thiết nữa

Việc nhiều người hiện nay suy nghĩ rằng chích ngừa hiện nay không còn cần thiết nữa có lẽ xuất phát từ việc họ hiểu lầm là nhiều bệnh truyền nhiễm mà chúng ta đang chích ngừa hiện nay đã biến mất. Đúng là những bệnh mà trước đây thường gặp, một số bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như bạch hầu và bại liệt, hiện nay đã hiếm gặp ở các nước phát triển, đến độ mà nhiều người, thậm chí ngay cả những bác sĩ, lầm tưởng rằng những bệnh này đã biến mất. Tuy nhiên, niềm tin này không đúng chút nào. Bệnh truyền nhiễm duy nhất đã được loại trừ hoàn toàn nhờ chích ngừa là bệnh đậu mùa, ca cuối cùng được báo cáo trên thế giới là tại Somalia vào năm 1977 [1]. Dĩ nhiên, việc chích ngừa đã làm giảm đáng kể tỉ lệ mắc bệnh của một số bệnh truyễn nhiễm nguy hiểm như uốn ván, bạch hầu, ho gà, Rubella bẩm sinh, sởi, quai bị, và bại liệt. [2-4]
Ví dụ về bệnh sởi là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của việc chích ngừa đại trà để phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm nặng nề. Sởi là bệnh do siêu vi rất dễ lây lan và có khả năng gây biến chứng nặng nề (thậm chí tử vong). Bệnh này rất thường gặp tại Mỹ trước khi việc chích ngừa sởi thường quy được thực hiện vào năm 1963, ước lượng mỗi năm có khoảng 4 triệu ca mắc bệnh và khoảng 450 ca tử vong. Vào năm 2000, dịch sởi đã được tuyên bố là loại trừ hoàn toàn khỏi nước Mỹ, nhưng vẫn có một số ca lẻ tẻ được nhập vào nước Mỹ từ những nước khác. [5] Vào năm 2015, có 159 ca sởi được báo cáo tại Mỹ. Hầu hết những bệnh nhân sởi đó chưa được chích ngừa sởi (45%) hoặc không rõ tình trạng chích ngừa sởi (38%). [6]
Việc càng ngày càng nhiều người chọn không chích ngừa có thể dẫn đến nhiều vấn nạn liên quan đến suy giảm 'miễn dịch cộng đồng'. Thường dân chúng, hay thậm chí các nhà khoa học không đánh giá đúng tầm quan trọng của miễn dịch cộng đồng trong việc bảo vệ những nhóm người dễ bị bệnh do không thể chích ngừa được (ví dụ như những người bị suy giảm miễn dịch không thể chích ngừa những vaccine sống được), hậu quả là những người không thể chích ngừa đó có thể bị lây những bệnh nguy hiểm đến tính mạng từ những người khác trong cộng đồng.
[Tôi bổ sung thêm] Tại Việt Nam, việc giảm tỉ lệ chích ngừa sởi đã dẫn đến dịch sởi lớn khắp cả nước vào năm 2014 (khoảng hàng chục ngàn người mắc bệnh sởi, khoảng 150 ca tử vong) hay bị các biến chứng khác của sởi (loét giác mạc, mù). Hay gần đây, việc giảm tỉ lệ chích ngừa cũng đã dẫn đến một số ổ dịch bệnh bạch hầu gây tử vong vài người (ở Bình Phước và Quảng Nam).

Truyền thuyết 2: Vaccine gây bệnh tự kỷ

Đây là truyền thuyết rất thường được đưa ra để chống lại việc chích ngừa, nó bắt nguồn từ một bài báo của Andrew Wakefiled và cộng sự trên báo Lancet vào năm 1998. Trong bài báo đó, BS Wakefield gợi ý có mối liên quan giữa việc chích ngừa sởi - quai bị - Rubella (MMR) và bệnh tự kỷ, dựa trên 8 trường hợp lâm sàng, dấy lên mối quan ngại về sự an toàn của vaccine lúc đó.
Tuy nhiên, sau khi điều tra cặn kẽ, người ta phát hiện ra một số vấn đề liên quan đến nghiên cứu đó của ông Wakefiled, bao gồm cả sai lầm nghiêm trọng trong phương pháp nghiên cứu và những mâu thuẫn về lợi ích. Kết quả là tạp chí Lancet đã rút một phần bài báo cáo đó vào năm 2009 [9] và rút toàn bộ bài báo vào năm 2010. [10] Tác giả chính của nghiên cứu đó (ông Wakefield) đã bị Hội đồng y khoa Anh rút giấy phép hành nghề y khoa do hành vi sai trái nghiêm trọng về nghề nghiệp. [11]
Tuy vậy, những tuyên bố về mối liên quan giữa vaccine và bệnh tự kỷ đó đã thu hút sự chú ý của giới y khoa và kết quả là có một số nghiên cứu dịch tễ học được thiết kế và thực hiện cẩn thận để đánh giá mối liên quan giữa việc tiêm vaccine và bệnh tự kỷ. [12] Một nghiên cứu meta - analysis vào năm 2011 [13] đánh giá dữ liệu từ 5 nghiên cứu đoàn hệ (bao gồm 1.256.407 trẻ em) và 5 nghiên cứu bệnh - chứng (bao gồm 9.920 trẻ em) về mối liên hệ giữa vaccine và bệnh tự kỷ và các rối loạn của phổ tự kỷ. Người ta không phát hiện ra mối liên quan nào giữa vaccine sởi - quai bị - Rubella và tự kỷ (OR 0.84, khoảng tin cậy 95% CI 0.70-1.01).
Ngoài ra, hai thành phần trong vaccine (thimerosal và thủy ngân) bị kết tội gây ra tự kỷ cũng đã được nghiên cứu. [14] Người ta cũng không tìm thấy mối liên hệ giữa thimerosal (OR, 1.00, 95% CI 0.77-1.31) hay thủy ngân (OR, 1.00, 95% CI 0.93-1.07) với bệnh tự kỷ.
Mặc dù mối liên hệ giữa chích ngừa MMR và bệnh tự kỷ đã bị bác bỏ, cũng cần phải nhấn mạnh rằng vẫn còn xảy ra những trường hợp bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng chích ngừa, bao gồm cả những ca tử vong do bệnh bạch hầu ở một số nước phát triển; ví dụ trường hợp tử vong của một bé trai 6 tuổi ở Tây Ban Nha vào năm 2015 [15] và bé gái 3 tuổi ở Bỉ vào năm 2016, [16] cả hai bé này đều không được chích ngừa bạch hầu trước đó.

Truyền thuyết 3: Vaccine gây ra bệnh tự miễn

Vai trò của chích ngừa trong cơ chế bệnh sinh của các bệnh tự miễn (có lẽ thông qua kích thích khởi phát hiện tượng tự miễn) là một vấn đề tranh cãi lâu nay. Mặc dù nguyên nhân của những bệnh tự miễn này vẫn chưa được rõ, có một số yếu tố nguy cơ của bệnh như cơ địa di truyền, yếu tố môi trường, và một số bệnh nhiễm trùng. [17]
Người ta còn đang nghiên cứu mối liên hệ giữa vaccine và tính sinh bệnh tự miễn, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng xác thực nào ủng hộ cho mối liên hệ nhân quả này. Hầu hết những dữ liệu liên kết những vaccine và những bệnh tự miễn được rút ra từ những nghiên cứu ca bệnh đơn lẻ và những nghiên cứu loại này được xem là có mức độ chứng cứ khá thấp. Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu dịch tễ học lớn nào có thể cung cấp những bằng chứng lâm sàng có sức thuyết phục. Giới y khoa cũng đang chú ý đến những mối liên hệ giữa những bệnh lý tự miễn và chất phụ gia trong vaccine. [20] Tuy nhiên, cho đến nay quan niệm này vẫn là trên lý thuyết và vẫn chưa có những bằng chứng lâm sàng rõ ràng. [21]
Cũng có nhiều nghiên cứu đánh giá tỉ lệ mắc bệnh của bệnh tự miễn của nhóm chích ngừa so với nhóm không chích ngừa. Và không có nghiên cứu nào cho thấy vaccine làm tăng tỉ lệ bệnh tự miễn. [22,23] Do đó, không nên vì những nguy cơ trên lý thuyết đó mà bỏ qua không chích ngừa, khi xét đến những lợi ích không thể chối cãi của việc chích ngừa.

Truyền thuyết 4: Bệnh cúm không nguy hiểm, do đó không cần chích ngừa

Mặc dù bệnh cúm thường được xem là bệnh nhẹ, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Bệnh cúm là mối đe dọa rất lớn đến sức khỏe cộng đồng, với ba trận đại dịch cúm và hàng triệu ca tử vong do cúm trong thế kỷ 20. Trong đợt đại dịch cúm H1N1 toàn cầu gần đây nhất (từ 11/06/2009 đến 01/08/2010) có đến 18.449 ca tử vong do cúm, mặc dù con số tử vong thực tế toàn cầu chắc chắn cao hơn. [24]
Bệnh cúm có thể gây những biến chứng nguy hiểm, bao gồm viêm phổi nặng và những biến chứng ngoài phổi như bệnh lý não hay viêm cơ tim. [25] Ngoài ra, có khá nhiều ca tử vong liên quan đến biến chứng tim hoặc phổi xảy ra sau những đợt dịch cúm. Đặc biệt đối với người già, những người mắc những bệnh lý nền và phụ nữ đang mang thai, nguy cơ bị biến chứng liên quan đến bệnh cúm sẽ cao hơn, và do đó những người đó rất nên chích ngừa cúm. [26]

Truyền thuyết 5: Không nên chích ngừa cho phụ nữ đang mang thai

Hầu hết các vaccine không những an toàn trong thai kỳ mà còn được khuyến cáo rất nên chích ngừa cho phụ nữ mang thai. Có hai vaccine đặc biệt quan trọng cho phụ nữ mang thai: vaccine Tdap (uốn ván, bạch hầu, ho gà) (tốt nhất là chích trong khoảng tuần thứ 27 - 36 của thai kỳ) [27] và vaccine cúm. Uốn ván, ho gà và cúm là những bệnh có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho bé và bà mẹ, mà những bệnh này có thể phòng ngừa được bằng chích ngừa. Việc chích ngừa ho gà cho bà mẹ đang mang thai có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ bệnh ho gà ở bé sơ sinh. [28]
Những dữ liệu nghiên cứu cho thấy những vaccine bất hoạt là an toàn khi chích trong bất cứ tuần nào của thai kỳ. Đặc biệt, bệnh cúm có thể rất nặng trong thai kỳ, vì vậy phụ nữ đang mang thai rất nên được khuyến cáo chích ngừa cúm trong mùa cúm. [29] Độ an toàn của việc chích ngừa cúm đã được đánh giá trong nhiều nghiên cứu. Trong một nghiên cứu phân tích tổng hợp (meta analysis), [30] người ta thấy không có mối liên hệ nào giữa việc chích ngừa cúm và những dị tật bẩm sinh, trong bất kỳ tam cá nguyệt nào (OR, 0.96; 95% CI 0.86-1.07). Những vaccine khác như viêm gan B, phế cầu polysaccharide hay não mô cầu polysaccharide cũng đã được nghiên cứu và cho thấy an toàn khi chích trong thai kỳ. [31]
Những vaccine virus sống như trái rạ (thủy đậu) hay MMR không được khuyến cáo chích 1 tháng trước khi có thai hay trong thai kỳ, do có nguy cơ truyền virus cho bào thai. Mặc dù các nghiên cứu hồi cứu ở những phụ nữ chích vaccine virus sống trong lúc mang thai không cho thấy tăng nguy cơ nhiễm trùng bẩm sinh ở thai, việc chích những vaccine virus sống này vẫn còn chống chỉ định ở thai kỳ. [32-34]

Thông điệp cho bác sĩ lâm sàng

Vẫn còn những truyền thuyết và tuyên bố này nọ xung quanh việc chích ngừa. Cho dù không có đủ những chứng cứ khoa học ủng hộ cho những mối lo sợ đó, chúng vẫn là mối đe dọa thực sự đối với sự thành công của những chương trình chích ngừa cộng đồng. Rủi thay, có khá nhiều người từ chối chích ngừa cho chính mình hay cho con cháu mình chỉ vì những thông tin sai lạc hay nỗi lo sợ không căn cứ. [35]
Trong khi chờ có thêm nhiều nghiên cứu về việc nâng cao hiệu quả của vaccine (ví dụ vaccine cúm) và nghiên cứu về tính sinh miễn dịch của một số vaccine, các nhân viên y tế cần phải ủng hộ việc chích ngừa và nâng cao ý thức tuân thủ đối với những chương trình chích ngừa."

Tài liệu tham khảo:

1. Moss B. Smallpox vaccines: targets of protective immunity. Immunol Rev. 2011;239:8-26.
2. Aylward RB, Acharya A, England S, Agocs M, Linkins J. Global health goals: lessons from the worldwide effort to eradicate poliomyelitis. Lancet. 2003;362:909-914.
3. Barrett S. Eradication versus control: the economics of global infectious disease policies. Bull World Health Organ. 2004;82:683-688.
4. Wagner KS, White JM, Lucenko I, et al; Diphtheria Surveillance Network. Diphtheria in the postepidemic period, Europe, 2000-2009. Emerg Infect Dis. 2012;18:217-225.
5. Goodson JL, Seward JF. Measles 50 years after use of measles vaccine. Infect Dis Clin North Am. 2015;29:725-743.
6. Clemmons NS, Gastanaduy PA, Fiebelkorn AP, Redd SB, Wallace GS; Centers for Disease Control and Prevention (CDC). Measles—United States, January 4-April 2, 2015. MMWR Morb Mortal Wkly Rep. 2015;64:373-376.
7. Metcalf CJ, Ferrari M, Graham AL, Grenfell BT. Understanding herd immunity. Trends Immunol. 2015;36:753-755.
8. Wakefield AJ, Murch SH, Anthony A, et al. Ileal-lymphoid-nodular hyperplasia, non-specific colitis, and pervasive developmental disorder in children. Lancet. 1998;351:637-641.
9. Murch SH, Anthony A, Casson DH, et al. Retraction of an interpretation. Lancet. 2004;363:750.
10. Retraction—ileal-lymphoid-nodular hyperplasia, non-specific colitis, and pervasive developmental disorder in children. Lancet. 2010;375:445.
11. Flaherty DK. The vaccine-autism connection: a public health crisis caused by unethical medical practices and fraudulent science. Ann Pharmacother. 2011;45:1302-1304.
12. Gerber JS, Offit PA. Vaccines and autism: a tale of shifting hypotheses. Clin Infect Dis. 2009;48:456-461.
13. Parker SK, Schwartz B, Todd J, Pickering LK. Thimerosal-containing vaccines and autistic spectrum disorder: a critical review of published original data. Pediatrics. 2004;114:793-804.
14. Taylor LE, Swerdfeger AL, Eslick GD. Vaccines are not associated with autism: an evidence-based meta-analysis of case-control and cohort studies. Vaccine. 2014;32:3623-3629.
15. European Center for Disease Prevention and Control. Rapid risk assessment. A case of diphtheria in Spain. June 15, 2015. http://ecdc.europa.eu/en/publications/Publications/diphtheria-spain-rapid-risk-assessment-june-2015.pdf Accessed December 15, 2016.
16. European Center for Disease Prevention and Control. Rapid risk assessment. A fatal case of diphtheria in Belgium. March 24, 2016. http://ecdc.europa.eu/en/publications/Publications/RRA-Diphtheria-Belgium.pdf Accessed December 15, 2016.
17. Perricone C, Agmon-Levin N, Shoenfeld Y. Novel pebbles in the mosaic of autoimmunity. BMC Med. 2013;11:101.
18. Zafrir Y, Agmon-Levin N, Paz Z, Shilton T, Shoenfeld Y. Autoimmunity following hepatitis B vaccine as part of the spectrum of 'autoimmune (auto-inflammatory) syndrome induced by adjuvants' (ASIA): analysis of 93 cases. Lupus. 2012;21:146-152.
19. van der Laan JW, Gould S, Tanir JY; ILSI HESI Vaccines and Adjuvants Safety Project Committee. Safety of vaccine adjuvants: focus on autoimmunity. Vaccine. 2015;33:1507-1514.
20. Shoenfeld Y, Agmon-Levin N. 'ASIA'—autoimmune/inflammatory syndrome induced by adjuvants. J Autoimmun. 2011;36:4-8.
21. Hawkes D, Benhamu J, Sidwell T, Miles R, Dunlop RA. Revisiting adverse reactions to vaccines: a critical appraisal of autoimmune syndrome induced by adjuvants (ASIA). J Autoimmun. 2015;59:77-84.
22. Batista-Duharte A, Portuondo D, Perez O, Carlos IZ. Systemic immunotoxicity reactions induced by adjuvanted vaccines. Int Immunopharmacol. 2014;20:170-180.
23. Pellegrino P, Perrone V, Pozzi M, et al. The epidemiological profile of ASIA syndrome after HPV vaccination: an evaluation based on the Vaccine Adverse Event Reporting Systems. Immunol Res. 2015;61:90-96.
24. World Health Association. Pandemic (H1N1) 2009—update 112. August 6, 2010. http://www.who.int/csr/don/2010_08_06/en/ Accessed December 15, 2016.
25. Kuiken T, Taubenberger JK. Pathology of human influenza revisited. Vaccine. 2008;26 Suppl 4:D59-D66.
26. Mereckiene J, Cotter S, Nicoll A, et al; VENICE Project Gatekeepers Group. Seasonal influenza immunisation in Europe. Overview of recommendations and vaccination coverage for three seasons: pre-pandemic (2008/09), pandemic (2009/10) and post-pandemic (2010/11). Euro Surveill. 2014;19:20780.
27. Centers for Disease Control and Prevention (CDC). Updated recommendations for use of tetanus toxoid, reduced diphtheria toxoid and acellular pertussis vaccine (Tdap) in pregnant women and persons who have or anticipate having close contact with an infant aged <12 months—Advisory Committee on Immunization Practices (ACIP), 2011. MMWR Morb Mortal Wkly Rep. 2011;60:1424-1426.
28. Suryadevara M, Domachowske JB. Prevention of pertussis through adult vaccination. Hum Vaccin Immunother. 2015;11:1744-1747.
29. Cleary BJ, Rice U, Eogan M, Metwally N, McAuliffe F. 2009 A/H1N1 influenza vaccination in pregnancy: uptake and pregnancy outcomes—a historical cohort study. Eur J Obstet Gynecol Reprod Biol. 2014;178:163-168.
30. Polyzos KA, Konstantelias AA, Pitsa CE, Falagas ME. Maternal influenza vaccination and risk for congenital malformations: a systematic review and meta-analysis. Obstet Gynecol. 2015;126:1075-1084.
31. Makris MC, Polyzos KA, Mavros MN, Athanasiou S, Rafailidis PI, Falagas ME. Safety of hepatitis B, pneumococcal polysaccharide and meningococcal polysaccharide vaccines in pregnancy: a systematic review. Drug Saf. 2012;35:1-14.
32. Badilla X, Morice A, Avila-Aguero ML, et al. Fetal risk associated with rubella vaccination during pregnancy. Pediatr Infect Dis J. 2007;26:830-835.
33. Castillo-Solorzano C, Reef SE, Morice A, et al. Rubella vaccination of unknowingly pregnant women during mass campaigns for rubella and congenital rubella syndrome elimination, the Americas 2001-2008. J Infect Dis. 2011;204 Suppl 2:S713-717.
34. Wilson E, Goss MA, Marin M, et al. Varicella vaccine exposure during pregnancy: data from 10 Years of the pregnancy registry. J Infect Dis. 2008;197 Suppl 2:S178-184.
35. Falagas ME, Zarkadoulia E. Factors associated with suboptimal compliance to vaccinations in children in developed countries: a systematic review. Curr Med Res Opin. 2008;24:1719-1741.

Wellcare tổng hợp

- 17-08-2020 -

Bài viết liên quan