Đánh giá sự tăng trưởng và phát triển của trẻ

Tăng trưởng đơn thuần là sự lớn lên (về lượng), các chỉ số thông dụng để đánh giá tăng trưởng là chiều cao, cân nặng và vòng đầu. Sự tăng trưởng phản ánh tình trạng dinh dưỡng của đứa bé, các bệnh lý nội tiết và các bệnh mạn tính.

Phân biệt tăng trưởng và phát triển 

Tăng trưởng 

Tăng trưởng đơn thuần là sự lớn lên (về lượng), các chỉ số thông dụng để đánh giá tăng trưởng là chiều cao, cân nặng và vòng đầu. Sự tăng trưởng phản ánh tình trạng dinh dưỡng của đứa bé, các bệnh lý nội tiết và các bệnh mạn tính.

Image result for đánh giá sự tăng trưởng của bé

Đánh giá sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. (Ảnh minh họa)

Phát triển

Phát triển là sự hoàn thiện về chức năng của các cơ quan (về chất), ví dụ đánh giá sự phát triển của não bộ thông qua khả năng ngôn ngữ, kĩ năng giao tiếp xã hội, kĩ năng vận động tinh xảo.

Tăng trưởng và phát triển đồng hành cùng nhau và có mối liên hệ chặt chẽ. Một trẻ bị suy dinh dưỡng nặng chắc chắn sẽ chậm phát triển tinh thần, ngược lại, một trẻ chậm phát triển tâm thần (bệnh Down) thì cũng có những rối loạn về tăng trưởng như thừa cân.

Bài viết chỉ đề cập đến sự tăng trưởng bình thường ở trẻ khỏe mạnh, tất cả các con số chỉ là con số trung bình (có tính chất tham khảo) nếu con bạn lệch xa khỏi con số trung bình hãy tới gặp bác sĩ Nhi khoa

Đối với trẻ sinh đôi, thường sau sinh chúng sẽ tăng trưởng mạnh hơn trẻ sinh một, mặc dù vậy cho đến năm 2.5 tuổi các chỉ số của chúng có thể vẫn nhỏ hơn trẻ sinh một. Tuy nhiên, đến 4 tuổi chúng sẽ bắt kịp trẻ sinh một. 

Trẻ tăng cân như thế nào?

Trẻ mới sinh sẽ mất 10% trọng lượng cơ thể, khi được 10 - 14 ngày tuổi cân nặng sẽ phục hồi lại như lúc mới sinh (sụt cân sinh lý).
3 tháng đầu tiên: trung bình tăng 30 gam/ngày (900 gam/tháng)
3 tháng tiếp theo: 20 gam/ngày ( 600gram/tháng )
Từ 6 - 12 tháng tuổi: 10 gam/ngày ( 300gram/tháng )
Thường thì cân nặng của trẻ sẽ tăng gấp đôi khi sinh lúc trẻ được 4 tháng và gấp 3 lúc trẻ tròn 1 tuổi. 
Từ 2 tuổi đến khi dậy thì trung bình mỗi năm trẻ chỉ tăng 2kg . 
Nếu trẻ ở tuổi tiền dậy thì tăng dưới 1 kg/năm cần theo dõi sát, có thể là do thiếu hụt dinh dưỡng. 
Lưu ý: trẻ bú mẹ thường tăng cân rất nhanh trong 3 tháng đầu đời, tăng nhanh hơn so với trẻ bú sữa công thức. Nhưng sau 3 - 4 tháng thì trẻ bú sữa công thức sẽ tăng cân nhiều hơn. Từ 12 - 23 tháng tuổi không có sự khác biệt giữa hai nhóm trẻ này. 

Tốc độ phát triển chiều cao/dài của trẻ bình thường

Chiều dài trung bình lúc sinh của trẻ là 50cm.
Trẻ sẽ dài thêm được 25cm trong năm đầu tiên.
Thêm 10cm nữa trong năm thứ 2. 
7.5 cm/năm với trẻ từ 24 - 48 tháng.
Trẻ sẽ đạt được ½ chiều cao lúc trưởng thành khi trẻ 24 - 30 tháng tuổi.
Từ 4 tuổi đến khi dậy thì trẻ chỉ cao thêm trung bình 5 cm/năm.
Thường thì 2 năm đầu đời, đường cong biểu diễn chiều cao của trẻ không ổn định và không sát với đường cong di truyền của trẻ. Chỉ 2/3 trẻ có đường con ổn định, 1/3 trẻ còn lại biến đổi lên xuống. Từ 2 - 9 tuổi, trẻ tìm được đường cong chiều cao di truyền của mình và đường cong đó ổn định có thể sử dụng để tiên đoán chiều cao của trẻ khi trưởng thành. 
Ở giai đoạn tiền dậy thì (sau 9 tuổi) sự tăng trưởng của trẻ không ổn định, có những giai đoạn nhảy vọt xen kẽ những giai đoạn tăng trưởng chậm.

Dự đoán chiều cao của trẻ khi trưởng thành

Dựa vào chiều cao tiềm năng suy ra từ chiều cao trung bình của cha mẹ (mildparent height) và dựa vào chiều cao dự kiến (project height).

Dự đoán chiều cao của trẻ dựa vào chiều cao trung bình của cha mẹ

Cách tính chiều cao tiềm tăng dựa trên chiều cao ba mẹ:

  • Con trai: (chiều cao cha + chiều cao mẹ + 13) : 2
  • Con gái: (chiều cao cha + chiều cao mẹ - 13) : 2 

Độ chênh lệch là +- 8.5 cm 
Ví dụ cha cao 170 cm , mẹ cao 160 cm thì chiều cao tiềm năng của con gái là: (170 + 160 - 13) : 2 = 158.5 +- 8.5 cm (150 – 167 cm) 
Rõ ràng sự chênh lệch là rất lớn nên dùng công thức này để tính hầu như không có ý nghĩa. Vì vậy, chúng ta phải dùng thêm một chỉ số nữa là chiều cao dự kiến  project height).

Dự đoán chiều cao của trẻ dựa vào chiều cao dự kiến

Sau 2 tuổi, chúng ta đo chiều cao cho trẻ ít nhất là 6 tháng 1 lần. Sau đó, vẽ lên một đường cong biểu diễn chiều cao của trẻ, để biết xem chiều cao của trẻ sẽ đi theo kênh nào (kênh 5, 10, 25…). Sau đó ta rà theo kênh đó cho đến năm trẻ 18 - 20 tuổi thì sẽ biết trẻ cao bao nhiêu. Chiều cao dự đoán của trẻ phải nằm trong giới hạn chiều cao tiềm năng thì mới đúng, nếu không là có bất thường. 

Sự phát triển của vòng đầu

Đo chu vi vòng đầu là một việc rất quan trọng, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi vì nó đánh giá sự phát triển của não và phát hiện một số bệnh lý: tật đầu nhỏ hay não úng thủy...
Lúc sinh trung bình chu vi đầu của trẻ là 35cm (lớn hơn 1 - 2 cm so vơi vòng ngực) .
Trong năm đầu đời trung bình vòng đầu mỗi tháng tăng thêm 1cm , tuy nhiên nó tăng mạnh hơn trong 6 tháng đầu. Có thể tới 2cm trong tháng đầu tiên và tháng thứ 4 có thể tăng thêm 6cm.
Thường thì vòng đầu của trẻ sẽ ổn định khi trẻ được 4 tuổi. 

Một số chỉ số quan trọng 

Chỉ số cao/tuổi đánh giá xem trẻ có lùn không, có quá cao không. Đôi khi quá cao có thể là dấu hiệu của bệnh tuyến yên.
Chỉ số nặng/dài (ở trẻ dưới 2 tuổi) và BMI ở trẻ trên 2 tuổi giúp đánh giá tương quan cân nặng và chiều cao, nghĩa là để biết cơ thể trẻ có cân đối hay không. Từ đó biết được trẻ thiếu cân hay thừa cân.

BS Trần Văn Công

Chuyên khoa Nhi - Phòng khám Quốc té Victoria Healthcare

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan