Võng mạc trẻ sinh non

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non (tên tiếng anh là retinopathy of prematurity hay viết tắt là ROP) là một tình trạng bệnh lý của mắt thường gặp ở những trẻ đẻ non, nhẹ cân (dưới 2.000g). Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời thì một tỷ lệ đáng kể

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là gì?

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non (retinopathy of prematurity hay viết tắt là ROP) là một tình trạng bệnh lý của mắt thường gặp ở những trẻ đẻ non, nhẹ cân (dưới 2kg). Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời thì một tỷ lệ đáng kể có nguy cơ bị mù vĩnh viễn cả hai mắt.

(Ảnh minh họa)

Trong quá trình phát triển của thai nhi, mạch máu ở võng mạc (võng mạc là màng mỏng lót mặt trong thành nhãn cầu, có vai trò giúp con người nhìn thấy được hình ảnh sự việc) xuất phát từ phần trung tâm phía sau võng mạc, rồi phát triển dần về phía trước và kết thúc vào lúc thai nhi được đủ tháng. Ở trẻ đẻ non, quá trình này chưa hoàn thành. Sau khi trẻ được sinh ra, nếu các mạch máu tiếp tục quá trình phát triển bình thường thì trẻ không mắc bệnh, nếu các mạch máu phát triển một cách bất thường thì trẻ sẽ mắc bệnh.

Phân loại bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non được phân loại khác nhau tuỳ theo từng mức độ nặng nhẹ của bệnh, từ độ 1 đến độ 5, trong đó độ 5 là mức độ nặng nhất. Mức độ nặng nhẹ của bệnh võng mạc trẻ đẻ non được đánh giá dựa trên sự tương quan giữa vùng võng mạc có mạch máu mọc bình thường so với vùng có phát triển mạch máu bất thường.
Những giai đoạn tiến triển của bệnh võng mạc trẻ đẻ non:

Giai đoạn 1

Có một ranh giới mỏng ngăn cách giữa khu vực đã hình thành các mạch máu và khu vực mà các mạch máu chưa phát triển. Ở giai đoạn này, những mạch máu vẫn có thể tự phát triển bình thường nhưng tiến triển của bệnh cần được tiếp tục theo dõi.

Giai đoạn 2

Ranh giới giữa hai khu vực (có và không có mạch máu) rộng ra và dày lên thành một cái gờ. Giai đoạn này bệnh vẫn có thể tự lành, nhưng cũng có thể bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn 3.

Giai đoạn 3

Những tân mạch bắt đầu phát triển dọc theo cái gờ và lan vào khối chất lỏng vốn trong suốt ở phần sau của mắt gọi là pha lê thể. Những mạch máu này có thể chảy máu (xuất huyết) và hình thành nên các sẹo.

Giai đoạn 4A

Các mạch máu bất thường và mô sẹo sẽ làm co kéo võng mạc, dẫn đến bong võng mạc khu trú. Ở giai đoạn này, vùng hoàng điểm, nơi chịu trách nhiệm cho thị lực trung tâm chưa bị ảnh hưởng.

Giai đoạn 4B

Võng mạc vẫn chỉ tổn thương ở mức độ bong khu trú, nhưng hoàng điểm đã bị ảnh hưởng làm suy giảm cả thị lực trung tâm lẫn chu biên ở mức độ nào đó.

Giai đoạn 5

Bong võng mạc hoàn toàn, làm giảm thị lực trầm trọng.

Triệu chứng của bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Nhiều bé được phát hiện bệnh lý võng mạc tại gia đình, khi người nhà thấy mắt trẻ phản xạ kém với ánh sáng, nhưng những trường hợp này khi đến khám tại chuyên khoa mắt thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, mắt trẻ đã bị mù hoàn toàn, không thể can thiệp được.
Do vậy, ngay cả khi trẻ còn đang được điều trị trong khoa sơ sinh vẫn được khám để phát hiện bệnh bởi bệnh được phát hiện càng sớm thì các biện pháp điều trị càng đạt hiệu quả cao.
Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ sử dụng những dụng cụ, máy móc chuyên dụng để khám đáy mắt cho trẻ như soi đáy mắt gián tiếp... để phát hiện bệnh ở những giai đoạn khác nhau và có biện pháp điều trị thích hợp.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Đưa trẻ đi khám hoặc Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Nhi hoặc Mắt trên hệ thống khám từ xa Wellcare khi trẻ xuất hiện các triệu chứng của bệnh võng mạc ở trẻ sinh non sau: chuyển động mắt bất thường, mắt lác, cận thị nặng, đồng tử màu trắng... để được tư vấn và hướng dẫn điều trị.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Không phải tất cả trẻ đẻ non đều mắc bệnh ở mắt, nhưng người ta nhận thấy rằng với những trẻ sinh càng non, càng nhẹ cân và càng ốm yếu thì nguy cơ mắc bệnh càng cao và bệnh càng nặng. Nhìn chung, với những trẻ đẻ non có cân nặng khi sinh dưới 2kg là có nguy cơ bị bệnh, đặc biệt là những trẻ có cân nặng khi sinh dưới 1.5kg.
Cho đến nay, người ta cũng chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh này. Cân nặng và tuổi thai khi sinh thấp, thở oxy nồng độ cao và kéo dài, thiếu máu, truyền máu là những yếu tố nguy cơ đối với bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non.
Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non khi đã biểu hiện ra bên ngoài là đã ở vào giai đoạn quá muộn. Nhưng khi bệnh ở giai đoạn sớm thì nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện được bệnh (bề ngoài mắt có vẻ bình thường). Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ có dụng cụ, máy móc chuyên dụng để khám đáy mắt của trẻ và phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm.

Chẩn đoán bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Tất cả những trẻ sinh non rơi có một trong những tiêu chuẩn sau như: cân nặng dưới 1.5kg; tuổi thai dưới 30 tuần đều cần được tiến hành kiểm tra thường quy để phát hiện bệnh võng mạc trẻ đẻ non.

Các khám nghiệm ban đầu có thể tiến hành vào khoảng 4 – 6 tuần sau sinh. Bác sĩ nhãn khoa sẽ dùng thuốc giãn đồng tử cho bé để khám phía trong mắt được tốt hơn với đèn soi đáy mắt gián tiếp.

Tùy thuộc vào số lượng những mạch máu phát triển bất thường để phân loại mức độ nặng của bệnh. Dựa trên những yếu tố như mức độ nghiêm trọng, vị trí của vùng thiếu máu trong mắt bị bệnh võng mạc trẻ đẻ non, và tốc độ hình thành các mạch máu bất thường mà người ta sẽ làm thêm các xét nghiệm cần thiết khác từ 1 - 2 tuần/lần.

Điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Có 2 phương pháp điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non. Sử dụng phương pháp nào là do bác sĩ chỉ định, phụ thuộc vào tình trạng bệnh:

  • Phương pháp laser: sử dụng laser để tác động trực tiếp lên võng mạc, những chùm tia laser tập trung chính xác trên võng mạc tạo ra những nốt sẹo bỏng nhỏ trên võng mạc, chùm tia laser xuyên qua đồng tử đã được tra giãn mà không có một cản trở nào trên đường đi của tia sáng tới võng mạc. Phần thuật laser có thể được thực hiện trong phòng sơ sinh hoặc trong phòng mổ và sử dụng gây tê tại chỗ hoặc mê toàn thân. Laser được sử dụng điều trị những bệnh võng mạc một cách an toàn và hiệu quả từ hơn 20 năm nay.
  • Phương pháp lạnh đông: sử dụng đầu lạnh đông để tác động gián tiếp lên võng mạc qua củng mạc. Khi làm lạnh đông cần phải phẫu tích kết mạc 3600 để bộc lộ vùng củng mạc theo yêu cầu của phẫu thuật viên để có thể đạt hiệu quả mong muốn trên võng mạc. Phẫu thuật lạnh đông có thể được thực hiện trên phòng mổ hoặc tại phòng sơ sinh và gây tê tại chỗ hoặc mê toàn thân. Sau phẫu thuật, mi, kết mạc có thể bị sưng nề tạm thời.

Hiệu quả của điều trị khá tốt nếu bệnh được phát hiện sớm và trẻ bị bệnh ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Nếu trẻ bị nặng ngay từ đầu hoặc phát hiện bệnh quá muộn thì tất cả các phương pháp điều trị đều khó mang lại hiệu quả và nguy cơ dẫn đến mù vĩnh viễn cả 2 mắt. Nhìn chung tỷ lệ thành công khi điều trị bằng laser cũng như lạnh đông là khoảng 50%.
Sau điều trị, những trẻ bị bệnh võng mạc trẻ đẻ non vẫn cần được theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm những di chứng muộn của bệnh ví dụ: tật khúc xạ, lác… và có những định hướng thị giác về sau này.

Phòng ngừa bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Cách phòng tốt nhất là quản lý thai nghén tốt để hạn chế bị đẻ non. Còn khi đã bị đẻ non mà cân nặng thấp thì cần phải tuân thủ chế độ khám mắt cho bé. Không chủ quan khi thấy mắt bé bề ngoài có vẻ bình thường. Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non nếu không được khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời thì một tỷ lệ đáng kể sẽ bị mù. Đây là bệnh gây mù nguy hiểm vì bệnh thường xảy ra cả hai mắt và khi đã bị mù thì rất khó có khả năng chữa trị sáng lại và suốt cuộc đời của trẻ sẽ chìm trong bóng tối. Trẻ trở thành người tàn phế và là gánh nặng cho gia đình và cả xã hội.

Cần phải khám cho trẻ bao nhiêu lần?

Với những trẻ có nguy cơ cao bị bệnh, lần khám mắt đầu tiên cần được thực hiện khi trẻ được 3 - 4 tuần sau đẻ, ngay khi trẻ còn nằm điều trị trong khoa sơ sinh và cả khi trẻ đã được về nhà.

Thông thường, nếu lần khám đầu tiên mà chưa thấy bệnh, hoặc bệnh còn nhẹ thì trẻ sẽ được hẹn khám lại 2 tuần/lần cho tới khi cháu bé được 40 - 42 tuần tuổi (tính từ ngày thụ thai) hoặc tới khi các mạch máu ở võng mạc phát triển một cách đầy đủ.
Nếu khi khám mà thấy bệnh đã ở vào giai đoạn nặng hơn thì trẻ có thể sẽ phải được khám lại sau 1 tuần, thậm chí sau 2 - 3 ngày, có khi cần phải điều trị ngay.

Theo Sức khỏe & Đời sống 

- 17-10-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Bệnh hẹp van ba lá là khi van ở tim đóng lại không chặt (bị hở).nVan ba lá nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải của tim. Van mở ra khi tâm nhĩ co lại để bơm máu vào tâm thất, đóng lại khi tâm thất co lại để ngăn máu chảy ngược về tâm nhĩ.
  • 28-05-2018
    Nhiễm H.pylori là bệnh xảy ra khi dạ dày bị nhiễm một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (còn gọi là H. pylori). Đây cũng là một nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng. Nhiễm H.pylori rất phổ biến, nhưng đa số chúng ta không nhận
  • 28-05-2018
    Herpes sinh dục, hay mụn giộp sinh dục, là một loại bệnh phổ biến lây truyền qua đường tình dục (STIs) do virus Herpes (HSV) gây ra. Có 2 loại HSV là loại 1 và loại 2. Loại 1 thường gây sưng, nhức ở miệng và có thể lây sang vùng sinh dục. Loại 2 chủ
  • 28-05-2018
    Táo bón, hay còn gọi là bón, là tình trạng đại tiện khó hơn bình thường và khoảng cách giữa các lần đại tiện kéo dài hơn bình thường. Mỗi người có thói quen đại tiện khác nhau, không nhất thiết phải có quy định chung cho thói quen này. Táo bón được tính
  • 17-10-2018

    Chèn ép tim là tình trạng tim bị đè nén do có quá nhiều máu hoặc chất dịch tích tụ giữa cơ tim và màng ngoài tim từ đó tạo áp lực lên tim và ảnh hưởng đến hoạt động bơm máu của tim. Trong trường hợp không bơm đủ máu có thể dẫn đến suy tim.

  • 28-05-2018
    Ngày nay, vi trùng Helicobacter pylori (H. pylori) được xem là một trong những tác nhân chủ yếu của chứng viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, hiểu biết về ảnh hưởng của vi trùng H.pylori lên