Viêm gan B

Viêm gan B là bệnh do vi-rút viêm gan B (HBV) gây ra. 1. Mô tả Đa số gặp ở người lớn khỏe mạnh và trẻ em lớn tuổi nhiễm HBV, hệ miễn dịch của họ có thể chống lại căn bệnh này. Họ bị nhiễm bệnh viêm gan B 'cấp tính' trong thời gian ngắn. Khoảng 90% trẻ

Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là bệnh do vi-rút viêm gan B (HBV) gây ra.
1. Mô tả
Đa số gặp ở người lớn khỏe mạnh và trẻ em lớn tuổi nhiễm HBV, hệ miễn dịch của họ có thể chống lại căn bệnh này. Họ bị nhiễm bệnh viêm gan B 'cấp tính' trong thời gian ngắn.
Khoảng 90% trẻ nhỏ sinh ra đã có mẹ mắc bệnh này thì đều bị nhiễm bệnh viêm gan B.
Khi bạn nhiễm HBV từ 6 tháng trở lên, bạn được coi là mắc bệnh mạn tính.
2. Phân loại giai đoạn viêm gan B
*Viêm gan cấp tính
Thời gian ủ bệnh từ 1 - 6 tháng. Một số bệnh nhân có cảm giác như bị cảm nhẹ, đôi khi không biết mình bị HBV. Một số khác bị vàng da, mệt mỏi, đau nhức, buồn nôn, chán ăn, sốt nhẹ, biến đổi cảm giác (hiện tượng đặc biệt là người nghiện thuốc lá tự nhiên không thích mùi thuốc lá), đau bụng (dưới sườn bên phải). Những trường hợp bị viêm nặng sẽ đưa đến gan to, ngầy ngật, khó ngủ, mê muội, lãng trí hoặc bất tỉnh.
*Viêm gan mạn tính
Phần lớn khi bị viêm mạn tính cảm thấy bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Một số bị viêm mạn tính nặng thì tiếp tục bị các triệu chứng viêm cấp như mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, và suy gan.
Biểu hiện lâm sàng: Gan to, bàn tay ửng đỏ, mạch máu hình mạng nhện. Khi bị biến chứng xơ gan có thể bị ứ nước trong bụng, vàng da, loãng máu, chảy máu trong dạ dày, tĩnh mạch toả lớn từ rốn (do tăng áp làm giãn tĩnh mạch cửa gan), nam vú to như vú nữ, tinh hoàn teo nhỏ (vì gan yếu làm thay đổi cân bằng của các hormon giới tính).
3. Đối tượng dễ mắc viêm gan B
Nguyên nhân khiến chúng ta dễ mắc bệnh viêm gan B là do thiếu hiểu biết.
Theo thống kê cho biết, người lớn tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng có khả năng mắc bệnh cao nhất. Nguyên nhân là do họ có khả năng miễn dịch thấp, dễ bị vi-rút xâm nhập. Vì vậy phải có những hiểu biết đúng đắn từ đó có biện pháp phòng chữa thật tốt.
1. Người lớn tuổi
Cơ quan bên trong của cơ thể sẽ bị lão hóa dần dần khi chúng ta già đi, trong đó gan là cơ quan mà chúng ta thấy sự thay đổi rõ rệt nhất. Như vậy chức năng giúp gan hấp thụ dinh dưỡng, chuyển hóa các chất trong cơ thể cũng như là giải độc gan sẽ suy giảm, khi đó các tế bào gan sẽ có biểu hiện của sự già hóa ở những mức độ khác nhau.
Sau khi gan bị tổn thương sẽ làm khả năng hồi phục kém đi, đồng thời làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể. Do vậy, người lớn tuổi có nguy cơ bệnh rất cao.
2. Trẻ em
Gan của trẻ em so với người lớn thì lượng máu cung cấp rất dồi dào, khả năng tái tạo tế bào gan mạnh, nhưng hệ miễn dịch ở trẻ em lại chưa trưởng thành không thể loại bỏ những vi-rút nhanh chóng. Do vậy, vi-rút sẽ ở lại trong các tế bào của cơ thể sinh sôi và trẻ em lại trở thành nạn nhân của vi-rút viêm gan B.
3. Phụ nữ mang thai
Theo chuyên gia cho biết, phụ nữ mang thai dễ nhiễm bệnh hơn so với những người bình thường khác. Nguyên nhân chính là do khi mang thai đứa trẻ trong bụng sẽ cần mẹ cung cấp một lượng lớn các chất dinh dưỡng.
Vì vậy, khả năng kháng thể trong cơ thể của người mẹ cũng vì vậy mà giảm đi, khi vi-rút xâm nhập sẽ không đủ khả năng để chống lại. Điều này đồng nghĩa với việc không những người mẹ là nạn nhân, mà tới cả đứa con trong bụng cũng là nạn nhân của viêm gan B.
Con đường lây truyền chủ yếu của viêm gan B chủ yếu qua máu, truyền từ mẹ sang con, quan hệ tình dục… Muốn phòng chống viêm gan B thì chúng ta phải nắm rõ những con người lây truyền của nó, sau đó phải đi tiêm vacxin viêm gan B.
Như vậy mới có thể phòng chống viêm gan B tốt nhất. Những người đã nhiễm viêm gan B phải có tinh thần lạc quan, tích cực chữa trị, tránh làm tình trạng bệnh chuyển biến xấu hơn.

Triệu chứng, biểu hiện viêm gan B

Triệu chứng, biểu hiện viêm gan B

Chỉ khoảng 30 – 50% người lớn có triệu chứng, ở trẻ nhỏ tỷ lệ này còn ít hơn.
Viêm gan cấp
Sốt là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Sốt thường nhẹ, ít khi sốt cao, giống cảm cúm.
Mệt mỏi là triệu chứng rõ rệt hơn.
Vàng da sẽ xuất hiện vài ngày sau khi sốt, mệt, kèm vàng mắt, nước tiểu sẫm màu.
Ngoài ra, có thêm một số triệu chứng khác như chán ăn, đầy bụng, nôn ói, đau bụng vùng trên rốn, đau khớp …
Đợt cấp chỉ kéo dài khoảng 2-3 tuần. Sau đó, nếu không có biến chứng, các triệu chứng bớt dần, người bệnh hồi phục hoàn toàn.
Viêm gan tối cấp
Hiếm khi viêm gan B cấp diễn tiến thành suy gan cấp, các triệu chứng xuất hiện đột ngột hơn, nặng hơn và tử vong lớn hơn 80% do :
Hôn mê gan
- Xuất huyết: người bệnh nôn ói ra máu, đại tiện ra máu, tiểu ra máu, các vết hoặc các đám đỏ bầm dưới da, chảy máu chỗ chích thuốc.
Viêm gan mạn
Giai đoạn nhiễm HBV mạn tính kéo dài nhiều năm, có thể không có triệu chứng, cuối cùng dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan…Hoặc chỉ có các triệu chứng âm ỉ nhưng kéo dài.
Viêm gan mạn có thể xuất hiện dưới 2 thể bệnh:
Thế tiềm ẩn (thể dai dẳng) thường chỉ có những triệu chứng không rõ rệt như mệt mỏi, ăn uống chậm tiêu, táo bón…
Thể hoạt động (thể tấn công) thì các triệu chứng rõ rệt hơn: người bệnh suy nhược, rất yếu, chán ăn, no hơi, đầy bụng… thường bị dị ứng, nổi mề đay, ngứa, và thỉnh thoảng lại có đợt sốt tự nhiên.

Nguyên nhân viêm gan B

Nguyên nhân viêm gan B

Lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con qua đường sinh nở là một trong những nguyên nhân gây viêm gan B.
1. Quan hệ tình dục với người bị viêm gan B
Bạn có thể bị nhiễm nếu có sinh hoạt tình dục không an toàn với người bị viêm gan B. Bạn cũng có thể bị nhiễm nếu dùng chung dụng cụ tình dục nếu không rửa hoặc không dùng bao cao su. Virus có trong dịch tiết của người nhiễm và xâm nhập vào cơ thể bạn qua các vết xước nhỏ và phát triển trong trực tràng và âm đạo của bạn khi quan hệ tình dục.
2. Lây truyền qua sử dụng chung kim tiêm
Virus viêm gan B dễ dàng lây truyền qua bơm kim tiêm có dính máu bị nhiễm. Điều này giải thích tại sao dùng chung kim tiêm khi chích ma tuý khiến bạn có nguy cơ cao nhiễm HBV. Nguy cơ của bạn cũng tăng nếu bạn thường xuyên tiêm chích hoặc có hành vi tình dục không an toàn. Mặc dù tránh tiêm chích là cách phòng ngừa đáng tin cậy nhất, song có thể bạn không chọn cách này.
3. Lây truyền tình cờ qua các vết đâm, chọc
Viêm gan B là một vấn đề đáng lo ngại đối với nhân viên y tế và những người có tiếp xúc với máu người. Nếu bạn ở trong trường hợp này, bạn nên tiêm vaccin viêm gan B ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc khi xử lý kim tiêm và các dụng cụ sắc nhọn khác.
4. Lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con qua đường sinh nở
Phụ nữ có thai nhiễm viêm gan B có thể truyền virus sang con. Nếu bạn bị viêm gan B, cho con của bạn tiêm 1 mũi globulin miễn dịch viêm gan B (H-BIG) khi sinh cùng với mũi đầu tiên trong 3 mũi vaccin viêm gan B sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm virus cho con của bạn.
5. Một số trường hợp lây nhiễm khác
Truyền máu
Tiếp xúc với máu hay các chất dịch của bệnh nhân trong khi da hoặc niêm mạc bị trầy sước, bị đâm thủng như trong các trường hợp: tiêm chích ma túy, châm cứu, xăm mình, xỏ lỗ tai, dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu…
Qua dụng cụ y tế không đảm bảo vô trùng khi chữa răng, nội soi hoặc nạo thai… ở những cơ sở y tế không đảm bảo.

Các yếu tố nguy cơ của viêm gan B

Các yếu tố nguy cơ của viêm gan B

Có rất nhiều yếu tố gây nhiễm viêm gan B.
Công việc của bạn có tiếp xúc với máu người.
Chung sống với người bị nhiễm vi-rút viêm gan B mạn tính.
Sinh hoạt tình dục với người nhiễm vi-rút viêm gan B. Có nhiều bạn tình.
Truyền máu mà không kiểm tra đầy đủ các xét nghiệm về vi-rút viêm gan B.
Có cha mẹ sinh ra ở châu Á, châu Phi, vùng lòng chảo Amazone ở Nam Mỹ, những đảo vùng Thái Bình Dương, Đông Âu hoặc Trung Đông. Được sinh ra trong những vùng kể trên.
Được nhận làm con nuôi từ những vùng kể trên.
Là dân cư vùng Alaska.
Bị bệnh ưa chảy máu.
Là một bệnh nhân hoặc là làm việc trong các bệnh viện ở các nước đang phát triển.
Là một tù nhân trong thời gian dài.
Đi du lịch đến những vùng có tỉ lệ lưu hành vi-rút viêm gan B cao.
 

Biến chứng viêm gan B

Biến chứng viêm gan B

HBV mạn tính có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng
Sẹo của gan (xơ gan). Viêm gan B lây nhiễm có thể gây ra viêm dẫn đến sẹo lớn của gan (xơ gan). Sẹo trong gan có thể làm giảm khả năng hoạt động của gan
Ung thư gan. Những người bị nhiễm viêm gan B mạn tính làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Suy gan. Viêm gan là một tình trạng mà trong đó tất cả các chức năng sống còn của gan bị đóng cửa. Khi điều đó xảy ra, ghép gan là cần thiết để duy trì cuộc sống.
Viêm gan D lây nhiễm. Bất cứ ai bị nhiễm viêm gan B kinh niên cũng dễ bị lây nhiễm với một chủng bệnh viêm gan vi-rút - viêm gan D.
Có thể không bị nhiễm viêm gan D trừ khi đã bị nhiễm HBV. Có cả hai bệnh viêm gan B và viêm gan D làm cho người bệnh có nhiều khả năng sẽ phát triển các biến chứng của viêm gan.
Viêm gan B lây nhiễm có thể gây ra vấn đề về thận, và dẫn đến suy thận. Trẻ em có nhiều khả năng phục hồi từ những vấn đề về thận hơn là người lớn, người lớn có thể bị suy thận.
Viêm mạch máu (viêm mạch). Viêm mạch máu có thể gây biến chứng hơn nữa, mặc dù đây là một biến chứng hiếm gặp của bệnh viêm gan B.
 

Điều trị viêm gan B

Điều trị viêm gan B

Điều trị viêm gan B bằng thuốc, theo dõi và tái khám.
1. Chỉ định điều trị:
Đối với bệnh nhân viêm gan vi-rút B mạn tính có HBeAg dương tính và HBV DNA cao (> 105 copies/ml):
+ ALT bình thường: 3-6 tháng xét nghiệm ALT 1 lần, 6-12 tháng xét nghiệm HBeAg 1 lần. Cần sinh thiết gan đối với BN > 40 tuổi có ALT bình thường, tiến hành điều trị khi có viêm hoại tử mức độ vừa và nặng hoặc xơ nhiều.
+ ALT từ 1-2 lần so với bình thường: 3 tháng xét nghiệm ALT 1 lần, 6 tháng xét nghiệm HBeAg 1 lần. Cần sinh thiết gan đối với BN > 40 tuổi hoặc ALT tăng thường xuyên. Tiến hành điều trị khi có viêm hoại tử mức độ vừa và nặng hoặc xơ nhiều.
+ ALT >2 lần so với bình thường: Nếu có vàng da hoặc xơ gan mất bù điều trị ngay, nếu không có thể trì hoãn điều trị sau 6 tháng.
Đối với bệnh nhân viêm gan vi-rút B mạn tính có HBeAg âm tính :
+ ALT bình thường có HBV DNA < 104 copies/ ml: 3 tháng xét nghiệm ALT 1 lần trong năm đầu, nếu không tăng sau đó 6-12 tháng xét nghiệm ALT 1 lần.
+ ALT từ 1-2 lần so với bình thường: 3 tháng xét nghiệm ALT và HBV DNA 1 lần, nếu nồng độ vi-rút không thay đổi cần tiến hành sinh thiết gan đối với người trên 40 tuổi. Tiến hành điều trị khi có viêm hoại tử mức độ vừa và nặng hoặc xơ nhiều.
+ ALT >2 lần so với bình thường và HBV DNA ≥ 104 copies/ml: Tiến hành điều trị.
2.Thuốc:
Các thuốc dẫn chất nucleotid:
Lamivudine: liều dùng 100 mg/ngày. Đây là thuốc có tỉ lệ kháng thuốc cao nhất. Tỉ lệ kháng thuốc 14- 32% sau 1 năm và tỉ lệ này là 60-70% sau 5 năm.
Adefovir Dipivoxil: liều dùng 10 mg/ngày. Tỉ lệ kháng thuốc sau 1 năm là 11%, 5 năm là 20-29%.
Telbivdine: Liều dùng 200 mg/ngày. Tỉ lệ kháng thuốc sau 2 năm là 21%.
Entecavir: Liều dùng 0,5 mg/ngày, đối với bệnh nhân đã kháng lamivudine dùng liều 1 mg/ngày. Tỉ lệ kháng thuốc sau 2 năm là 3%.
Tenofovir: 300 mg/ngày. Tỉ lệ kháng thuốc thấp.
Thời gian điều trị đối với nucleoside:
Nếu dùng thuốc 6 tháng mà HBV DNA giảm < 102 copie/ml thêm thuốc hoặc thay đổi thuốc.
Đối với bệnh nhân viêm gan vi-rút B mạn tính có HBeAg dương tính: dùng đến khi chuyển đổi huyết thanh HBeAg âm tính và anti HBe dương tính và tiếp tục duy trì thuốc tối thiểu 6 tháng.
Đối với bệnh nhân viêm gan vi-rút B mạn tính có HBeAg âm tính: dùng đến khi nào mất HBsAg.
Đối bệnh nhân xơ gan mất bù hoặc tái phát sau điều trị đủ liệu trình hoặc sau ghép gan thì dùng suốt đời.
Các Interferon và Peg- interferon: ít hiệu quả đối với người châu Á.
Interferone µ: dùng điều trị 24 tuần với HBeAg dương tính, tối thiểu 12 tháng với HBeAg âm tính. Tác dụng đối genotype A tốt hơn genotype B ít hiệu quả với genotype C. Người Việt Nam phần lớn là genotyp B, C do vậy ít tác dụng khi dùng interferon hoặc Peg-interferon.
Đối với với HBeAg dương tính: Peginterferone µ2a dùng 180 mg/tuần trong 48 tuần cho thấy có 27% đảo huyết thanh và 29% đối với dùng Peginterferone µ2b.
Đối với với HBeAg âm tính: Peginterferone µ2a dùng 180 mg/tuần trong 48 tuần cho thấy có 15% bệnh nhân có tỉ lệ ALT bình thường tại tuần 72 và HBV DNA vẫn phát hiện được tuy nhiên ở nồng độ thấp.
3. Điều trị hỗ trợ:
4. Theo dõi và tái khám:
Các chỉ số theo dõi:
ALT, HBV DNA, HbeAg, AntiHBe, aFP.
Siêu âm bụng.
Tái khám:
Sau 1- 3 tháng.

Phòng ngừa viêm gan B

Phòng ngừa viêm gan B

Vắc-xin viêm gan B đã có từ năm 1981. Nó gồm 3 mũi tiêm có khả năng bảo vệ trên 90% cho cả người lớn và trẻ em.
Hầu như ai cũng có thể tiêm vắc-xin, kể cả trẻ em, người già và những người bị tổn thương hệ miễn dịch. Trẻ em thường được tiêm ngay trong năm đầu tiên sau khi sinh - thường vào 2, 4 và 9 tháng tuổi.
Tác dụng phụ thường nhẹ và bao gồm: Ốm, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn và đau hoặc sưng tại vị trí tiêm.
Trong những năm gần đây, đã nảy sinh mối lo ngại là việc tiêm vắc-xin có thể gây ra bệnh tự miễn nghiêm trọng, nhất là bệnh xơ cứng rải rác - một bệnh có khả năng gây tàn phế ảnh hưởng đến não và tuỷ sống. Mối lo sợ này bùng lên trong những năm 1990 khi một số người bị bệnh xơ cứng rải rác một thời gian ngắn sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B.
Vào tháng 2/2001, kết quả nghiên cứu dài ngày đầu tiên về vắc-xin viêm gan B và bệnh xơ cứng rải rác đã được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine. Theo nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu ở Trường Y tế công cộng Harvard không thấy có mối liên quan giữa việc tiêm vắc-xin Engerix-B và bệnh xơ cứng rải rác.
Một số người cũng lo ngại là việc tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ em có thể góp phần gây ra hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ. Từ năm 1991 và 1998, 18 trẻ sơ sinh đã chết sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B, nhưng các nhà nghiên cứu đã không thể chứng minh được mối liên quan trực tiếp giữa các trường hợp tử vong và vắc-xin.
Mặc dù tiêm chủng là cách tốt nhất để bảo vệ bạn và những người khác khỏi viêm gan B, các biện pháp dưới đây có thể cũng giúp giữ an toàn cho bạn.
Nếu bạn không nhiễm viêm gan B
Các biện pháp sau đây có thể giúp bạn tránh được nhiễm HBV:
Giáo dục cho bản thân và những người khác. Bạn cần hiểu HBV là gì và cách thức lây truyền của vi-rút.
Biết về tình trạng viêm gan B của bạn tình. Không sinh hoạt tình dục mà không có biện pháp bảo vệ trừ khi bạn chắc chắn là bạn tình của bạn không bị nhiễm HBV, HIV hoặc bất kỳ bệnh lây qua đường tình dục nào khác.
Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục. Nếu bạn không biết về tình trạng sức khỏe của bạn tình, hãy sử dụng bao cao su mới mỗi khi quan hệ tình dục đường hậu môn hoặc âm đạo. Nếu bạn dị ứng với latex, hãy sử dụng bao cao su bằng chất dẻo (polyurethan).
Sử dụng kim tiêm vô trùng. Nếu bạn sử dụng kim để tiêm chích, phải đảm bảo kim tiêm vô trùng, và không dùng chung kim tiêm. Tham gia vào chương trình đổi kim tiêm trong cộng đồng nơi bạn sinh sống và cân nhắc điều trị cai nghiện ma tuý.
Nói với bác sĩ nếu bạn sắp đi du lịch quốc tế. Nếu bạn định đi du lịch xa tới vùng có dịch viêm gan B, hãy hỏi bác sĩ về vắc-xin viêm gan B từ trước. Việc tiêm chủng thường gồm 3 mũi tiêm trong thời gian 6 tháng.
Thận trọng với các sản phẩm máu ở một số nước. Mặc dù việc cung cấp máu hiện nay ở Mỹ đã được sàng lọc kỹ, nhưng điều này không phải luôn đúng ở các nước khác. Nếu trường hợp khẩn cấp bắt buộc bạn phải truyền máu hoặc các sản phẩm của máu ở một nước khác, hãy làm xét nghiệm HBV ngay khi bạn trở về nhà.
Nếu bạn có thai, hãy đi xét nghiệm viêm gan B.
Nếu bạn nhiễm viêm gan B
Nếu bạn được chẩn đoán nhiễm HBV, các hướng dẫn sau đây sẽ giúp bảo vệ những người khác:
Thực hành tình dục an toàn. Cách rõ ràng nhất để bảo vệ bạn tình của bạn khỏi nhiễm HBV là tránh những việc khiến họ phải tiếp xúc với máu, nước bọt, tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo. Ngoài ra, hãy tuân theo hướng dẫn về tình dục an toàn, bao gồm sử dụng bao cao su mới mỗi khi có quan hệ tình dục. Nếu bạn sử dụng dụng cụ kích dục, không dùng chung.
Nói với bạn tình rằng bạn bị HBV. Cần nói cho những người mà bạn có quan hệ tình dục biết rằng bạn bị nhiễm HBV. Bạn tình của bạn cần được xét nghiệm và điều trị nếu họ nhiễm vi-rút. Họ cũng cần biết về tình trạng HIV của họ để tránh lây nhiễm cho người khác.
Không dùng chung bơm kim tiêm. Nếu bạn tiêm chích ma tuý, đừng bao giờ dùng chung bơm kim tiêm với người khác.
Không cho máu hoặc tạng.
Không dùng chung dao cạo râu hoặc bàn chải đánh răng. Chúng có thể dính máu nhiễm bệnh. Một số chuyên gia cũng gợi ý không dùng chung lược, bàn chải tóc và bấm móng tay.
Nếu bạn có thai, phải nói cho bác sĩ biết bạn bị nhiễm HBV. Bằng cách đó, con của bạn sẽ được điều trị sớm ngay sau khi sinh.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Ung thư thanh quản không được biết đến trong cộng đồng như một số loại ung thư khác, nhưng nó không phải là một căn bệnh hiếm gặp.
  • 19-04-2022
    Thông liên thất (ventricular septal defect) là một khuyết tật tim bẩm sinh. Bệnh xảy ra khi trong tim bé tồn tại một lỗ thông giữa tâm thất trái và tâm thất phải.
  • 21-02-2019

    Ung thư phổi là bệnh ung thư hay gặp, tiên lượng còn nhiều hạn chế do đa số bệnh nhân được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn muộn (thế giới: 60-70%; Việt Nam 90-93%). Ung thư phổi là loại ung thư ác tính nguyên phát thường gặp nhất, hầu hết ung thư phổi

  • 17-10-2018

    Viêm gân cơ quay khớp vai là viêm các gân tại chóp xoay vai. Vai có phạm vi di chuyển lớn hơn tất cả các khớp khác và cũng thường bị chấn thương hơn. Cơ delta lớn và khỏe cung cấp nhiều lực cho các cử động của vai nhất. Bên dưới cơ này là bốn cơ quay

  • 28-05-2018
    Nhiễm khuẩn hô hấp do Mycoplasma pneumonia (MP) là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, nếu không được điều trị đúng mức sẽ gây biến chứng viêm phổi nặng hoặc triệu chứng kéo dài, có thể lây ra cộng đồng.
  • 28-05-2018
    Viêm bờ mi gồm nhiều tổn thương cấp tính và mạn tính. Đây là một bệnh thường gặp, gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân, việc điều trị có khi rất dai dẳng vì khó xác định được nguyên nhân. Tỷ lệ bệnh nhân bị viêm bờ mi hiện nay tương đối cao. Tuy chưa có