Ung thư phổi

Ung thư phổi là bệnh ung thư hay gặp, tiên lượng còn nhiều hạn chế do đa số bệnh nhân được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn muộn (thế giới: 60-70%; Việt Nam 90-93%). Ung thư phổi là loại ung thư ác tính nguyên phát thường gặp nhất, hầu hết ung thư phổi

Bệnh ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi là bệnh ung thư hay gặp, tiên lượng còn nhiều hạn chế do đa số bệnh nhân được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn muộn (thế giới: 60-70%; Việt Nam 90-93%).
Ung thư phổi là loại ung thư ác tính nguyên phát thường gặp nhất, hầu hết ung thư phổi bắt nguồn từ biểu mô trên niêm mạc của phế quản, nên còn gọi là ung thư phổi phế quản.

(Ảnh minh họa)

Phân loại ung thư phổi

Phân loại các loại ung thư phổi cơ bản:

  • Ung thư phổi tế bào nhỏ: bệnh nhân mắc loại ung thư này chiếm khoảng 20%, thời gian tăng trưởng các tế bào ung thư của loại ung thư phổi tế bào nhỏ này ngắn, phát triển nhanh, thường đi kèm với bài tiết bất thường bên trong hoặc hội chứng Carcinoid.
  • Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ: có khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi là thuộc ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Việc phân biệt hai loại ung thư này có vai trò rất quan trọng vì phương pháp điều trị đối với hai loại ung thư phổi này hoàn toàn khác nhau.

Phân loại các loại ung thư phổi lâm sàng:

  • Ung thư dạng biểu bì: đây là loại thường gặp nhất trong tất cả các loại ung thư phổi, chiếm khoảng 50%. Độ tuổi của bệnh nhân thường là 50 tuổi trở lên, thường gặp ở nam giới nhiều hơn ở nữ giới. Loại này thường bắt nguồn từ phế quản tương đối lớn, thường là ung thư phế quản trung tâm.
  • Ung thư chưa biệt hóa: tỷ lệ phát bệnh chỉ đứng sau ung thư dạng biểu bì, thường gặp nhiều ở nam giới, và những người trẻ tuổi, thông thường là do phế quản khá lớn. Hội chứng Carcinoid thì dựa vào tổ chức hình dạng tế bào mà có thể phân thành các loại như ung thư biểu mô tế bào nhỏ, tế bào tròn nhỏ và tế bào lớn, trong đó gặp nhiều nhất là loại ung thư biểu mô tế bào nhỏ.
  • Ung thư tuyến phế quản: bắt nguồn từ lớp da trên biểu mô phế quản, rất ít khi bắt nguốn từ tuyến niêm mạc của phế quản lớn. Tỷ lệ phát bệnh thấp hơn ung thư dạng biểu bì và ung thư chưa biệt hóa, thường ở độ tuổi nhỏ, và gặp nhiều ở nữ giới. Đa số ung thư mô tuyến bắt nguồn từ phế quản nhỏ, là ung thư phế quản ngoại vi.
  • Ung thư tế bào lá phổi: bắt nguồn từ lớp da biểu bì phế quản, còn được gọi là ung thư tế bào phổi phế quản nhỏ hay ung thư tuyến phế quản nhỏ. Vị trí là ở xung quanh lá phổi, có tỷ lệ phát bệnh thấp hơn so với các loại khác, và thường gặp ở nữ giới.

Triệu chứng, biểu hiện của bệnh ung thư phổi

Triệu chứng lâm sàng

  • Khi khối u dưới 1cm đường kính thì chưa có dấu hiệu lâm sàng.
  • Nhiều trường hợp, thường do chụp X-quang phổi nghi ngờ mà chẩn đoán được.
  • Nói chung khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng ở phổi thì đã muộn (trong cơ thể đã có một số tế bào ung thư di căn ở một hay nhiều cơ quan khác). Những nhóm tế bào này thường tồn tại lặng lẽ trong một thời gian. Nơi khu trú của các nhóm tế bào di căn này là ở não, xương, gan... hoặc ở ngay phế quản. Nhiều khi triệu chứng xuất hiện là biểu hiện của biến chứng. Vì vậy, khi chẩn đoán được là lúc bệnh đã tiến triển.

Triệu chứng hô hấp

  • Ho: Thường ho dai dẳng, ho là một phản ứng của niêm mạc phế quản đối với sự phát triển của khối u, ở phế quản càng lớn ho càng rõ rệt. Trong ung thư ngoại vi, thường ít ho và ho xuất hiện muộn hơn. Giai đoạn đầu bệnh nhân thường ho khan về sau ho có thể có đờm nhầy và có thể có máu. Thường ho ra ít máu, máu có màu tím. Nguyên nhân ho ra máu là do loét niêm mạc phế quản hoặc do u xâm nhập vào động mạch phế quản nhỏ.
  • Đau ngực: Khó thở ở thì thở vào hoặc thở ra do phế quản bị chít hẹp.
  • Có thể có triệu chứng của viêm phổi cấp tái diễn nhiều lần ở một vùng phổi.

Triệu chứng toàn thân

  • Sút cân: Tình trạng chung suy sụp, mệt mỏi, khoảng 5 - 15% có hội chứng Pierre-Marie (ngón tay dùi trống) đau và biến dạng các xương bàn tay, bàn chân. Hội chứng này thường do ung thư tuyến phế quản sản xuất ra hormon sinh trưởng.

Triệu chứng di căn trong lồng ngực

  • Hay gặp ung thư biểu bì, ung thư này di căn sớm vào các hạch bạch huyết ở rốn phổi và trung thất gây nên hội chứng trung thất như hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên.
  • Nếu khối u ở đỉnh phổi có thể xâm nhập vào thành ngực tại chỗ gây nên hội chứng Pancoast-Tobias. Hội chứng này gồm có:
  • Hội chứng Horner: Đau nửa đầu, co đồng tử, sụp mi do liệt cơ Muller, hẹp khe mắt.
  • Đau dây thần kinh mặt trong cánh tay.
  • Đau các khớp cột sống từ C8-D1.
  • Cung xương sườn 1 và 2 bị phá huỷ, có khi phá hủy cả xương đòn.
  • Hội chứng cận u: Một số u có thể tiết ra những chất giống hormon và tác dụng hoàn toàn giống hormon. Thường hay gặp nhất là ung thư phổi. Đây là hội chứng nội tiết lạc chỗ.
  • Hội chứng cường chức năng vỏ thượng thận:
  • Có triệu chứng như trong bệnh Cushing nhưng không điển hình: Bệnh nhân thấy mệt mỏi, phù toàn thân, mỏi và yếu cơ, da mặt nhiều trứng cá, đái tháo đường. Có thể có sạm da do u vừa tiết ACTH và tiết MSH. Có trường hợp có huyết áp cao.
  • Hội chứng tăng tiết ADH (hội chứng Shwartz - Batler): ADH tăng tái hấp thu nước tiểu do vậy giữ lại nước trong cơ thể, làm loãng độ natri huyết tương, giảm nồng độ clo.
  • Hội chứng canxi máu: Do u tiết hormon cận giáp hoặc do tiêu xương vì di căn, lâm sàng bệnh nhân có khát, đái nhiều, giảm trương lực và yếu cơ, rung cơ, chán ăn, buồn nôn.
  • Hội chứng Pierre-Marie: Do tăng nồng độ hormon sinh trưởng (GH) làm hình thành những xương mới, chủ yếu là ở các xương dài, xương tăng sinh và viêm xương dưới màng xương. Hậu quả là khớp sưng đau, ngón tay, ngón chân dùi trống.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Đi khám bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Ung bướu trên hệ thống khám từ xa Wellcare khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên để được tư vấn, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị bệnh.

Nguyên nhân gây ung thư phổi

Sự phơi nhiễm lâu dài với các yếu tố này gây tích tụ các thay đổi trong ADN của mô lát bên trong phế quản phổi (tức biểu mô phế quản). Khi ngày càng nhiều mô bị tổn thương, cuối cùng sẽ dẫn đến ung thư.

  • Hút thuốc: hút thuốc lá trong một thời gian dài có thể gây ung thư da trên biểu bì hoặc ung thư tế bào nhỏ không biệt hóa. Khói thuốc lá sẽ nhả ra các chất gây ung thư.
  • Yếu tố nghề nghiệp: nếu tiếp xúc lâu với các chất phóng xạ như urani, radium và các hợp chất dẫn đến ung thư như hydrocarbon, thạch tín và crom niken.
  • Các bệnh mãn tính ở phổi: những người có bệnh lý về kết hạch phổi hay ho do dị ứng thì thường có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao hơn những người bình thường. Ngoài ra trong quá trình lành vết thương, viêm phế quản cũng có thể dẫn đến ung thư.
  • Yếu tố bên trong cơ thể: gia tộc di truyền và khả năng miễn dịch làm giảm chức năng bài tiết trong quá trình trao đổi chất…

Các yếu tố nguy cơ ung thư phổi

  • Thuốc lá: Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ung thư phổi. Các chất độc hại, được gọi là những tác nhân gây ung thư, có trong thuốc lá làm tổn hại tới các tế bào ở trong phổi. Dần dần, những tế bào này có thể trở thành ung thư. Xác suất một người hút thuốc bị ung thư phổi phụ thuộc vào độ tuổi bắt đầu hút thuốc, thời gian hút thuốc, lượng thuốc lá hút trong một ngày và mức độ hít khói thuốc. 
  • Xì gà và thuốc lá tẩu: Những người hút xì gà và hút thuốc lá tẩu có nguy cơ mắc ung thư cao hơn những người không hút thuốc. Số năm hút thuốc, số lượng xì gà và thuốc lá tẩu hút mỗi ngày, mức độ hít khói thuốc đều ảnh hưởng đến nguy cơ bị ung thư phổi.
  • Khói thuốc lá trong môi trường: Nguy cơ bị ung thư phổi tăng lên khi có tiếp xúc với khói thuốc trong môi trường. Tiếp xúc với khói thuốc trong môi trường, hay khói thuốc gián tiếp được gọi là hút thuốc không tự nguyện hay hút thuốc lá thụ động.
  • Radon: Radon là một chất khí phóng xạ không màu, không mùi vị và không nhìn thấy bằng mắt thường trong tự nhiên có trong sỏi và đá. Nó có thể làm tổn hại tới phổi và từ đó có thể dần đến ung thư phổi. 
  • Amiăng: Amiăng là tên gọi của một nhóm các chất khoáng, có trong tự nhiên dưới dạng sợi và được sử dụng trong một số ngành công nghiệp. Sợi amiăng có thể dễ dàng bị đứt đoạn thành các hạt nhỏ bay lơ lửng trong không khí và dính vào quần áo. Khi hít phải những hạt này chúng sẽ cư trú ở phổi, làm tổn hại tới tế bào và tăng nguy cơ ung thư phổi.
  • Ô nhiễm: Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa bệnh ung thư phổi và sự tiếp xúc với một số chất gây ô nhiễm không khí nhất định, ví dụ như các sản phẩm phụ sinh ra trong quá trình đốt dầu diesel và những nhiên liệu hóa thạch khác.
  • Các bệnh phổi: Một số bệnh phổi như bệnh lao làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Ung thư phổi có xu hướng phát triển ở những vùng phổi bị sẹo do bệnh lao gây ra.
  • Tiền sử bản thân: Một người đã mắc ung thư phổi một lần có nguy cơ mắc ung thư phổi lần 2 cao hơn so với một người chưa bao giờ mắc bệnh ung thư phổi. Bỏ hút thuốc sau khi được chẩn đoán ung thư phổi có thể ngăn ngừa nguy cơ bị ung thư phổi lần hai.

Điều trị bệnh ung thư phổi

Phẫu thuật loại bỏ khối u

  • Có hiệu quả nhất khi khối u còn nhỏ và chưa có di căn. Bệnh nhân có thể trạng tốt để phẫu thuật. 20% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này.
  • Những bệnh nhân được phẫu thuật lấy toàn bộ khối u có thời gian sống thêm lâu dài.

Điều trị tia xạ

  • Phương pháp này được áp dụng cho 35% bệnh nhân. Mục đích là phá hủy khối u khi nó còn nhỏ (thường có đường kính 6 cm) và không có di căn.
  • Đối với những khối u lớn thì nó làm giảm sự phát triển của khối u. Phương pháp điều trị này kéo dài đời sống của bệnh nhân nhưng ít khi chữa khỏi bệnh.

Điều trị bằng hóa chất

  • Có tác dụng tốt ở hầu hết bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ và đôi khi ở những loại ung thư phổi khác. Những tiến bộ gần đây về hóa trị liệu đã làm giảm đáng kể những tác dụng phụ so với trước đây.

Điều trị hỗ trợ

  • Chỉ áp dụng cho khoảng 1/3 bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn không điều trị được bằng các phương pháp kể trên, bao gồm chăm sóc bệnh nhân, điều trị triệu chứng và làm giảm đau.
  • Cần có một chế độ ăn thích hợp, nghỉ ngơi, chăm sóc về mặt y tế và giải trí đôi khi cũng giúp ích cho bệnh nhân.

Ở hầu hết các bệnh nhân ung thư, kết quả điều trị tốt nhất khi ung thư được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị mới bao gồm đưa chất đồng vị phóng xạ vào phế quản, điều trị bằng tia xạ, điều trị bằng laser, các thuốc hóa chất mới, những nghiên cứu sinh học phân tử đang được tiến hành và đã thu được một số kết quả.
Trong quá trình điều trị, nếu có bất cứ vấn đề gì, bạn và gia đình nên trao đổi trực tiếp với các bác sĩ để có biện pháp điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.

Phòng ngừa ung thư phổi

Không nên lạm dụng các vitamin. Thí dụ, chất beta-carotene là tiền sinh tố A ở lượng cao có thể gia tăng nguy cơ bị ung thư phổi.
Cách tốt nhất để giữ cơ thể khỏe mạnh là ăn uống điều độ và ăn đủ loại thực phẩm vì mỗi loại thức ăn có những yếu tố dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể. Ngưng hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi rất nhiều. Ngưng càng sớm càng tốt. Không hút thuốc lá là cách tốt nhất để ngừa ung thư phổi.

Theo Sức khỏe & Đời sống 

- 21-02-2019 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt kéo dài nhiều ngày. Bình thường, mỗi kỳ kinh chỉ ra máu trong khoảng 7 ngày trở lại, khi thấy kinh trên 7 ngày thì gọi là rong kinh Rong kinh là một trong những vấn đề thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (tăng
  • 28-05-2018
    Các nhà nghiên cứu nghi ngờ bệnh có thể là do mất cân bằng hóa chất dopamin của não. Hóa chất này gửi thông điệp kiểm soát cử động cơ. Hội chứng chân không nghỉ di truyền trong gia đình ở tới 50% số người bị hội chứng chân không nghỉ, đặc
  • 28-05-2018
    Cây sơn độc là một loại cây có thể gây ra dị ứng da nghiêm trọng (viêm da do tiếp xúc). Sự dị ứng này xảy ra do một loại nhựa tên là urushiol có mặt trong lá, cành và rễ cây. Vùng da bị ảnh hưởng có thể bị khô, đỏ hoặc có thể bỏng giộp. Nếu cây bị đốt
  • 04-10-2018

    Viêm phế quản mãn tính là tình trạng niêm mạc lót trong các ống phế quản bị sưng đỏ lên và tiết nhiều chất nhầy. Các chất nhầy này làm hẹp lòng ống và gây khó thở. Bệnh khí phế thũng là tình trạng nhiều phế nang bị mất đi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến

  • 28-05-2018
    Bệnh nhân ngơ ngác, mất phương hướng, không biết mình ở đâu, trong thời gian nào. Họ quên cách gọi thông thường về người và sự vật. Họ cũng quên luôn cả cách tự chăm sóc hàng ngày như tắm rửa, đánh răng, ăn cơm, mặc quần áo. Và họ hành động giống như